Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XXX Thường Niên – Sự Nhỏ Bé Của Nước Thiên Chúa Khi Khởi Đầu

(Ep 5:21-33; Lc 13:18-21)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay nói về mối tương gian giữa chồng và vợ. Họ phải đối xử với nhau như thế nào? Điểm chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Phaolô chỉ ra việc chồng và vợ tùng phục lẫn nhau phải xuất phát từ lòng kính sợ Thiên Chúa (x. Ep 5:21). Thánh Phaolô sử dụng mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh để nói về mối tương quan giữa chồng với vợ: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Ep 5:22-24). Vì là đầu của vợ như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, người chồng phải yêu thương vợ với tình yêu Đức Kitô yêu Hội Thánh: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5:25-27). Thánh Phaolô chỉ ra cho những người chồng biết rằng: “Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5:28). Từ những điều này, chúng ta có thể rút ra điều gì? Tình yêu chân thật trong tất cả các mối tương quan giữa con người với nhau chỉ tìm thấy kiểu mẫu nơi tình yêu của Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, chúng ta có thể rút ra được điều này, đó là thái độ chúng ta đối xử với nhau phải phản chiếu thái độ hay đúng hơn tình yêu của Đức Kitô dành cho mỗi người chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Chúng ta tìm thấy sự song song với hai dụ ngôn này trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (x. Mt 13:31-33). Chúng ám chỉ về việc Nước Thiên Chúa vẫn tăng triển dù gặp chống đối. Chúng ta phải lưu ý rằng, hai dụ ngôn này không nhấn mạnh đến sự đối nghịch giữa sự nhỏ bé của khởi đầu và sự vĩ đại của sản phẩm cuối cùng. Điều cả hai nhấn mạnh chính là “sự tăng trưởng,” cho dù có gặp khó khăn nào cũng xảy ra.

Trong bối cảnh đi liền trước hai dụ ngôn này, Thánh Luca nhấn mạnh đến sự chống lại Chúa Giêsu (x. Lc 11:13-13:17). Và trong những đoạn theo sau, đề tài về sự chống đối cũng rất mạnh mẽ (x. Lc 14:1-24; 15: 1-2). Những dụ ngôn này an ủi các môn đệ là những người tiếp tục hành trình của Thầy mình. Họ sẽ phải đối diện với sự chống đối ác liệt hơn như Thầy họ đã phải đối diện. Noi gương Chúa Giêsu, họ không thoái lui. Hai dụ ngôn này cũng chỉ ra lý do tại sao sứ mệnh rao giảng về Nước Thiên Chúa bị chống đối. Đó là vì sứ mệnh này không bị giới hạn vào một nhóm người được tuyển chọn và hướng đến những người tội lỗi, những người được xem là không trong sạch và như vậy bị loại ra bên lề xã hội. Trong dụ ngôn thứ nhất, Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt cải để nói về sự phát triển của Nước Thiên Chúa: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: ‘Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được’” (Lc 13:18-19). Hình ảnh “hạt cải” đưa chúng ta đến với sự kiện được trình thuật sau này (x. Lc 17:6) mà trong đó Chúa Giêsu nói các môn đệ của Ngài chỉ cần có đức tin bằng hạt cải thì họ có thể làm những điều vĩ đại mà với sức người không thể làm được. Tuy nhiên, trong dụ ngôn này, Thánh Luca ám chỉ đến tính cách phổ quát của Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa dành cho hết mọi người. Tính phổ quát này là hệ quả của việc Chúa Giêsu phải chịu sự chống đối bởi vì Ngài đón tiếp những người tội lỗi và bị loại ra bên lề xã hội vào ngồi chung bàn với Ngài như dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Điều này được diễn tả qua những lời “chim trời làm tổ trên cành được.” Chi tiết này tìm thấy điểm đối chiếu trong Thánh Vịnh 104 [câu 12] và trong sách Ngôn Sứ Đanien [4:9, 18]. Trong hai sách này, chúng ta thấy việc nhiều người đến tìm nương ẩn trong Nước Thiên Chúa. Dụ ngôn thứ nhất mời gọi chúng ta sống tinh thần của Chúa Giêsu, đó là không loại trừ bất kỳ ai ra khỏi tình yêu của mình. Lời mời gọi này thách đố chúng ta ra khỏi chính mình để “ngồi chung bàn,” chia sẻ cuộc sống với những người làm chúng ta tổn thương và đau khổ. Nó cũng thách đố chúng ta làm bạn với những người không có bạn, yêu thương những  người không được yêu thương và tha thứ cho những người không đáng được tha thứ. Chúng ta sẽ làm được tất cả những điều này, nếu chúng ta bắt đầu với những cử chỉ nhỏ bé đầy yêu thương như Chúa Giêsu: Một ánh mắt, một lời nói khích lệ, hoặc một cử chỉ thân thương.

Trong dụ ngôn thứ hai, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “nắm men” để nói về Nước Thiên Chúa: “Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Lc 13:20-21). Dụ ngôn này nói đến người phụ nữ để đi cặp với người người đàn ông trong dụ ngôn trước. R. W. Funk kêu gọi chúng ta lưu ý đến ba chi tiết lạ thường trong dụ ngôn ngắn này: (1) Nước Thiên Chúa được so sánh với một cái gì đó không trong sạch và làm hư hoại, đó là men; (2) Nước Thiên Chúa dưới hình ảnh của nắm men thì ẩn kín; (3) Nước Thiên Chúa được giấu kín trong thúng bột được dùng để đáp lại cách trang trọng trong sự tỏ lộ của Thiên Chúa (St 18:6). Trong Tin Mừng Thánh Luca, sự so sánh Nước Thiên Chúa với một cái gì đó mà không thanh sạch như nắm men thách đố những ý tưởng thông thường về những gì là thanh sạch. Đây cũng là thách đố cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta thường rất khó để ra khỏi những gì mình đã quá quen thuộc và chấp nhận một cái gì đó mới, nhất là điều đó đòi buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn và lối sống của mình. Chỉ những người sẵn sàng để cho mình bị thách đố bởi sứ điệp Nước Thiên Chúa mới có thể khám phá ra sự kín ẩn của Nước Thiên Chúa. Thật vậy, Nước Thiên Chúa được giấu kín, đặc biệt khỏi những người khôn ngoan và thông hiểu (x. Lc 10:21). Trong Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu công bố bằng lời và hành động rằng có một sự hiển linh của Thiên Chúa cho những ai mở mắt và tai của mình để nhìn và nghe những điều Ngài công bố. Những người môn đệ có thể tin tưởng rằng Nước Thiên Chúa, giống như một tác nhân có sức huỷ hoại mạnh mẽ, như nắm nem, luôn hoạt động và sẽ đạt mục đích của mình dù có nhiều dấu hiệu của sự chống đối và thử thách. Điều này làm cho chúng ta không thất vọng khi thất bại vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp cho những ai kính sợ Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB