Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật V Thường Niên – Hãy Mở Lòng Ra Với Chúa

(St 3:1-8; Mc 7,31-37)

Bạn có phạm lỗi lầm bao giờ chưa? Tôi tin chắc rằng bạn và tôi ai cũng đã phạm lỗi lầm hàng ngàn hàng vạn lần trong đời. Ngày hôm qua, Thánh Vịnh đáp ca nói cho chúng ta về loại người được hạnh phúc, đó là những người kính sợ Thiên Chúa. Còn trong Thánh Vịnh đáp ca ngày hôm nay, chúng ta cũng tìm thấy một loại người khác cũng được hạnh phúc, đó là: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ.” Thật vậy, khi phạm lỗi lầm với Chúa hoặc với người khác, chúng ta thường mất bình an và không hạnh phúc. Nhiều khi chúng ta trốn chạy khỏi Thiên Chúa và người khác vì xấu hổ như bài đọc 1 trình bày cho chúng ta: “Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa” (St 3:8). Nhưng khi làm hoà được với người mình đã xúc phạm, chúng ta thấy tâm hồn bình an và chúng ta hưởng được niềm hạnh phúc dâng trào trong tâm hồn mà chúng ta luôn ao ước và tìm kiếm.

Chủ đề lỗi phạm được tìm thấy trong bài đọc 1 hôm nay và chủ đề chữa lành được tìm thấy trong bài Tin Mừng. Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta cám dỗ và lỗi phạm đầu tiên trong lịch sử con người. Lỗi phạm này được gọi là “Tội Nguyên Tổ.” Lỗi phạm trong đời chúng ta luôn bắt đầu với việc khẳng định chính mình trước mặt Thiên Chúa. Như chúng ta đã chia sẻ hai hôm trước [thứ tư], tự do của con người được thể hiện qua mệnh lệnh: “Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: ‘Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết’” (St 2:16-17). Mệnh lệnh này nói lên giới hạn của con người. Và đây cũng chính là điểm yếu của con người mà ma quỷ sẽ dùng để cám dỗ. Chúng ta thấy con rắn bắt đầu như sau: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không ?” (St 3:2). Nó chỉ thay lời của Thiên Chúa từ “hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn” thành “các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn.” Bà Evà lặp lại lời Thiên Chúa để trả lời: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết’” (St. 2-3). Chúng ta thấy chiến thuật của ma quỷ là đi từ “hoàn toàn bị giới hạn, không có tự do” [‘không được ăn]. Khi bà Evà khẳng định là con người có giới hạn, nhưng không hoàn toàn như một rôbốt, thì ma quỷ dẫn bà đi sang thái cực ngược lại, đó là, con người không bị giới hạn. Thiên Chúa chỉ lừa con người: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3:4-5). Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng rằng: Cám dỗ của ma quỷ là làm cho con người không còn khiêm nhường để chấp nhận mình là một tạo vật có giới hạn hay đúng hơn là “kiêu ngạo” để đi vượt qua giới hạn của mình. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng: lỗi phạm lớn nhất của chúng ta là không chấp nhận vẻ đẹp của riêng mình với những giới hạn và yếu đuối của nó.

Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra trong bài đọc 1 là bản chất của các cám dỗ trong đời sống thường ngày của chúng ta. Những cám dỗ thường xuất hiện với vẻ bề ngoài thật đẹp và thường nhắm vào một nhu cầu hiện tại cần được thoả mãn của chúng ta. Trong triết học, người ta gọi “cám dỗ” là “sự thiện mang vẻ bề ngoài,” tức là, một sự vật tự bản chất là xấu, nhưng xuất hiện với vẻ rất quyến rũ và đẹp. Chính vì không nhìn thấy bản chất của sự vật và luôn chạy theo vẻ đẹp bề ngoài, nên con người dễ dàng “thấy trái cây đó: ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3:6). Điều này nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận để không rơi vào “chước cám dỗ” bằng cách đừng để cho mình bị cuốn theo vẻ bề ngoài, nhưng nhìn sự vật trong chính bản chất của nó với sự trợ giúp của ân sủng Chúa.

Một điểm khác chúng ta cần lưu ý là việc thay đổi trong thái độ của Adam và Evà trước và sau khi phạm tội: Trước khi phạm tội, họ nhìn nhau trần truồng, nhưng không thấy xấu hổ (x. St 2:25); còn sau khi phạm tội “mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3:7). Chúng ta có thể giải thích điều này theo nhiều chiều hướng khác nhau. Nhưng trong phạm vi của bài chia sẻ này, điều chúng ta có thể suy gẫm là: Trước và sau khi phạm tội, chắc chắn thân xác trần truồng của Adam và Evà không thay đổi. Điều duy nhất thay đổi ở đây là “cách nhìn”: Trước khi phạm tội, “họ nhìn nhau trần truồng, nhưng không thấy xấu hổ; nhưng sau khi phạm tội, “họ thấy mình trần truồng, họ mới kết lá vả làm khố che thân.” Một sự thay đổi từ “nhìn nhau” đến “nhìn mình.” Cuộc đời chúng ta chỉ trở nên đẹp, không che đậy khi chúng ta biết “nhìn nhau” và giúp nhau, chứ không chỉ biết “nhìn mình” và đóng kín trong chính mình. Cái nhìn rất quan trọng vì chúng ta nhìn người khác thế nào sẽ quyết định thái độ của chúng ta đối với họ: Nếu chúng ta nhìn với ánh mắt yêu thương, thì thái độ của chúng ta sẽ hiền dịu; còn nếu chúng ta nhìn với ánh mắt ghen ghét, thì thái độ của chúng ta sẽ trở nên chua chát. Hãy học để nhìn mọi người và mọi sự với ánh mắt đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta phép lạ thứ hai Chúa Giêsu thực hiện trong lãnh thổ của dân ngoại. Ngày hôm qua, Chúa Giêsu chữa người con gái của một phụ nữ Hy Lạp, và hôm nay Ngài chữa một người điếc và ngọng. Như chúng ta đã trình bày hôm qua, ơn cứu độ Chúa Giêsu mang đến là cho hết mọi người. Như vậy, Tin Mừng Ngài đem đến cũng phải được nghe và công bố bởi muôn người. Đây chính là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay: Chữa người ngọng hoặc câm [để công bố] và điếc [để lắng nghe]. Phép lạ hôm nay có thể được gọi là phép lạ “hãy mở ra”: “Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” (Mc 7:34-35). Chúng ta cũng cần được mở ra vì nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta đóng tai và miệng trước việc nghe và công bố niềm vui của ơn cứu độ. Hơn nữa, chúng ta không chỉ đóng tai và miệng, mà chúng ta cũng đóng con tim của chúng ta lại trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, trước việc đón nhận người khác vào trong con tim của mình. Chúng ta cần Chúa chạm đến và mở tai để chúng ta nghe lời Ngài và đem ra thực hành [không nghe những lời nói hành nói xấu nhau], mở mắt để chúng ta nhìn thấy những kỳ công của Ngài, mở miệng để chúng ta nói tốt cho nhau [không nói những điều mất lòng Chúa và mất lòng nhau], mở tay để chúng ta biết trao ban, và mở con tim để chúng ta đón nhận, yêu thuơng và tha thứ cho những người làm tổn thương chúng ta.

Điểm cuối cùng chúng ta quan tâm là việc Chúa Giêsu cấm không cho người ta kể chuyện Ngài chữa người câm điếc. Điều này thường xảy ra trong Tin Mừng của Thánh Máccô như chúng ta đã chia sẻ trước đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh hôm nay, khi Chúa Giêsu cấm không cho họ kể lại là Ngài có ý nói cho họ biết rằng sứ vụ của Ngài không chỉ giới hạn bởi việc chữa bệnh. Đây chỉ là một trong những khía cạnh của Đấng Messia mà Isaia nói đến mà họ trích dẫn: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (Mc 7:37; x. Is 35:5-6). Điều này không đúng với chân tính mà Tin Mừng của Máccô muốn trình bày. Theo Thánh Máccô, chân tính thật của Chúa Giêsu là Đấng được xức dầu [Đấng Messia], là Con Thiên Chúa (Mc 1:1), Đấng được mặc khải trọn vẹn trên Thánh Giá và trong sự phục sinh của Ngài (x. Mc 15:39). Điều này nhắc nhở chúng ta về một thực tại trong cuộc sống: Chúng ta không thể đánh giá chân tính một con người chỉ dựa vào một khía cạnh nào đó của cuộc sống họ. Chúng ta phải có toàn bộ bức tranh của cuộc đời họ để có thể nói về họ một cách chính xác nhất. Người ta thường nói: Chân tính của một con người không được tỏ lộ cách rõ ràng cho đến khi người đó nhắm mắt xuôi tay. Như vậy, chúng ta đừng có thái độ kết án người khác. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và hãy giữ niềm hy vọng cho đến khi được cùng nhau về thiên đàng thì mọi sự sẽ được tỏ lộ.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB