“Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1,24)
- Ai cũng có thập giá đời mình
Sống trên cuộc đời này liệu rằng có ai dám khẳng định rằng: Cuộc đời mình toàn nụ cười và hạnh phúc, không có bóng dáng của đau khổ, của Thập giá? Như đứa trẻ khi được sinh ra khỏi cung lòng người mẹ, nó chào đón thế giới này bằng tiếng khóc thay vì tiếng cười, có lẽ vì nó cảm nhận được rằng, nó đã mất đi nơi trú ẩn an toàn, bây giờ phải bắt đầu đối diện với những đau khổ, khó khăn, thử thách, trong khi đứa bé thấy mình thật yếu đuối, bất lực trước tất cả những điều đó.
Và một người khi càng trưởng thành họ càng nhận thức rõ nét hơn về khó khăn, đau khổ, Thập giá của phận người như lời tác giả Thánh vịnh đã nói:
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
(Tv 90,10)
Thập giá của đời mỗi người có thể được biểu hiện ra bên ngoài, hiện thị trên gương mặt, trên thân xác mà ai nhìn cũng thấy tội nghiệp đáng thương như là bệnh tật, mất mát của người thân, sự vất vả trong công việc… Nhưng có những Thập giá ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người mà chỉ có cá nhân mới biết như là những tổn thương tâm hồn, những khó khăn trong đời sống cộng đoàn, những thử thách trong đời sống thánh hiến, những “đêm tối” của đời sống đức tin… Có Thập giá thoáng qua và cũng có những Thập giá liên lỉ dài lâu. Có Thập giá nhẹ nhàng mà mình tự nguyện vác lấy nhưng cũng có Thập giá nặng nề mà mình phải gánh giùm tha nhân. Có Thập giá khiến ta mệt mỏi nhưng cũng có Thập giá khiến ta vui mừng. Có Thập giá do người tha nhân trao gửi cho mình nhưng cũng có Thập giá bản thân mình tự tạo ra.
Xem ra Thập giá là tất yếu của cuộc sống này. Con người không thể chạy trốn khỏi Thập giá. Dù khi con người chạy trốn Thập giá này thì cũng đang có một Thập giá khác chờ sẵn đó. Vì thế, để Thập giá nở hoa và kết trái hay Thập giá mãi vẫn là khúc gỗ tượng trưng của sự dữ và cái chết, người môn đệ của Đức Kitô cần phải lựa chọn cách mình đối diện với Thập giá của cuộc đời.
- Lựa chọn của người môn đệ trước Thập giá
Cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu còn có hai tên gian phi. Tất cả đều chịu đóng đinh, chịu nhục nhã như nhau, vậy nhưng, đau khổ, nhục nhã của một trong hai tên gian phi chẳng mang lại một chút giá trị nào cho chính hắn và cho người khác. Hắn đã vác Thập giá cách bị động, vừa vác, vừa càm ràm, không chịu nhận lỗi mình nhưng chỉ biết đổ lỗi, trách móc người khác và trách móc cả Thiên Chúa (x. Lc 23, 39). Với Đức Giêsu, Ngài đã đón lấy cây Thập giá với tâm tình “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36). Đứng trước thập giá, Đức Giêsu dù có sợ hãi nhưng không tránh né; dù có vấp ngã nhưng vẫn quyết đứng lên; dù chịu đánh đòn, chịu đội mão gai, bị nhạo báng chê cười, chịu phỉ nhổ nhưng Ngài vẫn không trách móc, than van và vẫn luôn sẵn lòng tha thứ cho tất cả những ai mang đến đơn đau cho Ngài “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chính vì được vác với tâm tình yêu thương, Thập giá Đức Giêsu vác lấy đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho con người.
Như tên gian phi kia, khi chúng ta được giao phó bổn phận này, sứ vụ kia chúng ta sợ vất vả, sợ mình không đủ sức… nên ta từ chối; khi trong cộng đoàn có những người chị em “không dễ chung sống” nên đã từ chối sứ vụ mới, cộng đoàn mới;… Từ chối khó khăn, trốn tránh đau khổ, trốn tránh Thập giá là chúng ta đang trốn tránh chính Đức Giêsu và trốn tránh ơn cứu độ của Ngài.
Còn khi đón nhận Thập giá theo gương Thầy Giêsu, chúng ta cũng sẽ giống như tông đồ Phaolô khi đối diện với đau khổ “tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1,24). Đó chính là niềm vui khi chịu khó khăn trong sứ vụ, vất vả trong cuộc sống, chịu hiểu lầm… Nhưng cũng cần phải xác định rằng, Thập giá mà chúng ta đón lấy phải “vì anh em” chứ không phải vì bản thân mình, chúng ta không phải là tác giả của Thập giá mình hay của anh em mình đang vác. Thập giá đó mang lại ơn ích thiêng liêng cho mình, cho anh em mình, cho cộng đoàn mà mình đang hiện diện, cho giáo xứ mình đang phục vụ, cho những đứa trẻ mà mình đang trực tiếp chăm sóc dạy dỗ…
Để bước theo Đức Kitô, người môn đệ “phải từ bỏ mình, vác Thánh giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Trong hành trình sứ vụ, trong đời sống cộng đoàn sẽ có nhiều lúc khiến chúng ta chán nản, muốn buông xuôi, muốn “được chăng hay chớ”. Vậy nhưng là người môn đệ đích thực của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi kiên trung vác Thập giá mỗi ngày “hãy vui mừng khi có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). Đó có thể là kiên trì với từng giờ kinh chung, giờ cầu nguyện riêng dù tôi thật bận rộn; đó là tập mỗi ngày nhường nhịn và nhìn ra điểm tốt của một người chị em mà mình không thích; đó là kiên trì khi tập luyện một nhân đức; đó là can đảm chấm dứt với một đam mê xấu;… Hành trình vác Thập giá theo Đức Kitô không phải đã hoàn thành sau khi ta tập được nhân đức này nhân đức kia, hay khi được kết thúc một sứ vụ xem ra nặng nề bằng một sứ vụ nhẹ nhàng hơn, hay khi được sai đến một cộng đoàn có những người chị em hợp ý… nhưng hành trình đó đòi hỏi mỗi người phải “chuyên chú suy gẫm cuộc Thương Khó và thông dự vào những nỗi khổ đau của Người hằng ngày trong suốt cuộc đời”[1]. Kiên nhẫn đón nhận Thánh giá mỗi ngày sẽ giúp người môn đệ ngày một trưởng thành hơn về mọi phương diện.
Và trên hành trình vác Thánh giá đầy gian nan để theo Chúa, mỗi chúng ta ai cũng cần đến những Veronica, những Simon Kyrene đỡ nâng. Đồng thời chính chúng ta cũng phải trở nên những Veronica, những Simon Kyrene cho anh chị em mình.
- Cộng đoàn “xin được cùng nhau vác Thánh giá mà theo chân Chúa”
“Cộng đoàn Mến Thánh Giá là một gia đình đích thực, được quy tụ nhân danh Đức Kitô Khổ Nạn-Phục Sinh.” (Hiến chương Hội dòng Mến Thánh Giá Huế điều 41) Trong gia đình đích thực được quy tụ đó, mỗi người mang theo mình tính tính, sở thích, hoàn cảnh gia đình, lối sống, văn hoá vùng miền đến cùng nhau. Vì thế, “cộng đoàn có thể giúp ta nên thánh, cũng có thể biến ta thành quỷ dữ. Cộng đoàn có thể đưa ta lên Thiên Đàng nhưng cũng có thể đày ta xuống hoả ngục. Cộng đoàn có thể là nơi ta tìm thấy nguồn an ủi, nhưng cũng có thể là nơi ta chẳng muốn về.[2]
Để cộng đoàn không trở thành “nhà sản xuất Thập giá” nhưng nên “nước tăng lực” cho người sống đời thánh hiến “vác Thánh giá hằng ngày mà theo Chúa” cần:[3]
Thứ nhất: Mỗi thành viên cần ý thức sống tinh thần kỷ luật chung và riêng. Kỷ luật giúp người tu sĩ hạn chế tính thích tự do bên ngoài đồng thời giúp sắp xếp trật tự cần có của đời sống chung. Kỷ luật bên trong giúp người tu sĩ kìm hãm giác quan và những thúc đẩy xấu trong tâm hồn. Kỷ luật bên ngoài là sự trợ giúp để thực hiện kỷ luật bên trong. Nếu trong cộng đoàn ai cũng tuân giữ kỷ luật chung, hoàn thành những bổn phận được giao phó thì cộng đoàn sẽ nên là động lực giúp chị em chiến thắng những Thập giá từ bên trong tâm hồn.
Thứ hai: Mỗi người phải xác tín rằng cộng đoàn là gia đình đích thực được Đức Kitô quy tụ, mỗi chị em như là người thân của mình để có những sáng kiến xây dựng. Như ông bà ta từng dạy “chị ngã em nâng”, trong cộng đoàn mỗi người tuỳ vào khả năng Chúa ban để “vác đỡ gánh nặng cho nhau; chấp nhận sự căng thẳng do khác biệt tuổi tác, tính tình, nếp suy nghĩ; đồng thời với tinh thần hy sinh, nỗ lực xây dựng cộng đoàn hiệp nhất của mỗi người cũng nên là gương sáng cho nhau trên bước đường đi theo Chúa.” (x. Hiến chương Hội dòng Mến Thánh Giá Huế chương 41)
Thứ ba: Một cộng đoàn cần quân bình các giờ giấc sao cho luôn có thời gian làm việc, thời gian cầu nguyện, thời gian suy tư, những giờ chơi chung, giờ chia sẻ… Những hoạt động chung mà các thành viên tham gia với nhau là cách để mỗi người thể hiện mình cho chị em và cũng là cơ hội để mỗi người hiểu biết thêm về những thành viên đang sống chung với mình. Sự hiểu biết lẫn nhau giúp cho đời sống chung giảm bớt đi những hiểu lầm, tìm kiếm thêm những cảm thông, tha thứ, …
Để kết thúc, xin được sử dụng lời bài hát “Tôi yêu Thánh Giá” như là một tâm tình, một cách khẳng định lại lý tưởng đời tu, một quyết tâm “vác Thánh Giá theo chân Chúa mỗi ngày” cho đời thánh hiến:
“Lạy Thánh Giá của Chúa Kitô, con say sưa suy ngắm miệt mài, con vui tươi vác lấy hằng ngày. Vì Thánh Giá là lý tưởng cao đẹp của con. Ôi Thánh Giá của Chúa Kitô, con thà phải mất hết trong đời để chọn lấy Thánh Giá của Người. Vì Thánh Giá là lẽ sống muôn đời của con.”
Nữ tu Maria Trần Thị Thuyên
Hội dòng Mến Thánh Giá Huế
[1] Tuyển tập Bút tích Di cảo, Luật Tiên khởi, tr 28.
[2] https://gpcantho.com/doi-song-cong-doan-trong-doi-tu/
[3] X. https://gpcantho.com/doi-song-cong-doan-trong-doi-tu/