Cách tiếp cận hướng đến mục tiêu giáo dục con người hoàn thiện được Fulbright chọn theo mô hình tam giác Know (Tri thức) – Do (Kĩ năng) – Be (Phẩm chất). Trong trụ cột “Be”, sự thấu cảm có vị trí trung tâm bởi đó là nền tảng của lòng trắc ẩn và sự cảm thông.
Từ đầu thế kỉ 21, Giáo dục thấu cảm đã trở thành yếu tố trọng tâm trong các cải cách giáo dục hiện đại. Ngày càng nhiều các trường học ở Canada, Anh, Mỹ chú trọng đến việc giảng dạy kĩ năng thấu cảm cho học sinh. Thậm chí ở Đan Mạch, chủ đề dạy về thấu cảm đã trở thành giờ học bắt buộc ở mọi trường học kể từ năm 1993. Đến nay, các nhà quản lý và chuyên gia giáo dục toàn cầu đều cho rằng Giáo dục Thấu cảm là một nhân tố thiết yếu trong trải nghiệm học tập của học sinh, sinh viên ở mọi độ tuổi.
Sự nổi lên của Giáo dục Thấu cảm bắt nguồn từ học thuyết nổi tiếng về trí thông minh cảm xúc (Emotional Quotient/EQ). Trong cuốn sách gây ảnh hưởng toàn cầu xuất bản năm 1996 “Trí thông minh cảm xúc: Tại sao nó quan trọng hơn IQ”, Daniel Goleman chỉ ra rằng những kĩ năng như sự thấu cảm có vai trò then chốt trong việc giúp chúng ta xây dựng những mối quan hệ tích cực với người khác và để hiểu bản thân tốt hơn. Bởi vậy, thấu cảm có thể là một con đường dẫn tới sự thành công lâu dài trong học tập và sự nghiệp khi mỗi cá nhân có thể hiểu biết và làm việc với những người khác tốt hơn.
Khả năng thấu cảm giờ đây cũng được coi là một dấu chỉ quan trọng của năng lực lãnh đạo trong thế kỷ 21. Nhiều nghiên cứu chỉ ra thế hệ Millenials và gen X (dự kiến sẽ chiếm đến hơn 58% lực lượng lao động trong thập kỷ tới) có những nhu cầu, mong muốn, kỳ vọng rất khác biệt về công việc. Họ sẽ không có được sự hài lòng khi chỉ đi làm để có lương, có tiền thưởng, hay nhận các chế độ đãi ngộ.
Họ tìm kiếm những giá trị cao cả hơn như ý nghĩa công việc, niềm hạnh phúc, sự kết nối với đồng nghiệp và cấp trên. Nếu không tìm thấy những giá trị này, nhiều khả năng họ sẽ nhanh chóng rời bỏ tổ chức, hoặc làm việc một cách hời hợt, thiếu gắn kết. Những thay đổi này buộc các nhà quản trị cần phải phát triển những năng lực mới để thích nghi.
Mặc dù giáo dục thấu cảm đã trở thành xu thế phổ biến trong hệ thống giáo dục ở các nước phát triển trong hai thập kỷ vừa qua thì ở Việt Nam, chủ đề này dường như bị bỏ quên mãi cho đến hai năm trở lại đây. Đó là hệ luỵ của một thời kì dài hệ thống giáo dục chỉ chăm chăm nhồi nhét kiến thức cho học sinh, đào tạo ra những thế hệ “chuyên gia biết tuốt” nhưng lơ ngơ bước ra cuộc đời trong khi hoàn toàn bỏ rơi phần giáo dục phẩm chất con người, một trong những nền tảng tốt nhất mà giáo dục châu Á từng làm được trước kia.
MỘT GIÁ TRỊ TỰ THÂN
Trong trụ cột “Be”, sự thấu cảm có vị trí trung tâm bởi đó là nền tảng của lòng trắc ẩn và sự cảm thông. Nhưng giáo dục năng lực thấu cảm cho sinh viên không chỉ đơn thuần từ những giờ học về Đạo đức, hay những dự án “service learning” (hoạt động phụng sự cộng đồng) được lồng ghép trong nhiều môn học. Quan trọng hơn, sự thấu cảm đã trở thành một giá trị tự thân trong giáo dục, bắt đầu từ triết lý giáo dục khai phóng và tôn trọng sự đa dạng.
Trích lược từ bài viết: Kiến tạo môi trường giáo dục ươm dưỡng năng lực thấu cảm
Xuất bản ngày 05 Tháng 10, 2020 – Fulbright University Vietnam