Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XVI Thường Niên – Gia Đình Mới Của Chúa Giêsu

(Mk 7:14-15.18-20; Mt 12:46-50)

Ngôn sứ Mikha dâng lời cầu xin Đức Chúa không bỏ rơi, nhưng đến chăn dắt Israel như Ngài đã từng thực hiện: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài dùng gậy chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái. Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Basan và Galaát như những ngày thuở xa xưa. Như thời Ngài ra khỏi đất Aicập, xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công” (Mk 7:14-15). Chúng ta thấy, kinh nghiệm được giải thoát khỏi ách nô lệ Aicập luôn là kinh nghiệm quan trọng nhất đối với người Do Thái vì qua đó họ nhận ra tình yêu vô biên Đức Chúa đã dành cho họ. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, uy dũng không ai có thể sánh được với Ngài. Dù uy quyền, Đức Chúa luôn đối xử nhân hậu với dân vì Ngài là Đấng trung tín: “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Giacóp, và tình thương cho Ápraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước” (Mk 7:18-20). Trong những lời này, ngôn sứ Mikha chỉ ra những đặc tính sau của Đức Chúa: chịu đựng lỗi lầm, bỏ qua tội ác, không giữ mãi cơn giận, chuộng lòng nhân nghĩa, giàu lòng thương xót, luôn tha thứ, luôn thành tín với điều đã thề hứa. Là con cái, chúng ta được mời gọi nên giống Thiên Chúa. Trong những đặc tính trên, chúng ta đã có được đặc tính nào chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu. Nếu có, hãy tiếp tục phát triển cho đến mức thập toàn.

Đoạn Tin Mừng ngày hôm nay đi sau đoạn nói về việc Chúa Giêsu khuyến cáo việc trở lại của các thần ô uế (Mt 12:43-45) và đi trước những dụ ngôn về Nước Trời. Điều này cho thấy gia đình mới của Chúa Giêsu có liên quan đến việc trừ thần ô uế [đồng thời chuẩn bị chống lại những thần ô uế dữ tợn hơn] và việc thiết lập Nước Trời. Chúng ta cũng tìm thầy trình thuật về gia đình mới của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Máccô (3:31-35) và Thánh Luca (8:19-21). Nếu chúng ta lưu ý kỹ, chúng ta nhận ra rằng Thánh Mátthêu đưa ra câu khẳng định về tiêu chuẩn cho gia đình mới (câu 50) như câu trả lời cho vấn nạn được đặt ra trong câu 48-49. Tất cả những điều này được liên kết chặt chẽ với nhau và bổ sung cho nhau cách hỗ tương. Có hai điều chúng ta có thể rút ra để suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thứ nhất là hành vi Chúa Giêsu “giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi’” (Mt 12: 49). Hành vi “chỉ các môn đệ” thiết lập gia đình mới của Ngài. Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, hành vi “chỉ các môn đệ” là hành vi “đặt tay” để thiết lập họ thành gia đình mới. Nói cách khác, đối với Thánh Mátthêu, những thành viên mới trong gia đình Chúa Giêsu là những người môn đệ. Gia đình mới của Chúa Giêsu không dựa trên mối tương quan tự nhiên máu thịt, nhưng dựa trên mối tương quan mang tính “ý hướng,” đó là mọi người khi theo Chúa đều chỉ nhằm mục đích “lắng nghe và thi hành ý muốn Thiên Chúa.” Điều này thường đi ngược lại với cảm tính con người. Chúng ta thường xem những người thân, những người cùng huyết tộc với chúng ta là những thành viên thuộc gia đình mình. Hệ quả là chúng ta yêu thương và chăm sóc họ. Khi theo Chúa Giêsu, những điều này không bị bỏ đi. Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta đón nhận những anh chị em khác, là những người không phải máu mủ của mình để yêu thương và phục vụ họ như những người thuộc máu mủ. Tóm lại, những ai thuộc gia đình mới của Chúa phải đi vượt qua tính tự nhiên để sống đời sống siêu nhiên trong Chúa, đó là yêu mọi người như Chúa đã yêu thương họ.

Thứ hai là câu khẳng định của Chúa Giêsu: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:50). Câu này định nghĩa chân tính của người môn đệ là những người vâng phục Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Ngài. Đối với Thánh Mátthêu, căn tính của người môn đệ hệ tại việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Như vậy, người môn đệ không chỉ lắng nghe, mà con phải đem ra thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng làm sao để biết được ý muốn của Thiên Chúa? Chúng ta chỉ biết được ý muốn của Thiên Chúa chỉ khi chúng ta có một mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu, được thiết lập qua việc lắng nghe cách chăm chú lời Ngài dạy. Nói cách cụ thể, những ai không có đời sống cầu nguyện thâm sâu, sẽ khó [hoặc không thể] biết được ý muốn của Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB