Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Rửa Sạch Bên Trong Để Sống Yêu Thương Và Cảm Thông

(Gl 5:1-6; Lc 11:37-41)

Thánh Phaolô tiếp tục mời gọi các tín hữu Galát tránh lối sống làm nô lệ cho tội lỗi và sống trong sự tự do mà Chúa Giêsu đã mang lại cho họ: “Thưa anh em, chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Gl 1:1). Trong bí tích rửa tội và mỗi khi đến với bí tích hoà giải, chúng ta cũng được Đức Kitô giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi để sống trong sự tự do của con cái Chúa. Nhưng rồi chúng ta lại lạm dụng tự do, đặt mình dưới nô lệ của tội lỗi lần này đến lần khác. Để sống trong đời sống tự do, chúng ta không dựa vào dấu chứng tự nhiên [giao ước cũ – phép cắt bì], nhưng dựa vào đức tin nơi Đức Kitô: “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng. Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5:4-6). Đức tin mà Thánh Phaolô nói đến không phải là một cái gì đó mông lung, mang tính lý thuyết, nhưng là một hành động được diễn tả qua tình yêu dành cho Thiên Chúa và dành cho anh chị em mình. Khi chúng ta nói chúng ta tin Chúa Giêsu, điều đó có nghĩa là cuộc sống của chúng ta phải phản chiếu cách trung thực tình yêu của Chúa Giêsu. Tin càng sâu thì yêu càng nhiều! Đây chính là tiêu chuẩn để đo lường đức tin của một người.

Sau khi mời gọi thính giả tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa hơn là nơi con người, Chúa Giêsu tiếp tục hướng dẫn họ trong việc làm cho mình được xứng đáng hơn với Thiên Chúa qua việc bố thí (x. Lc 11:37-54). Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh lời giảng dạy của Chúa Giêsu về sức mạnh của việc bố thí có sức mạnh làm cho con người trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa.

Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi sống theo lối sống của Chúa Giêsu, họ sẽ phải đối diện với nhiều chống đối từ bên trong và bên ngoài. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta sự kiện “chống đối đến từ bên trong.” Điều này được diễn tả qua hình ảnh của người Pharisêu, người mời Chúa Giêsu, và đề tài tranh luận là “việc rửa tay” trước khi ăn. Đây chính là thói quen của những người Do Thái. Việc làm của Chúa Giêsu khiến cho chủ nhà [và có thể những khách mời khác] ngạc nhiên, vì Ngài là một người Do Thái, nhưng khi được mời, Ngài “liền vào bàn ăn” (Lc 11:37) mà không rửa tay. Hành động không theo luật rửa tay của Chúa Giêsu ám chỉ đến việc những người theo Ngài sẽ không cần phải thực hiện những “luật lệ con người” mà làm cản trở ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nói cách khác, chi tiết này cho thấy, những người theo Chúa Giêsu phải cắt đứt với lối sống cũ của mình. Họ phải có một sự đổi mới tận căn trong chính lối sống của họ. Họ không chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, hoặc tuân theo những luật lệ bên ngoài, nhưng quan trọng nhất là quan tâm đến sự thay đổi bên trong.

Trong cuộc sống, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người tốn nhiều tiền cho quần áo, mỹ phẩm hoặc giải phẫu thẩm mỹ để làm cho vẻ bên ngoài của mình trông đẹp hơn. Nhưng bên trong lại không có sự thay đổi nào đẹp hơn. Chúa Giêsu cũng nói với những người này như Ngài đã nói với người Pharisêu mời Ngài: “Này, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Thật là ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (Lc 11:39-41). Trong những lời này Chúa Giêsu mời gọi thính giả của mình lưu ý đến những gì bên trong hơn nhưng gì bên ngoài. Khi “thế giới bên trong” được bình an, thì “thế giới bên ngoài” được an bình. Nói cách cụ thể hơn, khi chúng ta có khả năng kiểm soát cảm xúc nóng giận bên trong của mình, thì sẽ không có cãi vã bên ngoài. Theo các học giả Kinh Thánh, chữ “bên trong” có thể mang ba ý nghĩa sau: (1) chúng ta được mời gọi trao ban “nội dung” [thức ăn và của uống] như của bố thí; (2) điều đáng lưu ý nhất trong đời sống nội tâm của mỗi người là việc bố thí; (3) khi bố thí, chúng ta hãy trao ban với trọn con tim của mình. Nói cách khác, chúng ta phải bố thí cho người khác với “cái tâm.”

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy việc bố thí có một vị trí quan trọng trong thần học của Tin Mừng Thánh Luca. Ngoài Mt 6:2-4, chỉ có Tin Mừng Thánh Luca và Công Vụ Các Tông đồ trong Tân Ước đề cập đến vần đề bố thí. Vì lý do này, bố thí trở thành một yếu tố cốt yếu của đời sống luân lý Kitô giáo đối với Thánh Luca. Khi nói đến bố thí, Thánh nhân một lần nữa mời gọi thính giả của mình chia sẻ của cải vật chất cho những người túng thiếu. Trong bối cảnh Tin Mừng của mình, khi mời gọi các Kitô hữu dân ngoại làm việc bố thí, Thánh Luca muốn “ra lệnh” cho họ thực hiện một trong ba việc đạo đức của người Do Thái [ăn chay, cầu nguyện và bố thí]. Đây chính là điều đem lại sự liên tục trong niềm tin Kitô giáo với việc thực hành đạo đức của người Do Thái. Điều không liên tục là ý niệm về việc trong sạch: đối với người Do Thái, đụng chạm đến những vật hoặc người ô uế sẽ làm cho mình ra ô uế; còn đối với cộng đoàn Thánh Luca, vượt qua ranh giới để chăm sóc cho những người cần đến mình [như người Samaria nhân hậu] làm cho một người trở nên thanh sạch [dù phải đụng chạm đến người bị ô uế bên ngoài]. Chi tiết này cho thấy, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho vẻ bên ngoài ngăn cản chúng ta khỏi việc chăm sóc cho anh chị em mình: Những thành kiến, những ánh mắt không thiện cảm và những lời nói thiếu tế nhị có thể đóng cửa tâm hồn chúng ta lại. Đó chính là những điều làm chúng ta trở nên ô uế! Hãy trở nên trong sạch trước mặt Chúa bằng cách “rửa sạch” những thái độ “xoi mói” và “xét đoán” anh chị em mình.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB