Linh Đạo Hoạt Động: Con Đường Đến Với Anh Chị Em

 

1/ Định nghĩa linh đạo hoạt động

Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc(Ga 5, 17)

Như vậy, cội nguồn của linh đạo hoạt động là ở trong Chúa Ba Ngôi. Sống là động. Hoạt động này không có nghĩa là làm việc, mà là sự sống. Sự sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu. Như Thánh Gioan đã xác tín mạnh mẽ “…Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Tình yêu của Ba Ngôi được bộc lộ rõ nét nơi tình yêu của Chúa Con, Chúa Giêsu Kitô, một tình yêu tự hủy và trao hiến trọn vẹn. Như vậy, cốt lõi của linh đạo hoạt động, trong khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa, là sự sống, tình yêu và tự hủy. Ví dụ, có một nữ tu vừa mới khấn trọn xong, bị tai nạn xe liệt toàn thân. Chị nữ tu này không còn làm việc được một cách bình thường, hoàn toàn nằm liệt trên giường. Nhưng chị vẫn sống một cuộc sống đón nhận, yêu Chúa thật nhiều, gắn liền với Thánh giá của Chúa Giêsu và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Như vậy, người nữ tu có sống linh đạo hoạt động chưa? Có, nếu không muốn nói là rất nhiều, so với người đang hoạt động bình thường!

Để đi vào đề tài một cách cụ thể, theo từ điển công giáo, linh đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa, Đấng Thánh Thiện, qua Đức Kitô, dưới dự tác động của Chúa Thánh Thần. Trong một định nghĩa khác linh đạo “là một cách thế sống và thể hiện Tin Mừng”.

Theo Wiktionary, theo nghĩa thông thường, Hoạt động là làm những việc khác nhau với một mục đích nhất định trong đời sống, như hoạt động nghệ thật, hoạt động quân sự, hoạt động chính trị. Theo Aristotle, để phân biệt chiêm niệm và hoạt động, ông định nghĩa rằng: chiêm niệm là tác động thuần lý, tiếp xúc ngoại giới, nhằm khám phá sự vật; hoạt động là tác động thực tiển, hướng đến bản thân, điều khiển cuộc đời cho đúng đắn. Theo như Sắc lệnh Đức ái trọn hảo, perfectae caritatis, Số 8: chỉ có việc tông đồbác ái mới được gọi là hoạt động của tu sĩ.

Như vậy, linh đạo hoạt động của người tu sĩ là tất cả con người trọn vẹn bên trong, nhưng được bộc lộ ra hành vi bên ngoài bằng con đường đến với anh chị em trong bác áitông đồ.

2/ Bối cảnh xã hội

Chúng ta đang sống ở trong một thế giới, trong một bối cảnh xã hội lạnh lùng, vô cảm. Không phải tất cả, cũng có những người rất tốt, thấu cảm, hy sinh vì cộng đồng nhưng số đó rất nhỏ so với người thờ ơ, nhạt nhẽo trong tương quan giữa người với người.

Chúng ta tạm phân xã hội sống chúng ta đang sống ra thành ba thời kỳ: (1) Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đóng cửa, thời 5x, 6x và 7x; (2) Sinh ra thời đóng của lớn lên thời mở cửa, thời 8x; (3) Sinh ra và lớn lên thời mở cửa, thời 9x. Có thể nói, đây là thời đại có nhiều lợi thế và cũng có nhiều thay đổi.

Thay đổi, vì chúng ta đang sống trong thời đại VUCA.

Volatility: biến động

Unlertanity: bất định

Complexity: Phức tạp

Ambiguity: Mơ hồ

Như vậy, phải chăng chúng ta đang sống trong một thời đại đang bị lạc trôi trong những biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Vì lẽ đó, con người ít hạnh phúc. Chúng ta tự hỏi làm gì để một người có thể hạnh phúc thật? Một nghiên cứu khoa học, 70 năm cho thấy rằng, đặt điểm chung của một người thật sự hạnh phúc không phải là của cải vật chất, uy tín trong công việc, một xe hơi hàng hiệu, quần áo thời trang, giao dịch kinh doanh thành công, chức quyền… nhưng ở chỗ chất lượng tương quan.

Như chúng ta đã nói dường như trong thời đại hôm nay chất lượng tương quan kém. Vì sao?

Sống ảo nhiều hơn sống thật. Bản chất con người muốn được trân trọng, tìm kiếm sự trân trọng. Con người ít có giá trị thật, nên ngụy tạo những giá trị để được trân trọng. Mà ngụy tạo là sống ảo. Điều chúng ta dễ thấy nhất, trong thời đại ngày nay, trang facebook là nơi ngụy tạo những giá trị ảo, post lên một tấm hình, viết một vài câu…chờ đợi xem có bao nhiêu lượt “like”. Vui nhiều khi có nhiều “like”. buồn… khi có ít like…Nói như thế, không đúng cho tất cả vì cũng có những bài viết, những hoạt động có giá trị lan tỏa tình yêu, đánh động lòng người và hữu ích. Nhưng số đó không nhiều.

Là người sống đời thánh hiến, sống trong một xã hội như thế, phần nào chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Căn tính đời tu bị mờ nhạt. Liệu chúng ta có còn xác tín được điều gì mang tính chất nền tảng của đời tu không? Từ đó, chúng ta mới xác định được cách làm người, làm nữ tu và cách sống. Xác định được cách làm người và cách sống.

3/ Linh đạo hoạt động

Tất cả các hoạt động đều là hoạt động của người dâng hiến? Không, tất nhiên là không. Chỉ có những hoạt động tông đồ và bác ái mới được gọi là hoạt động của người thánh hiến. Và nên thêm là, tất cả những hoạt động này phải có tình yêu và gắn liền với Thập giá. Hoạt động này đưa con người đến gần nhau. Không thể nói làm việc bái ái và tông đồ nhưng không đưa con người đến gần nhau.

Có khi nào chúng ta tự hỏi? vì sao chúng ta đang làm việc tông đồ, đang làm việc bác ái mà chúng ta lại đang ở rất xa nhau? Chúng ta đang mắc một lỗi lớn và đó cũng là vấn nạn của thời đại hôm nay là “burn out” làm việc quá tải, sinh ra căng thằng, mệt mõi, không kiểm soát được cảm xúc. Có những thái độ, lời nói và hành vi gây tổn thương và thiếu bác ái.

Cũng đã có một thời gian dài, chúng ta thường quan niệm Dòng chiêm niệm là dấn thân toàn vẹn cho việc chiêm niệm; Dòng hoạt động dấn thân chuyên chăm cho việc tông đồ. Hiện nay, quan niệm như thế bị coi là quan niệm lệch lạc. Công đồng Vatican đã sữa lại cái nhìn lệch lạc. Dù dấn thân chuyên chăm cho chiêm niệm, hay hoàn toàn dấn thân cho tông đồ, thì từ bản chất của đời tu đều bao hàm cả hai khía cạnh, chiêm niệm và hoạt động. Như Dòng Daminh có một công thức: chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của việc niêm niệm. Như vậy, để có thể giảng thì anh phải chiêm niệm trước, nói những gì tôi đã chiêm niệm.  Tôi chiêm niệm không phải cho tôi nhưng là để chia sẻ cho anh chị em. Như vậy, trong hai nhịp chiêm niệm và hoạt động không được bỏ quên một trong hai cái trong đời tu.

Trong thời đại hôm nay, trong nhịp đời sống hoạt động chúng ta dễ quên đời sống chiêm niệm. Nếu chúng ta tin rằng tông tồ và bác ái do Thánh Thần khơi lên và làm cho sinh động. Và chỉ hoạt động này làm cho đời tu như một tác vụ và một việc bác ái đặc thù mà Giáo Hội đã ủy thác cho người tu sĩ thực hiện nhân danh Giáo Hội mà thôi.

Như vậy, theo như sắc lệnh đức ái trọn hảo thì chỉ có việc tông đồ và bác ái mới được gọi là hoạt động của tu sĩ.

Đặc tính riêng của hoạt động, được thúc đẩy do đức ái, được nuôi dưỡng trong con tim của tu sĩ, nơi rung lên nhịp đập hài hòa, giữa nội tâm và hành động. Chính vì thế đối với người tu sĩ, sống đời tông đồ là phải có sự liên kết hài hòa đi vào nội tâm chiêm niệm và dấn thân tông đồ tức là hoạt động. Chính khi tu sĩ biết ở với Chúa Kitô thì những hoạt động tông đồ mới phát sinh hoa trái thiêng liêng đích thật.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị trong buổi gặp gỡ các tu sĩ ngày 24/11/1978, ngài đã ân cần khuyên nhủ họ: “nhà của chúng con trước hết phải là những trung tâm cầu nguyện, hồi tâm và đối thoại, cá nhân và nhất là cộng đoàn, với Đấng luôn phải là người đàm thoại chính yếu và trên hết trong một ngày sống luôn bận rộn của chúng con. Nếu chúng con biết nuôi dưỡng đời sống luôn kết hợp với Chúa. Chúng con có thể tiếp tục cuộc canh tân đời sống và kỷ luật mà công đồng Vaticô II mong muốn chúng con nổ lực thực hiện mà không sợ rơi vào tình trạng căng thẳng, kiệt sức, hay những phân tán nguy hiểm.” Ở đây đang muốn nói đến việc hoạt động, canh tân, dấn thân, ngôi nhà chúng con phải là ngôi nhà cầu nguyện. Phải chiêm niệm mới có sức mạnh hoạt động tông đồ. Ý thức được mối tương quan hệ trọng này, người thánh hiến mới nghiêm túc và ý thức, cử hành các giờ kinh nguyện, cầu nguyện riêng cách trung thành. Như là hơi thở tối cần đem lại dưỡng khí cho các hoạt động tông đồ. Hoạt động mà không cầu nguyện, giống như xe chạy mà không đổ xăng.

Như thế, tất cả mọi linh đạo đều bao gồm hai chiều kích chiêm niệm và hoạt động, không thể tách rời hai chiều kích này. Sẽ chẳng có hoạt động nào đích thật của người sống đời thánh hiến nếu đó không phải là hoa trái của tình yêu, của việc gặp gỡ Thiên Chúa trong chiêm niệm.

4/ Linh đạo hoạt động: con đường đến với anh chị em

Một hoạt động đích thực của người thánh hiến, phải là hoa trái của tình yêu và sự gặp gỡ với Thiên Chúa. Đó là con đường duy nhất đến với anh chị em. Ngẫm một chút, chúng ta dừng lại một hình ảnh đẹp của Chúa Giêsu, khi ngài thực hiện nghĩa cử rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu làm những cử chỉ (1) đứng dậy, (2) rời bàn ăn, (3) cởi áo ngoài ra, (4) lấy khăn, (5) thắt lưng, (6) đổ nước vào chậu, (7) rửa chân, (8) lau (Ga 13, 4-5). Chúng ta có thể phân chia hoạt động của Chúa Giêsu ra làm ba phần: Phần 1 chuẩn bị cho việc rửa chân từ số 1-số 6, quan sát cho kỹ chúng ta thấy Chúa Giêsu thật chu đáo, ân cần, làm một việc với tất cả tình yêu thương. Phần hai, rửa chân, Chúa cúi xuống và rửa chân, hành động “cúi xuống”, diện dối diện, đụng chạm tới con người. Đây là khoảnh khắc con người thấy mình được nâng lên, được trân trọng, được nối kết và được yêu thương, và rất hạnh phúc. Phần ba, lau chân, rửa chân xong Chúa còn “lau” cho khô. Một tình yêu trọn vẹn bộc lộ một cử chỉ trọn vẹn.

Nhưng điều quan trọng là Chúa hỏi: “anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?’ (Ga 13,12). Hành vi Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta, rất rõ ràng, đó là hành vi yêu thương, phục vụ và tận tâm. Điều quan trọng là sứ mạng Ngài muốn trao gởi cho chúng ta qua hành vi đó.  Chúng ta có sống với anh chị em chúng ta bằng thái độ và hành vi hay nói khác hơn bằng chính con đường mà Chúa Giêsu đã đến với chúng ta?

5/ Áp dụng cuộc sống

Bài học từ hành động rửa chân cho các môn đệ, chúng ta có thể áp dụng:

  • Đứng dậy: đến với anh chị em bằng sự nhanh nhẹn, ra khỏi mình;
  • Rời bàn ăn: đến với anh chị em bằng việc đi bước trước;
  • Cởi áo ngoài ra: đến với anh chị em bằng sự bao dung, tha thứ;
  • Lấy khăn: đến với anh chị em bằng việc làm cụ thể, thực tế, đụng chạm đến nhu cầu của tha nhân;
  • Thắt lưng: đến với anh chị em bằng sự khiêm tốn, kính trọng;
  • Đổ nước vào chậu: đến với anh chị em bằng sự dịu dàng, chu đáo, cẩn trọng;
  • Rửa chân: đến với anh chị em bằng cái nhìn tinh tế và việc làm nhỏ bé nhưng mang đậm tình yêu;
  • Lau: diễn tả một tình yêu trọn vẹn, yêu cho đến cùng.

Chúng ta để ý thì thấy rằng, Tin mừng Gioan không tường thuật về bí bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ có Rửa chân cho các môn đệ. Hành động này cũng nói lên bài học phục vụ và yêu thương. Tin mừng Nhất Lãm tường thuật Bí tích Thánh Thể, nói về tinh thần yêu thương, phục vụ. Như vậy, giữa Gioan và Tin Mừng Nhất lãm có một tinh thần chung, đó là nói đến bài học yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu. Theo Anthony De Mello, có bốn động tác:

  • Cầm lấy bánh: để Chúa cầm lấy chúng ta;
  • Dâng lời chúc tụng: mọi hoạt động đều phải có cầu nguyện, đời sống chiêm niệm;
  • Bẻ ra: hủy mình ra không;
  • Trao cho các môn đệ: trao ban chính mình, trao ban trọn vẹn và cho đến cùng;

Kết: Linh đạo hoạt động là con đường tình yêu thực tiễn, đến với anh chị em, bằng tất cả con người mình, sự sống, tình yêu và sự trao hiến, hiến dâng cho đến cùng.

 

BÀI TRẮC NGHIỆM (1)

Điểm tăng dần, 10 điểm là rất tốt. 

 12345678910Điểm được chọn
Tôi hoàn toàn thuộc về Chúa             
Hy sinh trong việc tông đồ và bác ái             
Tình yêu tự hủy của tôi             
Tình yêu tron vẹn             
TỔNG ĐIỂM 

BÀI TRẮC NGHIỆM (2)

Điểm tăng dần, 10 điểm là rất tốt

 12345678910Điểm được chọn
Đến với anh chị em bằng sự nhanh nhẹn, ra khỏi mình             
Đến với anh chị em bằng việc đi bước trước             
Đến với anh chị em bằng việc làm cụ thể, thực tế, đụng chạm đến nhu cầu của tha nhân             
Đến với anh chị em bằng sự bao dung, tha thứ             
Đến với anh chị em bằng sự khiêm tốn, kính trọng             
Đến với anh chị em bằng sự dịu dàng, chu đáo, cẩn trọng             
đến với anh chị em bằng cái nhìn tinh tế và việc làm nhỏ bé nhưng mang đậm tình yêu             
TỔNG ĐIỂM 

Anna Nguyễn Bảo Uyên