Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XV Thường Niên – Chúa Giêsu: Người Tôi Trung Của Thiên Chúa

(Mk 2:1-5; Mt 12:14-21)

Ngôn sứ Mikha trong bài đọc 1 hôm nay khuyến cáo những người luôn tính toán lập mưu làm điều ác: “Khốn thay những kẻ nằm trên giường toan tính chuyện xấu xa, lập mưu làm điều ác! Vừa tảng sáng đã đem ra thực hiện vì nắm sẵn quyền bính trong tay. Muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy, muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt. Chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp” (Mk 2:1-2). Những điều ác được nêu ra ở đây là lạm dụng quyền bính để chiếm lấy những thứ không thuộc về mình. Chi tiết này nhắc nhở cho những người đang thực thi quyền bính [trong các hội đoàn, dòng tu, v.v.], biết sử dụng quyền bính của mình cho hợp với thánh ý Thiên Chúa. Nếu không, Đức Chúa sẽ lấy lại những gì mình chiếm lấy cách bất công. Không những thế, những người như thế sẽ bị chế giễu và không được chia sẻ trong bất kỳ sản nghiệp nào: “Ngày ấy, người ta sẽ ngâm thơ chế giễu các ngươi, sẽ cất lên bài ca than vãn: ‘Chúng tôi đã bị huỷ diệt hoàn toàn, phần đất của dân tôi đã vào tay kẻ khác. Than ôi, người ta lại tước đoạt của tôi, và chia đồng ruộng của chúng tôi cho quân phản nghịch!’ Vì vậy, trong đại hội của Đức Chúa sẽ chẳng ai chăng dây chia phần cho ngươi” (Mk 2:4-5).

Sau khi Chúa Giêsu chữa người bị bại tay, “nhóm Pharisêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu” (Mt 12:14) vì đây là lần thứ hai Chúa Giêsu chống lại luật Sabbath. Câu này được xem như câu chuyển tiếp để giải thích cho hành động “lánh khỏi nơi đó” (Mt 12:15) của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, theo các học giả Kinh Thánh, việc Chúa Giêsu lánh khỏi nơi đó không nhất thiết ám chỉ việc Ngài chạy trốn sự đối kháng. Nhưng ám chỉ việc Ngài phải đi đến các thành và làng mạc để rao giảng như đã được trình bày trong Mt 9:35. Hơn thế nữa, việc Ngài đi khỏi đó là điều kiện để “dân chúng theo Người đông đảo.” Điều này ngược với việc Ngài đi đến với các môn đệ khi Ngài gọi họ. Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu là trung tâm của sự “hấp dẫn.” Ngài “hấp dẫn” [cuốn hút] đến độ đám đông đi theo Người.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về người tôi tớ được Đức Chúa chọn lựa. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Máccô (3:7-12). Thánh Mátthêu tóm tắt toàn bộ công việc chữa lành của Chúa Giêsu và sau đó giải thích nó qua một câu trích nói đến Ngài như Đấng đến để hoàn thành câu trích dẫn (câu 7). Nhưng từ được lặp đi lặp lại là “xét xử” cho “dân ngoại.” Câu cuối cùng được làm sáng tỏ với một lời hứa đầy vinh quang và hy vọng cho muôn dân. Chúng ta rút ra được điều gì trong bài Tin Mừng này?

Điều thứ nhất chúng ta có thể rút ra là việc “dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người cấm họ không được tiết lộ Người là ai” (Mt 12:15-16). Trong câu này, chúng ta thấy dân chúng thực hiện một điều, đó là “theo” Chúa Giêsu, còn Ngài thực hiện hai điều, đó là “chữa lành” và “cấm họ không được tiết lộ Người là ai.” Những chi tiết này giúp chúng ta hiểu được điều Chúa muốn nơi chúng ta. Ngài chỉ muốn ở chúng ta một điều, đó là “theo Ngài,” còn những điều khác Ngài sẽ thực hiện cho chúng ta. Và điều đầu tiên chúng ta được khi theo Chúa Giêsu là “ơn chữa lành”: Ngài sẽ chữa lành chúng ta khỏi những “chứng bệnh” ngăn cản chúng ta theo Ngài cách trọn vẹn. Đồng thời Ngài cũng khuyến cáo chúng ta về nguy cơ “nghĩ sai hoặc hiểu sai” về Ngài. Điều này được Thánh Mátthêu diễn tả qua việc Chúa Giêsu “cấm họ không được tiết lộ Ngài là ai.” Là những người theo Chúa Giêsu, chúng ta có để Chúa chữa lành những vết thương mà người khác hoặc chính mình tạo ra trên cuộc đời của mình không? Chỉ khi chúng ta để Chúa Giêsu chữa lành những vết thương của mình, chúng ta mới biết và hiểu tại sao Ngài là Người Tôi Trung của Thiên Chúa qua những đau khổ của Ngài.

Dù Chúa Giêsu cấm mọi người không được tiết lộ Ngài là ai, Thánh Mátthêu cũng mượn lời Ngôn sứ Isaia (42:1-4), từ bài ca đầu tiên nói về Người Tôi Tớ Đau Khổ, để mô tả cho chúng ta biết Ngài là ai. Lời tiên sấm này nói về tình yêu của Thiên Chúa cho người tôi tớ. Người Tôi tớ được tràn đầy Thần Khí. Những hình ảnh phản chiếu sự hiền lành, chăm sóc cách âm thầm cho người yếu đuối, người thất vọng và người bị tổn thương được áp dụng cho Chúa Giêsu. Thật vậy, trong đoạn trích này, Chúa Giêsu được trình bày như người Tôi Trung của Thiên Chúa. Ngài là Đấng được Thiên Chúa yêu dấu và hài lòng. Trên Người, Thần Khi Thiên Chúa ngự. Sứ mệnh Ngài thực hiện là “loan báo công lý trước muôn dân” (Mt 12:18). Ngài là Đấng hiền lành và khiêm nhường vì “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12:19-21).

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB