Người Nữ Tu Mến Thánh Giá Sống Mầu Nhiệm Tự Hủy

Con đường TỰ HỦY, con đường cuộc đời của Thầy Giê-su

Khởi đi từ mầu nhiệm Nhập Thể, đến cuộc hiến tế trọn vẹn trên đồi Calve.

Con Thiên Chúa ẩn giấu Thần Tính cao sang, đến làm người trong hình hài một sinh linh.

TỰ HỦY khởi đầu bằng những yếu hèn, đau khổ, giới hạn của kiếp người.

TỰ HỦY liên lỉ trong chính đời sống thường nhật, trong cuộc đời rao giảng, trong thi hành tác vụ.

TỰ HỦY để đón nhận, tha thứ, kiên nhẫn.

TỰ HỦY khi bị lên án, khước từ, chê trách.

Vẫn là một Giê-su hiền hậu và khiêm nhường.

Một Giêsu cúi mình đến thẳm sâu, xóa mình cho tất cả.

Đường vào thành thánh, vinh quang phủ đầy.

Vẫn một Giêsu lặng thinh, khiêm hạ trên lưng lừa để bắt đầu khai mở Nước Thiên Chúa.

Và trên đường lên Calve – Đường Tự Hủy đến tận cùng.

Ngài đã hạ mình vâng lời

cho đến nỗi bằng lòng chịu chết

Nhục nhã, ê chề trên thập giá oan khiên.

Tất cả chỉ vì một điều

Tình Yêu tận cùng cho nhân loại

Và ngày hôm nay, chúng ta, người nữ tu Mến Thánh Giá đã, đang và sẽ từng ngày bước theo chân Thầy Chí Thánh trên con đường Tự Hủy ấy, để hoàn tất hành trình lên đồi Calve của riêng mình và đồng thời “Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh” (Cl 1,24)

Đức Giêsu Đấng Tự Hủy vì yêu

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Mầu nhiệm Nhập Thể khởi đầu cho con đường Tự Hủy mà Đức Giê su bước đi. Đấng là Con Thiên Chúa đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa để trở nên con người, sống như con người và mang lấy hoàn toàn thân phận bất toàn yếu đuối. Thiên Chúa không yêu bằng một tình yêu từ trên cao, nhưng yêu bằng một tình yêu cúi mình, một tình yêu hiện diện. Để được hiện diện với con người, Con Thiên Chúa đã trở nên con người, đã đến với con người, hiện diện cùng con người trong thân phận nô lệ, trong hình hài bé nhỏ của trẻ thơ nghèo nàn. Nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể chúng ta học được bài học Tự Hủy bằng Vâng Phục. Sự Tự Hủy, ẩn giấu trong thân phận Con Thiên Chúa, để trở nên con của nhân loại, sự chết đi cho thân phận, cho địa vị để dành lấy sự sống cho con người là nguồn ơn Cứu Độ.

Trong hành trình rao giảng công khai của Đức Giêsu, Tin Mừng cho chúng ta chiêm ngắm một vị Thầy là Tôn Sư của muôn người. Điều làm nên sự vĩ đại ấy không là số lượng môn đồ đông đảo, là những phép lạ nổi tiếng hay những lời giảng thu hút người nghe nhưng chính nhờ sự khiêm tốn phục vụ, là sự hạ mình thẳm sâu, là chết đi, mục nát đi như hạt lúa mì vùi mình trong lòng đất. Đấng là Con Thiên Chúa, đã cúi mình xuống trên thân phận yếu đuối của con người, đã đụng chạm đến những mảnh hồn tội lỗi, những thân phận đau thương, là cúi xuống thật gần để nâng lên, để rửa sạch đôi bàn chân lấm lem bụi đời của người môn đệ. Ngài đã xóa mình hoàn toàn để trở nên người phục vụ muôn người. Tin Mừng Ga 13,1-11 diễn tả mầu nhiệm kenosis, qua việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

Đây chính là điều mà thần học gọi là tính tự hạ, mầu nhiệm tự huỷ của Đức Kitô. Mầu nhiệm tự huỷ này được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hữu Philipphê 2,6-8 “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vì ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.

Và đỉnh cao của Mầu nhiệm Tự Hủy trong cuộc đời Đức Giêsu là cái chết trên Thánh Giá. Hành trình Khổ Nạn của Đức Giêsu là hành trình tự hủy đến tận cùng. Hành trình chết đi vì tình yêu. Trên thập giá, người Do Thái nhìn thấy một Giêsu trần trụi và nhục nhã, trên thập giá, người Do Thái nhìn thấy một Giêsu bất lực trước bàn tay con người, trên thập giá, người Do Thái chỉ nhìn thấy một Giêsu thất bại. Nhưng trên Thánh Giá, chúng ta chiêm ngắm một Đấng chết vì yêu, trên Thánh Giá, chúng ta chiêm ngắm một Giêsu chiến thắng khải hoàn, trên Thánh Giá, chúng ta đi vào trong Mầu Nhiệm Tự Hủy của Con Thiên Chúa, Đấng hủy mình ra không chỉ vì tình yêu và yêu đến tận cùng.

Bước theo chân Cha

Với người nữ tu Mến Thánh Giá, Đức Cha Lambert luôn là gương sáng đời sống thánh thiện cho chúng ta. Và rõ nét nơi con người ấy là tinh thần tự hủy mà Cha đã sống trong suốt hành trình làm người, đặc biệt rõ nét hơn trong hành trình sứ vụ của một thừa sai.

Ngay từ những trang đầu tiên của cuộc đời, Cha đã nêu cao tinh thần tự hủy khi còn tấm bé. Khi được cha mẹ và người lớn dạy dỗ, Cha tỏ ra là cậu bé rất dễ dạy, thay vì chiều theo những sở thích cá nhân nho nhỏ của bản thân, thì Cha cung kính đón nhận sự sửa dạy như một dấu chỉ của sự bỏ ý riêng mình. Hay với bản tính tự nhiên, Cha thích được trọng vọng, nhưng chính Thiên Chúa đã giúp Cha thoát khỏi những điều đó bằng chính tinh thần tự hủy – chết đi cho ước muốn được nổi nang trong cú ngã ngựa trên đường đi Rouen để ký giấy hôn thú cho người bà con khi Cha đã làm Cố vấn Tòa án Thuế vụ.

Tâm hồn Cha luôn sẵn sàng yêu quý các sỉ nhục, như khi Cha được thúc đẩy bởi khao khát đi Canada truyền giáo, cứ mỗi lần nghĩ tới đất nước Canada, Cha đều hết lòng khao khát các khổ giá, bởi vì Cha có cảm tưởng “đó là chốn trần gian có thể trọn vẹn bước theo Con Thiên Chúa, Đấng tự hạ đến hủy mình”.

Khi đang nắm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm xã hội Rouen, thỉnh thoảng Cha lại có ý tưởng Thiên Chúa sắp rút Cha khỏi Trung tâm Xã hội. Chúa để Cha tại đó là chủ ý cho con người Cha hoàn toàn chết đi ngang qua bao phản đối Cha phải hứng chịu khi nắm giữ chức vụ này. Tất cả đều là cách thế Thiên Chúa giúp Cha đi sâu hơn vào Mầu nhiệm Tự Hủy của Đức Giêsu.

Cả cuộc đời Cha đã sống và nêu cao tấm gương Tự Hủy như Chúa Giêsu trên Thánh Giá, đó là những sự chết đi liên lỉ cho ý riêng, chết đi cho những hiểu lầm, chết đi cho những chống đối. Cha chết đi cho cả những gì là tự nhiên nhất trong con người Cha. Chết đi không phải để lãng quên, chết đi không phải để mục nát hoàn toàn, nhưng chết đi để được sống, chết đi được nên giống Đấng Chịu Đóng Đinh, và chết đi cho muôn người được sống. Theo sử gia linh mục Jacques – Charles de Brisacier thì Cha thường xin Thiên Chúa ban cho Cha ơn chết trên Thập Giá, và Cha đã được Chúa nhậm lời, vì ngoài những đau khổ thế xác, Cha còn được cảm nếm những đau đớn trong tâm hồn, nỗi buồn sầu sâu đậm theo gương Chúa Giêsu trên đồi Calve, những cái chết sâu trong tâm hồn.

Chính Cha đã sống Mầu nhiệm Tự Hủy tròn đầy theo gương Thầy Giêsu Chí Thánh.

Kenosis – TỰ HỦY trong hành trình đời dâng hiến

Đối với Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập của chúng ta, ngài nhận thấy rằng: “lời khấn khó nghèo là chối bỏ, khước từ, đánh mất liên tục và trọn vẹn các năng lực của tâm hồn; đối với lời khấn khiết tịnh: không bao giờ chấp nhận một sự quyến luyến với chính mình hay một thụ tạo nào khác; đối với lời khấn vâng lời: là luôn luôn làm theo sự thôi thúc nội tâm”.

Nếu đi sâu vào tận cốt tuỷ, thì ba lời khấn này gặp nhau một điểm chung. Đó chính là mầu nhiệm tự huỷ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã khoét rỗng chính mình để trao ban cho nhân loại, thì những ai muốn nên giống như Ngài cũng phải khoét rỗng mình như thế. Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục đều đòi buộc người ta phải hy sinh chính mình, phải bỏ đi cả “cái có” và “cái là”, phải buông trôi đôi bàn tay, không nắm giữ gì cả. Tự huỷ là thái độ tự đặt mình vào chỗ không an toàn, nhưng nó lại là cái giúp con người có được sự tự do thực thụ. Càng buông ra, con người càng thanh thoát. Càng bỏ đi cái tôi, con người càng thấy bình an. Càng để tâm trí mình thoải mái, con người càng sáng suốt, minh mẫn. Nếu không có mẫu gương từ Đức Giêsu, chẳng ai có thể chọn cho mình một lối sống như vậy cả. Nếu Thiên Chúa không tự hạ mình trước, ta sẽ chẳng tìm thấy được lý do và động cơ để làm điều này.

Thách đố của người tu sĩ hôm nay nói chung, hay của người nữ tu Mến Thánh Giá Huế nói riêng, là hành trình sống Ba Lời Khấn giữa một thế giới tục hóa, một thế giới tìm kiếm chính mình, đề cao cái tôi cá nhân và sự hưởng thụ. Sẽ không dễ dàng gì để lối sống và giá trị của mầu nhiệm Tự Hủy được nhìn nhận đúng đắn và trở nên ánh sáng soi dọi vào bóng mờ của thế giới.  Thao thức để chính bản thân không bị cuốn vào lối sống của thời đại và thao thức cho những ai đang đắm chìm trong lối sống đó là trách nhiệm của mỗi người tu sĩ. Hẳn sẽ có những lúc chị em chúng ta cảm thấy bất lực trước xu hướng hưởng thụ của rất nhiều bạn trẻ hôm nay, và cũng không ít lần trầm tư trước Thánh Giá, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là “Lạy Chúa, con phải làm gì để trở nên chứng tá cho mọi người?”. Lội ngược dòng để sống chứng tá khi sống tinh thần Tự Hủy trong Ba Lời Khấn thật không là điều dễ dàng, nhưng tin vào sức mạnh của Thập Giá đem chúng ta đến niềm hy vọng mà chính Đấng Chịu Đóng Đinh đã mang lại từ trên Thánh Giá. Hay như Đấng Sáng Lập, chúng ta xác tín “Thiên Chúa liên lỉ tác động trên tinh thần của chúng ta bằng cách bao phủ tinh thần của Ngài trên tinh thần chúng ta, đến nỗi tinh thần của chúng ta không còn hoạt động bằng sức riêng của mình nữa, Thiên Chúa ngự trị hoàn toàn nơi tinh thần của chúng ta rồi”.

Tự Hủy – Nét độc đáo rất riêng trong tình yêu của người nữ tu Mến Thánh Giá

Có những lúc chị em chúng ta đặt mình trước suy tư “Đâu là nét độc đáo trong ơn gọi mà tôi đang được mời gọi? Đâu là điều làm cho ơn gọi Mến Thánh Giá khác biệt với những ơn gọi trong các linh đạo khác? Phải chăng tinh thần Tự Hủy là nét độc đáo riêng trong tình yêu của người nữ tu Mến Thánh Giá. Là yêu ngay trong lúc “trút bỏ” cái tôi, cái có của bản thân; yêu trong cả những khi “không nhất thiết phải duy trì” ý riêng để sống ý chung; yêu “cho đến nỗi” chỉ còn mong muốn điều gì thuộc về Thiên Chúa, để chỉ sống cho riêng mình Ngài, và cho lời mời gọi mà Ngài dành riêng cho mỗi người trên Đường Thánh Giá.

Đức Tổng Giám Mục Phao lô Nguyễn Văn Bình đã chia sẻ với chị em Mến Thánh Giá “Trong nhà thờ, nơi học đường, ngoài cánh đồng truyền giáo, nữ tu Mến Thánh Giá luôn luôn có mặt, đầy tận tụy nhưng âm thầm, đầy nhiệt thành nhưng trong bóng tối, đầy đơn sơ khiêm tốn nhưng không thiếu can đảm. Chị em đã cam chịu tất cả, xứng với danh hiệu Mến Thánh Giá”. Hình ảnh tận tụy – âm thầm – khiêm tốn – can đảm của người nữ tu Mến Thánh Giá là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa với con người. Và để trở nên như vậy, mời gọi người nữ tu Mến Thánh Giá phải dám chết đi cho những an toàn của tu viện, cho những đầy đủ của cuộc sống, và chết đi cho những chọn lựa để có thể vâng phục ra đi đến các miền truyền giáo, đôi lúc không hợp với ý riêng. Người nữ tu Mến Thánh Giá hoàn toàn xóa mình đi cho sứ vụ của Hội dòng, xóa mình đi hoàn toàn cho ước mơ của bản thân để chỉ sống cho ước mơ của Thầy Chí Thánh.

Và hẳn đã có lúc, chị em chúng ta đã thực hành Mầu nhiệm Tự Hủy ngay trong đời sống cộng đoàn, trong khi thi hành sứ vụ, và cả việc chết đi cho những bản tính tự nhiên của riêng mình. Có những lúc chúng ta thấy mình phải chết đi cho những lời nói, phải chết đi cho những thái độ, và phải chết đi cho những chọn lựa của bản thân. Đối diện với Đấng Chịu Đóng Đinh, với cái chết trọn vẹn của Đấng chết vì yêu, hẳn không ít lần ta cảm thấy những cái chết nhỏ bé của mình mang lại hiệu năng tông đồ thực sự, và cũng đem đến cho cộng đoàn những khoảng bình yên vô cùng. Chết đi, hủy mình đi cho ai đó được sống và triển nớ, cho sứ vụ được thành toàn, và cho mình nên giống Đấng Tình Quân là một điều mà có lẽ ai trong chị em chúng ta cũng khao khát được thực hành. Đó chính là điểm son trong câu chuyện tình yêu của người nữ tu Mến Thánh Giá trên bước đường theo chân Đấng Chịu Đóng Đinh.

Một chút…

Lạy Chúa, con vẫn hay cầu xin: “Lạy Chúa xin cho con được chết dưới chân Thánh Giá Chúa”. Đó là những lúc con thấy mình mệt mỏi, hay lúc con thấy tâm hồn trĩu nặng vì những bất toàn tội lỗi của bản thân. Rồi khi con thưa lên với Chúa những điều ấy, con nhận thấy rằng chính con phải biết chết đi mỗi ngày cho chính cái tôi thăm thẳm, cho con người tội lỗi, cho những yếu đuối mỏng giòn của bản thân. Và con thấy mình bình an khi được để lại dưới chân Thánh Giá Chúa tất cả những gì là con người nhất trong con và nhận lấy một tinh thần mới, một sự sống mới Chúa trao ban ngay từ trên Thánh Giá.

Trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, con tin mọi sự Chúa đã khởi sự nơi Đức Cha Lambert sẽ được thành toàn nơi mỗi một chị em Mến Thánh Giá chúng con. Ước mong chúng con luôn sống xứng với tên gọi Mến Thánh Giá mà Cha đã đặt – Những Người Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://dongten.net/2018/01/15/nen-tang-cua-ba-loi-khan/
  2. Jacques – Charles de Brisacier – Cuộc đời Đức Cha Lambert de La Motte – Giám mục hiệu tòa Béryte.
  3. Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá – Tiểu sử – Bút tích Đức Cha Lambert de La Motte

Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá – Tuyển tập Bút tích – Di cảo.

Nữ tu Maria Trần Thị Thùy

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế