Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XII Thường Niên – Hãy Làm Cho Người Khác Những Gì Mình Muốn Họ Làm Cho Mình

(2 V 19:9b-11.14-21.31-35a.36;Mt 7:6.12-14)

Trình thuật về thất bại của Xankhêríp, vua Átsua trong việc vây đánh nhà Giuđa, đáng làm chúng ta suy gẫm vì nó giúp chúng ta biết phải đặt niềm tin vào đâu: vào sức mạnh của Thiên Chúa hay vào sức mạnh của con người. Vua Xankhêríp đã đặt niềm tin vào chính mình và quân đội của mình, và kết quả là nhận thất bại đau thương [“Chính đêm ấy, thiên sứ của Đức Chúa ra đánh chết một tram tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Átsua. Vua Átsua là Xankhêríp nhổ trại và lên đường. Ông rút về Ninivê và ở lại đó” (2 V 19:35a-36). Trong khi đó, vua Khítkigia đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Vua đã đến với Đức Chúa với trọn tâm tình của mình để xin Thiên Chúa giải thoát dân: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, Đấng ngự trên các Kêrubim, chính Ngài, và chỉ mình Ngài mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần gian. Chính Ngài đã làm nên trời đất. Lạy Đức Chúa, xin lắng tai nghe, lạy Đức Chúa, xin đưa mắt nhìn. Xin nghe rõ những lời Xankhêríp là kẻ đã sai người đến thoá mạ Thiên Chúa hằng sống. Quả thật, lạy Đức Chúa, các vua Át-sua đã tàn phá các dân và xứ sở của họ, quăng các tượng thần của họ vào lửa, vì chúng không phải là thần, mà chỉ là tác phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, cho nên các vua ấy đã phá huỷ được. Nhưng giờ đây, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa chúng con, xin đoái thương cứu chúng con khỏi tay vua ấy, để mọi vương quốc trần gian nhận biết rằng chính Ngài, và chỉ một mình Ngài mới là Thiên Chúa, lạy Đức Chúa!” (2 V 19:15-19). Đức Chúa đã lắng nghe và giải thoát dân Israel khỏi sự vây hãm của vua Xankhêríp. Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường đối diện với những chọn lựa, những quyết định, những khó khăn thử thách phải vượt qua. Mỗi lần như thế, chúng ta cậy dựa vào sức mình hay đặt trọn vẹn niềm tin vào Đức Chúa? Chỉ nơi Thiên Chúa chúng ta mới tìm được sự chiến thắng.

Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng ba ý tưởng khác nhau mà Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ. Ý tưởng đầu tiên (Mt 7:6) nằm trong bối cảnh của lời dạy không xét đoán người khác. Thực ra, đây là câu kết của lời dạy về xét đoán. Theo các học giả Kinh Thánh, ý nghĩa của câu này không rõ ràng vì nó không trực tiếp nói về việc xét đoán, nên nó thường được tách ra khỏi câu 1-5. Chi tiết đầu tiên đáng lưu ý trong câu này là từ “của thánh.” Trong Cựu Ước, từ này ám chỉ đến thịt được hiến tế [của lễ] (x. Xh 29:33) và sau này ám chỉ đến Thánh Thể. Còn hình ảnh “ngọc trai,” trong bối cảnh của xét đoán, có nghĩa là sứ điệp về Nước Thiên Chúa hoặc là chính bài giảng của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu nói: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo,” Ngài có ý nói đến việc đừng ném những lời giảng dạy của Ngài cho “những con thú không thanh sạch [chó, heo],” đó là hình ảnh những người không hiểu biết, dân ngoại, những người lạc giáo. Nói cách khác, Chúa Giêsu ám chỉ những thính giả lạnh nhạt với sứ điệp về Nước Thiên Chúa. Thật vậy, lịch sử cho chúng ta thấy các môn đệ và nhiều vị thánh đã tử đạo vì “quăng” những “sứ điệp nước trời cho những người lãnh đạm. Họ đã chà đạp sứ điệp Nước Thiên Chúa [thánh giá] dưới chân, rồi quay lại cắn xé [giết chết] các môn đệ. Nhìn tứ khía cạnh này, Chúa Giêsu không có ý nói các môn đệ dừng việc giảng dạy, ngay cả cho những tâm hồn vô cảm, nhưng Ngài muốn nói về một thực tế mà các môn đệ sẽ gặp phải khi rao giảng về sứ điệp Nước Thiên Chúa, đó là bị “chà đạp” và “cắn xé.” Dù biết sẽ bị đối xử như thế, nhưng tại sao các môn đệ không ngừng việc rao giảng lại? Đơn giản vì các ngài hiểu ý nghĩa của “Thước Vàng” mà Chúa Giêsu dạy các ngài: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7:12). Các môn đệ không được ngừng rao giảng Tin Mừng vì các ngài muốn mình được cứu độ, muốn được người khác đón nhận thì chính các ngài cũng phải mang ơn cứu độ cho người khác và đón nhận người khác [dù họ loại trừ các ngài].

Như chúng ta thấy, “Thước Vàng” được đặt giữa bài Tin Mừng hôm nay để nối kết thực tế về việc các môn đệ sẽ phải bị “cắn xé” (câu 6) và việc các ông phải “qua cửa hẹp mà vào [Nước Thiên Chúa].” Nhìn từ cấu trúc bài Tin Mừng, chúng ta có thể rút ra điều sau: theo Chúa Giêsu, “Thước Vàng” là “động lực” giúp họ đón nhận những chà đạp và cắn xé từ người khác và là “phương thế” để qua cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu nhìn từ ngữ cảnh, “Thước Vàng” là câu kết của bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Nói cách khác, “Thước Vàng” được xem là bản tóm tắt toàn bộ nội dung của bài giảng trên núi. Trong cấu trúc của toàn bộ Tin Mừng, “Thước Vàng” liên kết chặt chẽ với các câu 5:17, 20; 6:1, 33 và 22:34-40. Đây là những câu chứa đựng công thức “đây là Luật Môsê và các ngôn sứ.” Nhìn tứ khía cạnh luân lý, “Thước Vàng” được đặt trên một nền luân lý mang tính thưởng-phạt để giữ cân bằng cho những trách nhiệm luân lý một người phải thực hiện. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực, khía cạnh “thưởng” của thước vàng hơn là khía cạnh tiêu cực. Điều này được diễn tả qua việc Ngài nhấn mạnh đến những gì mình “muốn người khác làm cho mình.” Chắc chắn, ai trong chúng ta cũng muốn người khác làm điều tốt cho mình. Như thế, theo “Thước Vàng,” chúng ta phải làm điều tốt cho người khác. Một cách cụ thể, ai trong chúng ta cũng muốn người khác nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho mình. Hãy nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho người khác.

Ý cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay diễn tả thần học giao ước về hai con đường: một con đường dẫn đến sự sống và con đường khác dẫn đến sự chết: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14). Hai con đường này hay hai cửa này được ám chỉ trong lời nói của Ápram trong bài đọc 1: “Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái.” Hai con đường hay hai cửa này cũng luôn được đặt trước mặt chúng ta: Chúng ta chọn đường nào? Nếu chọn đi bên trái [cửa rộng và đường thênh thang] sẽ dẫn đến diệt vong, còn nếu chọn đi bên phải [cửa hẹp và đường chật] sẽ tìm được sự sống (x. Mt 25:31-46).

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB