(1 Pr 5:1-4; Mt 16:13-19)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Lập Tông Toà Thánh Phêrô, Tông Đồ. Đây là lễ mừng kính việc Chúa Giêsu đặt Thánh Phêrô làm “Giáo Hoàng” tiên khởi của Giáo Hội và “Giám Mục” đầu tiên của Rôma. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha để ngài chăn dắt Giáo Hội theo gương vị Mục Tử Nhân Lành là Đức Giêsu Kitô. Trong khi cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, chúng ta cũng không quên việc cố gắng để trở nên những con chiên ngoan hiền. Để làm được điều đó, chúng ta cùng nhau để lời Chúa hướng dẫn chúng ta hôm nay trong việc khám phá ra ý nghĩa và điều Chúa muốn chúng ta phải sống.
Một trong những nét chính yếu của lễ kính hôm nay là nói về hình ảnh của người mục tử. Để bắt đầu chúng ta tự hỏi: Ai đang chăn dắt tôi trong từng ngày sống? Tôi có thiếu thốn gì không? Những người không có Chúa Giêsu làm mục tử chăn dắt sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn. Còn những ai có Chúa Giêsu làm mục tử chăn dắt sẽ không còn thiếu thốn gì. Đây là lời Thánh Vịnh Gia nói cho chúng ta trong câu đáp ca hôm nay: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” Như vậy, có Chúa Giêsu là có tất cả. Chúng ta [nhất là những người thánh hiến] có cảm nghiệm và xác tín điều này không?
Bài đọc 1 nói về vai trò và những thái độ cần có của những người lãnh đạo hay mục tử trong Giáo Hội. Là vị mục tử đầu tiên được Chúa Giêsu đặt lên để chăm sóc Giáo Hội, Thánh Phêrô đưa ra cho những người tiếp nối và cộng tác với ngài trong việc phục vụ Tin Mừng những tiêu chuẩn sau: (1) Họ phải là những chứng nhân của những đau khổ của Đức Kitô (x. 1 Pr 5:1); (2) họ chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ (x. 1 Pr 5:2); (3) họ không lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng nêu gương sáng cho đoàn chiên (1 Pr 5:3). Đây là ba tiêu chuẩn cần thiết nhất cho tất cả những người chịu trách nhiệm hướng dẫn người khác. Trong ba tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn đầu tiên là nền tảng nhất vì những ai không là chứng nhân của những đau khổ của Chúa Giêsu, hay đúng hơn là “hoạ lại sự đau khổ của Chúa Giêsu” trong ngày sống của mình, sẽ không thể dẫn dắt đoàn chiên được Thiên Chúa giao phó cách tự nguyện và bằng gương sáng được.
Bài Tin Mừng hôm nay giống với bài Tin Mừng hôm qua, nhưng được chọn từ Tin Mừng Thánh Mátthêu. Điểm khác biệt quan trọng trong hai Tin Mừng này là: Tin Mừng Thánh Maccô [và cả Luca] không có trình thuật việc Chúa Giêsu thiết lập vị trí “đứng đầu” của Thánh Phêrô như trong Tin Mừng Mátthêu. Cả ba Tin Mừng nói đến nơi chốn mà trình thuật xảy ra, đó là Caesarea Philippi [được xây dựng và đặt tên bởi Philip để phân biệt với Caesarea Maritima]. Tại sao lại xảy ra ở Caesarea Philippi? Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, ở đây vào thời Chúa Giêsu có một đền thờ tôn thờ các thần thánh của dân địa phương tin vào đa thần. Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ câu hỏi: “Còn anh em, anh em gọi Thầy là ai?” Ngài có ý muốn Thánh Phêrô [thay mặt các môn đệ] tuyên xưng niềm tin độc thần của họ. Chúng ta thấy điều này rõ ràng trong Tin Mừng Mátthêu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống, ngụ ý để phân biệt Ngài khỏi tất cả các ngẫu tượng mà các dân khác tôn thờ.
Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu thiết lập vị trí “đứng đầu” của Thánh Phêrô vào Chúa Giêsu dựa trên lời tuyên xưng đức tin “không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17). Như vậy, vị trí “đứng đầu” không phải dựa trên khả năng riêng của Phêrô, nhưng dựa trên mạc khải của Chúa Cha, hay đúng hơn dựa trên tình yêu và ân ban vô điều kiện của Chúa Cha cho Phêrô. Vì vậy, vị trí mục tử của Thánh Phêrô mang hai đặc tính: Đại diện Chúa Giêsu để chăn dắt đàn chiên và đại diện đàn chiên để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Theo nghĩa này, vị trí “đứng đầu” của Thánh Phêrô chính là việc trở nên “người trung gian” giữa Thiên Chúa và con người như Đức Kitô là Đấng trung gian duy nhất. Vị trí “đứng đầu” này không được hiểu theo nghĩa có quyền tối thượng tuyệt đối trên đàn chiên, nhưng là “chia sẻ” trong quyền tối thượng của Chúa Giêsu là vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng làm cho đàn chiên không thiếu thốn gì. Điều chúng ta suy gẫm ở đây là: Chúng ta có làm công việc hằng ngày của chúng ta như những người cộng tác với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ của Thiên Chúa không?
Điểm thứ ba chúng ta có thể rút ra là việc trước khi được trao nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên, Thánh Phêrô không chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu mà còn phải được công nhận là “thuộc trọn về Chúa Giêsu.” Điều này được hàm chứa trong việc Chúa Giêsu đổi tên cho ông từ Simôn, con ông Giôna thành Phêrô. Theo truyền thống Kinh Thánh, việc Thiên Chúa đặt tên hàm chứa việc thuộc trọn về quyền sở hữu của Ngài và lãnh nhận một sứ mệnh mới [như Abram – Abraham, Giacóp – Israel]. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, sứ mệnh mới của Phêrô không chỉ là “lưới người như lưới cá” (Mt 4:19), nhưng còn là “Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:18-19). Quyền lực của sứ mệnh mới mà Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô không phải là quyền lực mang tính trần thế, nhưng là quyền lực để chiến thắng mãnh lực của tử thần. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Quyền lực [sức mạnh] chúng ta có không phải để đánh bại người khác hay để thống trị họ, nhưng là để đánh bại những thói hư tật xấu trong chúng ta, đánh bại quyền lực của ma quỷ đang chiếm ngự con tim và khối óc của chúng ta để chúng ta không thể biết và yêu điều Chúa biết và yêu. Kẻ chiến thắng các cảm dỗ và khuynh hướng tội lỗi trong mình là người nắm giữ chìa khoá Nước Trời!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB