(St 2:18-24; Hr 2:9-11; Mc 10:2-16).
Chúng ta thường nói những người có nhà cao cửa rộng, công việc ổn định và có gia đình êm ấm là hạnh phúc. Nói theo cách khác, những ai thực hiện được giấc mơ của mình là hạnh phúc. Tuy nhiên, những hạnh phúc của con người luôn có giới hạn. Không ai trong chúng ta được hạnh phúc luôn mãi: Hôm nay cười, ngày mai sẽ có buồn phiền, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày đó (x. Mt 6:34). Lời Đáp Ca hôm nay trình bày cho chúng ta một loại người luôn hạnh phúc, không chỉ ở đời này mà cả đời sau, đó là những người kính sợ Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa.” Kính sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta cẩn thận hơn trong từng quyết định và thái độ sống của mình; làm cho chúng ta hiền dịu, tế nhị, thông cảm và nhất là khiêm nhường hơn trong tương quan của chúng ta với Chúa và với nhau. Sách Châm Ngôn dạy chúng ta rằng: Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối mọi khôn ngoan (x. Cn 9:10). Chúng ta hãy tìm hạnh phúc trường cửu trong việc “kính sợ và làm theo ý Thiên Chúa,” hơn là hạnh phúc chóng qua trong việc “sợ hãi và làm vui lòng con người.”
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy sự khác biệt trong việc sáng tạo người nam người nữ giữa hai trình thuật sáng tạo Tư Tế và Yawist. Trong trình thuật sáng tạo Tư Tế [chúng ta nghe trong bài đọc 1 hôm qua], người nam và người nữ được sáng tạo cùng lúc theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (St 1:26-27). Còn trong trình thuật sáng tạo Yawist, người nam được sáng tạo trước và người nữ được sáng tạo từ “cạnh sườn” của người nam. Sự khác biệt này không có ý nói đến sự bất đồng của các tác giả Sách Thánh trong việc thuật lại sáng tạo con người của Thiên Chúa. Sự khác biệt này nói lên sứ điệp Tin Mừng mà từng tác giả muốn truyền tải cho người nghe của mình trong những khoảng không gian và thời gian hoàn toàn khác biệt: trình thuật sáng tạo Yawist cho những người Do Thái thời Solomon [thời an bình thịnh vượng], còn trình thuật Tư Tế cho những người Do Thái trong thời lưu đày [thời kỳ sống giữa dân thờ ngẫu tượng và bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa qua việc không giữ luật ngày sabát]. Tuy nhiên, cả hai trình thuật có cùng một sứ điệp, đó là: Con người là tạo vật tuyệt hảo nhất mà Thiên Chúa đã sáng tạo nên và “muốn trong chính nó.” Như thế, con người “nợ” Thiên Chúa sự sống của mình và vì vậy con người luôn “lệ thuộc” Ngài trong mọi sự. Điều này cho thấy, sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa siêu vượt thời gian và không gian. Nó không bao giờ thay đổi, nhưng có khả năng diễn tả chính mình cách mới mẻ cho con người qua mọi thời đại. Nếu con người biết lắng nghe và mở rộng tâm hồn để đón nhận lời Chúa trong hoàn cảnh sống cá biệt của mình, thì con người sẽ được biến đổi.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong trình thuật sáng tạo Yawist về con người nằm ở câu: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2:18). Con người ở một mình không tốt. Con người cần một trợ tá. Nhưng con người không thể tìm thấy bất kỳ trợ tá nào trong các tạo vật khác: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2:19-20). Cuối cùng con người chỉ tìm thấy trợ tá tương xứng nơi người nữ, một nhân vị khác giống với mình: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2:23). Thiên Chúa muốn nói gì qua điều này? Ngài muốn nói rằng: Con người là một hữu thể có tính xã hội. Con người cần người khác để trợ giúp mình. Tuy nhiên, trợ tá tương xứng để trợ giúp con người không phải là những tạo vật “vô hồn,” nhưng là những “nhân vị được sinh động bởi linh hồn bất tử.” Nhưng trong cuộc sống thường ngày, chúng ta chứng kiến nhiều người trong chúng ta yêu “sự vật” hay “công việc” của mình hơn những người anh chị em. Chúng ta xem những “con vật” hay “sự vật” như “bạn đồng hành” không thể thiếu. Nhiều khi chúng ta nổi giận với anh chị em của mình khi họ làm “tổn thương” con vật hoặc công việc chúng ta yêu thích. Khi làm như thế, chúng ta đã hạ phẩm giá của anh chị em mình xuống thấp hơn giá trị của một “con vật” hay “sự vật.” Tóm lại, chúng ta chỉ tìm thấy những trợ tá tương xứng nơi những con người và sự cô đơn của chúng ta không thể bị phá huỷ bằng tương quan chúng ta có với “con vật” hoặc “sự vật,” nhưng chỉ bằng tương quan lành mạnh với anh chị em và nhất là tương quan với Thiên Chúa.
Hai chữ “con người” thường được chúng ta dùng để bào chữa cho những yếu đuối và lỗi phạm. Khi một ai làm điều gì sai, thì cách bào chữa nhanh nhất và tốt nhất để lấy sự cảm thông của người khác đó là, “vì tôi là người.” Nhưng chúng ta hãy biết rằng: Ơn gọi “làm người” là điều cao đẹp nhất mà không tạo vật nào có thể có được, ngay cả các thiên thần, vì không có tạo vật nào được gọi là “hình ảnh của Thiên Chúa,” cũng không có tạo vật nào được gọi là “con Thiên Chúa” như con người. Chính Chúa Giêsu “trở thành người” để cứu chuộc chúng ta. Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư gởi Do Thái mượn lời Thánh Vịnh để nói lên sự cao trọng của con người như sau: “Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người” (Tv 8:4-8; Dt 2:6-8). Một triết gia nói rằng: “Làm người là điều cao trọng nhất mà một hữu thể có thể là.” Như vậy, hãy sống cho thật là người, vì chỉ có những ai sống thật sự là “con người” thì mới có khả năng nên giống “Con Người” [Đức Kitô]. Thư gởi Do Thái khẳng định rằng: Làm “người” – “anh [chị] em” của Chúa Giêsu – chính là vinh quang của con người: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu” (Dt 2:10).
Thư gởi Do Thái hôm nay nói cho chúng ta biết về giá trị của gian khổ, điều mà không ai trong chúng ta muốn. Ai cũng muốn có một cuộc sống an nhàn và sung túc. Theo tự nhiên, đau khổ là một điều không ai muốn! Theo triết học và thần học, đau khổ được xem như là “sự dữ.” Nhà phật nói: “Đời là bể khổ.” Tuy nhiên, dù không muốn gian khổ, ai trong chúng ta ta cũng có gian khổ của riêng mình. Chúa Giêsu khẳng định điều này rằng: “Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó.” Theo cái nhìn Kitô giáo, đau khổ có giá trị riêng của nó: đau khổ là thầy dạy tốt nhất trên con đường nhân đức. Chính Chúa Giêsu cũng phải trải qua đau khổ dù Ngài là con Thiên Chúa. Đau khổ chỉ được hiểu từ mầu nhiệm của tự hạ và đỉnh cao là thập giá. Qua đau khổ Chúa Giêsu “trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2:10).
Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với mấy người Pharisêu hôm nay nằm trong bối cảnh của việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài về những thách đố để trở nên môn đệ chân chính của Ngài. Lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay phản ánh chính quan điểm của Chúa Giêsu về đời sống hôn nhân và quan điểm của Ngài hoàn toàn khác với quan điểm về hôn nhân tìm thấy trong Cựu Ước và các tôn giáo khác. Để hiểu lời dạy của Chúa Giêsu về hôn nhân tốt hơn, chúng ta có thể sắp xếp lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và mấy người Pharisêu như một bản kịch như sau:
Người dẫn: Khi ấy, Đức Giêsu, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ (Mc 10:1). Trong khi Đức Giêsu đang giảng dạy, có mấy người Pharisêu đến hỏi ý kiến của Ngài về đời sống hôn nhân.
Mấy người Pharisêu: Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? (Mc 10:2).
Chúa Giêsu: Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì? (Mc 10:3).
Mấy người Pharisêu: Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ (Mc 10:4).
Chúa Giêsu: Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Mc 10:5-9).
Chúng ta thấy trong cuộc đối thoại này điều Chúa Giêsu quở trách những người Pharisêu trong chương 7 về việc họ lấy truyền thống cha ông để biện minh cho những việc làm sai trái của họ và không thi hành luật của Thiên Chúa. Cụ thể hơn, mấy người Pharisêu nại vào “phép” của ông Môsê để rẫy vợ, còn Chúa Giêsu thì đưa họ [và chúng ta] về với ý định ban đầu của Thiên Chúa khi Ngài sáng tạo người nam và người nữ. Ngài muốn tình yêu của họ phản chiếu cách trung thực tình yêu của Ngài, là tình yêu vô điều kiện và trung thành, là tình yêu làm cho Cha, Con và Thánh Thần nên một. Chính vì lẽ đó mà “họ không còn là hai [như Cha, Con, Thánh Thần không còn là ba], nhưng chỉ là một xương một thịt [nhưng chỉ là một Chúa].” Như vậy, trong ý định của Thiên Chúa, không có việc rẫy nhau. Chúng ta có thể rút ra điều gì ở đây? Nơi nào con người sống theo “ý định ban đầu” của Thiên Chúa [dù trong đời sống hôn nhân hay đời sống thánh hiến], nơi đó có hiệp nhất, có một lòng một trí; còn nơi nào con người sống theo “ý định nhất thời của mình,” nơi đó chỉ có chia rẽ và nước mắt.
Hai chi tiết cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay mà chúng ta đã quen thuộc là: (1) Động lực đến đối thoại với Chúa Giêsu của mấy người Pharisêu là “để thử Người” (Mc 10:2); (2) Chúa Giêsu giải thích mọi sự cho các môn đệ khi họ “ở trong nhà” với Ngài: “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy” (Mc 10:10). Khi đặt hai chi tiết này với nhau, chúng nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải “ở một mình với Chúa,” nhưng với một động lực đúng nếu chúng ta muốn biết và hiểu đường lối và mệnh lệnh của Ngài: “Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi.”
Sau lời giảng dạy về đời sống vợ chồng, lời dạy về con cái của Tin Mừng hôm nay đi theo sau là hợp lý. Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ về việc trở nên giống trẻ em, Chúa Giêsu không đơn giản nói đến việc trở nên theo thể lý. Ngài có ý nhắm đến bình diện “tương quan.” Chúng ta phải chân nhận rằng, đối với trẻ em, mối tương quan quan trọng nhất đối với chúng là tương quan với bố mẹ. Không có mối tương quan nào quan trọng hơn mối tương quan này! Nhưng khi lớn lên, chúng có những mối tương quan khác [bạn bè, vợ chồng, đồng nghiệp] và những mối tương quan này đôi khi làm cho tương quan với bố mẹ trở nên thứ yếu.
Khi đặt những lời Chúa Giêsu nói cho các môn đệ trong bối cảnh tương quan như trên, chúng ta hiểu rõ hơn điều Ngài muốn ám chỉ trong câu: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10:14-15). Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là: Trong Nước Thiên Chúa, chỉ có một mối tương quan là quan trọng: Thiên Chúa là Cha, còn tất cả chúng ta là con cái của Ngài và là anh chị em của nhau. Còn nhìn từ khía cạnh Kitô học, trong những lời trên của Chúa Giêsu, Ngài muốn các môn đệ phải học ở Ngài, vì Ngài luôn sống tinh thần “trẻ thơ” [là Con] với Chúa Cha. Theo văn hoá thời đó của người Do Thái, trẻ em thường được trình bày để làm ví dụ cho những hành vi “không hợp lý” theo lẽ con người và cần phải được dạy dỗ. Đây chính là điều cần thiết mà Chúa Giêsu đề ra để được vào Nước Thiên Chúa: Ai muốn vào Nước Thiên Chúa thì cần phải từ bỏ lối lý luận hợp lý của con người để được Thiên Chúa dạy dỗ cho lối lý luận của Ngài.
Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng này không có ý nói về trẻ nhỏ, nhưng nói về Nước Thiên Chúa và những ai sẽ được vào. Một cách tổng quát, chỉ những ai nhận ra và đón nhận Nước Thiên Chúa như một món quà nhưng không với thái độ ngạc nhiên và hạnh phúc của trẻ nhỏ mới được vào; Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai không cậy dựa vào quyền lực hoặc địa vị của mình như trẻ nhỏ là những người không có quyền lực và địa vị, bởi vì Nước Thiên Chúa siêu việt trên mọi quyền lực và địa vị của con người.
Câu đầu tiên và câu kết thúc của đoạn Tin Mừng hôm nay giống nhau. Cả hai nói về việc Chúa Giêsu đặt tay chúc lành cho trẻ em: “Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng” (Mc 10:13) và “Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10:16). [Theo tư tưởng của người Do Thái, “trẻ em” bao gồm những em từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến 12 tuổi]. Khi để hai câu này với nhau, chúng ta khám phá ra vẻ đẹp của chúng, đó là sự “hợp tác” giữa chúng ta với Chúa Giêsu để mang lại ơn lành cho người khác. Một cách cụ thể, về phần mình, chúng ta “dẫn người khác đến với Chúa Giêsu và xin Ngài chúc lành cho họ”; về phần Ngài, Chúa Giêsu “ôm lấy họ và đặt tay chúc lành cho họ.” Không có sự “hợp tác” nào đẹp cho bằng sự hợp tác này vì nó không nhắm đến lợi ích cá nhân của mình, nhưng luôn nhắm đến lợi ích của người khác. Đây chính là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa vì “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB