Đối Thoại Trong Chân Lý Và Bác Ái – Đối Thoại Dẫn Tới Sự Hiện Hữu

“Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa và gắn bó với nhau” (Ep 4, 2).

Trong tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất, chị em chúng ta, những chuyên viên kiến tạo sự hiệp nhất hãy cùng khám phá về tinh thần đối thoại trong chân lý và bác ái và đức tính hiền lành là những phương cách để kiến tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Đối thoại là điều cần thiết cho cuộc sống, vì qua việc dùng ngôn từ, cử chỉ, ánh mắt khi đối thoại, con người bộc lộ nhân vị của mình và đồng thời đón nhận nhân vị của người khác nhằm giúp hiểu nhau và đi tới sự tương tác: “Ăn nói dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu. Phát biểu dễ thương thì tăng thêm  lời thân ái” (Hc 6, 5). Chị em chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi cùng đối thoại trong chân lý và bác ái, đó là việc chị em chúng ta cùng nói, cùng lắng nghe, cùng hiểu, cùng ưu tư, cùng hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn, theo nguyên mẫu là cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi và gia đình Nadaret.

Hiến chương Hội dòng Mến Thánh Giá Huế nêu rõ linh đạo Phúc Âm về đời sống cộng đoàn: “Cộng đoàn Mến Thánh Giá là một gia đình đích thực, được quy tụ nhân danh Đức Ki-tô Khổ Nạn-Phục Sinh, muốn họa lại đời sống của Giáo hội sơ khai với hai nguyên mẫu tuyệt vời  là gia đình Nadaret và cộng đòan Thiên Chúa Ba Ngôi… Thập Giá được đón nhận trong đời sống cộng đoàn sẽ trổ hoa Phục sinh với khả năng: Biến những căng thẳng thành động lực thúc đẩy chị em đối thoại trong chân lý và  bác ái, để tìm cách giải quyết các vấn đề” (HC, đ. 41).

  1. Những cuộc đối thoại trong Thánh Kinh

1.1. Đối thoại dẫn tới sự hiện hữu

Lúc khởi đầu Thiên Chúa “nói” và liền có mọi sự. Ngay từ khởi đầu đã có sự đối thoại và sự đối thoại dẫn tới sự hiện hữu.

Những chương đầu tiên của sách Sáng Thế ghi lại sự hình thành của vạn vật. Thiên Chúa đã dùng Lời để tạo dựng mọi loài. Cuộc đối thoại cho ta thấy Thiên Chúa không đơn độc nhưng luôn hiện diện trong các mối tương quan giữa Cha – Con – Thánh Thần. Chính nhờ Lời, từ hư vô, Thiên Chúa đã làm cho sự sống hiện hữu, làm cho mọi vật mọi loài xuất hiện, và cũng trong cuộc đối thoại ấy con người đã được dựng nên, Người phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống chúng ta” (x. St 1,26a); và con người đầu tiên xuất hiện trên mặt đất.

Trong toàn bộ Sách Thánh luôn xuất hiện các cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Bắt đầu từ cuộc đối thoại với con người đầu tiên trong vườn Địa Đàng, đến những cuộc đối thoại với những người được tuyển chọn và thánh hiến, với dân Israel và với toàn bộ chiều dài lịch sử Cứu Độ.

Và Thiên Chúa không chỉ đối thoại với con người bằng Lời nhưng bằng chính Con Một của mình khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (x.Ga 1,14), một cuộc đối thoại bằng chính cả cuộc sống, một sự hiện diện trọn vẹn.

1.2. Xung đột trong đối thoại

Trong vườn Địa Đàng, khi có sự hiện hữu thì đồng thời xuất hiện sự đối thoại. Khi Thiên Chúa giao quyền làm chủ muôn loài Ngài đã dựng nên cho con người thì cũng là lúc bắt đầu xuất hiện những cuộc đối thoại mới. Con người đối thoại với vạn vật và đặt tên cho từng loài một. Cũng chính trong khu vườn ấy, Eva đối thoại với sự dữ. Khi con rắn lên tiếng dụ dỗ con người làm trái lệnh Thiên Chúa là ăn trái cây ở giữa vườn, thay vì dứt khoát từ chối, Eva  đã lưỡng lự. Hậu quả là bà không thể chiến thắng sự dụ dỗ của con rắn, liền hái trái cây giữa vườn ăn rồi đưa cho chồng mình cùng ăn. Một cuộc đối thoại đi ngoài trật tự tốt đẹp mà Thiên Chúa đã đặt ra, để rồi ân sủng bị loại trừ và sự chết bắt đầu tràn vào thế giới.

Khi mang trong lòng những đố kị và hiềm khích, Cain đối thoại với em mình và dẫn dụ đẩy em mình đến cái chết “Cain nói với em là Aben: ‘Chúng mình ra ngoài đồng đi’ và khi  hai người đang ở ngoài đồng thì Cain xông đến giết Aben, em mình” (x St 4, 8). Khi đối thoại không còn nằm trong chân lý và bác ái, sẽ dẫn tới xung khắc, loại trừ sự hiện hữu, như cách Cain đã dùng để giải quyết những hiềm khích của chính mình.

Đối thoại dẫn tới sự hiện hữu hay đối thoại dẫn tới xung đột tùy thuộc nơi chính chúng ta, những người trong cuộc. Trong đời sống cộng đoàn, liệu chị em chúng ta sẽ dùng việc đối thoại để xây dựng tương quan, chứng thực sự hiện hữu hay để cho những xung đột làm chủ các cuộc đối thoại hoặc biến những cuộc đối thoại thành nguyên nhân của những xung đột? Câu trả lời ở trong tầm tay của chúng ta, trong con tim chúng ta, và trong chính hành động của chúng ta.

  1. Đối thoại trong cộng đoàn của người nữ tu Mến Thánh Giá

Theo từ điển Tiếng Việt, đối thoại là động từ chỉ việc nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau hoặc cùng bàn bạc, thương lượng trực tiếp giữa hai hay nhiều bên để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm.

Định nghĩa này cho chúng ta thấy rõ, để diễn ra một cuộc đối thoại thì cần phải có ít nhất hai đối tượng, cùng chia sẻ, cùng nói về một vấn đề. Cấp độ đầu tiên của việc đối thoại đó là phải đối thoại trong chân lý. Một cuộc đối thoại chỉ mang lại kết quả tốt khi được diễn ra trong sự thật và sự thiện.

Việc đối thoại của người Kitô hữu, đặc biệt là của người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi không chỉ dừng lại ở việc đối thoại trong chân lý nhưng còn phải đối thoại với một tinh thần bác ái, đối thoại bằng tình yêu mà chính Thầy Giêsu đã nêu gương.

Từ mẫu gương của Ba Ngôi, chúng có thể định nghĩa “đối thoại” như sau: Đối thoại là ở trong sự hiện diện của người khác; là chia sẻ cho người khác những gì mình có và những gì là mình, đồng thời nhận từ họ cái họ là và cái họ có; là lắng nghe; là thông truyền; là làm phong phú người khác và chấp nhận để họ làm mình nên phong phú; nhờ đó được gắn chặt với nhau bằng mối dây yêu thương. Ðó chính là định nghĩa đối thoại của Kitô giáo, một định nghĩa dựa trên điều chúng ta được mặc khải: “Thiên Chúa là tình yêu” (x.1Ga 4, 8-16).

2.1. Đối thoại dẫn tới sự hiện hữu

Đã có những lúc chúng ta hiện diện bên nhau nhưng không thực sự hiện hữu. Ai trong chúng ta cũng một lần có kinh nghiệm mình là nạn nhân của những cuộc “chiến tranh lạnh” trong cộng đoàn hay thậm chí bản thân là nguyên nhân của những cuộc “chiến tranh lạnh” ấy. Những giờ cơm không tiếng nói cười, những ngày làm việc nặng nề vì không thể cởi mở, không thể đối thoại do những bất hòa, bất đồng, hiểu lầm gây nên. Lúc ấy, việc đối thoại trong cộng đoàn, giữa các chị em với nhau thực sự trở nên gánh nặng đối với người trong cuộc. Thật không dễ để mở lời khi bầu khí chung căng thẳng, đôi lúc chúng ta chọn thinh lặng, coi chị em như vô hình trước mặt, thậm chí ta cũng loại trừ chính mình ra khỏi sự hiện diện trong cộng đoàn. Theo nguyên mẫu của cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi luôn mang trong mình cảm thức  “thuộc về”. Thuộc về Thiên Chúa khi chúng ta đã “tự nguyện cam kết bước theo Đức Giê-su trên đường Thánh Giá,” thuộc về Hội dòng khi đã “tận tình phó thác đời sống cho Hội dòng” và thuộc về nhau khi cùng chung sống trong cộng đoàn. Chỉ khi mang lấy cảm thức “thuộc về” chúng ta mới ý thức sự hiện hữu trong người khác và sẵn sàng mở lòng, mở lời để đối thoại với nhau.

Điều thường gặp trong đời sống cộng đoàn là khi diễn ra những cuộc chiến tranh lạnh, người trong cuộc thường đi tìm nguyên nhân từ bên ngoài mà ít khi nhận thấy chính mình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó. Ta thường nghĩ tất cả đều do lỗi của cộng đoàn, hay là do chị bề trên hay của chị em khác mà quên mất rằng: “lỗi anh lỗi ả, lỗi cả và hai.” Vì không thấy mình là nguyên nhân nên nhiều khi ta cứ chờ đợi người khác đi bước trước. Cảm thức “thuộc về” và tinh thần cộng đoàn mời gọi chúng ta biến những căng thẳng thành động lực để đối thoại trong chân lý và bác ái. Mình không thể phớt lờ sự hiện hữu của chị em, cũng như không được phép coi mình như đã chết khi sống giữa cộng đoàn.

Đối thoại còn là chia sẻ cho người khác những gì mình có và những gì là mình, đồng thời nhận từ họ cái họ là và cái họ có, là lắng nghe; là thông truyền; là làm phong phú người khác và chấp nhận để họ làm mình nên phong phú; nhờ đó được gắn chặt với nhau bằng mối dây yêu thương. Mục đích của đối thoại không chỉ để giải gỡ các bất đồng, hiểu lầm, nhưng còn là góp ý xây dựng, nâng đỡ, sẻ chia. Đối thoại còn mang nghĩa là cùng lắng nghe để đón nhận những gì chị em mình có, nhằm thúc đẩy tương quan hiệp nhất, đồng thời giúp nhau thăng tiến bản thân và xây dựng cộng đoàn.

Một cuộc đối thoại không chỉ là nói và nói, bộc lộ hết các quan điểm bản thân nhưng một cuộc đối thoại trong chân lý và bác ái còn nằm ở thái độ lắng nghe và thấu cảm. Thông thường bề dưới, đặc biệt những chị em còn trong giai đoạn huấn luyện thường ngại ngần đối thoại với bề trên, các chị hữu trách; nhất là khi có căng thẳng, mâu thuẫn hay khi phải xin phép điều này điều nọ. Nguyên nhân có thể vì sợ bề trên không hiểu ý mình hay có một cái nhìn khác về mình khi mình nói ra điều đó. Thậm chí khi một vài lần không được đón nhận ý kiến, chúng ta thường chọn thái độ im lặng cho qua để tìm sự yên thân hơn là phải đối thoại. Và cũng không ít lần một cuộc đối thoại diễn ra nhưng chỉ mình ta mải mê bộc lộ bản thân, bày tỏ ý kiến của mình còn để người đối diện chỉ biết lắng nghe và lắng nghe.

Cuộc đối thoại tích cực mời gọi chị em chúng ta một khả năng lắng nghe và đón nhận người khác như chính họ là với một nhân vị cần được tôn trọng. Để qua đối thoại ta ý thức được sự hiện hữu của bản thân và nhìn nhận sự hiện hữu của chị em mình.

2.2. Đối thoại trong hiền lành và nhẫn nhịn

Chị em Mến Thánh Giá được mời gọi “biến những căng thẳng thành động lực thúc đẩy chị em đối thoại trong chân lý và bác ái”.

“Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và Mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây  đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (x.Lc 2, 48-49). Tưởng như khi nghe mẫu đối thoại này chúng ta khó nhìn thấy điểm sáng cho tinh thần đối thoại lý tưởng, nhưng quả thực, Đức Maria đã cho chúng ta gặp thấy sự hiền lành dù đang mang trong mình nhiều lo lắng khi cực lòng tìm kiếm con trong vô vọng. Xét theo tâm lý bình thường, khi chị em nào  đó mắc lỗi việc đầu tiên chúng ta thường làm là đoán xét, chỉ trích dù chưa hiểu lý do. Đôi lúc vì không “hiền lành” đủ, không nhẫn nhịn đủ để đối thoại và lắng nghe đã khiến chúng ta làm người khác bị tổn thương, cộng đoàn bị rạn nứt.

“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người khác. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (x.Ep 4, 29.31). Đối thoại trong chân lý và bác ái là đối thoại trong hiền lành và nhẫn nhịn. Một lời nói nóng giận không đúng lúc sẽ giết chết một tương quan và thậm chí còn cướp lấy hết nguồn sống của đời sống cộng đoàn. Đôi lúc vì thiếu nhẫn nhịn khiến chúng ta sẵn sàng thốt ra những lời mà có lẽ nếu khi ta là người nghe, ta phải nhìn nhận là rất khó đón nhận được. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định “chúng ta nhẫn nhịn, không chỉ để tránh những cuộc cãi vã trong cộng đoàn vốn là một gương mù gương xấu nhưng nhờ nhẫn nhịn mà mỗi người được thánh hiến và biết phân định.”

2.3. Đối thoại trong sự chân thành và tin tưởng

Tinh thần đối thoại trong chân lý và bác ái cũng mời gọi chúng ta đối thoại trong sự chân thành, tin tưởng. Khi không tin tưởng người đang đối diện với mình, đang chia sẻ, nói chuyện thì cuộc đối thoại đó chỉ là một vở kịch của những diễn viên chuyên nghiệp. Nên nếu mang trong mình ước mong xây dựng cộng đoàn, Hội dòng ngày một gắn kết trong tương quan thì chị em chúng ta phải chấp nhận loại trừ những mặt nạ còn sót lại, và xây dựng sự tin tưởng chân thành dành cho nhau.

Đối thoại – trao đổi không thể thiếu được trong thế giới nhân loại và nhất là đối với đời sống tu trì. Khi đối thoại, trước tiên tôi phải coi trọng chị em hơn, sẵn sàng đón nhận cái riêng tư và khác biệt, chân tình và tín nhiệm… Đối thoại cũng là phương tiện cảm thông đích thực có thể giúp hai tâm hồn gặp nhau trong niềm vui và tình thương mến như Thánh Phaolô khuyên bảo: “Lời nói của anh em phải luôn mặn mà dễ thương để anh em biết đối đáp sao cho phải với lòng người” (x.Cl 4,6).

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu những lời sau đây tại Madras, Ấn Ðộ ngày 5/2/1986: “Qua đối thoại, chúng ta để cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta; vì cũng như chúng ta (có khả năng) mở lòng ra đối thoại với nhau thế nào, chúng ta cũng (có thể) mở lòng ra với Chúa như vậy”.

Ước mongtrong Tuần cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất chị em chúng ta cũng mang trong mình tâm tình của Thánh Phaolô “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (x.Pl 3, 13 – 14). Quên đi chặng đường đã qua, quên đi những gì điều chưa làm chúng ta hài lòng để cùng với chị em lao mình về phía trước, nơi Đấng Chịu Đóng Đinh đang chờ đợi chúng ta.

 

                          Nt. Maria Trần Thị Thùy

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế