Gương Sống Tình Yêu Thập Giá Của Đức Cha Lambert de la Motte

ĐÓNG ẤN THẬP GIÁ

Việc anh Rene càng đáng buồn hơn nữa vì năm 1679 là năm kinh hoàng nhất đối với các thừa sai ở trại Thánh Giuse, họ chứng kiến cuộc hấp hối kéo dài của Đức Cha Pierre Lambert như “mười tháng luyện hình mà Đức Cha phải chịu” (Thư của Đức Cha Laneau) (63). Giữa các đau khổ, Đức Cha còn cố giải quyết một vấn đề mà Ngài lấy làm khổ tâm. Đó là trường hợp cha Courtaulin, Tổng Đại diện tại Đàng Trong. Cha lấy 1.500 escus trong quỹ chung để mua hàng của một tàu Anh và rồi bán lại lấy lời cho mình. Cha Gayme bực bội : “Cha mua những thứ hàng có thể không bán được hay bán lỗ vốn mà không quan tâm tới việc Tòa Thánh cấm buôn bán, các đối thủ của chúng ta sẽ không bỏ qua việc này để tố cáo cha, và họ có lý. Các cha khác đã khuyên cha đừng làm nhưng cha không nghe, lấy cớ là số tiền năm ngoái cho ngài không đủ sống …” (64).

Đức Cha Pierre Lambert phản ứng ngay bằng cách gửi cha Gabriel Boudchard tới giúp cha Courtaulin, “hai cha chia nhau phụ trách mỗi người một nữa giáo đoàn Đàng Trong. Chúng tôi tiên liệu cha Courttaulin sẽ bỏ đi, nhưng kệ, vì cha đã được lệnh không được làm gì quan trọng mà không có sự đồng ý chung của hai người. Cha đã gây khó khăn cho chúng tôi và đã gây khó khăn cho công cuộc truyền giáo nhưng chúng tôi đành phải chịu” (64). Đó là việc cuối cùng Đức Cha Pierre Lambert phải làm với quyền Đại diện Tông tòa Đàng Trong của ngài. Những tháng cuối cùng của ngài sẽ là một con đường thập giá cho cả thể xác lẫn tinh thần, làm các bạn của ngài phải sợ hãi. Cha Gayme viết cho cha Sevin: “Tôi đoan chắc với cha là không ai có thể chịu đau đớn hơn ngài. Ngài không bao giờ nghỉ yên được hai tiếng đồng hồ liên tục từ khi cha đi, trước cũng vậy. Cái làm ngài đau khổ nhất đó là buồn phiền và chán nản. Và cho tới hai tháng trước khi qua đời, không nên làm trái ý ngài, ngài rất khó tính. Các học sinh của tôi cùng với ít người khác trong hơn bốn tháng đã canh ngai ban đêm, tìm cách làm cho ngài vui. Trong vòng 40 hay 50 ngày, tôi đưa ngài đi thuyền trên sông cho ngài đỡ buồn. Từ khi cha đi, không ngày nào mà tôi không dành cho ngài ba hay bốn tiếng cho tới sáu tuần lễ trước khi ngài mất sau một cơn sốt nặng, Tôi kêu cha Geffrard tới và chúng tôi canh ngài ngày đêm với đám học sinh của tôi. Tôi nhận ba phiên trực, còn các cha khác chia nhau hai phiên vì ngài tin tưởng vào tôi để lo cho ngài ăn uống. Tôi không biết tôi đã làm gì cho ngài nhưng chỉ có tôi là ngài hài lòng” (65).

Các địch thù của Đức Cha Pierre Lambert cũng phải mủi lòng thấy ngài như vậy và khi cái chết cận kề, đức ái Kitô lại xuất hiện: “Cha Jean d’Abreu lúc đó đang ở Siam đi cùng cha Motta tới thăm ngài 40 ngày trước khi ngài mất. Một người Bồ Đào Nha ở Macao có lòng tốt muốn biếu cho ngài ít thuốc. Đức Cha được bớt đau một thời gian nhưng bệnh quá nặng” (64). “Ngài mất cuối phiên trực của tôi, vào lúc bốn giờ sáng, nữa đêm trước khi tắt thở ngài xin rước Mình Thánh Chúa và xin tôi nhận lời tuyên xưng đức tin; thú thật với cha rằng, tôi nhận lời tuyên xưng mà mắt đẫm lệ. Tám ngày trước đó, cứ 15 phút còn phải đổi giường cho ngài, cho tới phiên trực của tôi thì ngài mất. Tôi không còn muốn đổi giường cho ngài nữa, tôi sợ ngài mất trong tay tôi, ngài chỉ nói với chúng tôi, không nói với ai khác trong 15 ngày trước khi mất. Gần như toàn thể dân trong trại Bồ Đào Nha hay tin ngài mất, đều chạy tới và tiếp tục tới hôm sau ngày an táng, ngài được chôn cất tại nghĩa trang trong một cái huyệt có xây tường chung quanh” (65). “Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là ngài đã cầm cự với những cơn đau đúng mười tháng và hình như Chúa thêm sức cho ngài để ngài chịu đau nhiều hơn” (66).

Trong một bức tâm thư gửi các Giám đốc, Đức Cha Louis Laneau tả cái chết của Đức Cha Pierre Lambert một cách tỉ mỉ và đầy ấn tượng hơn. Chăm sóc cả thể xác lẫn tinh thần, có kinh nghiệm về đau khổ của con người, người môn đệ thân tín nhất của Đức Cha Pierre Lambert không che đậy gì những nhận xét về bệnh trạng mà ngài kể rõ hết ra, đồng thời làm một cuộc “phẫu thuật thiêng liêng” đấng là thầy và là bạn tâm phúc của mình.

“Ngài chết trong đau đớn và Chúa đã cho ngài cảm thấy sức nặng của Thánh Giá mà ngài đã từng say mê cả đời. Người ta không dám ghi lại tất cả các chi tiết về những đau khổ của ngài, e rằng những người không quen với cách Thiên Chúa đối xử với bạn hữu thân tình của Ngài, sẽ không tin; nhưng vì chúng ta không được giấu giếm với nhau điều gì, nên tôi mới kể đôi điều cho các ngài. Cách đây nhiều năm, ngài cảm thấy đi tiểu khó khăn, nhưng cái đó không ngăn cản ngài làm việc như thường lệ, mặc dầu năm ngoái ngài không dám đi Đàng Trong. Ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngài bị sưng ở hậu môn, người ta nghĩ do bệnh trĩ, nhưng rồi xuất hiện một u nhọt làm ngài rất nhức nhối, nhất là khi người ta đắp thuốc vào. Vua Siam gởi các ngự y đến chữa cho ngài bằng nhiều vị thuốc quý, nhưng tất cả không giúp được gì, mà trái lại càng làm cho ngài đau đớn hơn. Rồi ngài lên cơn sốt, khát nước kinh khủng, đi tiểu không được làm người ta nghĩ ngài bị sạn bàng quang, sau khi ngài mất, người ta thấy ba cục sỏi dính vào nhau mà trước đây người ta không biết vì ngài không chịu cho người ta “thăm dò”. Với ba viên sỏi, người ta còn thấy bàng quang bị hư nát với một cục bướu to bằng nắm tay đã lở loét, do đó mà nước tiểu rất hôi. Ban đầu, ngài còn đứng dậy để đi tiểu, sau ngài phải tiểu tại giường, do đó bị lở loét nhiều chỗ vì sau này ngài chỉ còn da bọc xương. Lúc đầu ngài bị táo bón, những tuần cuối lại bị tiêu chảy. Thật tội nghiệp khi nghe ngài rên la đau đớn và cứ cách 15 phút hay nữa giờ lại phải đi. Nhưng ngài thường nói đau đớn thân xác không là gì sánh với đau buồn trong tâm hồn, vì Chúa đã lấy đi mọi an ủi bên trong, chỉ để lại một tia sáng để ngài khỏi ngã lòng. Ngài ở trong những nỗi âu lo và tăm tối lạ lùng đến nỗi ngài không biết xoay xở cách nào. Ngài đổi phòng, trong phòng ngài đổi giường. Tuy vậy, vì ngài thấy người ta lấy làm lạ trước những dằn vặt của ngài, ngài xin đừng vì thế mà vấp phạm ; phải để cho con người tự nhiên phản ứng mặc dầu các giác quan đều bị xáo trộn, bất lực, ngài vẫn cảm thấy bình an trong nơi sâu thẳm của tâm hồn, và dù con thú nơi mình rên xiết, phần cao thượng vẫn an bình, không suy suyển. Ngài phàn nàn với Chúa như ông Gióp xưa và điệp khúc ngài luôn luôn có trên miệng: Càng nhiều đau khổ càng nhiều nhẫn nhục; Ngài nói, mặc dầu đôi khi ngài có thốt ra vài lời phàn nàn nhưng đó là ngoài ý muốn, ngài chỉ muốn điều Chúa muốn. Người ta đề nghị với ngài khấn xin Chúa cho khỏi bệnh, nhưng sau khi chia sẻ với tôi lời khuyên đó, ngài nói ngài không dám xin Chúa cho sức khỏe và ngài không biết có nên xin sống thêm không khi ngài đã cao tuổi và bệnh hoạn, không thể còn quỳ, cũng không thể làm việc sám hối; như thế sẽ làm gương xấu cho các thừa sai. Ngài cảm thấy vui được gặp vài người trong chúng tôi, nhưng vì ở đây công việc bề bộn nên rất khó tới thăm giúp đỡ ngài. Chính ngài cũng bảo chúng tôi lo việc Chúa và để cho ngài chịu đau khổ. Óc sáng suốt của ngài vẫn sáng suốt; Ngài vẫn trả lời những gì người ta đề nghị như lúc ngài còn khỏe. Ngài rước lễ nhiều lần, người ta không thể tưởng tượng được ngài đã mau mắn như thế nào xin chịu Phép Xức dầu. Sau hết, ngài đã trút hơi thở cuối cùng, đúng như một con người đau khổ như ngài đã sống, giữa những thập giá và những đớn đau, không chỉ bên ngoài mà cả bên trong, Thiên Chúa đã muốn ngài phải trải qua để được hoàn toàn ra không và làm cho ngài ra bất lực, nếu nói được như vậy, không một chút tự mãn nào với những gì Thiên Chúa làm qua tay ngài” (67).

Trước cơn thử thách khủng khiếp như thế, Đức Cha Louis Laneau liên tưởng tới ông Gióp, nhưng hẳn là ngài mới nói một phần chứ chưa lộ hết ý của mình. Vì trải qua 15 năm trong sự thân mật thiêng liêng của người say mê Thánh Giá mà Đức Cha Pierre Lambert vẫn luôn ấp ủ trong lòng, đã thoáng thấy được mầu nhiệm được gắn kết với Đức Kitô khi kết hợp với Người. Sự kiện này sẽ linh hứng cho ngài sau này khi viết tập tham luận về thần linh hóa, lúc mà chính ngài rơi vào cảnh trơ vơ cô quạnh giữa những bất công trong cuộc đời. Đức Cha Louis Laneau cảm thấy rỏ cảnh hủy hoại một con người sống, sự tan rã sự sống xét theo ý nghĩa sâu xa, có cái gì tương tự với kinh nghiệm của người Tôi Tớ Đau Khổ đã được Isaia mô tả: “Đám đông lấy làm kinh hãi vì không nhận ra Người. Người không còn hình người nữa…”. Cuối một cuộc đời đầy danh dự và chiến đấu, Đức Cha Pierre Lambert chết trong tình trạng thân xác bệnh hoạn, tâm hồn đơn độc, tệ hơn những kẻ mà 25 năm về trước, ngài đã tự nguyện ôm hôn trong cuộc hành hương ở Rennes. Nhưng ở đây để hoán cải ai? Để đền tội nào? Để chuộc tội ai? Để được ơn tha thứ cho ai? Có lẽ đó là bí mật cuối cùng của tâm hồn cao thượng này mà chúng ta không nắm bắt được.

Tuy nhiên, một sự kiện cuối cùng có thể chiếu một tia sáng vào cuộc đời hết sức đặc biệt, vô cùng phong phú và đau khổ này. Năm 1675, trước khi đi Đàng Trong và biết mình bệnh nặng, Đức Cha Pierre Lambert đã viết trong chúc thư: “Tôi để lại cho nhà thờ các cha Dòng Tên ở Macao Thánh Giá mà em tôi cho tôi ít ngày trước khi mất, như dấu chỉ của lòng tôi mộ mến họ” (68). Cử chỉ tượng trưng này đủ để tóm lại tính triệt để của con người thần bí Thập Giá vĩ đại này. Khi trối lại cho các địch thủ lợi hại nhất của ngài, một kỷ vật có ý nghĩa tình cảm lẫn thiêng liêng, có lẽ vật duy nhất mà ngài tha thiết muốn giữ, hơn nữa là hình ảnh tình yêu duy nhất của ngài, Đức Giám mục Béryth khi chết, xóa bỏ mọi dấu vết hận thù theo tính tự nhiên và đặt các cha Dòng Tên vào chỗ đứng họ phải có, họ là những người anh em trong Chúa Kitô. Một cách hãnh diện và đượm tình tha thứ của Tin Mừng, ngài tự ý chấm dứt cuộc chiến không ngừng giữ ngài với họ, hoàn toàn phù hợp với lý tưởng của phương pháp huấn luyện kiểu Ignace mà ngài đã lãnh nhận, để làm vinh danh Thiên Chúa và trong sự vâng phục hoàn hảo nhất đối với Đức Giáo hoàng.

Trích tác phẩm “Người Cha bị lãng quên” (tr. 639-643)

Hình vẽ: Nữ tu Madalena Tống Thanh Thủy

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế