(Ed 2:2-5; 2 Cr 12:7-10; Mc 6:1-6)
Nhiều người thường nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong những gì là vĩ đại hoặc ngoại thường. Còn những gì bình thường dễ làm cho nhiều người trong chúng ta nhàm chán. Điều này có một ảnh hưởng rất lớn trên đời sống thiêng liêng của chúng ta. Nhiều lần trong ngày sống, Thiên Chúa đến với chúng ta trong những gì là bình thường nhất – trong những công việc phục vụ nhỏ bé mà không ai muốn làm hoặc trong những người mà không ai muốn chăm sóc yêu thương – nhưng chúng ta không mấy quan tâm. Điều này không chỉ xảy ra cho chúng ta bây giờ. Ngay cả trong thời của Ngôn sứ Êdêkien và trong thời của Chúa Giêsu, người Do Thái đã không nhận ra vị ngôn sứ được Chúa sai đến và không nhận ra Con Một Thiên Chúa sai đến. Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Êdêkien được Đức Chúa sai đến với dân Israel, “dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại” Đức Chúa (Ed 2:3). Vì là dân phản loạn, nên Chúa Giêsu cũng khuyến cáo Êdêkien rằng, họ “có thể nghe hoặc không nghe” ông (Ed 2:5). Điều quan trọng ở đây là dù dân Israel có nghe hoặc không nghe, Êdêkien phải chu toàn sứ mệnh của mình, đó là sống trọn vẹn ơn gọi làm ngôn sứ của mình ở giữa “dân phản loạn.” Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc làm chứng cho Chúa trong đời sống thường ngày. Nhiều khi chúng ta trở nên kiêu ngạo khi được nhiều người ngưỡng mộ; nhưng rồi, khi bị chống đối hoặc không được nghe theo, chúng ta trở nên nản chí và bỏ cuộc. Hãy sống trọn vẹn ơn gọi của mình hơn là để ý đến kết quả mà chúng ta để lại trên người khác. Điều đó là do ân sủng của Chúa!
Khi đối diện với những yếu đuối của thân xác, nhiều người trong chúng ta thường có cảm giác mặc cảm hoặc thất vọng về chính mình. Nhưng chúng ta cần ý thức rằng, những yếu đuối của thân xác giúp chúng ta khiêm nhường và ý thức hơn sự nương tựa Chúa, cần đến ân sủng của Người. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay quả quyết rằng: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9). Trong yếu đuối của mình, chúng ta lại làm được những điều mà tự sức chúng ta không làm được. Đây là điều làm cho chúng ta vui mừng và tự hào, vì trong những việc như thế, chúng ta nhận ra là chính Chúa đang hành động trong chúng ta chứ không phải chúng ta đang làm: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:9-10). Những lời này mang lại cho chúng ta sự an ủi trong khi thất bại và yếu đuối. Bên cạnh đó, những lời này cũng nhắc nhở chúng ta về thái độ khiêm nhường cần phải có khi sống trong thân phận con người.
Thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu trở về quê quán mình. Mỗi khi đi xa, chúng ta thường mong ước trở về quê quán mình vì ở đó chúng ta sẽ gặp được những người thân của mình. Chúa Giêsu cũng thế. Sau một thời gian xa nhà, Ngài về thăm Mẹ Maria và những người thân. Nhưng lần này, Ngài về với các môn đệ của Ngài: “Khi ấy, Đức Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo” (Mc 6:1). Điều chúng ta lưu ý ở đây là Chúa Giêsu đã “nổi tiếng.” Đây chính là lăng kính để chúng ta hiểu phản ứng của dân chúng ở quê quán của Ngài. Nhìn trong bối cảnh chung của Tin Mừng, trình thuật Tin Mừng hôm nay kết thúc phần gồm ba hành động ngoại thường của Chúa Giêsu (làm biển lặng, trừ quỷ, chữa lành bệnh nhân). Phần kết thúc này nói về việc Chúa Giêsu bị loại trừ bởi những người thân, những người nơi quê quán mình. Chi tiết này rất quan trọng vì nó đưa những đề tài đang được thánh sử phát triển như ơn gọi người môn đệ và đức tin đến cùng đích. Nói cách khác, trình thuật này ám chỉ đến vận mệnh của những người môn đệ Chúa Giêsu, những người đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Họ sẽ bị loại trừ vì lối sống khác biệt, lối sống theo ân sủng chứ không theo tính xác thịt của mình.
Câu chuyện được đặt trong bối cảnh ngày sabát: “Đến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường” (Mc 6:2). Những lời này tiếp tục trình bày Chúa Giêsu như là thầy dạy và người chữa lành, điều đã được đề cập đến trong chương 1 (21-28). Chính những lời dạy và việc chữa lành của Chúa Giêsu trong ngày sabát là nguyên nhân những người Do Thái loại trừ và kết án Ngài. Tuy nhiên, điều chúng ta suy gẫm ở đây là thái độ của thính giả của Ngài. Khi nghe Ngài giảng “nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên” (Mc 6:2). Nhưng sau đó, họ đổi thái độ qua nghi ngờ, chất vấn, rồi vấp ngã: “Họ nói: ‘Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?’ Và họ vấp ngã vì Người” (Mc 6:2-3). Những câu hỏi trên liên quan đến nguồn gốc của sự khôn ngoan, nguồn gốc của quyền năng làm phép lạ và cuối cùng là nguồn gốc của chính Ngài. Chính những vấn nạn về nguồn gốc này đã làm họ thay đổi thái độ với Chúa Giêsu vì họ không thể vượt qua nguồn gốc con người của Chúa Giêsu. Sự thay đổi trong thái độ này cũng đươc phản chiếu trong đời sống mỗi người chúng ta. Nhiều khi chúng ta cũng thay đổi thái độ trong tương quan với Thiên Chúa và anh chị em mình từ ngạc nhiên, vui mừng đến chối bỏ, buồn sầu vì chúng ta không có cái nhìn vượt lên “nguồn gốc con người” của mọi sự. Để sống mãi trong thái độ kinh ngạc, thán phục, yêu thương và tôn vinh, chúng ta cần nhìn mọi sự với ánh mắt của Thiên Chúa; chúng ta cần đọc mọi sự dưới lăng kính của ân sủng hơn là dưới lăng kính của bản tính tự nhiên con người. Mọi sự xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều có mục đích mang tính thiêng liêng. Chỉ những ai hiểu được ý nghĩa của ngày sabát, đó là nghỉ ngơi trong Chúa và với Chúa, mới có thể nhận ra mục đích thiêng liêng đó.
Trước thái độ loại bỏ của những người thân, những người ở quê quán mình, Chúa Giêsu sử dụng câu ngạn ngữ sau để trả lời: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Những lời này ám chỉ thái độ “quen thuộc thường là nguồn gốc của sự xem thường.” Nhưng điều giải thích cho những lời này là hành động đi kèm theo của Chúa Giêsu: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy” (Mc 6:5-6). Những lời này cho thấy, Chúa Giêsu “không thể” làm phép lạ nào, không phải là vì Ngài bị loại trừ hoặc xem thường, nhưng vì họ “không tin.” Như chúng ta biết, trong Kinh Thánh, đức tin luôn là điều kiện cần thiết cho phép lạ được thực hiện. Đức tin ở đây chính là “biết nhìn qua những gì mang tính con người để nhận ra nguồn gốc thần thiêng của mọi sự và mọi người.” Ở đây, chi tiết chúng ta lưu ý để suy gẫm là: không phải Chúa Giêsu “không thể” làm phép nào vì Ngài có đặt tay và chữa lành một vài bệnh nhân [“trong ngày sabát”]. Ngài vẫn làm việc tốt dù có bị khinh khi hoặc xem thường. Chúng ta thế nào: Khi bị anh chị em mình loại trừ hoặc xem thường, chúng ta có ngưng làm việc tốt hoặc tìm cách loại trừ và xem thường lại anh chị em mình không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB