(St 49:2.8-10; Mt 1:1-17)
Lời trăn trối của Giacóp trong bài đọc 1 hôm nay nói về vị trí quan trong của Giuđa giữa anh em: “Hỡi các con của Giacóp, hãy tụ tập lại mà nghe, hãy nghe Israel, cha các con. Giuđa, con sẽ được anh em con ca tụng, tay con sẽ đặt trên ót các địch thù, anh em cùng cha với con sẽ sụp xuống lạy con. Giuđa là sư tử con. Con ơi, săn mồi xong con lại trở về. Nó quỳ xuống, nằm phục như sư tử đực và như sư tử cái: ai sẽ làm cho nó đứng dậy? Vương trượng sẽ không rời khỏi Giuđa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục” (St 49:2.8-10). Trong những lời trên chúng ta thấy Giuse sẽ được anh em ca tụng, kính trọng và muôn dân phải vâng phục. Giuse sẽ trở thành dòng tộc đế vương vì vương trượng sẽ không rời bỏ. Tất cả những gì Giuse nhận được đến từ lời chúc lành của Giacóp. Nói cách khác, đến từ sự chúc lành của Thiên Chúa. Điều này cho thấy, sự vĩ đại của con người đến từ ơn thánh của Thiên Chúa chứ không đến từ khả năng của con người. Ai trong chúng ta, theo bản tính tự nhiên, đều muốn được tôn vinh và ca tụng. Nhiều khi chúng ta chạy theo và đạt được vinh quang danh dự ở đời và xem đó là kết quả nỗ lực của chính mình để rồi quên mất Thiên Chúa mà trở nên tự cao. Mọi sự đến từ Thiên Chúa và kết thúc nơi Thiên Chúa. Sự vĩ đại của con người chỉ tìm được trong Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta “gia phả của Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu ông Ápraham” (Mt 1:1). Điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Mátthêu gọi ‘công việc’ của mình là ‘sách.’ Khi gọi như vậy, Thánh Mátthêu có thể đề nghị rằng bản văn mình viết ra là một ‘cuốn sách giáo khoa’ hay ‘cuốn sổ tay’ cho những người lãnh đạo Giáo Hội [với một bộ khung mang tính trình thuật]. Khác với Thánh Máccô, người gọi bản văn của mình là ‘tin mừng’ [một hình thức giảng dạy], và thánh Luca gọi bản văn của mình là ‘trình thuật’ hay ‘tường thuật [trong những câu đầu tiên]. Trong câu mở đầu, Thánh Mátthêu giới thiệu cho chúng ta biết chính Đức Giêsu Kitô là hình ảnh trọng tâm của ‘cuốn sách’ của mình. Như chúng ta biết, tên Giêsu Kitô được ghép từ hai từ, đó là Joshua [Gk.] có nghĩa là ‘đấng cứu độ’ hay ‘Thiên Chúa cứu’ [nghĩa nguyên gốc và đúng hơn đó là ‘Giavê, cứu giúp!’] và Christos là hình thức tiếng Hy Lạp của Đấng Messia, có nghĩa là ‘được xức dầu.’ Bên cạnh đó, Thánh Mátthêu còn nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu là “con cháu vua Đavít, con cháu ông Ápraham.” Theo Thánh Mátthêu, người kế thừa cuối cùng của vua Đavít là Đấng sẽ khôi phục lại Israel thành dân Thiên Chúa, tự do và có chủ quyền. Chỉ một mình Thánh Mátthêu nhấn mạnh đến Chúa Giêsu là Đấng Kitô thuộc hàng vương giả, mặc dù Chúa Giêsu được gọi là con vua Đavít trong những bản văn chính của Tân Ước ngoại trừ thư gởi tín hữu Do Thái. Danh hiệu này có thể được truy về cho truyền thống gia đình. Đây là một thuật ngữ được sử dụng cách giới hạn, chính vì vậy mà nó nhanh chóng được làm nhẹ bớt bởi ‘con cháu ông Ápraham,’ là danh xưng mang tính bao gồm hơn, vì Ápraham là cha của tất cả những người tin (x. Rm 4:11), bao gồm dân ngoại (Gal 3:7-9).
Trong thời đại hôm nay, rất ít khi hoặc không bao giờ một cuốn sách quan trọng được bắt đầu như thế. Đây là lối bắt đầu của người Near East khi bắt đầu cuốn sách. Mặc dù hình thức này rất khó cho người đọc ngày hôm nay, nhưng gia phả lại chứa đựng những bài học quý giá. Một cách ngắn gọn, gia phả kết hợp cách chặt chẽ toàn bộ lịch sử và tư tưởng của Cựu Ước vào trong Tin Mừng tạo thành bối cảnh gần cho Chúa Giêsu. Hệ quả là nếu chúng ta muốn biết và hiểu Chúa Giêsu, chúng ta phải đọc Cựu Ước. Điều này giải thích trong gia phả. Gia phả được chia ra làm ba phần và mỗi phần có 14 đời (x. Mt 1:17). Sự sắp xếp này đề nghị rằng gia phả mang tính lược đồ để truyền tải ý nghĩa cần được truyền tải hơn là mang tính lịch sử. Chúng ta rút ra được điều gì từ gia phả?
Thứ nhất, trong lịch sử dân Chúa, Chúa Giêsu được phản chiếu trong gia phả vừa có “ánh sáng và bóng tối.” Chúng ta thấy điều này trong hình ảnh những nhân vật được nêu tên trong gia phả. Ngay cả những người được xem là vĩ đại và thánh thiện trong số các nhân vật đó như Đavít và Solomon cũng là những con người tội lỗi. Lịch sử này phản chiếu cách trung thực lịch sử của cuộc đời mỗi người chúng ta, lịch sử mà trong đó ánh sáng và bóng tối đan xen nhau. Nói cách cụ thể hơn, có những lúc chúng ta thấy mình rất thánh thiện, rất gần Chúa, nhưng cũng có những lúc vì thân phận con người yếu đuối, chúng ta từ chối tình yêu Thiên Chúa để sống trong tội lỗi. Điều này làm cho chúng ta trở nên khiêm nhường và cảm thông hơn, vì chúng ta biết, lịch sử đời mình được viết lên bởi những chiến thắng và thất bại trước mãnh lực của tội lỗi.
Thứ hai, sự hiện diện của những người nữ trong xã hội mang tính phẩm trật nói lên sự cần thiết phải lưu tâm đến những người bị loại ra bên lề xã hội. Chúng ta thấy trong gia phả có nêu tên của năm người phụ nữ, đó là Tamar (x. St 38), Rahab (x. Jos 2), Ruth, Bathsheba vợ của Uriah (x. 2 Sam 11:1-27), và Mẹ Maria. Tại sao những người phụ nữ này được nêu tên trong gia phả? Những câu trả lời trước đây là, ngoài mẹ Maria, những phụ nữ còn lại là những người tội lỗi [điều này có đúng với Ruth không?], hoặc tất cả là những người dân ngoại hoặc những người gia nhập đạo. Tuy nhiên, câu trả lời mà nhiều học giả Kinh Thánh hôm nay chấp nhận đó là: (1) Có một điều gì đó ngoại thường hoặc không theo quy tắc trong đời sống hôn nhân của họ; (2) họ tỏ ra sự chủ động và đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Bởi vì Mátthêu không có thành kiến, đặc biệt với phụ nữ, nên sự hiện diện của những người phụ nữ này là điểm cần phải quan tâm.
Thứ ba, dù được sinh ra trong lịch sử con người, Chúa Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa. Điều này được thể hiện trong câu: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1:16). Những lời này được xây dựng cách cẩn thận để tránh nói rằng Chúa Giêsu là con của Giuse. Những lời này ám chỉ đến “con người” Chúa Giêsu: Ngài là Chúa thật và là người thật. Con người chúng ta cũng là sự hoà hợp giữa thể xác và linh hồn. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta chỉ lưu tâm đến một trong hai để rồi có một cuộc sống không quân bình. Một con người toàn diện là một con người quan tâm đến sự phát triển của cả xác và hồn. Cũng giống như Chúa Giêsu, Ngài là Thiên Chúa Thật và con người thật. Thiếu một trong hai bản tính này thì Ngài không còn là Ngài. Vì vậy, hãy sống cho trọn vẹn kiếp người trong sự phát triển toàn diện của cả xác và hồn.
Cuối cùng, Chúa Giêsu được chứng minh thuộc dòng dõi vua Đavít. Chúng ta thấy điều này qua một chuỗi con số được nêu lên trong cuối gia phả: “Như thế, tính chung lại thì: từ ông Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời” (Mt 1:17). Đây chỉ là một chuỗi con số mang tên của Đavít để nói đến việc Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít. Điều này sẽ được tiên báo trong lời của Thiên Thần Gabriel nói với Mẹ Maria khi truyền tin. Là những người ‘đồng thừa tự’ với Chúa Giêsu, chúng ta cũng thuộc dòng dõi vương đế. Nhưng chúng ta đang sống điều này thế nào? Chúng ta đang vượt thắng tội lỗi, hay chúng ta đang bị tội lỗi thống trị?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB