ĐÔI NÉT VỀ ĐẤNG SÁNG LẬP – ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE

I. Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá

 

Đức Cha Lambert khi vừa thụ phong Giám mục (năm 1660)

 

1.  Đôi dòng tiểu sử

Đức cha Pierre Lambert de la Motte chào đời ngày 28 tháng 01 năm 1624 tại Lisieux[1]. Song thân ngài là ông Pierre Lambert de la Motte và bà Catherine Heudey de Pommainville et de Bocquencey[2]. Ngài là người con thứ hai và là trưởng nam trong gia đình. Chị ngài tên Marie, em gái cũng tên Marie và em trai tên Nicolas, sau gia nhập hàng giáo sĩ. Thân phụ ngài từ trần lúc ngài mới mười một tuổi rưỡi và thân mẫu ngài qua đời lúc ngài mười sáu tuổi.

Ngôi nhà nơi Đức Cha Lambert chào đời (nay bị phá hủy)

Ngài là một cậu bé rất đạo đức mang khuynh hướng thần bí. Ngài kể rằng : “Lúc tôi lên chín tuổi, tại thành phố nơi tôi chào đời, một ngày nọ, khi tự hỏi nếu sau này tôi có thể đi tu như một vài vị tu sĩ nào đó không, thì tôi chợt nhận ra rằng tôi chẳng thấy vui thích gia nhập một nhà dòng nào, bởi vì các tu sĩ ấy xem ra không có một đời sống đủ hoàn thiện. Nhưng nảy ra trong tâm tư của tôi ý tưởng về một hạng người rất hợp với tôi vô cùng. Bị cuốn hút vào đó, tôi muốn theo cuộc sống của họ. Họ mang tên là Những Người Mến Thánh Giá” (AMEP, tập 116, tr. 559-560)[3].

Sau thời gian học tập tại nhà do một giáo sĩ là gia sư riêng phụ trách, ngài theo học trường các cha dòng Tên tại thành phố Caen. Tốt nghiệp khoa luật, ngài vào làm việc tại Toà án Thuế vụ thành phố Rouen lúc 22 tuổi với chức vụ thẩm phán. Khi sống tại Rouen, “ngài dọn đến ở gần trường học của các cha dòng Tên. Cứ năm giờ sáng mỗi ngày, ngài đến nhà thờ của các cha để nguyện ngắm và đọc kinh nhật tụng theo lòng đạo đức riêng. Sau đó, ngài về nhà nghe các bên kiện cáo. Mỗi khi tới Tòa án Thuế vụ, ngài đều phải đi ngang qua nhà thờ chính tòa, ngài ghé vào dâng cho Đức Mẹ những án xử mà ngài sắp giải quyết. Sau khi kết thúc phiên toà, trên đường về ngài cũng ghé vào dâng cho Đức Mẹ các án xử vừa thực hiện” (AMEP, tập 122, tr. 5).

Tại Rouen, “ngài nhận sự hướng dẫn của cha Hayneuve dòng Tên. […] Đó là vị linh hướng đầu tiên mà ngài đã chọn để làm thầy hướng dẫn đời sống Kitô hữu và tu đức cho ngài” (AMEP, tập 122, tr. 5). Mỗi ngày ngài đều đến gặp gỡ và trao đổi với cha linh hướng. Tuy nhiên, “lòng ngài có lẽ bị cuốn hút vào một dấu ấn bí ẩn nào đó mà ngài chưa nhận ra. Khoảng cuối năm 1654, Thiên Chúa đã soi dẫn ngài đến sống bên cạnh ông Jean de Bernières ở Caen. […] Nhờ sự quan tâm của vị thầy tài năng này, ngài đã tiến những bước thật lớn trên con đường chiêm niệm, và ngài luôn tha thiết xin Chúa biểu lộ ra bậc sống nào Chúa muốn cho ngài đi theo” (AMEP, tập 122, tr. 5).

Tại Caen, ngài đã vào hiệp hội Thánh Thể và hiệp hội Khổ Nhục Thánh do ông Bernières phụ trách.  Khi sống bên cạnh ông Bernières, ngài được nghe nói về công cuộc truyền giáo bên xứ Canada và mong ước tham gia vào chương trình này. Nhưng ý Chúa quan phòng: Canada không phải là nơi Thiên Chúa gọi ngài đến để phục vụ Giáo Hội.

Ít lâu sau, nhân dịp Đức Giám mục giáo phận Bayeux tới Caen, ngài xin chịu phép cắt tóc gia nhập hàng giáo sĩ và bốn chức nhỏ[4]. Đến chủng viện của thánh Jean Eudes tại Coutances ngài tĩnh tâm 40 ngày dọn mình chịu chức linh mục. Sau đó trở lại Caen, rồi tới Bayeux lãnh nhận chức phụ phó tế cùng với nhiều thầy khác vào khoảng giữa tháng 12. Ngày 21.12, ngài lãnh nhận chức phó tế. Ngày 27.12, lễ thánh Gioan Thánh Sử, ngài lãnh nhận chức linh mục tại nhà thờ chính toà Bayeux[5]. Điều ngài đã cảm nhận bao ngày tháng hôm nay càng in đâm hơn trong tâm hồn ngài “Khi hiến dâng và rước lấy Máu Con Chiên hy sinh cho mọi người, ngài phải sẵn sàng hiến thân và chịu mọi đau khổ cho tới hơi thở cuối cùng để góp phần giúp các linh hồn trở lại và được thánh hóa[6]. Sau đó ngài trở lại Caen vào ngày cuối năm.

Ngày 8.02.1656, cha Lambert dâng thánh lễ mở tay tại nhà nguyện chủng viện của thánh Jean Eudes thành phố Coutances. Cả ngày hôm đó ngài có một linh cảm rất kỳ lạ, ngài viết: “Tình yêu mà Thiên Chúa đã khấng ban cho tôi hôm nay đang cháy bừng lên trong lòng khi tôi cử hành thánh lễ và sau thánh lễ, như muốn lôi kéo tôi đến với các dân tộc chưa hề biết Chúa, hơn là đến với các dân tộc đã biết Người. Có lẽ tôi cần phải tìm kiếm bên kia bờ đại dương, những người mù loà tội nghiệp mà Thiên Chúa muốn kéo ra khỏi tối tăm, nhờ công nghiệp Máu Thánh Chúa Kitô đã đổ ra chung cho mọi người…. và vào lúc ngài chưa thể nào nghĩ đến vùng Ấn Độ Dương, là nơi Thiên Chúa đã định sẵn cho ngài sau này, cũng như ngài không hề hay biết, hoặc cho tới lúc đó chưa có ai có ý định cử ngài đi vùng Ấn Độ Dương” (AMEP, tập 122, tr. 29).

Trở lại Caen, ngài nhận được thư mời giữ chức giám đốc cơ quan từ thiện tại Rouen khiến ngài rất phân vân, ngài làm hai tuần cửu nhật xin ơn soi sáng, và ngài đã nhận lời. Sau đó, ngài trở lại đền Đức Mẹ để cầu nguyện và lên đường đến Rouen.

Ngài gia nhập nhiều hội đoàn đạo đức, đặc biệt là hiệp hội Thánh Mẫu của dòng Tên và hội dòng ba Bé Mọn. Trở lại Rouen lần này, ngài đã chọn cha Simon Hallé, tu sĩ dòng Bé Mọn làm linh hướng cho ngài. Tuy nhiên, vị linh hướng đầu tiên là cha Hayneuve dòng Tên vẫn tiếp tục giúp ngài mỗi khi ngài cần.

Ngài đi Paris và lưu lại đây gần ba tháng để xin trợ cấp cho trung tâm từ thiện xã hội. Ngài tới thăm em trai Nicolas đang sống chung với nhóm “Các Bạn Hiền”. Nhân dịp này, ngài khám phá ra chương trình truyền giáo Việt Nam[7]. Khám phá trên có lẽ đã xảy ra vào khoảng tháng 05.1657, lúc năm linh mục trong nhóm “Các Bạn Hiền” đang ở Marseille chờ tàu sang Rôma, để khấn xin Đức Giáo Hoàng lấy lại chương trình truyền giáo Việt Nam của cha Đắc Lộ ngày trước.

Sau khi về Rouen, do sự khuyến khích của cha linh hướng Simon Hallé, ngài trở lại Paris gặp ban tổ chức truyền giáo Việt Nam và ngỏ ý xin được gia nhập đoàn thừa sai. Ngài lại còn muốn dâng hiến tất cả gia sản của mình vào việc truyền giáo này.

Tại Rouen, ngài tiếp tục những công việc như trước. Đặc biệt, với sự đồng ý của đức tổng giám mục tại đây, ngài cho xây dựng một chủng viện. Công việc này cần phải hết sức tế nhị vì những chống đối của các giáo sĩ địa phương theo giáo thuyết Giăng Xê (Jansenisme)[8]. Sau khi hoàn tất việc xây dựng, ngài đã trao quyền điều hành chủng viện cho thánh Jean Eudes và các tu sĩ của thánh nhân. Song song với việc điều hành trung tâm từ thiện, ngài còn lo hoàn lương các phụ nữ trụy lạc, giúp hoà giải những vụ kiện tụng trong giới tu sĩ và giáo sĩ hay các gia đình vị vọng, góp phần vào việc canh tân các dòng tu tại địa phương, v.v.

Giữa lúc đang bận rộn muôn vàn công việc, ngài được thông báo cho biết Đức Giáo Hoàng Alexandre VII đã chọn ngài làm Giám mục hiệu toà Bérythe. Ngài cảm thấy ái ngại vì chức vị giám mục quá cao trọng và vinh dự đối với ngài. Tuy nhiên, ngài cũng chưa biết rõ Toà Thánh đặt ngài lên chức vị giám mục để làm gì. Hơn một năm sau, ngày 9.9.1659, sắc lệnh “Super Cathedram” chỉ định ngài làm đại diện tông toà xứ Đàng Trong. Rồi đầu năm sau, ngài nhận được một huấn thị của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin xác định rõ sứ mệnh thừa sai, công tác phải làm, lộ trình nên theo và cách thức cần giữ, v.v.

Đầu tháng 6.1660, ngài rời Rouen đi Paris. Tại Paris, ngày 11.6, ngài chịu chức giám mục ở nhà nguyện Sainte Marie của dòng Thăm Viếng. Lúc này, ngài được 36 tuổi.

Ngày 18.6.1660, Đức cha Lambert rời Paris lên đường truyền giáo cùng cha Bourges và một giáo dân. Khi tới thành phố Lyon, ngài ngã bệnh và nằm liệt giường suốt 51 ngày. Ngày 02.9, tạm khỏi bệnh, ngài rời Lyon đi Avignon rồi tới Marseille. Lúc này, có cha Deydier đến nhập đoàn. Đức cha cho người giáo dân trở về vì thấy anh không có ơn gọi thừa sai. Tại hải cảng Marseille, ngày 27.11, Đức cha Lambert cùng hai thừa sai rời nước Pháp. Các ngài đi theo lộ trình mà Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã đề nghị.

Sau khi vượt biển Địa Trung Hải, các ngài bắt đầu con đường bộ xuyên qua các miền đất Hồi giáo vùng Cận Đông. Ngày 12.06, các ngài tới Ispahan, kinh đô xứ Ba Tư, và lưu lại đây hơn ba tháng, sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Ngày 28.12, các ngài tới Surate, xứ Ấn Độ. Sau một tháng nghỉ ngơi, các ngài đi bộ xuyên bán đảo Ấn Độ, rồi đi bằng đường biển sang Xiêm La, cập hải cảng Mergui. Từ đó, các ngài đi ngược lên phía Bắc. Ngày 22.08.1662, ba thừa sai đặt chân tới Ayuthia, kinh đô xứ Xiêm La. Cuộc hành trình từ Paris tới Ayuthia kéo dài 2 năm và 2 tháng.

Bản đồ truyền giáo của Đức Cha Lambert

Tại Ayuthia, Đức cha Lambert và hai thừa sai Pháp cư ngụ trong khu người Bồ Đào Nha. Việc đầu tiên là các ngài nghỉ ngơi và tĩnh tâm, sau đó lo học tiếng Trung Hoa và Việt Nam. Khi đi tìm người dạy ngôn ngữ, các ngài khám phá ra khu Việt kiều tại Ayuthia có gần một trăm người, ông trưởng khu và khoảng bốn mươi người trong họ là người có đạo. Điều này đã làm Đức cha Lambert hết sức vui mừng. Ngài đến dâng lễ đêm Giáng Sinh tại khu vực của họ và ban “một huấn từ ngắn bằng tiếng Bồ Đào Nha, được một người trong nhóm Việt kiều thông dịch lại” (AMEP, tập 121, tr. 632). Mấy ngày trước lễ Giáng Sinh, đã có lệnh của vị phó vương Bồ Đào Nha từ Goa là phải tìm đủ mọi cách ngăn cản các thừa sai người Pháp đến nơi truyền giáo của họ. Vì thế các thừa sai người Pháp phải bỏ khu người Bồ Đào Nha sang cư ngụ bên khu Việt kiều.

Các ngài lo việc mục vụ cho Việt kiều, dạy giáo lý mỗi tuần ba lần. Đức cha Lambert bỏ tiền ra dựng một nhà thờ và một nhà xứ trong khu Việt kiều, ngài dâng nhà thờ này cho thánh Giuse. Ngày 12.07.1663, Đức cha và cha Deydier rời Ayuthia đi Trung Hoa bằng đường biển. Tàu gặp bão ngoài khơi Cam Bốt, nên phải quay trở lại Ayuthia. Lúc này, tại Ayuthia có khoảng 2.000 người công giáo, bốn tu sĩ dòng Tên, ba tu sĩ dòng Đa Minh, hai tu sĩ dòng Phanxicô, bốn linh mục triều và các thừa sai Pháp.

Ngày 27.01.1664, Đức cha Pallu cùng bốn linh mục và một giáo dân tới Ayuthia. Sau những ngày gặp gỡ vui mừng và nghỉ ngơi, các ngài dâng lễ cầu hồn cho những thừa sai đã từ trần trên đường sang Á Đông. Ngày 29.02.1664, các ngài khai mạc công đồng tại nhà thờ Thánh Giuse trong khu Việt kiều. Đức cha Lambert cho biết : “Chúa Quan Phòng đã muốn chúng tôi cùng quyết định nhiều vấn đề vì ích lợi việc truyền giáo và để chúng tôi thống nhất với nhau cách sống” (AMEP, tập 858, tr. 72). Mọi kết quả của công đồng đều do Tòa Thánh quyết định, nên Đức cha Pallu đã tự nguyện trở về Âu châu để trình lên Toà Thánh các văn kiện của công đồng Ayuthia.

Sau khi Đức cha Pallu và ông giáo dân Chamesson lên đường trở về Âu châu, Đức cha Lambert và các thừa sai Pháp tiếp tục công việc dạy giáo lý cho giáo dân, giảng đạo nơi các làng mạc chung quanh kinh đô và thăm viếng tù nhân. Vua Xiêm La lúc đó là vua Phra-Narai, một người cấp tiến và rất thích Tây phương. Vì muốn biết về các thừa sai Pháp, vua phái một vị quan tới thăm hỏi các ngài. Trở về, ông phúc trình lên vua việc các thừa sai tự nguyện dạy dỗ giới trẻ. Vì vậy vua gửi 10 thiếu niên Xiêm La tới các thừa sai để chúng được học hỏi các môn khoa học Tây phương. Nhân cơ hội này, Đức cha Lambert dâng lên vua một thỉnh nguyện thư, xin được lập một nhà trường tại kinh đô hay nơi nào nhà vua chỉ định.

Đầu năm sau (1666), vua đã hồi đáp lá thư của Đức cha Lambert bằng việc ban cho các thừa sai Pháp một khu đất kế cận khu Việt kiều. Vua còn hứa sẽ ban vật liệu giúp xây một nhà thờ nữa, (ngôi nhà thờ này sẽ được Đức cha Pallu làm lễ đặt viên đá đầu tiên vào năm 1683). Năm 1667, các thừa sai Pháp bắt đầu xây dựng chủng viện Thánh Giuse tại khu đất vua ban. Đó là một ngôi nhà hai tầng, tầng trên bằng gỗ làm nhà nguyện, tầng dưới bằng gạch làm phòng ở cho các thừa sai.

Nhiệm vụ chính mà Toà Thánh trao cho các giám mục người Pháp khi sai các ngài sang Á Đông là thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ. Năm 1668, sáu năm sau khi tới Xiêm La, ngày 31.03, Đức cha Lambert truyền chức linh mục cho thầy Giuse Trang người Đàng Trong và thầy François Pérez người Xiêm La gốc Bồ Đào Nha (sau này trở thành giám mục Đàng Trong). Tháng 6 năm đó, ngài truyền chức linh mục cho hai thầy người Đàng Ngoài là Bênêđíctô Hiền và Gioan Huệ.

Ngày 8.05.1668, một phái đoàn Đàng Trong đã đưa thuyền bầu sang Xiêm La rước Đức cha Lambert về giáo phận của ngài, nhưng ngài vẫn chưa thể đi được. Đầu năm sau, ngày 5.01.1669, Đức cha Lambert cùng cha Giuse Trang và thầy Luca Bền người Đàng Trong đi tới Piply (cách Ayuthia khoảng 50 dặm về phía Nam) để tìm đường sang Đàng Trong bằng con thuyền của phái đoàn giáo phận Đàng Trong. Tới Piply, họ gặp cha Bourges và các tân thừa sai từ Pháp sang[9]. Sau khi bàn luận với nhau, các thừa sai xin Đức cha Lambert ở lại Xiêm La để điều hành chung công cuộc truyền giáo miền Á Đông. Vào thời điểm này, Đức cha truyền chức linh mục cho thầy Luca Bền. Sau đó, tân linh mục cùng cha Giuse Trang và thừa sai Brindeau sang Đàng Trong. (Trước đây, cha Brindeau sang Macao đã bị người Bồ Đào Nha bắt đem về xét xử tại toà án Goa, sau khi được trả tự do, ngài đã theo đoàn thừa sai của cha Bourges trở lại Xiêm La).

Cuối tháng 04.1669, con tàu buôn của thương nhân người Pháp tên Junet cập bến Ayuthia để tránh mùa giông tố. Nhân dịp này, Đức cha Lambert đã thuyết phục ông ta thực hiện chuyến đi sang Đàng Ngoài. Ngày 16.07, Đức cha cùng hai cha Bourges và Bouchard lên tàu ông Junet đi xứ Đàng Ngoài. Ngày 30.08, con tàu đến cửa biển Đàng Ngoài.

Tại Đàng Ngoài, Đức cha Lambert thành lập hiệp hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá mà ngài đã có sáng kiến và soạn thảo quy luật từ tháng 8 năm 1668 ở Ayuthia (Hiệp hội Các Tín Hữu Nam Nữ Mến Thánh Giá và dòng nữ Mến Thánh Giá được Đức Giáo Hoàng Innôxentê XI công nhận qua sắc lệnh “Cum Sicut ” ngày 2.01.1679).

Ngày 19.02, ngài thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá (Đàng Ngoài) bằng việc nhận lời khấn của hai nữ tu đầu tiên là chị Anê và chị Paula tại Phố Hiến. Sau đó, con tàu đưa ngài ra cửa biển để về lại Xiêm la.

Hơn một năm sau chuyến đi Đàng Ngoài, Đức cha Lambert nhận được một tin buồn khiến ngài thêm lo lắng cho giáo phận của mình. Đó là cả hai thừa sai Pháp tại Đàng Trong đã từ trần cách đột ngột. Cha Hainques qua đời tháng 12.1670 và cha Brindeau ba tuần sau đó. Giáo dân đau buồn, bàng hoàng và lo sợ. Họ viết thư báo tin cho ngài và xin ngài giúp đỡ. Họ lại còn cử một đoàn người đại diện sang gặp ngài, gồm cha Giuse Trang và cha Luca Bền với hai thầy giảng. Bốn vị này cùng với vài giáo dân đi con thuyền nhỏ tới Xiêm La ngày 08.05.1671. Sau khi biết rõ tình hình, ngày 20.07 Đức cha Lambert đích thân sang Đàng Trong bằng chính con thuyền nhỏ ấy, mang theo cha Vachet và cha Mahot là hai thừa sai Pháp mới đến Ayuthia. Sau nhiều gian nan, thoát được bão tố và cướp biển, con thuyền đến vùng biển Nha Trang. Đức cha Lambert vào làng Lâm Tuyền ngày 01.09 lúc trời đã tối.

Ngài lưu lại đây vài ngày, sau đó lên đường hướng về Hội An, còn cha Mahot và cha Luca Bền ở lại. Đức cha kể là khi tới Nha Ru ngài rơi vào “một cơn bệnh rất hiểm nghèo, do ý muốn của Thiên Chúa, bị liệt giường ròng rã khoảng 5 hay 6 tuần lễ” (AMEP, tập 876, tr. 690). Nhưng theo tường thuật của cha Vachet, Đức cha và cha Vachet đã bị ông quan tại đây đầu độc[10]. Lúc tạm bình phục, ngài nằm võng tới Nước Mặn và mừng lễ Các Thánh Nam Nữ tại giáo xứ này. Sau lễ, ngài tiếp tục đi tới Quảng Ngãi. Ngài tạm trú nơi nhà bà quả phụ Lucia Kỳ (Lucia Kí, 67 tuổi)[11] tại giáo xứ An Chỉ. Ngài phải ở lại đây khá lâu vì ngài còn rất yếu, phần vì có tin đồn bắt đạo.

Vào dịp này, ngài nghe nói có một số thiếu nữ tự nguyện sống khiết tịnh vì Nước Trời nên đã từ chối hôn nhân. Ngài cho người đi tìm kiếm các thiếu nữ này và mời họ tới gặp ngài. Có tám thiếu nữ tới, trong đó người lớn nhất khoảng 24 hay 25 tuổi, và ngài đã xem xét ơn gọi của họ. Với sự giúp đỡ tích cực của bà Lucia Kỳ, ngài đã lập nhà dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong vào những ngày trước lễ Giáng Sinh năm 1671[12]. Cha Vachet còn cho biết người đứng đầu nhà dòng này là em gái cha Giuse Trang.

Rời Quảng Ngãi, trên đường đến Hội An, Đức cha Lambert tới viếng mộ cha Hainques và cha Brindeau. Ngày 19.01.1672, tại một hòn đảo gọi là Chiêm Bông, ngài triệu tập công đồng Hội An I. Văn kiện công đồng gồm 10 điều khoản nhằm tổ chức giáo phận theo ý Toà Thánh, và biệt lập khỏi quyền bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha. Sau công đồng, Đức cha lưu lại Hội An gần một tháng, rồi cùng cha Vachet đi bằng đường biển trở về Nha Trang. Thuyền gặp giông bão nên không thể vào đất liền được. Vì vậy, ngày 26.03.1672, Đức cha quyết định cho thuyền ra khơi trở về Xiêm La. Trên chuyến trở về này, ngài còn mang theo mười thiếu nhi người Đàng Trong.

Từ năm 1669, Toà Thánh đã đặt Xiêm La dưới quyền cai quản của các đại diện tông toà người Pháp. Ngày 06.11.1672, tức sáu tháng sau khi đi Đàng Trong về, Đức cha Lambert công bố sắc lệnh này tại Ayuthia. Vài năm sau, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X ký sắc lệnh “Decet Romanum” (1673) tái xác nhận sắc lệnh “Speculatores” và tuyên bố thu hồi lại tất cả mọi ưu quyền đã trao ban trước đây tại những nơi mà hiện nay các đại diện tông toà đang quản nhiệm. Cũng trong năm 1672, tại Ayuthia, Đức cha Lambert đã xây một nhà thương và thành lập một nhà dòng Mến Thánh Giá với 4 hay 5 nữ tu đầu tiên là người Việt kiều gốc Đàng Trong.

Dù luôn bị chống đối bởi các thừa sai thuộc chế độ Bồ Đào Nha, Đức cha Lambert vẫn kiên trì thực thi sứ mệnh đã nhận từ Toà Thánh. Ngài sai cha Bouchard sang Manila mời các cha Đa Minh người Tây Ban Nha cộng tác truyền giáo[13] (năm 1676, các cha Đa Minh tới làm việc tại Đông Đàng Ngoài). Đầu năm 1673, ngài truyền chức cho vị linh mục thứ ba người Đàng Trong là thầy Manuel Bổn, một người có nhiều khả năng giảng thuyết. Bên cạnh đó, để giữ lời đã hứa với sứ thần Đàng Trong, ngài sai cha Vachet đem thư và quà sang dâng chúa Nguyễn.

Cha Vachet vừa tới Hội An thì ngã bệnh. Cha Mahot và cha Manuel Bổn phải thay cha Vachet mang thư và quà của Đức cha Lambert dâng cho chúa Nguyễn tại Huế. Nhận được thư và quà, chúa Nguyễn có vẻ rất hài lòng và tuyên bố tự do cho dân được theo đạo công giáo. Hơn nữa, nhà chúa còn mời Đức cha Lambert sang Đàng Trong và cho phép ngài tự do giảng đạo, đồng thời được dựng nhà định cư tại Hội An hay nơi nào gần đó.

Chúa Nguyễn đã cho cha Mahot và cha Vachet lên tàu buôn của triều đình đi đón Đức cha Lambert sang Đàng Trong. Hai cha tới Ayuthia ngày 16.04.1675. Đến lúc này, Đức cha Lambert mới biết tin cha Giuse Trang đã qua đời. Ngày 23.07, Đức cha Lambert và cha Mahot rời Ayuthia theo đường sông tới cảng Băng Cốc nơi cha Vachet đang chờ các ngài. Từ Băng Cốc, các ngài lên tàu của chúa Nguyễn đi Đàng Trong.

Ngày 06.09.1675, con tàu chở các ngài tới Hội An. Một tuần sau, Đức cha cùng các cha Vachet, cha Courtaulin và cha Manuel Bổn đến triều đình Huế. Ngài lưu lại Huế một tháng trời, nhưng không được vào triều yết chúa Nguyễn, bởi vì nhà chúa mới mất người con trai thứ nên không tiếp ngoại kiều.

Tại Huế, Đức cha sai cha Vachet đem sắc lệnh “Speculatores” thông báo cho hai cha dòng Tên Candone và Acosta, nhưng hai cha này từ chối vâng phục. Vì vậy, theo chỉ thị của sắc lệnh, ngài đã ra vạ tuyệt thông cho hai cha này. Rời Huế, ngài trở lại Hội An. Ở đây, ngài tiếp đón giáo dân từ khắp nơi đến thăm và ban bí tích Thêm Sức cho họ. Đầu tháng 12, ngài đi thăm Quảng Ngãi.

Đặc biệt tại giáo xứ Bàu Tây có một nhà dòng Mến Thánh Giá đang phát triển. Ngài để ra hai ngày thăm hỏi và gặp gỡ từng nữ tu. Sau đó, ngày 13.12.1675, ngài cho bốn nữ tu được tuyên khấn trong thánh lễ do ngài cử hành. Ngài viết lại công thức khấn : “Tôi là Anna trong tay Đức Thầy Cả Vít Vồ khấn hứa cùng Đức Chúa BLời giữ mình đồng trinh từ [nay] đến khi chết và ở cùng chị em làm mọi sự chung” (AMEP, tập 877, trang 574). Đó là lễ khấn đầu tiên của dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong.

Trong thời gian ở Huế, Đức cha Lambert đã cầu nguyện chữa bệnh cho bé Phêrô mới sinh được bốn tháng[14]. Khoảng 15 ngày sau, ngài trừ quỷ cho chị Matta, vợ anh Phaolô thợ kim hoàn. Quỷ cho biết nó tên Lucifer, nó và mười quỷ khác đã ở trong chị suốt 13 năm qua[15]. Sau đó, Đức cha rời Huế, Ngài trở về Hội An. Ngày 21.03, ngài truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoan (68 tuổi), một nhà nho lỗi lạc. Cuối tháng 3, ngài lên thuyền đi Nha Trang. Ngày 22.04, thuyền ra khơi về Xiêm La.

33

Vào những năm cuối đời, Đức cha Lambert đã để lại một tập nhật ký (AMEP, tập 877), những dòng cuối cùng trong tập nhật ký này đề ngày 15.08.1678, tức ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Sau này, Đức cha Laneau thuật lại rằng : “Vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngài bỗng bị một mụn nhọt […] phát lên thành nấm khiến ngài phải chịu những cơn đau đớn dữ dội. Ngài phải chịu đựng chúng tôi chữa trị bằng những thuốc thang cần thiết. Vua Xiêm La cho gửi tới ngài vị ngự y của vua, những thầy thuốc giỏi và những thuốc thang quý. Nhưng các thuốc ấy chẳng có tác dụng gì với ngài. Sau đó, ngài bị sốt nóng lạnh, bị khát nước, phải đi tiểu không ngừng, điều này khiến người ta nghĩ rằng ngài không bị sạn. Nhưng lúc ngài chết rồi, chúng tôi mới tìm ra được ba hòn sạn lớn dính với nhau […]. Người ta còn thấy bàng quang của ngài đã hoàn toàn hư hoại và lở loét, một trong hai quả thận sưng lớn như nắm tay với một mụn nhọt đã bể ra […]. Như thế phần lớn cuộc đời ngài sống trong đau đớn cực độ, nhất là trong 10 tháng cuối cùng khi cơn bệnh hành hạ ngài cách tàn khốc và liên tục không dừng”.

Sau nhiều ngày tháng đau đớn bởi cơn bệnh, người ta làm phép xức dầu cho ngài. Đức Cha thanh thản trút hơi thở cuối cùng[16] lúc 04 giờ sáng ngày 15.06.1679, lúc ngài được 55 tuổi tại chủng viện Thánh Giuse ở Ayuthia.

Tin Đức cha qua đời nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Nhờ dịp này mà bao ganh tỵ, oán ghét và đố kỵ hình như biến mất, ít nữa là trong một thời gian. Bởi vì từ trại người Bồ Đào Nha, các tu sĩ, linh mục và những bậc vị vọng nhất của quốc gia này đều đến chủng viện. Người ta thấy đổ về đây nào là người Nhật, người Hoà Lan, người Anh, người Pháp, người Arménia, người Hồi giáo và người Xiêm La. Nhà vua cũng phái đến đó các quan lớn của triều đình. Cả các hoà thượng Phật giáo và các nhân vật thế giá cũng đều đến tiễn biệt con người lừng lẫy đã quá cố này, có thể nói được đám tang của Đức cha như một cuộc khải hoàn hơn là một cuộc an táng[17].

Trong di chúc để lại, Đức cha Lambert viết:

 “Tôi ao ước sống và chết trong niềm tin của Hội Thánh công giáo, tông truyền và Rôma với sự vâng phục trọn vẹn Đức Thánh Cha .

Tôi lưu lại cho nhà thờ các cha dòng Tên ở Macao, tượng Thánh Giá mà bào đệ của tôi đã trối lại cho tôi mấy ngày trước khi qua đời, để chứng tỏ tình cảm của tôi dành cho quý cha.

Tôi trao lại tất cả tài sản thuộc về tôi lúc tôi từ trần, để dùng vào việc thiết lập và duy trì chủng viện của giáo phận tông tòa Đàng Trong, và việc chăm sóc các kẻ ngoại đang học đạo, các tín hữu và các chủng sinh” (AMEP, tập 8, tr. 150).

Một bức thư mà Đức Giáo Hoàng Innocent XI đã gởi ngày 4.10.1678 cho Đức Cha Lambert một đoản sắc với những lời lẽ trân trọng (vì chưa biết tin ngài qua đời), nói theo lời cha Launay thì thành ra như là: “Một vòng hoa đặt trên ngôi mộ người quá cố danh tiếng ấy”. Xin trích đoạn “[…] Ta rất hân hoan được hay tin mùa gặt phong phú, vào những ngày này, cho cánh đồng của Chúa nơi những miền đất xa xôi kia. Ta tin chắc ràng con đang hăng say hăng say hoạt động cho công trình đáng ngưỡng mộ ấy và đem hết nhiệt huyết truyền bá đức tin công giáo. Thế nên, với tình cảm thân thiết nhất của tấm lòng từ phụ Ta ôm hôn con trong Chúa và con hãy tin chắc ràng sự hậu thuẩn của Ta sẽ trợ giúp các nỗ lực đầy tinh thần đạo đức mà con nhằm mục đích cao quý mà con đang theo đuổi và lãnh nhận phần thưởng dọn sẵn cho con trên trời…. Ta cầu xin Thiên Chúa đổ tràn hồng ân xuống trên con và Ta âu yếm ban phép lành Tòa Thánh cho con[18].

Nói về Đức cha Lambert, Đức cha Pallu đã viết : “Một ai khác hơn Đức cha Bérythe thì hẳn đã ngã quỵ trong nhiệm vụ rồi […]. Tất cả những ai biết Đức cha Bérythe thì đều biết rằng khó mà tìm ra được một người nào thích hợp hơn ngài đối với công việc mà ngài thực hiện[19].

2.  Chân dung tinh thần

Đức Cha Lambert de la Motte là người cương nghị và nhiệt thành, một tổng hợp giữa những nét oai nghiêm và mộc mạc, giữa một ý chí cương nghị và một trí tuệ thông minh phi thường. Mặc dầu ngài mang nhiều nỗi ưu tư nhưng trong thâm sâu tâm hồn, luôn bình an thanh thản, khiêm nhường học hỏi, có trí phán đoán quân bình và lập trường vững chắc. Ngài khôn ngoan và cẩn trọng[20].

Đức cha phải chịu gian khổ trăm điều, bị hạ nhục, hiểu lầm v.v… lúc ban đầu có thể là không tài nào thực hiện sự kiên nhẫn chịu đựng được, nhưng với sự bình an và tự thuyết phục chính mình rồi tin vào Chúa, tin vào Phúc Âm và sứ vụ Thiên Chúa đã trao phó, Ngài đã can đảm vượt qua “[…] Nhiều người rất đạo đức và đáng tin cậy đã cố sức khuyên chúng con từ bỏ sứ vụ, đừng tiến xa hơn nữa. Nhưng bất kể họ nói gì, chúng con nghĩ quyết tâm của chúng con là do Chúa muốn và chúng con sẳn sàng liều chết, thi hành bằng được lệnh Đức Thánh Cha và Thánh Bộ.[21].

Đức Cha Lambert cũng là một con người cầu nguyện, sống nội tâm trong sâu thẳm và luôn lắng nghe Thần khí: Giữa bao bận rộn của sứ vụ và cuộc sống, ngài đều dành nhiều giờ nguyện ngắm hằng ngày. Ngài đã thực hiện nhiều cuộc tĩnh tâm 30 ngày, 40 ngày để hiến thân trọn vẹn cho Chúa và tha thiết tìm kiếm thánh ý Chúa[22]. Ngài luôn dâng Thánh Lễ với tất cả ý thức và lòng sốt mến. Khi dâng thánh lễ, nghĩ đến biết bao lương dân và tội nhân mình chịu trách nhiệm trước Chúa, nước mắt ngài tuôn chảy. Ngài tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể. Ngài không bao giờ quyết định điều gì liên quan đến việc truyền giáo nếu trước đó chưa cầu nguyện để tìm ý Chúa; nhất là khi phải tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn. Tâm hồn luôn lắng nghe Thần Khí, ngài ước ao hoàn toàn chịu sát tế với Đức Kitô và phó thác mình hoàn toàn trong tay Cha trên trời: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, Thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, trời cao hay vực thẳm vẫn không tách được Ngài ra khỏi sự hiệp nhất kỳ diệu ấy vi Đức Giêsu Kitô” (Rm 8, 38-39). Đời sống thiêng liêng của ngài luôn quy hướng vào Ba Ngôi Thiên Chúa, tôn thờ thánh ý Chúa Cha, kết hiệp với Chúa Giêsu Chịu-Đóng-Đinh trong cuộc khổ nạn của Người và trong Thần khí.

Ngài tha thiết yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu và khao khát đồng hóa với Người trong mầu nhiệm Tử Nạn. Ngài muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế, và sẵn sàng cho Người mượn thân xác mình để tiếp tục hy sinh. Ngài xác tín việc thực hành những khổ chế hy sinh vì yêu mến là tình yêu thực tiễn dành cho Thánh Giá Con Thiên Chúa, là “thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và Chân lý” (Ga 4,23-24). Câu tâm niệm: “Chúa Giêsu Kitô là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi” đã theo Ngài suốt trong cả cuộc đời hiến thân cho việc truyền giáo, những gian khổ vì sứ vụ, vì đoàn chiên, cho đến khi dâng mình cho Chúa trong cơn bệnh và cái chết đau đớn vì tình yêu và ngài muốn được kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn[23].

Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse là một điểm nổi bật trong cuộc sống thiêng liêng của Đức Cha Lambert. Ngài đã thực hiện nhiều cuộc hành hương kính Đức Mẹ để tỏ lòng ngài yêu mến Mẹ và xin ơn soi sáng[24]. Ngài quý chuộng kinh Mân Côi và tuần cửu nhật kính Đức Trinh Nữ. Riêng Thánh Giuse được chọn làm quan thầy cho Dòng Mến Thánh Giá, chủng viện, nhà thờ, nhà thương tại Ayuthia, cho cả Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội Đông Á[25].

Đức Cha Lambert sống hết mực khiêm nhường và nghèo khó. Khiêm nhường theo gương “Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà đã tự hạ cho đến rốt cùng… và vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Đức cha Lambert vốn con nhà danh giá và giàu có, nhưng ngài đã tự bỏ hết cả gia sản, địa vị chức quyền để chọn lấy con đường nghèo khó, sống và phục vụ người nghèo đói, người thấp hèn trong xã hội… “Ngài nhận thấy vẻ đẹp của nhân đức khó nghèo nhưng lại khiếp sợ thực hành nó. Việc sống thiếu thốn những nhu cầu cơ bản cần thiết nhất khiến ngài run sợ. Nhưng nếu đó là thánh ý Chúa, ngài tự hiến sống khó nghèo suốt đời, luôn sung sướng đặt mình ở mức cần phải chờ đợi cứu trợ duy nhất từ trời, phó mình cho mọi bất lợi và khốn khó trên trần gian nầy[26]. Khi chương trình truyền giáo gặp bế tắc vì thiếu sự tài trợ cho các giám mục đại diện tông tòa lên đường sang Viễn đông thì chính đức cha Lambert tự nguyện dâng hết tài sản của mình để đóng góp cho công cuộc lớn lao này[27]. Hơn thế nữa, ngài lại tự nguyện và ham thích tìm kiếm sự sỉ nhục cho mình khi ngài làm người hành hương khổ nhục để bị khinh khi, chê cười của nhiều người, ngay cả bạn bè và người đồng hương[28]. Trong thẳm sâu, Ngài muốn sống khiêm nhường, nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, bất xứng, nên thường xuyên đánh tội, ăn chay, kiêng thịt và rượu, để cầu nguyện hầu đem ơn cứu rỗi cho các linh hồn, đặc biệt cho người tội lỗi.

3.  Đời sống tông đồ

Đức Cha Lambert có một cảm nghiệm thẳm sâu trong ngày ngài dâng thánh lễ đầu tiên: “Tình yêu Thiên Chúa đã khấng ban cho tôi… như đang hăng hái đem tôi đến các dân tộc chưa bao giờ biết Người… Hình như tôi cần phải tìm kiếm bên kia bờ đại dương những người mù lòa tội nghiệp mà Thiên Chúa muốn kéo ra khỏi tối tăm nhờ công nghiệp Máu Thánh Người đã đổ ra chung cho mọi người[29]. Ngài có ý niệm cao về đời sống người tông đồ một cách phi thường, sống gương mẫu để gây ảnh hưởng tốt nơi môi trường truyền giáo và có tinh thần khổ chế, nghèo khó, để chung mọi của cải và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Ngài viết: “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức bác ái phi thường của các thừa tác viên. Kết hợp hy sinh với cầu nguyện để “Đời sống người tông đồ luôn là một cuộc chết liên lỉ”;  Là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Kitô”. Không cậy dựa vào tiền bạc, sự thông thái của mình hoặc thế lực quan quyền nhưng chỉ “dùng những phương tiện Phúc Âm đề ra. Đó là rao giảng Lời Thiên Chúa với lòng tín thác vô biên, với tinh thần bác ái, tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu phi thường với một tấm lòng cầu nguyện liên lỉ. Đức Cha Lambert nhắn nhủ các vị thừa sai: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng[30].

Đức Cha Lambert thể hiện lòng nhiệt thành đối với việc cứu rỗi các linh hồn và phục vụ hạnh phúc tha nhân bằng nhiều cách (cầu nguyện, hy sinh, đánh tội…). Khi còn là linh mục tại Pháp và là Giám đốc trung tâm xã hội từ thiện ở Rouen Đức Cha Lambert đã tận tình phục vụ mọi hạng người nghèo khổ tại đó[31]. Ngài đã thực hành và đề ra các nhiệm vụ mà ngài muốn cho chị em dòng Mến Thánh Giá tiếp tục trong sứ vụ của Hội dòng (qua gương sống và các bút tích của Ngài để lại).

Đức Cha Lambert rất coi trọng vai trò của Linh mục, tu sĩ trong việc xây dựng giáo hội và phúc âm hóa đời sống Kitô-hữu. Ngài đã mau mắn xây chủng viện tại Ayuthia để đào tạo linh mục cho vùng Đông Á. Đối với nữ tu, Ngài lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài năm 1670, Đàng Trong năm 1671 và Thái Lan năm 1672. Như thế, ngài đã thực hiện việc hàng giáo sĩ và giới nữ tu phải cộng tác, bổ túc cho nhau trong việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô tại các miền truyền giáo, Ngài được ơn soi sáng để nhận thấy: “Trong tay Hội Thánh công giáo, linh mục và nữ tu là hai nguồn mạch tuôn đổ đức tin và đức ái xuống trên một đất nước: Linh mục là hiện thân của lòng nhiệt thành, liều mạng như một chiến sĩ xông pha nơi trận tuyến đầy nguy hiểm, còn nữ tu là biểu tượng cho sự trong trắng và kết hợp đời sống cầu nguyện với công việc bác ái phục vụ… Hai hình thức dấn thân phục vụ này liên kết với nhau, giống như ngày xưa trên Núi Sọ, mẫu người trinh nữ đã cùng với mẫu người tông đồ tham gia vào công cuộc Cứu Thế[32]. Vì thế, trong việc truyền bá đức tin: ở đâu nền móng việc đào tạo linh mục đã vững chắc thì Hội Thánh quan tâm đến vấn đề các nữ tu… Bởi đó, khi Đức Cha Lambert vừa đến Thái Lan thì liền lo liệu lập chủng viện để đào tạo linh mục cho miền Viễn đông, rồi phong chức linh mục Việt Nam. Sau đó ngài lập dòng nữ Mến Thánh Giá[33]. Và qua dòng Mến Thánh Giá, tinh thần và sứ mạng truyền giáo của Đức Cha luôn được gìn giữ và phát triển, không ngừng thấm nhuần giữa lòng Giáo Hội Việt Nam qua sự hiện diện âm thầm phục vụ của các nữ tu Mến Thánh Giá.

Đức Cha Lambert đã sống với, sống cho và sống trọn con tim với các dân tộc Á Đông nói chung và với dân Việt Nam nói riêng, đặc biệt là các tín hữu Đàng Trong, con cái thuộc quyền Ngài… Để nhận biết điều này, chúng ta có thể đọc trích đoạn trong hai thư mục vụ mà Đức Cha gởi cho các tín hữu Đàng Trong: khi Ngài chưa đến được với giáo phận của Ngài vì đạo thánh đang bị bách hại cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, hai lá thư Mục vụ đầy tình phụ tử nói lên tâm tình của vị mục tử với đoàn chiên của ngài.

Thư thứ I: “Thưa anh chị em:

Chúa Giêsu Kitô phải là đối tương duy nhất của lòng trí chúng ta... Đây là điều cha ước ao nhất trên đời: Xin anh chị em tạo điều kiện để cha có thể thực hiện điều đó, Anh chị em đừng nghĩ ngợi về những bất trắc có thể xảy đến cho cha, đời cha là của anh chị em, cha sẽ cho mình là có phúc, nếu mạng sống cha phải khốn đốn và mất đi vì anh chị em và cha có thể làm gì để giúp đỡ anh chị em trong những nhu cầu cấp bách thật sự…    (thư Mục vụ  I, khoảng năm 1664).

Thư thứ II: “ Thưa anh chị em,

Anh chị em không thể hồ nghi về tình yêu của cha đối với anh chị em, tình yêu đó lớn lao đến độ thiêu đốt cha, anh chị em cũng không thể tưởng tượng được cha vui mừng biết bao khi nhận được thư của anh chị em. Tình trạng của anh chị em khiến cha rên xiết hằng ngày dưới chân Đức Giêsu-Kitô, xin Người thương cho cha được đến với anh chị em, để đem lại cho anh chị em sự trợ giúp của vị chủ chăn đích thực. Cha chỉ hoàn toàn sung sướng khi được hiến dâng mạng sống vì lợi ích linh hồn anh chị em. Thật thế, nếu quả là cha khao khát hết sức được sống giữa anh chị em, lòng cha càng ước ao hơn nữa được chết cho anh chị em. Như vậy, cha chẳng làm gì hơn điều cha phải làm vì Chúa Giêsu-Kitô đã làm như thế và cha cũng muốn làm như Người...”[34]  (thư Mục vụ II, khoảng năm 1666).

Giáo hội Việt Nam biết ơn Đức Cha Lambert

Giáo hội Việt Nam nhận biết công nghiệp và các nhân đức của Vị Giám mục Tông Toà tiên khởi, Người đã đặt nền móng cho Hội Thánh Việt Nam bằng chính nỗ lực xương máu và mạng sống của ngài trên Miền truyền giáo ngài đã lãnh nhận và quê hương Việt Nam. Ngài là người khởi sự chế độ tông toà, đưa Giáo Hội Việt Nam ra khỏi chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha, đặt Giáo Hội Việt Nam ngang hàng với các Giáo Hội khác trên thế giới.

Cụ thể của lòng biết ơn đó là, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dịp viếng mộ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô vào tháng 9 năm 2009 đã dâng thỉnh nguyện thư lên Bộ Phong Thánh (tất cả các Giám Mục Việt Nam đồng ý) xin phong Chân phước và Hiển thánh cho Đức Cha Pierre Lambert de la Motte và François Pallu của Giáo Hội Việt Nam và Hội Thừa sai Paris. Đức Giám Mục Giáo phận Đà Lạt kiêm Chủ tịch Hội Đồng Chủ tịch Việt Nam Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã ký thỉnh nguyện ngày 06 tháng 10 năm 2009, cùng ký tên thỉnh nguyện là Linh mục Bề trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris Jean-Baptiste Etcharren, ký ngày 10 tháng 9 tại Paris[35]. “Một thực tế là di sản vô cùng cao quý là Giáo Hội Việt Nam, Hội Thừa Sai Paris, Dòng Mến Thánh Giá. Tất cả còn tồn tại và phát triển như ngày hôm nay chính là một phép lạ vô cùng to lớn, là hoa quả thánh thiện từ các ngài[36].

Kết

Qua những gì vừa trình bày: Tiểu sử về một con người thánh thiện; một cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa cách tuyệt đối; một sự nghiệp truyền giáo cho các dân tộc xa xôi để họ được nhiễm phúc đón nhận ơn cứu rỗi; một tông đồ tiếp bước theo Đức Giêsu Cứu Thế cách trung thành và trọn hảo, cho chúng ta thấy Đức Cha đã đáp trả cho đến tận cùng lời mời gọi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, trở nên hoàn thiện và đón nhận những gì được thần khí soi dẫn cho chính mình và trao ban cho mọi tầng lớp anh chị em.

Nền móng giáo hội Việt Nam mà Đức Cha Lambert xây nên và để lại trên quê hương thân yêu hôm nay còn bền vững, đó là ơn Chúa lớn lao, dấu ấn kỳ diệu của lời cầu nguyện và lễ hy sinh sương máu của Vị Giám mục Tông Toà tiên khởi và của biết bao nhiêu thừa sai đã đổ máu ra làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trên dãi đất chữ S này.

Riêng Dòng Mến Thánh Giá, Đức Cha sáng lập đã để lại một linh đạo, một đặc sủng Mến Thánh Giá như một ân huệ từ trời đổ xuống cho các thế hệ chị em trên hơn ba thế kỷ nay, cho Giáo hội Việt nam, cho những cộng đồng chị em đã phục vụ, cho những người chị em đã gặp gỡ, cho Hội dòng và cho mỗi người trong chúng ta. “Chúa Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta” là gia sản thiêng liêng mà Dòng Mến Thánh Giá phải tiếp tục gìn giữ và phát huy vì yêu mến Chúa và các linh hồn. Linh đạo và Đặc sủng Mến Thánh Giá luôn là con đường đi và hướng đi luôn về phía Thánh Giá: lòng yêu mến Chúa Giêsu hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, xây trên tình yêu thực tiễn dành cho Chúa Giêsu Chịu-Đóng-Đinh, đó cũng là nguồn lực vô tận tuôn trào từ Tình Yêu Thánh Giá, đồng thời luôn tích cực cho sứ vụ đã được Linh đạo Mến Thánh Giá Đức Cha để lại.

(Trích từ Lịch sử Hội dòng Mến Thánh Giá Huế từ trang 28-56)

[1]  A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochichinne, I, Paris, C. Douniol et Retaux, 1923, p.1: Lambert sinh ngày 16.01.1624; tuy nhiên, chính Đức Cha trong nhật ký của ngài thì ngài nói sinh ngày 28.01 « On a eu vue que c’était aujourd’hui le jour de sa naissance… » (Jacques-Charles DE BRISACIER, Vie de Motte Lambert, AMEP, volume 122, tr. 7); (Nhật ký của ĐC ngày 28.01.1677, volume 877, AMEP, tr. 595.

[2] A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochichinne, I, Paris, C. Douniol et Retaux, 1923.

[3] AMEP = Archives des Missions Étrangères de Paris, (thư khố của Hội Thừa Sai Paris).

[4]  Đó là các chức:  giữ của, đọc sách, trừ quỷ và giúp lễ.

[5] Lm ĐÀO Quang Toản, Đức Cha Lambert, 2016: Năm 1655, cha Lambert được 31 tuổi, ông Bernières 53 tuổi và thánh Jean Eudes 54 tuổi.

[6] Jacques-Charles DE BRISACIER, Vie de Motte Lambert, tr. 32-33.

[7] Lm ĐÀO Quang Toản, Đức Cha Lambert: Năm 1652 -1654, Cha Đắc Lộ ở Paris vận động cho chương trình gửi Giám mục sang Việt Nam, thì ngài đang làm thẩm phán tại Rouen.

[8] Học thuyết phái Jansen tự nhận là dựa vào truyền thống của thánh Augustin, được Giám mục Jansen gốc Hà Lan (1585-1638) trình bày trong tác phẩm Augustinus xuất bản năm 1640 (khi ông đã mất). Jansen tỏ ra bi quan về bản tính con người đã hư hỏng do tội nguyên tổ; chỉ những ai được tiền định mới được cứu; sống nghiêm ngặt về luân lý là dấu hiệu được tiền định.

[9] Lm ĐÀO Quang Toản, Đức Cha Lambert : Hiền đệ của Đức cha Lambert, linh mục Nicolas Lambert de la Boissière, đã rời nước Pháp cùng cha Bourges sang truyền giáo bên Á Đông, nhưng ngài ngã bệnh và từ trần dọc đường, ngày 24.06.1666.

 

[10] Lm Bénigne VACHET, Chuyện Đức Cha Lambert, bản dịch Cao Kỳ Hương, In lần thứ 4, Toulouse, 2005, tr. 49-51.

[11] Lucia Kỳ theo Cha Ngọc, có những bản khác thì gọi là Bà Lucia Kí, hoặc chỉ gọi là Lucia.

[12] Bénigne VACHET, Sđd, tr. 52-53.

[13]  Bénigne VACHET, Sđd, tr. 83.

[14] Theo Cha Bénigne VACHET, Sđd, tr. 64 thì em bé này khoảng 8, 9 tháng tuổi.

[15] Ibid., tr. 66-72.

[17] Bénigne Vachet, Sđd, tr. 85.

[18]A. Launay, Histoire Générale de la Société des Missions Étrangères, tome 1, Paris, Téqui, 1894, tr. 253. Nhóm NCLĐ/MTG dịch, sđd, tr. 49.

27 A. Launay, sđd, tr. 254; Henri DE FRONDEVILLE, Pierre Lambert de la Motte, Spes, Paris, 1923, tr. 116.

[20] Nhóm NCLĐ. MTG, Tiểu sử và Bút tích, tái bản lần thứ I, tr. 50.

[21] ĐÀO Quang Toản, Đặc sủng Mến Thánh Giá, tr. 81.

[22] Jacques-Charles DE BRISACIER, sđd, tr. 29 ; ĐÀO Quang Toản, Đặc sủng Mến Thánh Giá, tr. 89.

[23] ĐÀO Quang Toản, Đặc sủng Mến Thánh Giá, tr. 160-161.

[24] Jacques-Charles DE BRISACIER, Sđd, tr. 20.

[25] A. LAUNAY, Sđd, tr. 95-97.

[26] Jacques-Charles DE BRISACIER, sđd, tr. 79-80.

[27] ĐÀO Quang Toản, Đức Cha Lambert de la Motte, tr. 13.

[28] ĐÀO Quang Toản, Đặc sủng Mến Thánh Giá, tr. 143-146.

[29] Jacques-Charles DE BRISACIER, Sđd, tr. 32.

[30] Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá, sđd, tr. 31.

[31] Ibid., tr. 11.

[32] Ibid., tr. 12.

[33] NGUYỄN Văn Ngọc, Lịch sử các Phước viện Mến Thánh Giá địa phận Huế, bản đánh máy, tr. 8.

[34] A. LAUNAY, Sđd, tr. 55-57; 60-62, Nhóm NCLĐ/MTG, tr. 95-98; 112-115.

[36] Đức Giám mục Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Nha Trang. Bài nói chuyện trong khóa bồi dưỡng các dòng Mến Thánh Giá toàn quốc, tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận Sài Gòn ngày 08.8.2015 về tiến trình xin phong thánh vị Giám Mục dòng Mến Thánh Giá (internet).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *