(Ml 3:1-4; Hr 2:14-18; Lc 2:22-40)
Hôm nay chúng ta mừng kính lễ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Nhiều nơi, hôm nay là ngày mà những người thánh hiến cho Thiên Chúa trong đời tu trì canh tân lại ý hướng dâng mình cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, ý nghĩa của phụng vụ hôm nay chỉ được tỏ lộ cách trọn vẹn khi chúng ta hiểu ý nghĩa của hành vi dâng Chúa Giêsu trong đền thờ chính là việc Chúa Giêsu “ngự vào trong cung điện của Ngài.” Đây là nội dung của bài đọc 1 mà ngôn sứ Malakhi nói đến: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến – Đức Chúa các đạo binh phán” (Ml 3:1). Điều quan trọng không phải là chúng ta “chủ động dâng mình” cho Thiên Chúa, nhưng là việc Chúa Giêsu “chủ động ngự vào” trong cuộc đời chúng ta. Theo nghĩa này, chúng ta sẽ biết mình phải làm gì để sống ngày lễ hôm nay thật ý nghĩa: Tôi phải chuẩn bị cung điện – tâm hồn – của tôi thế nào để Chúa Giêsu ngự vào? Đây là điều mà bài Tin Mừng hôm nay sẽ trình bày cho chúng ta.
Trong bài đọc 2, tác giả thư Hípri nói đến sự liên đới của Chúa Giêsu với chúng ta qua việc Ngài đã cùng mang thân phận con người như chúng ta. Nhờ sự liên đới này, và qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã “tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Hr 2:14-15). Những lời này cho thấy, Đức Kitô tiêu diệt tội lỗi và chiến thắng sự chết bằng việc trải qua sự chết khi mang thân phận con người. Một cách cụ thể hơn, khi mang lấy thân phận con người, Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho chúng ta, đồng thời qua đó Ngài nâng đỡ chúng ta trong mọi gian nan thử thách của kiếp sống con người vì Ngài đã trải qua những gì mà chúng ta trải qua: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Hr 2:17-18). Khi gặp thử thách đau khổ, chúng ta cần chạy đến với Chúa Giêsu, vì Ngài đã trải qua những thử thách của kiếp con người. Nhiều người trong chúng ta không chạy đến với Ngài vì chúng ta nghĩ Ngài xa vời không hiểu những gì chúng ta đang trải qua. Nếu chúng ta biết Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng không ai trong chúng ta phải đối diện với thử thách và đau khổ như Ngài đã phải đối diện và trải qua. Hãy chạy đến với Chúa Giêsu khi đau khổ; hãy nhìn lên thập giá khi bị loại trừ và ghét bỏ, vì chỉ trong mầu nhiệm thập giá chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của đau khổ và thử thách trong cuộc sống.
Cấu trúc của Tin Mừng hôm nay gồm ba phần: Lc 2:22-24 nêu lên lý do cho việc dâng Chúa Giêsu trong đền thánh; Lc 2:25-38 nói về hai nhân chứng là Simêon và Anna; Lc 4:39-40 là kết luận. Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay chính là câu chuyện của bà Hannah và Elkanah, cha và mẹ của Samuen (x. 1 Sam 1-2). Hai ông bà đem dâng con vào trong đền thánh và dâng cho Thiên Chúa. Trong câu chuyện đó, chúng ta thấy có vị tư tế già là Êli đón nhận việc dâng con vào trong đền thánh của bà Hannah và ông Elkanah và chúc lành cho hai ông bà. Hình ảnh này được “lặp lại” trong hình ảnh của ông già Simêon. Thánh Luca sử dụng câu chuyện của Hannah và Elkanah để đưa thần học của mình về lời hứa, đền thờ, tính phổ quát của ơn cứu độ, sự chối bỏ ơn cứu độ, việc làm chứng, và phụ nữ vào trong câu chuyện của Cựu Ước, một câu chuyện kể cho “một dân nhỏ nhất,” và làm cho câu chuyện này trở thành câu chuyện của muôn dân. Chính vì vậy, điểm trọng tâm mang tính thần học của đoạn Tin Mừng được tìm thấy trong Lc 2:29-32: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đến từ dòng dõi Davít. Ngài không chỉ là Đấng Cứu Độ của một số người được tuyển chọn, nhưng cho tất cả mọi người. Ngài chiến thắng kẻ thù của mình không phải bằng gươm giáo, nhưng bằng thái độ hoà bình. Điều chúng ta có thể rút ra ở đây là: Hãy làm cho con tim của chúng ta mở rộng để có thể yêu thương mọi người chứ không giới hạn trong một “nhóm nhỏ được chúng ta tuyển chọn.”
Chúng ta phân tích chi tiết hơn bài Tin Mừng để nghe Chúa nói thêm gì với chúng ta hôm nay ngoài những điểm chúng ta đã nêu trên:
Trong phần 1, việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ là để giữ những luật đã được ghi chép lại: “Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa’” (Lc 2:22-23). Hành vi dâng Chúa Giêsu trong đền ‘Giêrusalem’ là hành vi thờ phượng để tôn kính Thiên Chúa. Giêrusalem có một ý nghĩa rất quan trọng trong Tin Mừng của Thánh Luca. Thánh sử dùng hình thức Hierosolyma là từ được sử dụng thêm 3 lần trong Tin Mừng và 25 lần trong Công Vụ Các Tông Đồ. Từ này có nghĩa là “thánh đô Salem” hoặc “nơi thánh.” Đối với Thánh Luca, Giêrusalem là hình ảnh rất quan trọng nói về những ơn lành và sự tiếp tục giữa lời hứa và hoàn thành, giữa Do Thái Giáo và Israel được tái thiết đang hành trình từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất, chính là Israel mới. Ở đây ẩn chứa một lời khuyến dụ thật hữu ích cho mỗi người chúng ta, nhất là cho những người thánh hiến: Những ơn lành Chúa ban không làm “biến dạng” bản chất của những gì chúng ta đã lãnh nhận, nhưng tiếp tục làm tăng trưởng và hoàn thành những gì đã được ban – ân sủng được xây dựng trên bản chất. Chính vì vậy, chúng ta hãy sống thật là người trước khi muốn trở thành “con người hoàn hảo” như Đức Kitô. Nói cách khác, hãy sống thật “nhân bản” trước khi muốn sống thật “thiêng liêng,” bởi vì thiêng liêng chỉ được xây dựng trên nhân bản.
Phần 2 trình bày hai nhân chứng về Đức Giêsu là ông Simêon và bà Anna. Điểm đáng được lưu ý ở đây là việc bà Anna làm chứng về Chúa Giêsu. Theo truyền thống của người Do Thái, phụ nữ không thể làm chứng. Tuy nhiên, trong thần học của mình và ngay trong chương đầu tiên của Tin Mừng, Thánh Luca đã có một thay đổi đáng kinh ngạc: Ngài thêm vào “yếu tố phụ nữ” trong việc làm chứng song song với người nam. Điều này cũng dễ hiểu vì Tin Mừng của Thánh Luca nhắm đến việc trình bày Chúa Giêsu là Đấng cứu độ cho muôn dân chứ không chỉ cho dân Israel, nên ai cũng có thể trở thành chứng nhân cho Ngài.
Tên Simêon có nghĩa là “Thiên Chúa đã nghe.” Ông là người trông đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa và “Chúa đã nghe” lời cầu xin của ông. Ông không phải là tư tế, nhưng ông hiện diện trong đền thánh. Ngay cả bà Anna cũng thế. Qua chi tiết này, Thánh Luca cho biết mục đích của đền thờ là cho hết mọi người và để phục vụ và tôn thờ Thiên Chúa. Bài Nunc Dimittis của Simêon là trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay và nói lên ý nghĩa của phụng vụ hôm nay. Đây là bản tổng hợp của Luật, tinh thần của các ngôn sứ, và nghi lễ của đền thờ để nói lên sự vĩ đại của Chúa Giêsu, Đấng thoả mãn mọi khát mong của con người và hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa không chỉ cho Israel mà cho muôn dân. Hơn nữa, chúng ta tìm thấy trong lời tiên tri của Simêon đề tài từ chối, chống đối và nhất là hình bóng của lưỡi gươm và thập giá. Đây là những gì mà Chúa Giêsu sẽ phải đối diện trong cuộc đời dương thế của Ngài. Hình ảnh lưỡi gươm đâm thâu trái tim Mẹ Maria có ý nói lên rằng: Như là một người tin gương mẫu, Mẹ Maria cũng sẽ phải quyết định đứng về phía Chúa Giêsu hoặc chống lại mạc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu vì tương quan gia đình máu mủ không tạo ra đức tin. Mỗi ngày, chúng ta cũng bị những đau khổ và khó khăn như những lưỡi gươm đâm thấu trái tim chúng ta và chúng ta cũng được mời gọi để chọn lựa: Tin Chúa hay chống lại Ngài. Tôi sẽ chọn gì?
Anna có nghĩa là ân sủng hay ơn phúc. Giống như Simêon, bà cũng mong đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa. Bà làm chứng về Chúa Giêsu cho những người mong đợi ơn cứu độ không phải bằng lời như Simêon, nhưng bằng “ngôn ngữ thinh lặng.” Dù trong Tin Mừng có đề cập đến việc bà “nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem” (Lc 2:38). Nhưng thánh Luca không viết lại lời của bà như của Simêon. Hình ảnh của Simêon và Anna trong đền thờ tương xứng với hình ảnh của Zechariah và Elizabeth trong chương 1 của Tin Mừng Thánh Luca. Đây là nét đặc trưng của Tin Mừng Thánh Luca. Ngài luôn đặt người nam và người nữ đứng “cùng nhau” và “bên nhau” trước dung nhan Thiên Chúa. Họ bình đẳng trong sự kính trọng và ân sủng. Cả hai được ban cho những món quà giống nhau và có cùng trách nhiệm. Hãy tôn trọng nhau như Chúa muốn chúng ta!
Phần 3 tóm kết việc xảy ra cho các thành viên trong gia đình Na-da-rét: “Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê” (Lc 2:39). Hai ông bà đến đền thờ để hoàn tất mọi việc như lời Chúa truyền và đưa con trở về Na-da-rét. Còn về phía Chúa Giêsu thì “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:40). Cả gia đình “đi khỏi đền thánh” và họ “sẽ trở lại đó” (Lc 2:41-52). Khi đặt hai câu chuyện của Gia Đình Thánh Gia (Lc 2:21-40 và Lc 2:41-52) song song với nhau, chúng ta thấy cả hai có chung một cấu trúc: Cả ba lên đền thờ ở Giêrusalem – thực hiện nghi thức được đòi hỏi bởi Luật – trở về – Chúa Giêsu sống ẩn dật và lớn lên trong ân nghĩa với Chúa và người ta. Điều này nói cho chúng ta về hiệu quả của việc tôn thờ Thiên Chúa, đó là, nối kết chúng ta lại với nhau vì mỗi người được lớn lên trong ân nghĩa với Chúa và với người khác. Như vậy, khi một người đến tôn thờ Thiên Chúa mà vẫn chưa nối kết được với người khác như những thành viên trong gia đình, thì việc tôn thờ của họ chưa phải là việc tôn thờ trong Thần Khí và sự thật, nhưng chỉ là việc tôn thờ bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB