(Hr 2:5-12; Mc 1:21-28)
Hai chữ “con người” thường được chúng ta dùng để bào chữa cho những yếu đuối và lỗi phạm. Khi một ai làm điều gì sai, thì cách bào chữa nhanh nhất và tốt nhất để lấy sự cảm thông của người khác đó là, “vì tôi là người.” Nhưng chúng ta hãy biết rằng: Ơn gọi “làm người” là điều cao đẹp nhất mà không tạo vật nào có thể có được, ngay cả các thiên thần, vì không có tạo vật nào được gọi là “hình ảnh của Thiên Chúa,” cũng không có tạo vật nào được gọi là “con Thiên Chúa” như con người. Chính Chúa Giêsu “trở thành người” để cứu chuộc chúng ta. Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư gởi Do Thái mượn lời Thánh Vịnh để nói lên sự cao trọng của con người như sau: “Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người” (Tv 8:4-8; Dt 2:6-8). Một triết gia nói rằng: “Làm người là điều cao trọng nhất mà một hữu thể có thể là.” Như vậy, hãy sống cho thật là người, vì chỉ có những ai sống thật sự là “con người” thì mới có khả năng nên giống “Con Người” [Đức Kitô]. Thư gởi Do Thái khẳng định rằng: Làm “người” – “anh [chị] em” của Chúa Giêsu – chính là vinh quang của con người: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu” (Dt 2:10).
Thư gởi Do Thái hôm nay nói cho chúng ta biết về giá trị của gian khổ, điều mà không ai trong chúng ta muốn. Ai cũng muốn có một cuộc sống an nhàn và sung túc. Theo tự nhiên, đau khổ là một điều không ai muốn! Theo triết học và thần học, đau khổ được xem như là “sự dữ.” Nhà phật nói: “Đời là bể khổ.” Tuy nhiên, dù không muốn gian khổ, ai trong chúng ta ta cũng có gian khổ của riêng mình. Chúa Giêsu khẳng định điều này rằng: “Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó.” Theo cái nhìn Kitô giáo, đau khổ có giá trị riêng của nó: đau khổ là thầy dạy tốt nhất trên con đường nhân đức. Chính Chúa Giêsu cũng phải trải qua đau khổ dù Ngài là con Thiên Chúa. Đau khổ chỉ được hiểu từ mầu nhiệm của tự hạ và đỉnh cao là thập giá. Qua đau khổ Chúa Giêsu “trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2:10).
Một điều chúng ta đề cập trong bài chia sẻ hôm qua là việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ để chia sẻ với Ngài trong sứ vụ rao giảng và chống lại quyền lực của tội lỗi, của sự dữ. Thật vậy, mãnh lực sự dữ chúng ta đề cập ngày hôm qua trong việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên là người chài lưới được hiện thực hoá trong Tin Mừng ngày hôm nay: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1:24). Chúng ta được mời gọi theo Chúa Giêsu để chống lại quyền lực của tội lỗi đang “ám” chúng ta. Chúng ta không được gọi để “chống lại nhau” [trong đời tu]. Chúng ta được gọi để “ở với Chúa Giêsu, ở với nhau,” để rồi “cùng được Chúa Giêsu sai đi” để tiêu diệt tội lỗi. Hãy bắt đầu với chính mình! Khi chúng ta để Chúa Giêsu chiếm lấy cuộc sống của mình, quyền lực sự dữ sẽ không còn chỗ trong chúng ta.
Nếu chúng ta để ý, sợi chỉ nối kết lời Chúa ngày hôm nay chính là “danh tiếng” Chúa Giêsu được loan truyền. Trong bài đọc 1, tư tưởng này được tìm thấy trong những lời: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương” (Dt 2:12). Còn trong bài Tin Mừng, Thánh Máccô cho chúng ta hay: “Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê” (Mc 1:28). Danh tiếng Ngài được loan truyền khắp nơi vì điều gì? Trong bài đọc 1, lý do để danh tiếng Ngài được tán dương là việc Ngài trở nên con người để qua Ngài, Chúa Cha “nói” với chúng ta; còn trong bài Tin Mừng, danh tiếng Người được loan truyền khắp nơi vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền. Chúng ta có thể rút ra được điều gì từ hai lý do này? Điều chúng ta có thể rút ra là: danh tiếng của Chúa Giêsu được tán dương và loan truyền khắp nơi vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền; và lời giảng dạy của Ngài có uy quyền vì Ngài để Chúa Cha nói với chúng ta qua Ngài. Như vậy, để danh tiếng của mình cũng được tán dương và loan truyền, hãy để Chúa nói qua chúng ta. Nói cách khác, hãy dùng lời của chúng ta để nói lời yêu thương và an ủi. Đừng dùng lời nói để nói xấu và làm mất danh tiếng của người khác.
Cuối cùng, Thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta sự khác biệt giữa việc giảng dạy của Chúa Giêsu và các kinh sư: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1:22). Đâu là sự khác biệt? Sự khác biệt nằm ở “uy quyền” đằng sau lời dạy. Các kinh sư giảng dạy dựa trên uy quyền của Môisen và các ngôn sứ, còn Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền “của chính mình” như “Con Thiên Chúa” (Mc 1:1). Uy quyền của Chúa Giêsu không chỉ được thể hiện qua lời nói, nhưng còn qua việc làm. Quả vậy, Chúa Giêsu không giảng dạy chỉ bằng lời như các kinh sư. Lời dạy của Ngài còn được thể hiện qua việc làm [phép lạ], và bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình. Dân chúng sững sờ trước phép lạ của Chúa Giêsu như một lời giảng dạy với uy quyền mới: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1:27). Điều này thật đúng trong mọi thời: Một thầy dạy tuyệt hảo nhất là người sống những điều mình dạy. Bài học tuyệt hảo nhất mà chúng ta muốn dạy người khác đó là gương sáng: “Thầy (Ga 13:15; x. 1Pt 2:21).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB