Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XVI Thường Niên – Tìm Nơi Thanh Vắng Để Cầu Nguyện Sau Ngày Làm Việc

(Gr 23:1-6; Ep 2:13-18; Mc 6:30-34)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Đức Chúa khiển trách những mục tử đã không làm tròn trách nhiệm của mình: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác -sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23:1). Những mục tử không làm tròn trách nhiệm của mình là những mục tử mang lại sự chia rẽ, làm cho đoàn chiên không hiệp nhất vì đã không để tâm đến đoàn chiên mà chỉ đến lợi ích của cá nhân mình: “Chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng” (Gr 23:2). Những lời này khuyến cáo mỗi người chúng ta, vì ai trong chúng ta cũng được xem là người mục tử, mỗi người trong chúng ta được Thiên Chúa trao cho anh chị em để chăm sóc. Nhưng nhiều lần, chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình mà không cộng tác với Đức Chúa để chăm sóc anh chị em mình. Hình ảnh Đức Chúa là mục tử nhân lành giúp chúng ta biết việc chúng ta phải làm, đó là: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa” (Gr 23:3-4). Những lời này chỉ ra vai trò chính yếu của người mục tử là trung tâm điểm của hiệp nhất, mang lại sức sống cho chiên của mình và nhất là tìm kiếm những con chiên đi lạc và bị bỏ rơi. Những nhiệm vụ này là một thách đố cho mỗi người chúng ta, vì thông thường ai trong chúng ta cũng chỉ muốn “ngồi mát ăn bát vàng,” hoặc là không muốn làm việc với những người khó tính khó nết. Hình ảnh Đức Chúa là mục tử nhân lành đưa chúng ta về lại với căn bản của tình yêu Kitô Giáo, đó là một tình yêu mang lại sự hiệp nhất, đoàn kết và sức sống cho mọi người.

Thánh Phaolô, trong bài đọc 2, trình bày sự tương phản giữa cuộc sống trước kia khi các tín hữu Êphêsô không có Đấng Kitô và sau khi có Ngài. Trước khi có Đấng Kitô, họ “không được hưởng quyền công dân Israel, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này…. là những người ở xa” (Ep 2:12-13). Một cách cụ thể, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Êphêsô [chúng ta] những điều Chúa Giêsu đem lại cho những ai có Ngài trong cuộc đời: (1) “nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.” Nói một cách cụ thể, những người sống trong ân sủng của Thiên Chúa luôn cảm nghiệm được sự gần gũi của Thiên Chúa dù vẫn phải đối diện với những khó khăn thử thách như bao nhiêu người khác; (2) những người có Đấng Kitô là những chứng nhân của bình an và hiệp nhất vì họ nhận ra rằng chính Đấng Kitô là bình an của họ và Ngài cũng là Đấng đã “liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2:14-15); (3) những người có Đấng Kitô là những người được hoà giải với Thiên Chúa: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2:16). Suy niệm trên ba điểm này, chúng ta tự hỏi: Tôi có những điều này trong cuộc sống của tôi không? Ba điểm này được thể hiện cách cụ thể trong đời sống bình an và hợp nhất với hết mọi người của chúng ta trong lời nói cũng như trong việc làm.

Bài Tin Mừng hôm nay liên kết rất chặt chẽ với bài Tin Mừng ngày hôm qua. Chính vì vậy, ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay chỉ được hiểu khi chúng ta đặt nó vào trong cấu trúc: Sai đi – làm chứng – trở về kể lại với Chúa Giêsu những gì họ đã làm và dạy. Có bốn điểm chúng ta cần tập trung suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay vì đây là điều chúng ta dễ dàng quên trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Thứ nhất là “các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6:31). Sau một ngày làm việc vất vả, chúng ta thường làm gì? Các môn đệ tụ họp chung quanh Chúa Giêsu để kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và đã dạy. Điều này không có gì sai. Tuy nhiên, khi làm như vậy, các môn đệ quên mất một khía cạnh quan trọng của người môn đệ, đó là, khía cạnh “ở với Chúa Giêsu”: “Ở với Chúa Giêsu là khía cạnh nền tảng và quyết định căn tính và sứ mạng của người môn đệ của Chúa Giêsu. Những môn đệ không ở với Chúa Giêsu sẽ không biết mình được sai đi làm gì. Họ chỉ làm những việc họ thích hơn là làm những việc họ được sai đi để làm. Thật vậy, chúng ta thường đánh giá người môn đệ dựa trên việc làm hơn là trên việc ở lại với Chúa. Thánh Máccô nói cho chúng ta điều này khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3:14-15). Hãy “là môn đệ” của Chúa Giêsu” trước khi “làm tông đồ” của Ngài!

Thứ hai là việc Chúa Giêsu bảo các ông “hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (Mc 6:32). Trong điểm thứ nhất chúng ta thấy rằng, các môn đệ trở về và kể với Chúa Giêsu những “chiến tích của mình.” Nhưng họ quên một điều là khi họ được sai đi, Chúa Giêsu “ban cho họ quyền trên các thần ô uế” (Mc 6:7). Như vậy, những gì họ đã làm và dạy không phải do quyền lực hay khả năng của các ông, mà là của Chúa Giêsu. Chính vì vậy, “chiến tích” không thuộc về họ, mà thuộc về Chúa Giêsu. Khi mời gọi các ông tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, Chúa Giêsu muốn các ông trở về lại với con người thật của mình để khám phá ra sự thật là: “Không có Thầy, anh em sẽ không làm được gì” (Ga 15:5).

Thứ ba là thái độ của Chúa Giêsu như vị Mục Tử cao cả. Tình yêu của vị mục tử không bao giờ yên nghỉ khi còn có “tội nhân” cuối cùng chưa ăn năn trở lại. Dù bận rộn với công việc; dù cho “kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa” (Mc 6:31). Dù muốn nghỉ ngơi, nhưng khi “ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6:34). Chúng ta thường phàn nàn rằng chúng ta làm quá nhiều việc đến độ không còn giờ cho chính mình, thì làm sao có giờ dành cho người khác. Nhiều khi chúng ta nổi giận hoặc không muốn làm gì khi mệt mỏi. Nhìn vào gương Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải tự vấn chính mình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu không bao giờ mệt mỏi khi làm điều tốt cho người khác, ngay cả khi “chẳng có giờ để ăn uống.” Khi làm việc với niềm vui và con tim của Chúa, chúng ta sẽ không còn để ý đến gánh nặng của công việc mà chỉ còn để ý đến niềm vui và hạnh phúc của những người khác. Đây chính là điều giúp chúng ta không thấy mệt mỏi khi làm việc tốt cho người khác.

Điểm cuối cùng làm chúng ta lưu ý là câu mở đầu và câu kết của Tin Mừng hôm nay. Câu mở đầu nói về việc các môn đệ trở về và tường thuật lại việc họ đã làm và đã dạy và câu kết nói đến việc Chúa Giêsu dạy dỗ họ [bao gồm nhóm 12]. Như chúng ta đã biết, đây là lối viết “bánh mì kẹp” của Máccô: Mở đầu và kết thúc cùng một đề tài là “dạy dỗ,” chỉ khác nhau về “người dạy.” Trong câu mở đầu, các môn đệ dạy; còn trong câu kết, Chúa Giêsu dạy. Tuy nhiên, như chúng ta đã trình bày, các môn đệ “dạy với quyền năng của Chúa Giêsu.” Chính vì lý do này, cuối cùng chỉ có một thầy dạy, đó là Chúa Giêsu. Điều này nhắc nhở chúng ta về việc phải luôn có “thái độ của một người học trò” trong mọi công việc của chúng ta, vì qua công việc của chúng ta, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về thánh ý của Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB