Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật III Thường Niên – Tìm Thấy Niềm Vui Khi Nghe Lời Chúa

(Nkm 8:2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12:12-30; Lc 1:1-4; 4:14-21)

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay tập trung vào Đức Kitô, Đấng đến để giải thích và kiện toàn những gì được viết về Ngài trong Lề Luật và các Ngôn Sứ. Ngài là sợi dây nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước và Ngài cũng là mối dây hiệp nhất của các bộ phận trong Thân Mình củaNgài là Hội Thánh mà Thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 2. Như chúng ta đã biết, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rữa mà chúng ta cử hành tuần trước nhắc nhở chúng ta về chính phép rửa của mình. Qua phép rửa, chúng ta được liên kết với nhau để trở nên một trong Thân Mình Đức Kitô như những bộ phận khác nhau của một thân thể. Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta về thực tại này như sau: “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cor 12:13). Nếu tất cả chúng ta thuộc về một thân thể, chúng ta cần đến nhau và làm việc với nhau vì lợi ích của toàn thân thể là Hội Thánh. Không có bộ phận nào là không cần thiết trong một thân thể. Không có đối chọi trong thân thể, vì nếu các bộ phận làm như thế, thân thể sẽ tự huỷ hoại chính mình. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta đã không sống đúng với điều này: Ngay trong một giáo xứ, nhóm này nói xấu nhóm kia; giữa các dòng tu, dòng này tranh đua với dòng khác; giữa các địa phận không có sự cộng tác với nhau.

Để đạt đến sự hiệp nhất, Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta phải tránh thái độ xem mình là “bất khả thế” (“không ai xứng đáng để thay thế tôi!”). Trong gia đình, trong công đoàn, trong giáo xứ, trong Hội Thánh, mỗi người làm một công việc khác nhau mà Chúa muốn họ thực hiện: “Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: ‘Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể,’ thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: ‘Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể,’ thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?” (1 Cor 12:14-17). Sự khác biệt của người khác không phải là những mối đe doạ cho chúng ta, nhưng trong ý định của Thiên Chúa, sự khác biệt chính là mối dây nối kết chúng ta lại với nhau để chúng ta yêu thương, phục vụ và “cần” đến nhau. Theo lối suy luận này của Thánh Phaolô, chúng ta có thể nói rằng: Chúng ta là những người chống lại ý định của Thiên Chúa khi chúng ta không đón nhận sự khác biệt của người khác như là sự bổ sung cho mình và tỏ thái độ “bất cần.” Chúng ta hãy nhớ lời khuyến cáo của Thánh Phaolô: “Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: ‘Tao không cần đến mày’; đầu cũng không thể bảo hai chân: ‘Tao không cần chúng mày’” (1Cor 12:18-21). Chúng ta cần đến nhau!

Thánh Phaolô nhắc nhở những người có vai trò quan trọng trong cơ thể phải biết khiêm nhường, không phô trương chính mình. Khi quan sát thân thể của chúng ta, chúng ta nhận ra chân lý này: Các bộ phận quan trọng như tim, não, thận, túi mật được dấu ở bên trong, được bảo vệ bởi hộp sọ hoặc lớp xương sườn. Chúng không “phô trương” ra ngoài. Theo cách thức đó, những người có vị trí quan trọng phải biết nâng đỡ những người yếu kém hơn cách âm thầm như Thánh Phaolô dạy: “Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung (1 Cor 12:22-26). Hãy nhớ rằng: Tất cả chúng ta đi trên cùng một chuyến tàu và về cùng một bến đỗ, đừng xô đẩy nhau kẻo làm đắm tàu!

Trở về với Đức Kitô, Đấng đến để công bố và hoàn thành lời Chúa, là trung tâm của lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thấy hình ảnh của Ngài được ẩn chứa trong hình ảnh của thầy tư tế Ét-ra mà bài bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta. Ông Ét-ra đứng trên bục cao và đọc Sách Luật cho dân nghe, còn Đức Kitô đứng trong hội đường tại Nazareth, Ngài không đọc sách luật, nhưng là sách ngôn sứ Isaiah. Đối với người Do Thái, Sách Luật (năm cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh) và các Ngôn sứ là những sách quan trọng nhất vì chúng chứa đựng tất cả những mạc khải nền tảng của Thiên Chúa cho dân Israel. Và Chúa Giêsu đã khẳng định là Ngài đến không phải để huỷ bỏ Lề Luật và các Ngôn sứ, nhưng để kiện toàn (x. Mt 5:17).

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về việc dân Israel xây dựng lại đền thời Giêsuralem sau khi đi lưu đày trở về [khoảng năm 538 BC]. Trong khi xây dựng lại đền thờ, họ tìm thấy “sách Luật” trong đống đổ nát. Dân chúng vừa nghe đọc sách Luật, vừa khóc lóc vì họ nhận ra chính sự bất trung của họ với Đức Chúa là nguyên nhân khiến họ bị lưu đày khỏi đất hứa. Họ đã nhanh chóng quên những việc Đức Chúa đã làm cho họ và không tuân giữ những điều họ đã thề hứa với Đức Chúa là tuân giữ giới răn của Ngài để họ và con cháu được bình an thịnh vượng trong đất mà Chúa hứa cho Abraham và con cháu ông. Ở đây có một chi tiết làm chúng ta lưu ý là ông Étra đọc Sách Luật từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe cách chăm chú. Điều này nhắc nhở cho dân Isreal nhớ lại việc họ được lời của Đức Chúa quy tụ. Họ tìm thấy niềm vui và những chỉ dẫn cần thiết cho cuộc sống chỉ trong lời Chúa. Lời Chúa thánh hiến họ và lời Chúa là niềm vui của họ: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc” (Nkm 8:9). Thật vậy, lời Chúa ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: Niềm vui thật của chúng ta là được nghe lời Chúa. Giống như hai người yêu nhau, họ tìm thấy niềm vui khi nghe lời của nhau.

Chúng ta tìm thấy niềm vui khi nghe lời Chúa vì lời Chúa giúp chúng ta đào sâu niềm tin của mình vào Ngài. Đây chính là mục đích mà Thánh Luca nói cho Theophilus khi ngài viết Tin Mừng của mình. Thánh sử viết lại những điều đã được chứng kiến và đã phục vụ lời Chúa ngay từ đầu để người đọc tin vào Đức Giêsu. Điều này cho chúng ta biết rằng, lời Chúa có nền tảng vững chắc dựa trên những gì đã được chứng kiến chứ không phải những gì được tưởng tượng ra (x. Lc 1:2). Đây cũng chính là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta để biến cuộc đời của mình thành “lời” nói hùng hồn nhằm công bố cho mọi người về những gì chúng ta đã chứng kiến Chúa đã thực hiện trên cuộc đời của chúng ta.

Điểm gợi ý cuối cùng cho chúng ta suy gẫm về lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay là sự “hấp dẫn” của lời của Chúa Giêsu. Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai của Ngài. Ngài bắt đầu với việc đọc và giải thích Lời Chúa. Đoạn Tin Mừng của  Thánh Luca, trích lại lời của Ngôn sứ Isaiah viết về Đấng Messiah và sứ vụ của Ngài. Đấng Messiah là Người được: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 1:18-19). Và sứ vụ của Ngài là làm “ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 1:21). Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn khẳng định cho mọi người trong hội đường về mình như là Đấng Messiah họ hằng mong đợi. Kết quả là mắt mọi người đều chăm chú nhìn Người. Đây là một chi tiết rất quan trọng cho những người được mời gọi “theo Chúa Giêsu.” Khi chúng ta đi theo một ai, mắt chúng ta phải chăm chú nhìn người đó, chứ không nhìn trái nhìn phải, kẻo chúng ta bị lạc mất người chúng ta đang theo. Cũng như vậy, chỉ có những người mắt luôn chăm chú nhìn lên Chúa Giêsu mới đi đúng đường mà Ngài muốn chúng ta phải đi.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB