(Gr 14:17-22; Mt 13:36-43)
Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta lời ai ca của ngôn sứ Giêrêmia về tình trạng đáng thương của con cái Israel. Chúng ta nhận ra trong lời ai ca này những tâm tình tha thiết sau: (1) thực trạng đau thương xảy ra cho con cái Israel đã làm cho ngôn sứ tuôn trào suối lệ [“Mắt tôi hãy tuôn trào suối lệ cả ngày đêm không ngớt, vì trinh nữ cô gái dân tôi đã bị đánh nhừ đòn, vết trọng thương hết đường cứu chữa. Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm, quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả. Cả ngôn sứ cùng là tư tế lang thang khắp xứ mà không hiểu biết gì” (Gr 14:17-18)]; (2) lời nghi vấn và mong ước [“Lạy Chúa, phải chăng Ngài đã quyết từ bỏ Giuđa? Phải chăng Xion khiến lòng Ngài ghê tởm? Vậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy? Chúng con đợi hoà bình, nhưng chẳng được may lành chi hết! Mong đến thời bình phục, mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!” (Gr 14:19)]; (3) nhận ra lỗi lầm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau thương [“Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa!” (Gr 14:20)]; (4) lời cầu xin Đức Chúa thương nhớ lại giao ước của Ngài [“Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con, đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài. Dám xin Ngài nhớ lại, đừng huỷ bỏ giao ước giữa Ngài với chúng con” (Gr 14:21)]; (5) tuyên xưng niềm tin vào Đức Chúa là Chúa duy nhất [“Trong số chư thần của các dân tộc, có thần nào làm được mưa chăng? Có phải trời đổ được mưa rào, hay chính Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng con? Chúng con trông cậy nơi Ngài, vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó!” (Gr 14:21)]. Qua lời ai ca này, dù có nhiều yếu tố, nhưng điểm chính là mời gọi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Đức Chúa, Đấng duy nhất có thể giải thoát chúng ta khỏi những hoàn cảnh đau thương. Trên đường đời, chúng ta thường gặp nhiều đau thương và khó khăn. Nhiều lần chúng ta dựa vào sức mình và sức người khác để giải quyết mà quên mất Đức Chúa. Cũng không ít lần khi đối diện với những đau khổ của cuộc sống chúng ta cũng trách Chúa vì sự “vắng mặt” hay “bỏ rơi” của Ngài. Thật sự, Đức Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mà chính chúng ta đã bỏ rơi Ngài trước. Điều cần thiết là chúng ta cần sống trung thành với Ngài thì chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta trong mọi giây phút.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn cỏ lùng. Trong lời giải thích này, Thánh Matthêu đã vén mở một cách chi tiết những ẩn chứa trong dụ ngôn cỏ lùng. Chi tiết đầu tiên chúng ta lưu ý là thái độ “muốn học hỏi” của các môn đệ: “Khi ấy, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: ‘Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe’” (Mt 13:36). Những lời này chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã ở “trong nhà” và các môn đệ “lại gần” Người. Hai hành động này nói lên mối tương quan mật thiết, riêng tư giữa Chúa Giêsu và người môn đệ. Chính trong bối cảnh đầy thân thiện và gần gũi này mà khát vọng học hỏi của người môn đệ được thoả mãn. Như chúng ta biết, người môn đệ là một người theo thầy để học. Tự bản chất của người môn đệ, khát vọng học nơi thầy mình để trở thành như thầy được đặt ở trung tâm của cuộc sống. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng khát mong được học hỏi nơi Ngài để được giống như Ngài. Nhưng nhiều khi chúng ta tìm thoả mãn khát vọng học hỏi qua sách vở mà quên mất một “phương tiện” hữu hiệu đó là giây phút mời Ngài vào trong “nhà mình” và trò chuyện thân tình với Ngài. Chỉ trong bối cảnh này, chúng ta mới hiểu được những gì Chúa Giêsu nói cho chúng ta qua lời Ngài mà chúng ta nghe trong Kinh Thánh, qua các sự kiện [câu chuyện], qua lời nói của những người khác trong ngày sống.
Chúng ta thấy có hai phần rõ ràng trong lời giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn. Trong phần 1 (Mt 13:37-39), chúng ta đọc thấy: “Người đáp: ‘Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ’.” Trong phần này, Thánh Mátthêu trình bày bảy điểm tương đồng mang tính cánh chung của bảy yếu tố trong dụ ngôn theo một cách thức có vẻ cứng rắn [kẻ gieo – Con Người, ruộng – thế gian, hạt giống – con cái Nước Trời, cỏ lùng – con cái Ác Thần, kẻ thù – quỷ dữ, mùa gặt – ngày tận thế và thợ gặt – các thiên sứ].
Phần 2 là lời trình bày mang tính sinh động của cuộc phán xét sau cùng và sự phân rẽ sẽ xảy ra giữa “những người làm điều gian ác” [theo đúng nghĩa là những người không tuân theo luật] và “những người công chính”: Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe” (Mt 13:40-43). Trong những lời này, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự trái ngược giữa những người gian ác và những người công chính trong ngày tận thế. Hình ảnh này cho thấy Nước Trời là một sự hỗn hợp giữa những người gian ác [tội nhân] và những người công chính [thánh nhân] cho đến ngày tận thế. Vì vậy, kiên nhẫn, khoan dung và chịu đựng là những nhân đức cần thiết. Không ai có thể tước lấy quyền phán xét của Thiên Chúa. Tóm lại, qua dụ ngôn này, Thánh Mátthêu mời gọi chúng ta chuẩn bị cho ngày phán xét qua đời sống chân thật, sống đúng với bản chất của mình. Tránh việc sống giả dối, giả hình. Chúng ta đang sống đúng với bản chất của mình hay đang sống trong sự giả dối?
Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB