(Ep 2:19-22; Ga 20:24-29)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Tôma, Tông Đồ. Thánh nhân thường được xem là người “nghi ngờ” hay “cứng lòng tin. Thánh Tôma là một trong những người đánh cá trên biển Galilê được Chúa Giêsu gọi để trở thành Tông Đồ. Tự bản chất, thánh nhân chậm tin, dễ dàng nhìn thấy những khó khăn, và thường nhìn vào mặt trái của mọi sự. Thánh nhân có một con tim can đảm, tràn đầy yêu thương và cảm thông. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng rằng một lần kia Chúa Giêsu đang nói về Nhà Cha của Ngài, với sự đơn sơ của mình, thánh nhân hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường?” Khi Chúa Giêsu quyết định đi Bêthany để đến mồ của Ladarô, người môn đệ dễ nản lòng này ngay lập tức sợ điều không may xảy đến cho người Thầy yêu mến của mình, liền can đảm kêu mời các môn đệ khác: “Chúng ta cùng đi và chết với Thầy.” Học ở thánh nhân, chúng ta có can đảm để mời gọi anh chị em mình: Chúng ta cùng theo Chúa cho đến cùng để cùng chết và được sống lại với Ngài không?
Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô nói cho các tín hữu Êphêsô biết họ là những người có quê hương thật trên trời: “Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu (Ep 2:19-20). Những lời này giúp chúng ta hiểu về sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất chỉ có được khi mọi thành viên ý thức rằng mọi thành viên trong cộng đoàn được xây dựng trên một nền móng [các Tông Đồ] và trên một đá tảng góc tường [Đức Kitô Giêsu]. Bên cạnh đó, Thánh Phaolô cho chúng ta biết chỉ trong Chúa Giêsu mọi sự mới trở nên hoà hợp với nhau: “Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2:21-22). Những lời này chỉ rõ rằng, nơi đâu còn có sự chia rẽ, mọi người không sống hoà hợp với nhau là vì mọi thành viên chưa xây dựng đời mình trên Đức Kitô và chưa sống trong Ngài. Chỉ trong Chúa Giêsu, mọi người mới trở thành một ngôi đền thờ sống động mà trong đó những tiếng ngợi khen, tôn vinh, cảm tạ và cầu xin được dâng lên Thiên Chúa như hương trầm ngào ngạt thơm bay.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về hành trình đức tin của Tôma. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, chúng ta thấy có nhiều câu chuyện về hành trình đức tin, như Nicôđêmô và người phụ nữ Samaria. Họ đi từ không tin đến tin. Chúng ta cũng thấy điều này trong câu chuyện của Tôma. Chi tiết đầu tiên dẫn đến việc “chậm tin” của Tôma là ông “không ở với” Nhóm Mười Hai: “Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến” (G1 20:24). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được nâng đỡ bởi cộng đoàn mà trong đó chúng ta sống. Khi tách ra khỏi cộng đoàn, đức tin của chúng ta sẽ bị hao mòn và nhiều khi tắt lịm với những khó khăn của cuộc sống. Hãy nâng đỡ đức tin của nhau, đừng làm gương mù gương xấu cho những người yếu lòng tin. Đây chính là điều chúng ta thấy khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa cho các môn đệ và có cả Tôma ở với họ: “Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông” (Ga 20:26). Trong bối cảnh
“ở với cộng đoàn,” khát vọng được nhìn thấy, được chạm đến Thầy của Tôma được Chúa Giêsu cho thỏa mãn: “Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:27). Những lời này một lần nữa khắng định cho chúng ta tầm quan trọng của đời sống chung, đời sống cộng đoàn. Việc ở lại với anh chị em mình sẽ giúp chúng ta nhìn thấy và chạm đến Thiên Chúa; nhìn thấy và chạm đến Đấng chịu đóng đinh và cũng là Đấng phục sinh.
Trọng tâm của bài Tin Mừng là yếu tố quyết định việc không tin và tin của Tôma. Yếu tố quyết định việc “không tin” của Tôma là việc không “thấy/nhìn thấy” và “chạm”: “Các môn đệ khác nói với ông: ‘Chúng tôi đã được thấy Chúa!’ Ông Tôma đáp: ‘Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin’” (Ga 20:25). Trong lời khẳng định của mình, Tôma muốn chắc chắn rằng Đấng phục sinh cũng là Đấng đã chịu đóng đinh. Tuy nhiên, điều thánh nhân muốn nhìn thấy và chạm đến là Đấng chịu đóng đinh, Đấng mà Ngài đã nhìn thấy và chạm đến trong quãng thời gian đi theo Ngài. Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn và đau khổ; chúng ta cũng gặp Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong anh chị em của mình, nhưng nhiều khi chúng ta đã để cho những kinh nghiệm đau thương ngăn lối chúng ta nhìn thấy và chạm đến Đấng phục sinh.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hành trình cá vị hoá đức tin của mỗi người qua hình ảnh của Tôma. Nhiều người trong chúng ta sống theo số đông: ai làm gì, tôi làm đó; ai tin gì, tôi tin đó mà không biết cá vị hoá đức tin của mình. Nói cách khác, một người có đức tin vững mạnh là người biến những gì “chúng tôi tin” [những điều Giáo Hội tin] thành những gì “tôi tin” [niềm tin cá vị của tôi mà qua đó Chúa đến gặp tôi và tôi gặp Chúa]. Hành trình đức tin bao gồm: lời mời gọi – tuyên xưng – sai đi làm chứng nhân. Như vậy, đức tin không phải là một cái gì chết, nhưng là một động lực sống động hay đúng hơn là sức mạnh làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của bình an và sự tha thứ mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã mang lại cho chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB