Bài 12. Đáp Lại Tiếng Gọi Đi Truyền Giáo Vùng Viễn Đông

Mùa xuân năm 1657, cha Lambert phải đi Paris để xin trợ cấp cho Trung tâm Xã hội, ngài mượn dịp này để thăm người em là Nicolas, đang chuẩn bị chịu chức linh mục, ở phố Saint- Dominique, trong ngôi nhà của Nhóm Bạn Hiền, do cha Bagot Dòng Tên thành lập. Họ sống có kỷ luật, rất đạo đức và từ bốn năm trước, khi cha Đắc Lộ tới đây, ngài đã vận động cho việc gửi Đại diện Tông tòa sang châu Á. Được Nhóm Bạn Hiền hỏi về “cách điều hành các công cuộc truyền giáo, về tinh thần và cách điều hành nhà của họ”, cha Pierre lambert sẵn có kinh nghiệm của Dòng Thánh Jean Eudes, khuyên họ nên duy trì Hiệp Hội của họ như là “một vườn ươm liên tục” các thừa sai tương lai. Ý tưởng này đã đưa đến việc lập Chủng viện Thừa sai Hải Ngoại sáu năm sau. Trong một bầu khí như vậy, mơ ước thầm kín đi truyền giáo nơi cha Pierre Lambert bỗng nhiên trở lại cách mạnh mẽ và ngay khi về tới Rouen, ngài thổ lộ ước mơ này với cha linh hướng.

Trong năm tuần lễ ở Rouen, được sự trợ giúp thiêng liêng và sự ủng hộ của cha Hallé, mùa hè năm 1657, ngài lên đường đi Paris ngay, lấy lý do là phải giải quyết một số vấn đề còn đọng lại của Văn phòng Người Nghèo. Ngài đến Đan viện Camelo Pontoise, dâng lễ trong nhà nguyện nơi chôn cất Mẹ Marie de l’Incarnation. Hôm sau, ngài họp Nhóm Bạn Hiền và cho họ biết ngài muốn xung phong đi truyền giáo như một thừa sai bình thường và sẵn sàng dâng cúng phần tài sản còn lại để làm phương tiện sinh sống cho các Đại diện Tông tòa nơi miền truyền giáo. Sáng kiến trên làm ngài trở thành một nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong lịch sử truyền giáo.

Trong những ngày còn lại, ngài giải quyết các vấn đề tài chính của Trung tâm Xã hội Rouen bằng cách xin Nhà Vua cho phép đốn mỗi năm một số gỗ trong các khu rừng bên bờ sông Seine, sau đó ngài lui về tĩnh tâm ở Saint-Lazare. Trong dịp này cha Lambert có cơ hội gặp gỡ trao đổi với cha thánh Vincent de Paul về ý định của ngài[1].

Lạy Chúa, xin cho chúng con có được sự khao khát tìm kiếm thánh ý Chúa trên cuộc đời mình cũng như nơi từng sứ vụ và mau mắn thi hành, vì đó cũng là cách chúng con biểu lộ tình yêu thưc tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa.

[1] x. F. FAUCONNET BUZELIN, Tìm về nguồn gốc Hội Thừa Sai …; sđd, trang 59; Người cha bị lãnh quên…; sđd, trang 149-150.

Trích Tập Sách “52 Bài Đọc Thiêng Liêng về Đức Cha Lambert de la Motte“

Ban Linh Đạo Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế