Giáo Dục Kỹ Năng Mềm – Một Bước Tiến Mới

Thế kỷ XXI, phụ nữ chính là lãnh đạo cho chính cuộc đời mình, xa hơn, họ có thể làm được rất nhiều việc truyền cảm hứng cho cộng đồng. Tuy nhiên xã hội vẫn chưa có cái nhìn đúng về giá trị của phụ nữ và chưa trao cho họ quyền lãnh đạo và chỗ đứng phù hợp. Để thay đổi quan niệm này, không nhất thiết người nữ phải đấu tranh đòi cho được quyền lãnh đạo bình đẳng như nam giới; nhưng trước tiên, họ cần định hướng và tự rèn luyện cho mình một sức mạnh và năng lực để tự thay đổi chính mình và dần đi tới chỗ được tôn trọng, tin tưởng và trao quyền. Vì vậy việc giáo dục tư tưởng có tầm nhìn chiến lược trong việc thăng tiến giá trị của giới nữ; trong đó vai trò hướng dẫn định hướng của những người có trách nhiệm, là hết sức quan trọng.

Với một chút nỗ lực như men muối cho đời, chị em Mến Thánh Giá Huế không ngừng bước theo Chúa Giêsu Kitô, trong linh đạo đặc sủng Mến Thánh Giá, để góp phần vào việc thăng tiến nữ giới (x. Hc. 4 và 75) đặc biệt trong bối cảnh hôm nay. Bài viết này, một cách khiêm tốn, xin chỉ giới hạn một vài vấn đề thực tế ở các bạn trẻ tại các giáo xứ trong các (tổng) giáo phận mà chị em chúng ta đang phục vụ. Đây cũng là cơ hội để chị em chúng ta nhìn lại sứ mệnh của mình và nhìn vào thực trạng hôm nay để thấy được chúng ta cần hành động cho giới trẻ và giới nữ như thế nào.

Thực trạng chọn ngành nghề của nữ giới

Có lẽ chúng ta đã dần quen với những câu nói đặc trưng của thế hệ Z “Chẳng sợ thất tình, chỉ sợ thất nghiệp”, hoặc “2021 rồi, con gái chỉ sợ thất nghiệp, không sợ thất tình”. Những câu nói mang tính trào lưu ấy chính là sự khẳng định tính quan trọng của nghề nghiệp tương lai trong giới trẻ, nhất là giới nữ. Các em, nhìn chung, có tri thức, sứ mệnh, tầm nhìn và định hướng khá rõ nét hơn những thế hệ trước. Tuy nhiên, khi có dịp tiếp xúc với các em tại các giáo xứ quê nghèo, phần đông các em từ độ tuổi trung học trở lên vẫn còn rất mập mờ trong việc định hướng nghề nghiệp, nhận thức điểm mạnh điểm yếu và sở thích cá nhân của mình.

Định hướng mơ hồ

Khi được hỏi về sở thích hay định hướng nghề nghiệp, các em thường trả lời rằng: em cũng chưa biết nữa. Một số em sẽ chọn ngành nghề theo sở thích cá nhân hoặc vì bố mẹ mong muốn, chọn theo bạn bè, nhưng nếu hỏi tại sao các em lại chọn ngành nghề đó, em hiểu gì về ngành nghề thì phần đông các em lại lúng túng và thiếu chính kiến.

Các em thường có nhiều ước mơ, nhưng lại không hành động để biến ước mơ đó thành hiện thực. Ước mơ và định hướng của các em lại không đi chung một đường, không dùng các phương thế để đạt được ước mơ, nên các em không xây dựng được những mục tiêu nhỏ để hoàn thành ước mơ của mình.

Thiếu kỹ năng mềm

Bên cạnh những em chưa định hướng được nghề nghiệp tương lai cho mình, một số em biết chọn ngành nghề, lại thiếu kỹ năng mềm, như khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học. Trong môi trường toàn cầu hóa ngày nay, ngoại ngữ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giao tiếp và hiệu năng công việc, tra cứu thông tin và cơ hội tìm việc làm. Tin học cũng là lĩnh vực không thể thiếu trong thời đại 4.0, nó hỗ trợ hoàn thành công việc cách nhanh chóng và hiệu quả. Thế nhưng, đa số các em không ý thức được tầm quan trọng của hai lĩnh vực này. Các em dù có đầu tư thời gian để học tập thì cũng chỉ trên danh nghĩa lấy bằng cấp và “làm đẹp” cho lý lịch trích ngang của cá nhân mà thôi! Còn thực tế, sử dụng thành thạo hay không, cơ hội kiếm việc làm tốt hay không thì còn quá xa vời, biết bao nhiêu em khốn đốn vì khả năng ngoại ngữ còn giới hạn của mình.

Khả năng tự học và quản lý thời gian của các em cũng còn rất hạn chế. Hầu như các em chỉ học trên lớp, học thêm, nhưng ít khi tự giác học bài hoặc nghiên cứu mở rộng. Vì thế, nội dung bài học của các em đóng khung, gây nhàm chán. Một số em vì điều kiện gia đình không thể chu cấp học phí, hoặc do bản thân không có đủ khả năng lãnh hội, nên bỏ ngang chương trình đang học khi chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Về thực trạng này, chúng ta cần định hướng cho các em có thể ôn tập trở lại, thi vào các trường bán công, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trung tâm dạy nghề cho các em.

Sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá Huế trong việc định hướng nghề nghiệp để thăng tiến nữ giới

Theo tinh thần Đức Cha Lambert

Người nữ tu Mến Thánh Giá Huế mang trong mình tinh thần và sứ mạng của Đấng Sáng Lập. Ngài nhắn nhủ trong bản Luật Tiên Khởi rằng: “Chị em dạy các thiếu nữ, giáo cũng như lương, những điều nữ giới cần biết… Săn sóc những phụ nữ, thiếu nữ đau ốm bệnh tật cả giáo lẫn lương. Nhờ cơ hội đó, khuyên bảo họ lo cho phần rỗi linh hồn và trở lại với Chúa. Dùng mọi cách kêu gọi phụ nữ và thiếu nữ trụy lạc ra khỏi nếp sống vô luân[1].

Bối cảnh lịch sử của “di chúc thiêng liêng” này là con người và đất nước của thế kỷ XVII. Thời mà người nữ đang chưa được tôn trọng xứng đáng; còn thiếu sự hiểu biết “những điều cần biết”; còn bị xem thường. Vốn mang trong mình trái tim thương cảm dành cho con người trong sứ vụ tại miền truyền giáo, Đức Cha của chúng ta ưu tư mang những giá trị tốt đẹp nhân văn đến cho con người, nhất là người nữ trong xã hội phong kiến thời bấy giờ.

Tồn tại hơn 350 năm lịch sử, nhiều hình thức tông đồ đã được thay đổi để phù hợp với đường hướng mục vụ mới. Thế nhưng, tinh thần và sứ mạng cao cả của Đấng sáng lập vẫn luôn được chị em Mến Thánh Giá khắc ghi, thực hiện và không ngừng sáng tạo mỗi thời. Dù trên con đường mục vụ – truyền giáo, chị em chúng ta gặp không ít khó khăn, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng chúng ta vẫn luôn nỗ lực trau dồi tri thức và kinh nghiệm; học hỏi và thích nghi cho phù hợp với bước tiến của xã hội, đòng thời vẫn giữ được nét đặc thù sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá.

Theo nhu cầu thời đại

Ngày hôm nay, chúng ta nhận thấy tồn tại một khó khăn trong đường hướng giáo dục chung là thiếu giáo dục kỹ năng mềm. [2] Kỹ năng mềm (Soft Skills) hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội, là thuật ngữ dùng để chỉ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống của chúng ta như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác, kỹ năng quan sát, khả năng thích nghi, kỹ năng quản lý thời gian– một lĩnh vực quan trọng giúp các em chủ động thời gian – làm chủ cuộc sống mình – xây dựng chính kiến – và định hướng tương lai. Bên cạnh đó, về phía năng lực bản thân của chị em chúng ta, cũng khiêm tốn nhận thấy rằng, xuất phát điểm của chúng ta cũng là những người nữ có lòng khát khao dâng hiến nhưng chưa thực sự thành thạo về những kỹ năng định hướng bản thân và giúp người khác định hướng. Mặt khác, với sự thay đổi “chóng mặt” của các hình thức thi tuyển, phân ban, những chuyên ngành mới, những cải cách giáo dục và thử nghiệm sách giáo khoa cũng gây ra thách đố cho chị em chúng ta – vốn là những người theo đường lối giáo dục cũ. Vì thế, để giúp các em định hướng nghề nghiệp chúng ta cần phải làm một bước nhảy vọt, trang bị cho mình những kiến thức “hợp thời.”

Trước hết, chúng ta giúp các em nhận ra được giá trị của lao động nuôi sống mình, để mình làm chủ cuộc đời và chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Bước đầu tiên trau dồi năng lực lao động chính là tự giáo dục chính mình, có khả năng nhận thức, phân tích, chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với đam mê hoài bão và xu hướng hợp thời đại.

Về khả năng nhận thức, chúng ta giúp các em rèn luyện cái nhìn lạc quan, để hành động lạc quan và “sản sinh” những hệ quả lạc quan. Các em cũng cần được học hỏi để bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, biết cách bảo vệ quan điểm cá nhân lúc làm việc nhóm. Tuy nhiên, các em cũng cần được giáo dục rằng, làm việc nhóm trên cơ sở tôn trọng ý kiến chung và cùng nhau giải quyết vấn đề nhằm đem lại kết quả cao nhất có thể. Làm việc nhóm ngoài khả năng hợp tác, còn là cơ hội để các em có tố chất lãnh đạo, thể hiện tài năng của mình. Bên cạnh đó, việc chia sẻ kinh nghiệm cho nhau cũng là một phương thế giúp nhau tiến bộ, tạo ảnh hưởng tích cực và truyền nguồn cảm hứng cho nhau.

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, vì kỹ năng này một mặt, đóng vai trò quan trong trong sự kết nối cộng đồng; mặt khác giúp các em phát triển ngôn ngữ và thế mạnh trong thuyết trình, hỗ trợ cho việc bày tỏ quan điểm cá nhân, thói quen ghi chép và trình bày trước đám đông. Kỹ năng này giúp các em xây dựng tương quan với người khác, bày tỏ ý kiến, và cách thức bảo vệ ý kiến, kỹ năng phản biện khoa học.

Để nâng cao khả năng nhận thức, cần tạo cho các em thói quen đọc sách và quản lý thời gian, tóm tắt, ghi chép và học hỏi. Một khi các em đã có tư duy nhận thức, việc rèn luyện sự tự tin là bước tiếp theo. Khi muốn tạo ấn tượng với ai đó, sự tự tin là chìa khóa của thành công. Nếu như khiêm nhường làm cho người khác yêu quý thì sự tự tin chính là yếu tố có ảnh hưởng tích cực trong tập thể, là tố chất của người lãnh đạo. Tập luyện sự tự tin bằng cách trau dồi kiến thức nền tảng. Dành thời gian để cân nhắc rằng các em hoàn toàn thoải mái với chính bản thân, vai trò, chuyên môn và giá trị của mình. Tìm điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để cải thiện. Trong trường hợp các em thấy điểm yếu của mình, dành thời gian để cải thiện nó, nhưng nếu mất quá nhiều thời gian cho một vấn đề mà các em tiến triển chậm thì chúng ta cũng cần giúp các em biết nhìn nhận và bỏ qua nó, dành thời gian cho những thứ quan trọng và tích cực hơn.

Chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình: Khi đối mặt với thất bại, sẵn sàng nhìn nhận và phân tích nguyên nhân để khắc phục cho lần sau, không đổ lỗi cho hoàn cảnh và giải quyết vấn đề. Đây là một trong những kỹ năng mang tính thử thách nhất, và cũng gây ấn tượng nhất, có khả năng truyền cảm hứng sâu nhất đối với người khác. Khả năng ứng xử trước lời phê bình phản ánh rất nhiều về thái độ khiêm tốn, sẵn sàng lắng nghe và sửa mình. Đồng thời có khả năng đánh giá, nhận xét mang tính xây dựng trong tập thể.

Khả năng tư duy sáng tạo: Giúp các em có cái nhìn nhìn tích cực và hy vọng vào công việc mình làm và có kế hoạch cụ thể. Việc học hỏi một ngôn ngữ mới và có quyết tâm rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn nên dự đoán khả năng rủi ro và thất bại có thể xảy ra để sẵn sàng đón nhận, rút ra bài học cho bản thân mình và cho tập thể. Sau cùng, không nên dừng lại ở thất bại nhưng rút ra kinh nghiệm để bước tiếp với những kinh nghiệm quí giá và thực tiễn hơn.

Đối với một số em chuẩn bị bước vào đời sống gia đình, chúng ta cũng cần định hướng cho các em về những giới hạn mang tính khách quan khi các em chọn lối sống này. Chẳng hạn: những nghĩa vụ dành cho gia đình, việc làm vợ làm mẹ thật thiêng liêng. Các em nữ cần đón nhận những nghĩa vụ đó như những công việc mới của mình mà không ca thán. Trước đó, các em cần tìm hiểu nhau thật kỹ, nhận ra được giá trị của bản thân và của người bạn đời của mình, cùng nhau chọn lựa và khắc phục những giới hạn để nên hoàn thiện hơn, không vì vội vàng chọn lựa để rồi các em tự đánh mất niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống hôn nhân sau này.

Đối với các em “lỡ bước”, chúng ta đã đón nhận các em vào các trung tâm chuyên biệt mà chị em chúng ta đang phục vụ để các em cảm thấy được quan tâm nâng đỡ, chúng ta đã giúp các em vượt qua khó khăn này và sẵn sàng đồng hành với các em trong công việc. Nhưng sâu xa hơn, chúng ta cũng hy vọng Hội Dòng sẽ có những trung tâm dạy nghề cho các em này, giúp các em hòa nhập vào cuộc sống và cảm thấy mình có ích, nếu các em muốn ở lại trung tâm.

Có thể nói rằng, sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá, gắn liền với những công việc phục vụ đơn sơ giản dị nhất, đồng hành cùng Giáo hội Việt Nam ngay từ buổi đầu được thành lập. Những hình ảnh được lưu lại trong từng trang sử nhắc nhở chị em chúng ta về tinh thần của Đấng sáng lập. Trải qua nhiều khó khăn và biến động lịch sử, có lúc tưởng chừng như không còn hiện diện trong lòng Giáo hội, nhưng rồi, chị em chúng ta vẫn luôn hiện diện, sống động hơn, rộng rãi hơn trong mọi môi tường và hoàn cảnh khác nhau.

Vốn mang trong mình những ưu tư về định hướng tương lai cho giới trẻ, nhất là khả năng rèn luyện kỹ năng mềm, giúp các em tự nhận thức, đánh giá bản thân, tìm điểm mạnh, điểm yếu và khả năng nhận diện các xu hướng thời đại. Có thể nói rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ trong thời đại hôm nay không thể bỏ qua việc giáo dục kỹ năng mềm – như một bước chuyển động trong sứ mạng. Về khía cạnh khoa học, bài viết này còn rất nhiều hạn chế trong lĩnh vực tính nghiên cứu. Về khía cạnh sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá Huế, bài viết chỉ gói gọn trong việc định hướng nghề nghiệp cho các em độ tuổi trung học phổ thông, nhằm đóng góp một phần rất nhỏ trong công việc mục vụ của chúng ta. Ước mong rằng, những hình thức tông đồ luôn được thực hiện trong tinh thần thích nghi và sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thời đại, đồng thời làm nổi bật được nét đặc thù sứ mạng của người nữ tu Mến Thánh Giá Huế. Cuối cùng, xin cho mỗi chị em chúng ta luôn đi sát tinh thần của Đức Cha Lambert, như ngọn đèn chiếu soi để chúng ta không bao giờ lạc lối.

[1] Luật tiên khởi, ch.III, các số 2.3 và 5.

[2] x.  https://jobsgo.vn/blog/ky-nang-mem-la-gi-cac-ky-nang-mem-can-thiet-trong-cong-viec/.

Nữ tu Matta Mai Thị Thu Trang

Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế