Mẹ Maria Và Đức Khiết Tịnh Trong Đời Sống Thánh Hiến

“Tình yêu  là ơn gọi căn bản và thuộc tính của mỗi con người.” [1]

Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa đặt để trong con người ấy trái tim để yêu thương, và mỗi người có phái tính rất riêng của mình. Hôn nhân là hoa trái của tình yêu giữa người nam và người nữ. Họ được kêu gọi trở nên “một xương một thịt” khi kết hợp với nhau. Khi kết hợp với nhau trong thân xác, tình yêu của họ được củng cố và làm trổ sinh hoa trái qua việc truyền sinh. Trong lịch sử nhân loại, có những người sống độc thân vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, có những người tự ý “yêm hoạn” vì Nước Trời. Đó là những người bước theo Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình cho công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Những người này khước từ hôn nhân, là lý do tối thiểu bó buộc tất cả các tu sĩ. Hôn nhân, phái tính, thân xác và sự khiết tịnh thánh hiến cần được dung hợp hài hòa, vì đây là những thực tại đã được Thiên Chúa tạo dựng và Đức Kitô cứu chuộc.

  1. Từ ngữ

Trong các tác phẩm thần học và Giáo luật, có bốn từ để nói về “khiết tịnh”: Castitas – Continentia – Coelibatus – Virginitas. Castitas là một nhân đức điều hành việc sử dụng những khoái lạc nhục dục, dựa theo những tiêu chuẩn của lý trí và đức tin. Đây là nhân đức chung cho hết mọi người, mọi bậc sống: thiếu niên, thanh hiên, người chưa lập gia đình, người đã lập gia đình, người góa bụa. Nhân đức này không những chi hành vi bên ngoài mà cả những ước muốn nội tại. Continentia nói về việc kiêng cữ trong phạm vi ái ân vợ chồng; buộc những người vợ, người chồng không được ngoại tình với người khác, và phải cư xử tốt với người phối ngẫu của mình. Coelibatus có nghĩa là độc thân, không lập gia đình; nó ám chỉ một điều kiện xã hội. Virginitas nghĩa là trinh khiết, thường chỉ dành cho nữ giới.

Nhằm diễn tả một cách chính xác hơn về nếp sống đặc biệt của người tu sĩ, các tác giả thêm vào một tính từ, như: castitas consecrata (khiết tịnh thánh hiến), virginitas consecrate (trinh khiết thánh hiến), continentia perfecta (tiết chế hoàn toàn), castitas propter regnum Dei (khiết tịnh vì Nước Trời).

  1. Những Quan Niệm Về Sự Độc Thân

Qua dòng lịch sử, hình thức sống độc thân vì lý do tu trì đã xuất hiện lâu đời ở các tôn giáo khác nhau. Có nhiều quan niệm tiêu cực về sự độc thân hay trình bày cách méo mó và hàm hồ. “Đi tu vì thất tình” một câu nói trên cửa miệng của nhiều người, cho tới ngày nay. Nhưng khi thấy ai đó còn trẻ đẹp đi tu, thì người ta lại tiếc nuối cho nhan sắc và tuổi xuân của người đó.

Có nhiều lý do đưa tới việc sống độc thân. Nhà cách mạng, chính khách không muốn lập gia đình để chú tâm lo việc nước. Một số nhà khoa học, khảo cổ, văn sĩ sống độc thân để dấn thân hoàn toàn cho đam mê của mình. Những người không muốn lãnh trách nhiệm gia đình, không dám thủy chung với người khác; một số khác bị cưỡng bách do bệnh tật thể lý hay tâm lý; hoặc do lỡ thì, quá kén chọn. Các hình thức sống này cho thấy, sự độc thân tự nó chưa phải là một nhân đức.

  1. Sự Khiết Tịnh Theo Kinh Thánh

Thời Cựu ước, sự độc thân hay son sẻ là một tai họa (Hs 9, 11.14; G 15, 3-4). Việc sinh con đàn cháu đống mới là phúc lành Chúa ban cho người công chính (Tv 128). Ngôn sứ Giêrêmia là trường hợp duy nhất sống độc thân theo lệnh Chúa truyền, để loan báo cho dân về tai họa mà họ sắp phải chịu (Gr 16,1). Có một vài sự chuyển hướng vào cuối thời Cựu Ước, như trong sách Khôn ngoan cho rằng thà son sẻ còn hơn sinh ra toàn lũ con ác đức (Kn 3,13; 14,1). Và thánh Gioan Tẩy Giả cũng đã sống đời độc thân để thực thi sứ mạng tiền hô của mình.

Thời Tân ước, Đức Giêsu chính là mẫu gương của sự độc thân vì Nước Trời. Người được sinh bởi Mẹ Đồng Trinh, rày đây mai đó với nhóm môn đệ loan báo Tin mừng. Người đề cao một lối sống mới và kêu gọi những ai bước theo cùng chấp nhận sống “yêm hoạn” vì Nước Trời. Đó là những người “tự ý không kết hôn”, tự làm cho mình son sẻ vì Nước Trời (Mt 19, 1-12). Không phải vì họ bị hoạn về thể lý nhưng là tự nguyện trong tinh thần, vì đã hiểu về mầu nhiệm Nước Trời và chấp nhận sống khiết tịnh. Như Thầy Giêsu, Đấng đã sống độc thân để mang tình thương của Thiên Chúa đến với những người khốn cùng, các môn đệ của Người phục vụ Tình yêu của Chúa dành cho nhân loại (phục vụ Nước Trời); khi khám phá ra và bị thu hút bởi Tình yêu ấy, họ sẵn sàng từ khước tất cả: gia đình, của cải. Tình cảm gia đình là điều tốt, nhưng Đức Giêsu mở ra một cái nhìn mới, để người môn đệ lựa chọn điều tốt hơn và tốt nhất. “Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14, 26-27). Chỉ những ai khám phá ra sự khôn ngoan của Thập giá (x. 1Cr 2) thì mới dám thực hiện việc hy sinh từ bỏ triệt để như lời mời gọi của Thầy Giêsu.

  1. Khiết Tịnh Trong Các Tương Quan

Tương quan với Đức Kitô: Sự độc thân là một hồng ân của Chúa, nhằm họa lại đời sống trinh khiết của Đức Kitô để phục vụ Nước Trời; là một tình yêu muốn bắt chước Đức Kitô và trao phó tất cả nghị lực, con tim của mình để đi theo Ngài, và biểu lộ những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời cánh chung. Vì là một hồng ân, nên những ai đã lãnh nhận ơn đó cần có thái độ biết ơn, khiêm tốn cũng như cần cảnh giác, giữ gìn món quà quý giá này. Cũng như các hồng ân khác, hồng ân khiết tịnh là một thiện ích dành cho toàn Giáo Hội và nhân loại, có giá trị dấu chỉ và chứng tá, dù đây là một giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa với con người một cách cá vị. Lời khuyên khiết tịnh diễn tả lại tình yêu “hiến mạng cho người mình yêu” và diễn tả điều kiện Phục sinh khi thân xác được Thánh Thần biến đổi. Chính nơi Bí tích Thánh Thể, người tu sĩ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời dâng hiến, hy sinh, giao ước của sự khấn giữ lời khuyên khiết tịnh.

– Tương quan với Nước Thiên Chúa: Theo gương Đức Kitô, người tu sĩ sống độc thân vì Nước Tời, vì muốn phục vụ, ôm ấp kế hoạch tình yêu đại đồng: tình yêu đối với toàn thể nhân loại, đặc biệt cho người nghèo, người bé nhỏ, bị gạt ra bên lề xã hội. Họ khước từ một tổ ấm nhỏ để ôm ấp, xây dựng, phục vụ đại gia đình nhân loại, ít ra cũng bằng lời cầu nguyện.

– Tương quan với Hội Thánh: Qua lời khấn khiết tịnh, người tu sĩ trở nên biểu hiện của mối tình duy nhất mà Hội Thánh dành cho Đức Kitô, mối tình không chia sẻ dành cho Đức Lang Quân (2Cr 11,2). Qua lời khấn này, các tu sĩ trình bày hình ảnh của Hội Thánh như một đại gia đình lý tưởng, trong đó, các phần tử chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, vì ý thức rằng tất cả đều là con một Cha.

– Tương quan với các giá trị nhân bản: Tình yêu, hôn nhân, phái tính. Hôn nhân là một thực tại tốt đẹp, do Thiên Chúa tạo dựng và được Đức Kitô thánh hóa như bí tích biểu hiện mối tình chung thủy của Ngài với Hội Thánh, sự chung thủy bất chấp thử thách. Lời khấn khiết tịnh không tiêu diệt khuynh hướng phái tính, kể cả khuynh hướng làm cha làm mẹ nơi người tu sĩ. Tuy nhiên, họ cần biết vượt lên tình yêu chiếm hữu để nhường chỗ cho tình yêu tông đồ, đón nhận những người khác giới như những người đồng hành trong Nước Chúa. Sự khiết tịnh không tiêu diệt thân xác nhưng thăng tiến thân xác, giúp nó trở thành dụng cụ diễn tả giá trị tinh thần.

  1. Năm Yếu Tố Giúp Bảo Vệ và Sống Tốt Tương Quan Khác Phái

Mọi thân xác đều mang giới tính và bất cứ tương quan nam nữ nào cũng có yếu tố phái tính, kể cả trong các mối liên hệ thiêng liêng. Tình yêu thường không có tuổi và giờ hẹn. Người độc thân thánh hiến không có sự quân bình tự nhiên của người sống đời đôi bạn, nên phải thiết lập cho được và sống thế quân bình siêu nhiên bằng đời sống cầu nguyện, mật thiết với Chúa, đời sống huynh đệ, tận tụy với sứ vụ, cảnh giác toàn bộ cách ứng xử và cảm xúc của mình. Vì mình là “chiếc bình sành” dễ vỡ, nên cần phải thiết lập mối tương quan trưởng thành, lành mạnh, hài hòa, nhất là nghiêm túc giữ năm yếu tố: 1) Nơi chốn gặp gỡ; 2) Thời gian và thời lượng; 3) Khoảng cách thể lý và tâm lý; 4) Sự có mặt của những người thứ ba; 5) Ý thức sống sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thực của Chúa.

  1. Giáo Luật về Lời Khấn Khiết Tịnh

– Nghĩa vụ pháp lý: Giáo luật điều 599 bàn tới sự bó buộc tối thiểu là sự độc thân và sự tiết chế hoàn toàn. Ngoài ra, các điều 277§2 và 666 cũng kêu gọi sự thận trọng cảnh giác trước những gì có thể nguy hại cho việc giữ sự khiết tịnh; và luật nội vi (đ. 667) như là một biện pháp để bảo vệ sự khiết tịnh.

– Chế tài: Ngăn trở tiêu hôn đối với người khấn trọn đời trong Dòng tu (đ. 1088). Nếu một tu sĩ kết hôn, dù chỉ là luật dân sự, sẽ bị trục xuất ngay tức khắc (đ. 694 §§ 1.2). những vi phạm khác đối với sự khiết tịnh sẽ bị chế tài tùy theo mức độ trầm trọng, kể cả sự khai trừ (đ. 695-696).

  1. 7. Đức Khiết Tịnh Thánh Hiến Của Người Nữ Tu Mến Thánh Giá

Đức Khiết Tịnh chi phối, biến đổi và thấm nhập vào tận mọi ngóc ngách của tình yêu con người. Vì thế, “mức độ cao nhất của Đức Khiết Tịnh hệ tại sự ‘khước từ trọn vẹn mọi khoái cảm cố ý tìm kiếm nơi bất cứ một thụ tạo nào, ngay cả khoái cảm có thể nhận được do những ân huệ trên trời” (CtkA 6). Theo giáo huấn của Đức Cha Lambert và theo tinh thần của Hiến Chương (đ. 13-19), người nữ tu Mến Thánh Giá hiểu được giá trị, lời mời gọi sống Đức Khiết Tịnh một cách thanh thoát và triển nở hơn. Đồng thời, các chị em cũng có những phương thế cụ thể để bảo toàn và phát huy Đức Khiết Tịnh, cũng như làm chứng tá bằng chính đời sống vui tươi hạnh phúc của mình.

  1. Đức Maria, Mẫu Gương Khiết Trinh Của Người Thánh Hiến

Khi đáp lời Xin Vâng, Đức Maria trở nên Mẹ của Đức Giêsu, và với trọn tâm hồn, Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ trở nên người mẹ thiêng liêng của các tín hữu, những người tin nhận và bước theo Đức Giêsu, Con của Mẹ. Người tu sĩ cũng nhận Mẹ làm Mẹ của mình và dõi theo mẫu gương sống khiết trinh của Mẹ qua việc phụng thờ Thiên Chúa với trái tim không bị phân chia và phục vụ anh chị em đồng loại cách vô vị lợi. Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và dạy dỗ các tín hữu với tình yêu từ mẫu. Người nữ tu Mến Thánh Giá, bằng trái tim và sự dịu hiền của mình, yêu thương chăm sóc cho những tâm hồn mình được trao phó. “Đức Maria là một Trinh Nữ, bởi vì sự đồng trinh của Mẹ là dấu chỉ đức tin của Mẹ, một đức tin không pha trộn chút nghi ngờ nào” (LG 63).

Lạy Mẹ Maria là đóa hoa trinh khiết của Thiên Chúa, xin gìn giữ mỗi tu sĩ chúng con, để mỗi ngày, theo gương Mẹ, chúng con sống trọn vẹn vai trò người nữ trong bậc sống và sứ mạng của mình. Xin đồng hành với chúng con mỗi khi chúng con yếu đuối, vấn vương; và giúp chúng con trung thành bước theo sát dấu chân Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2331-2400
  2. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Nhà Đào Tạo Tâm Huyết và Sứ Vụ Đào Tạo Hôm Nay, tr. 213-217
  3. Giuse Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật, tập III, tr. 127-155
  4. Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, Mục I

 

Nt. Catarina Văn Đình Bằng Lăng

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế

Nguồn: Bản Tin Hiệp Thông Hội dòng Mến Thánh Giá Huế

[1] GLHTCG 2392