PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH KINH MÂN CÔI
- Ý nghĩa của phương thức “lặp đi lặp lại”
Việc suy niệm các mầu nhiệm của đức Kitô được đề nghị trong kinh Mân Côi, đi theo một phương thức đặc biệt, tự bản chất có thể giúp hấp thụ những mầu nhiệm ấy. Đây là phương thức lặp đi lặp lại. Trước hết là kinh Kính Mừng, được lặp đi lặp lại 10 lần trong mỗi mầu nhiệm. Nếu chỉ nhìn việc lặp đi lặp lại này cách phiếm diện, người ta có thể bị cám dỗ coi kinh Mân Côi như một việc khô khan và buồn tẻ. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn khác, một khi người ta coi kinh Mân Côi như một cách thức diễn tả lòng yêu mến, một lòng yêu mến không ngừng quy hướng về người yêu, bằng những tình cảm dạt dào, mặc dù có giống nhau trong cách biểu lộ, nhưng lại luôn luôn mới mẻ nhờ tâm tình bên trong (RVM 26a).
Khi đối chiếu với các tôn giáo đông phương, người ta nhận thấy tập tục lặp đi lặp lại một phương thức (man tra, rama-nama, thí dụ “Nam-mô Adi-đà Phật”), không nhất thiết đồng nghĩa với việc đọc kinh máy móc. Nó có thể tạo ra một trạng thái tịnh tâm, dẫn tới sự chiêm niệm. Ta cũng có thể nói như vậy về “kinh nguyện Chúa Giêsu” nơi các đan sĩ đông phương : việc lặp đi lặp lại cả ngàn lần câu kinh “Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, xin thương xót con”, giúp người tín hữu nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện liên lỉ, và tập trung vào việc kết hợp với Chúa. Dựa trên kinh nghiệm đó, việc đọc kinh Mân Côi có thể giúp tạo ra trạng thái nội tâm an tĩnh, nhờ việc lặp đi lặp lại một câu kinh Kính mừng (x. PHAN TẤN THÀNH, Đời sống tâm linh, tập VII, Roma 2007, tr. 297).
Một điều rõ ràng, nếu kinh Kính Mừng được lặp đi lặp lại, trực tiếp hướng về đức Maria, thì hành vi yêu mến cuối cùng, với Đức Mẹ và qua Đức Mẹ, lại trực tiếp hướng về Đức Giêsu. Việc lặp đi lặp lại được nuôi dưỡng nhờ khát vọng muốn trở nên ngày càng đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trọn vẹn hơn. Thánh PhaoLô diễn tả chương trình này bằng những lời lẽ đầy nhiệt huyết : “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21), và “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Kinh Mân Côi giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô ngày một sát hơn cho đến khi chúng ta đạt tới sự thánh thiện (RVM 26c).
Tuy nhiên, kinh Mân Côi không phải thuần túy là một phương thức suy niệm. Xét về phương thức, kinh Mân Côi là một phương thức để đạt mục đích, chứ không phải tự nó là mục đích. Tuy nhiên, vì kinh Mân Côi là kết quả của một kinh nghiệm trải dài qua nhiều thế kỷ, nên không được đánh giá thấp phương thức này. Ta có thể kể ra kinh nghiệm của muôn ngàn vị thánh hưởng ứng kinh Mân Côi. Nhưng như thế không có ý nói là kinh Mân Côi không thể canh tân được nữa. Chính đó là ý hướng khiến cho có việc bổ xung thêm chuỗi myteria lucis vào trong chu kỳ toàn thể các mầu nhiệm, cũng như một ít đề nghị liên quan đến việc lần chuỗi Mân Côi (RVM 28b).
- Thực hành
Theo đức Phaolo VI, tự bản tính của nó, chuỗi Mân Côi phải được đọc cách thanh thản và khoan thai, để người cầu nguyện dễ dàng nghiền ngẫm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, như đã được chiêm ngắm bởi tâm trí của đấng gần gũi Chúa hơn ai hết, và như vậy mới khám phá được kho tàng vô tận của mầu nhiệm ấy (x. MC 47).
Thực vậy, chuỗi hạt Mân Côi là mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa tình yêu, được thâu gọn trong 20 sự kiện, trình bày dưới một hình thức cụ thể, đơn giản, để bất cứ ai cũng có thể nhìn ngắm, suy gẫm, thông dự.
Đỉnh cao của việc lần hạt Mân Côi là nối kết tình yêu của ta với Thiên Chúa qua Đức Maria. Nhưng trước khi đi đến đỉnh cao ấy, ta phải tập luyện từng bước, để dần dần đưa cả con người ta vào một hướng nhất định. Bởi vì lòng ta vẫn thường xuyên đầy dẫy những lo âu, toan tính, những ý tưởng, cảm tình, ước muốn vô lối… Cần phải dẹp bỏ những chướng ngại, để mở đường cho công cuộc tiến vào nội tâm. Ở đó, Thiên Chúa đang chuẩn bị và chờ đợi cuộc nối kết tình yêu nhiệm mầu giữa Chúa với hồn ta.
Nhưng không thể dẹp bỏ khi mà những chướng ngại đó nằm ngay trong các quan năng của ta. Chúng phát sinh từ những sinh hoạt của các khả năng tinh thần và thể xác, như các giác quan, trí tưởng tượng, lý trí, ý chí, tình cảm nơi ta. Vậy chỉ còn cách lợi dụng ngay các khả năng đó, và hướng sinh hoạt của chúng về phía mục đích siêu nhiên.
Về cơ thể
Nên chọn một tư thế cho phù hợp : ngồi, đứng hay quỳ. Ngồi thì ngồi ngay ngắn, không uể oải; đứng thì đứng thẳng, không dựa dẫm. Cặp mắt khi nhắm, khi ngước lên, khi cúi xuống nhưng không láo liên. Tay lần từng hạt đều đặn, miệng đọc chậm rãi, hay đôi môi mấp máy theo lời kinh…, cũng góp phần vào việc cầm trí. Nhất là khi vì tình yêu, ta muốn làm mọi việc cách nghiêm túc, thì mọi cố gắng nhỏ đều góp phần vào việc đào luyện tâm hồn.
Về trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng phải được vận dụng để gợi ra những hình ảnh của mỗi mầu nhiệm đang suy, với những nhân vật và những sinh hoạt của các nhân vật ấy.
Trong mọi trường hợp, đều phải cố gắng tập trung tưởng tượng, gợi ra những hình ảnh và thái độ, ngôn ngữ, hành động và cả tâm tình, tư tưởng của các nhân vật liên hệ.
Những hình ảnh, cảm tình, ý nghĩ, ước muốn cao thượng, sẽ dần dà đưa ta vào cuộc sống siêu nhiên sâu xa, bền vững, dần dần thấm nhập vào ý thức, tiềm thức và siêu thức; dần dần chi phối cả cuộc đời ta trong mọi lãnh vực, và biến đổi hẳn con người của ta. Thực vậy, một người từ bé đã luôn nghe, nhìn, nghĩ về tình yêu, với những hình ảnh dịu dàng của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và các thánh, chắc chắn sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng.
Về lý trí
Khi suy nghĩ về những vấn đề liên hệ đến các mầu nhiệm chứa đựng trong chuỗi Mân Côi, dần dần ta sẽ có cách nhìn, cách phê phán, lượng giá, suy luận theo đúng tinh thần của Tin Mừng. Không những là vấn đề liên hệ trực tiếp đến nội dung đức Tin, mà cả những vấn đề liên quan đến tâm lý, luân lý, xã hội, triết lý tự nhiên, mà cuộc đời và vũ trụ đặt ra cho con người.
Về cảm tính
Ta hãy khơi dậy những cảm tình cao đẹp từ mầu nhiệm đang suy, để tạo những mối dây thân tình bằng hữu với các nhân vật trong đó. Vd. Trong vườn dầu, ta tìm đến với Chúa, không phải chỉ để được an ủi, nhưng còn để thông dự với Chúa trong cơn sầu não tột cùng, khi đối diện với tội lỗi loài người. Đồng thời, ta cũng thông dự với bao anh chị em khác, đã, đang và sẽ còn mãi uống chén đắng cay của kiếp người.
- Về ý chí và hành động
Điều kiện tiên quyết cũng là mục đích cuối cùng của việc lần hạt Mân Côi cũng như mọi việc thờ phượng khác, là phải biết vận dụng ý chí để lựa chọn, quyết định và hành động trong cuộc sống hàng ngày, sao cho phù hợp với Lời chúa. Lời kinh ta đọc phải làm sao thấm nhiễm cuộc sống hằng giây hằng phút, từ việc trọng đại, đến việc nhỏ bé nhất. Hiểu như vậy, thì việc suy niệm kinh Mân Côi cũng là một cách dâng lễ. Dâng lễ tốt, sẽ giúp đọc kinh Mân Côi thành công.
Đọc kinh hai bè
Đọc kinh Mân Côi chung, hai bè đối đáp nhau là cách lần chuỗi Mân Côi tốt lành nhất, làm vinh danh Thiên Chúa và có ích lợi cho linh hồn hơn cả. Nếu ở trên trời, các thiên thần và các thánh nam nữ tập họp nhau để chúc tụng và cảm tạ Chúa. Dưới đất, các người công chính tập họp nhau nơi những cộng đoàn, để cầu nguyện chung với nhau ngày và đêm. Chính Chúa Giêsu đã khuyên dạy các tông đồ và các môn đệ cầu nguyện chung, và Ngài đã hứa : “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18, 20).
Khi cầu nguyện chung, lời cầu nguyện của mỗi người được hợp chung lại với lời cầu nguyện của cả cộng đoàn, làm thành một lời cầu nguyện duy nhất. Cho nên nếu một người nào đó cầu nguyện không sốt sắng lắm, thì lời cầu nguyện tốt lành của những người khác sẽ bổ xung vào chỗ khiếm khuyết đó. Người khỏe nâng đỡ người yếu, người sốt sắng bù đắp cho người nguội lạnh, người giàu có chia bớt cho người nghèo khó…
Đọc kinh Mân Côi chung với nhau là vũ khí rất mạnh để thắng ma quỷ, bởi vì chúng ta hợp thành một đội quân để tấn công nó. Nó có thể dễ dàng quấy phá lời cầu nguyện khi chúng ta cầu nguyện một mình. Nhưng nó không làm gì được chúng ta, khi chúng ta đọc kinh Mân Côi chung với nhau. Hợp quần làm nên sức mạnh, nhất là khi có cả Chúa Kitô ở giữa chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta (Mt 18, 19 – 20). Chúng ta phải cầu nguyện chung để cầu xin ơn thương xót và đón nhận nhiều ân sủng của Chúa.
Trong những hoàn cảnh đặc biệt
Ta có thể chọn cách thức nào phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại của ta, miễn là ta đọc với lòng thành kính. Khi có thể, ta hãy quỳ gối, chắp tay lần chuỗi. Tuy nhiên, khi đau ốm, có thể đọc trên giường. Ta cũng có thể lần chuỗi khi đi đường. Nếu mệt nhọc không qùy gối được, ta có thể đứng hoặc ngồi mà đọc kinh. Chúng ta còn có thể lần chuỗi Mân Côi trong khi làm việc, khi ta vì nghĩa vụ không bỏ công việc được, bởi vì công việc chân tay không nghịch với việc đọc kinh cầu nguyện. Dĩ nhiên là tâm hồn ta bị giới hạn vào công việc mình làm, cho nên dầu là làm việc tay chân, tâm trí ta cũng phải chú ý vào việc làm, và sẽ không chú ý đủ vào việc cầu nguyện. Tuy nhiên, lời cầu nguyện này cũng có giá trị của nó trước mặt Đức Mẹ, và Mẹ nhìn đến thiện chí của ta hơn là những việc bên ngoài khác.
Những lưu ý cần thiết
Cầu xin Chúa Thánh Thần
Trước hết, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp sức, để có thể thông hiệp vào việc lần chuỗi Mân Côi cách thánh thiện. Sau đó, thầm thĩ một phút, và đặt mình trước nhan thánh Chúa. Rồi trước khi bắt đầu mỗi chục kinh, ngừng lại một lúc, lâu mau tùy nghi có thể, để nhìn ngắm Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong mầu nhiệm Mân Côi mà ta sẽ kính nhớ. Ta hãy xin Chúa vì mầu nhiệm này và nhờ lời cầu khẩn của Đức Mẹ, ban cho ta nhân đức nổi bật nhất nơi mỗi mầu nhiệm của mỗi chục kinh.
Ý hướng
Để cho việc đọc kinh thêm phần cụ thể, cần phải đặt vào một ý hướng, cầu xin một ơn nào đó cho việc cầu nguyện của mình. Vd., xin cho mình tập được một nhân đức, hoặc chừa một nết xấu, hay xin cho người tội lỗi được ăn năn trở lại…
Lòng yêu mến
Đừng coi lần chuỗi như một gánh nặng và chỉ muốn đọc cho chóng xong, như một bổn phận đè nặng trên vai, một công việc cực chẳng đã phải chu toàn, hay vì đã tự hứa với lương tâm như thế, hoặc do cha giải tội đặt cho mình và mình phải miễn cưỡng vâng theo. Thử nghĩ xem, ăn nói với một người thường, ta cũng không nói liến láu như vậy, thì làm sao có thể coi đó là cách tôn vinh Chúa và Đức Mẹ được. Vậy hãy hãm lại sự vội vã kia, hãy dừng lại giây lát sau mỗi kinh Lạy Cha, mỗi kinh Kính Mừng, và ngắt ra một chút sau mỗi câu. Hãy nghĩ đến những ơn ích nhận được khi lần hạt, và hãy đặt vào những lời kinh mình đọc một tình yêu mến đối với Chúa Giêsu và Mẹ Người.
Nguồn: dongmancoi.org