Thánh Phêrô tiếp tục nhắc nhở mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động để xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng của Thiên Chúa. Ngôi Đền Thờ này có viên đá gốc là Đức Kitô. Trong Đức Kitô, mọi người được liên kết với nhau và đây chính là vinh dự của mỗi người Kitô hữu vì họ “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:9). Cuộc sống của mỗi người Kitô hữu là để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa qua chính lời nói và hành động hằng ngày. Nói cách khác, người Kitô hữu được mời gọi trở nên “con đường của Đức Kitô,” để qua họ, những người khác đến gặp Đức Kitô. Để sống được như thế, mỗi người chúng ta phải nhận ra rằng mình chỉ là lữ hành trên thế gian này. Quê hương thật của chúng ta là ở trên trời. Vì vậy, mỗi ngày sống là một cơ hội để chúng ta làm chứng rằng: “anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn. Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm, mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (1 Pr 2:11-12). Chúng ta đã ăn ở ngay lành chưa để những người khác, nhất là những anh em thuộc tôn giáo khác không vu khống chúng ta không sống đúng với ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người mù tên là Batimê. Trong Máccô 8:22-26, một người mù vô danh được đưa đến với Chúa Giêsu và việc chữa lành của anh ta được thực hiện cách tiệm tiến, và sau khi được chữa lành, Chúa Giêsu nói anh ta phải giữ bí mật về việc chữa lành. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, người mù có tên là Batimê, anh ta chủ động đến với Chúa Giêsu và được Ngài chữa lành ngay lập tức và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, phản ứng của Batimê trước Chúa Giêsu và sự sẵn sàng theo Chúa Giêsu trên hành trình của người môn đệ đối nghịch với sự hiểu lầm của các môn đệ và sự mù loà của họ trong suốt hành trình theo Chúa Giêsu. Thánh Máccô bắt đầu câu chuyện hôm nay với việc giới thiệu về hoàn cảnh của người mù: “Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Batimê, con ông Timê “(Mc 10:46). Trong những lời này, Thánh Máccô giới thiệu các “nhân vật” trong “vở kịch” sẽ xảy ra: Chúa Giêsu, các môn đệ, anh mù và đám người khá đông. Chi tiết chúng ta cần lưu ý là hoàn cảnh sau của Batimê: bị mù, ăn xin bên vệ đường, có tên, có gia phả. Những chi tiết này cho thấy bệnh mù đã loại anh ra ngoài, ra khỏi vòng tay yêu thương của gia đình để rồi anh phải đi ăn xin. Tuy nhiên, những chi tiết này phản ánh hình ảnh của người môn đệ đi theo Chúa Giêsu. Họ cũng là những người bị mù vì không nhận ra chân tính của Chúa Giêsu [xem bài Tin Mừng hôm qua]. Họ cũng là những người ăn xin bên vệ đường, tức là đang tiếp tục tìm kiếm ánh sáng trong hành trình đức tin của mình. Bên cạnh đó, sự mù loà con mắt đức tin đôi khi loại trừ họ ra khỏi gia đình mà Chúa Giêsu thiết lập. Thật vậy, đây là hình ảnh mỗi người chúng ta trong hành trình theo Chúa Giêsu. Hãy xin Chúa giúp chúng ta biết bám víu vào Chúa để thoát ra khỏi cảnh mù loà của mình như anh Batimê dưới đây.
Sau khi giới thiệu về bối cảnh và các nhân vật của câu chuyện, Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta vở kịch thật hay được chia ra những màn như sau:
Màn 1: Thái độ của Batimê: Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47-48). Trong màn này, Batimê cho thấy dù mù loà thể lý, anh vẫn nhận ra chân tính của Chúa Giêsu. Điều này được chứng minh qua chi tiết người ta nói cho anh là “Đức Giêsu Nadarét” đi qua, nhưng anh lại kêu Chúa Giêsu là “Con vua Đavít.” Đây là lần đầu tiên danh hiệu này được gán cho Chúa Giêsu trước đám đông. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về nguy hiểm của mù loà thiêng liêng [mù loà con tim]. Đây là loại mù loà mà làm cho chúng ta không nhận ra chân tính của Đấng chúng ta đi theo. Xin Chúa giúp chúng ta mở rộng con tim mình để nhận ra Ngài trong mọi hoàn cảnh sống.
Màn 2: Chúa Giêsu và các môn đệ cùng với đám đông: Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (Mc 10:49). Trong màn này, chúng ta thấy Chúa Giêsu không gọi trực tiếp Batimê, mà Ngài dùng những người đang cùng đi với Ngài để gọi anh. Sau khi nhận mệnh lệnh từ Chúa Giêsu, những người theo Ngài thay đổi thái độ, từ thái độ “quát nạt” đến thái độ “thân thiện.” Chi tiết này ám chỉ rằng Chúa Giêsu không chỉ chữa lành anh mù, những còn chữa lành những người đi theo Ngài để họ có thể nhận ra người khác không phải là những “phiền toái” mà là những người anh chị em, những người cần đến tình yêu của Thiên Chúa như mình. Thật vậy, khi cộng tác với Chúa trong việc đem anh chị em đến với Ngài, chính chúng ta cũng được chữa lành và trở nên gần gũi với anh chị em mình hơn.
Màn 3: Chúa Giêsu và anh mù: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10:50-52). Cuộc đối thoại này là trọng tâm của toàn bộ vỡ kịch. Khi đến gặp Chúa Giêsu, Batimê thực hiện những hành động sau: (1) vất áo choàng và đứng phắt dậy – đây là hành vi hoàn toàn cắt đứt với đời sống quá khứ để đón nhận đời sống mới trong Chúa Giêsu; (2) biết mình cần điều gì – được nhìn thấy Chúa Giêsu và trở nên môn đệ của Ngài. Còn chúng ta thế nào? Chúng ta tự hào là đã theo Chúa nhiều năm, chúng ta đã hoàn toàn cắt đứt với đời sống tội lỗi chưa để chỉ khao khát được nhìn thấy Chúa và trở nên môn đệ của Ngài không? Về phần mình, Chúa Giêsu luôn đi bước trước, Ngài biết chúng ta cần gì. Điều Ngài muốn thấy nơi chúng ta là “lòng tin” – là hoàn toàn phó thác đường đời của mình để đi theo Ngài trên con đường Ngài đi. Liệu chúng ta có đủ can đảm để đi trên con đường Chúa Giêsu đã đi không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB