(St 32:22-32; Mt 9:32-38)
Hôm qua chúng ta nghe câu chuyện Giacóp đang trên đường đến nhà Laban. Trên đường đi, ông có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, ông được Đức Chúa hứa ban cho đất và một dòng dõi hùng mạnh. Trong bài đọc 1 hôm nay, lời Đức Chúa hứa về con cháu được thực hiện. Tác giả sách Sáng Thế trình bày điều này qua những lời sau: “Đêm đó, ông Giacóp dậy, đem theo hai bà vợ, hai nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua sông Giápbốc. Ông đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua (St 32:23-25). Tuy nhiên, nội dung chính của bài đọc 1 nói về cuộc vật lộn của Giacóp với Đức Chúa. Theo một số học giả Kinh Thánh, trình thuật về cuộc vật lộn với Đức Chúa được xem như bản đối chiếu với cuộc gặp gỡ đầy sợ hãi với Êsau khi Giacóp về đến nhà. Qua câu chuyện, tác giả muốn gởi đến thính giả thông điệp sau: Giacóp thật sự là con người được chúc lành, nhưng lần này ông phải “vật lộn” để có được lời chúc lành. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc ông “lừa dối” Êsau để nhận lời chúc lành từ Ixaác. Cuộc vật lộn của Giacóp để được Đức Chúa chúc lành ám chỉ nói đến cuộc sống của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng muốn được chúc lành. Nhưng nhiều khi chúng ta muốn được chúc lành mà không muốn “vật lộn” với Chúa, hay nói cách khác là không muốn có một “tương quan thân tình nào” với Chúa [vật lộn xảy ra khi hai người “ôm chặt” nhau. Hình ảnh này ám chỉ đến một tương quan sâu đậm và thân tình]. Chúng ta muốn được chúc lành mà không kiên nhẫn, luôn muốn bỏ cuộc. Điều này được diễn tả qua những lời sau của Giacóp: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi” (St 32:28). Liệu chúng ta có ôm chặt Chúa cho đến khi Ngài chúc lành cho mình không? Hay chúng ta thấy mệt mỏi rồi rơi vào tình trạng thất vọng không còn tin tưởng vào Chúa?
Chi tiết quan trọng thứ hai trong cuộc vật lộn để xin chúc lành của Giacóp là việc “hỏi tên.” Trước khi chúc lành, “Người đó hỏi ông: ‘Tên ngươi là gì?’ Ông đáp: ‘Tên tôi là Giacóp.’ Người đó nói: ‘Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Ítraen, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng’” (St 32:28-29). Nếu để ý chúng ta không thấy lời chúc lành nào cả. Chúng ta chỉ thấy người lạ đổi tên Giacóp thành Israel. Theo nguyên ngữ, từ Israel không được biết đến. Nó có thể có nghĩa “xin Đức Chúa thống trị.” Nhìn từ khía cạnh này, lời chúc lành mà Thiên Chúa ban cho Giacóp là được Ngài thống trị, được Ngài là Chúa. Tuy nhiên, trong bối cảnh của trình thuật, từ Israel được hiểu từ khía cạnh của “học thuyết nguyên nhân,” đó là “vì đấu với Thiên Chúa [và các chúa khác], với người ta [Êsau và Laban], và ngươi đã thắng.” Nói cách cụ thể, từ Israel mang nghĩa sức mạnh để “chiến đấu” với Thiên Chúa và con người. Trên đây là những thông tin chúng ta cần biết. Từ những thông tin đó, điều đáng suy gẫm ở đây là việc đổi tên. Theo Kinh Thánh, việc đổi tên hàm chứa hai ý nghĩa: (1) Thiên Chúa khẳng định người được đổi tên thuộc trọn về Ngài, và (2) Thiên Chúa trao cho người được đổi tên một sứ mệnh mới. Mỗi người chúng ta cũng được “đổi tên” [đặt tên mới] trong ngày rửa tội [ngày khấn dòng]. Ngày đó, Thiên Chúa khẳng định chúng ta thuộc trọn về Ngài. Đồng thời, Ngài cũng trao cho chúng ta sứ mệnh mới, sứ mệnh yêu thương. Chúng ta đã sống hai thực tại này như thế nào: Chúng ta có thuộc trọn về Chúa [hay thuộc về Ngài cách nửa vời?] và đang thực hành sứ mệnh yêu thương không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta hai điều nơi Chúa Giêsu, đó là Ngài chữa lành một người câm bị quỷ ám (Mt 9:32-34) và Ngài tỏ lòng thương với đám đông dân chúng. Sự kiện Chúa Giêsu chữa người câm bị quỷ ám cũng như phản ứng của người Pharisêu được trình bày rất ngắn gọn. Nếu lưu ý, chúng ta nhận ra rằng việc chữa lành chỉ được đề cập đến trong một mệnh đề phụ. Chúng ta sẽ thấy cùng sự kiện như thế được trình thuật cách chi tiết hơn trong chương 12 (câu 22-32). Điều làm chúng ta quan tâm ở đây là việc chữa lành của Chúa Giêsu đã gợi lên hai phản ứng trái chiều: tích cực nơi đám đông [“Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” (Mt 9:33)] và tiêu cực nơi những người Pharisêu [“Nhưng người Pharisêu lại bảo: ‘Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ’” (Mt 9:34)]. Phản ứng tích cực của đám đông cho thấy việc Chúa Giêsu thực hiện những phép lạ có một ý nghĩa quan trọng trong việc giải phóng dân Israel. Phản ứng tiêu cực của những người Pharisêu đã bắt đầu một chuỗi đối kháng và bóng dáng của Thập Giá đã rợp bóng trên cuộc đời Chúa Giêsu từ giây phút này. Theo họ, Chúa Giêsu không phải là một “thầy thuốc không có hại.” Việc chữa lành của Ngài mang đặc tính tôn giáo hơn là thể lý. Trong những sự kiện xảy ra thường ngày, nhất là những sự kiện đau buồn [không như lòng mong ước], chúng ta phản ứng thế nào: đón nhận [để cho sức mạnh giải phóng của ơn Chúa hoạt động trong chúng ta] hay phản kháng [làm cho chuỗi đối kháng và bóng dáng thập giá tiếp tục rợp bóng trên Chúa Giêsu Kitô]?
Bốn câu nói về lòng thương xót của Chúa Giêsu mang tính cách chuyển tiếp. Chúng nhằm mục đích kết thúc một phần giảng dạy mà Chúa Giêsu thực hiện (4:23-9:34). Phần này trình bày cho chúng ta về Chúa Giêsu như một Đấng Messia qua lời nói và hành động. Chúng cũng nhằm mục đích mở ra cho sứ mệnh của các môn đệ và lời dạy về sứ mệnh rao giảng trong chương 10. Việc sử dụng nguồn để viết phần này phản chiếu sự đa dạng đó, sự hoà quyện giữa nguồn lấy từ Tin Mừng Thánh Máccô và nguồn Q. Một cách cụ thể, trong phần này, câu quan trọng nhất là câu 35: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” Câu này lặp lại câu Mt 4:23. Câu này cung cấp một bản tóm tắt về sứ vụ của Chúa Giêsu. Nó bao gồm một mệnh đề chính [“Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc”] và ba mệnh đề phụ [“giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”]. Ba mệnh đề phụ tạo nên cấu trúc ‘ABA’ trong đó yếu tố B [“rao giảng Tin Mừng Nước Trời”] là nòng cốt và quan trọng. Nó được “bao bọc” bởi việc “giảng dạy trong các hội đường” và “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” Mối tương quan giữa ba yếu tố là: Tin Mừng Nước Trời được rao giảng và bắt đầu triển nở bằng lời và hành động của Chúa Giêsu. Câu 35 này và câu 23 của chương 4 tạo nên một “dấu kép,” trong đó Thánh Mátthêu miêu tả Chúa Giêsu như một thầy giảng qua lời [trong chương 5-7] và qua hành động [trong chương 8-9]. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về đời sống rao giảng Tin Mừng trong ngày sống. Việc rao giảng phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động. Cuộc sống dạy rằng: Người đáng tin cậy là người có lời nói đi đôi với hành động. Chúng ta đang sống điều này như thế nào?
Cuối cùng, việc Chúa Giêsu chạnh lòng thương (câu 36) nói lên việc Ngài yêu thương với tất cả “cảm xúc” của con người. Tình yêu [đầy cảm xúc] và lòng thương xót của Ngài mở rộng đến đám đông chứ không chỉ giới hạn cho nhóm Mười Hai. Động lực mà qua đó Chúa dấn thân để thực hiện “công việc tông đồ” là kinh nghiệm trực tiếp về nhu cầu cần người lãnh đạo tinh thần [thiêng liêng] của đám đông: “họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9:36). Ở đây, chúng ta thấy sự “nhanh nhẹn” của Chúa Giêsu khi Ngài biến “vấn đề” [“họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không có người chăn dắt”] thành cơ hội để dạy các môn đệ [“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:37-38)]. Từ cơ hội này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: anh em thấy một sự trái nghịch giữa lúa đồng [nhiều] và thợ gặt [ít]. Đây luôn là tình trạng anh em sẽ đối diện vì công việc tông đồ luôn làm cho anh em bị “hao tổn tâm lý” ngay cả khi nó không đòi hỏi anh em nhiều về thể lý. Vì vậy, anh em hãy cầu nguyện! Thật vậy, chỉ có cộng đoàn mà đức tin của các thành viên được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện liên lỉ mới có thể đón nhận và tạo ra những thợ gặt tốt cho mùa gặt.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng,SDB