(Nk 2:1.3; 3,1-3.6-7; Mt 16:24-28)
Ngôn sứ Nakhum trong bài đọc 1 hôm nay nói cho con cái Israel biết Thiên Chúa sẽ mang đến cho họ niềm vui Tin Mừng và bình an sau những ngày cùng khốn: “Kìa, trên các đồi núi xuất hiện người đi loan báo Tin Mừng, và công bố bình an. Này hỡi Giuđa, hãy mừng lễ, hãy giữ trọn các lời khấn hứa, vì kẻ thừa hành của Xatan không còn qua lại nơi ngươi nữa; nó đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Phải, Đức Chúa khiến cho Giacóp và Israel lấy lại sức kiêu hùng. Bọn cướp đã tàn phá, lại còn phá huỷ cả các nhành nho” (Nk 2:1.3). Để có được niềm vui Tin Mừng và sự bình an, Israel cần giữ trọn lời khấn hứa với Đức Chúa. Chúng ta cũng đã từng khấn hứa thuộc trọn về Chúa Giêsu trong bí tích rửa tội [hoặc trong ngày khấn dòng]. Nhưng nhiều lần chúng ta để cho mãnh lực sự dữ chiếm ngự làm chúng ta không giữ trọn lời khấn hứa của mình. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đặt trọn cuộc sống của mình vào sự dẫn dắt của Ngài. Ngài sẽ phá tan những mãnh lực tử thần, để mang lại cho chúng ta niềm vui thuộc trọn về Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu về ơn gọi của người môn đệ. Điều này xảy ra sau khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Ngài. Chúng ta cũng có thể tìm thấy trình thuật này trong Mt 10:38-39. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, chỉ có năm lần Chúa Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ và trong năm lần đó, ba lần đầu tiên nói về cái giá mà người môn đệ phải trả để đi theo Ngài. Ba lời dạy này có thể được hiểu như là lời giải thích về giới răn yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực (x. Đnl 6:5). Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay thành hai phần: phần 1 (Mt 16:24-26) nói về cái giá để trở nên môn đệ Chúa Giêsu, và trong phần 2 (Mt 16:27-28) Chúa Giêsu nói cho các môn đệ về viễn cảnh xảy ra trong ngày sau hết.
Trong phần nói về cái giá người môn đệ phải trả, chúng ta đọc thấy những lời sau: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” Chúng ta thấy có hai cái giá mà người môn đệ phải trả, đó là “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá mình.” “Từ bỏ chính mình” ám chỉ đến việc hoàn toàn từ bỏ ý muốn của mình để tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Hay nói cách khác là hoàn toàn quy phục ý muốn của mình trước thánh ý Thiên Chúa. Còn “vác thập giá mình” không ám chỉ đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh. Kiểu chết tàn khốc này thường xảy ra trong thời cổ. Câu nói của Chúa Giêsu mang tính chất tục ngữ mà qua đó thập giá ám chỉ đến những đau khổ và khó khăn mà người môn đệ sẽ gặp phải trên bước đường theo Ngài. Còn trong câu khẳng định mang tính đối nghịch về việc cứu mạng sống mình, Chúa Giêsu ám chỉ đến những người tránh tử đạo, tránh việc làm chứng cho Ngài đến độ hy sinh mạng sống của mình. Khi khuyến cáo các môn đệ về việc được cả thế giới mà mất mạng sống mình, Chúa Giêsu nói đến mối nguy hiểm của việc thu gom của cải vật chất đến nỗi đặt trọn con tim của mình vào đó như là kho tàng, để rồi không còn chỗ cho Chúa trong tim mình. Chúng ta có chỗ cho Chúa trong con tim của mình không?
Chúa Giêsu kết với việc đưa các môn đệ về viễn cảnh của ngày cánh chung để khuyến khích các môn đệ sống trung thành với ơn gọi của mình dù gặp nhiều đau khổ và bắt bớ trên đường theo Ngài: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị” (Mt 16:27-28). Những lời trên phản ánh những lời chứa đựng trong Tv 62:13. Một chi tiết cần lưu ý là câu nói của Chúa Giêsu về “những người không phải nếm sự chết cho đến khi Con Người đến hiển trị.” Khoảng thời gian trong câu nói này là không đúng nếu nó ám chỉ đến việc Nước Trời đến trong sự tròn đầy của nó như được đề cập đến trong Tin Mừng Thánh Máccô (13:32). Những lời này ám chỉ đến việc “một số” nhìn thấy được lời hứa được hoàn thành trong sự kiện biến hình (x. Mt 17:1-9). Chi tiết này nói cho chúng ta rằng: Chúng ta cũng có thể nếm cảm được niềm vui của thiên đàng trong đời sống thường ngày. Điều quan trọng là chúng ta có đến với Chúa Giêsu để cảm nếm vị ngọt tình yêu thiên đàng hay không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB