(G 38:1.8-11; 2 Cr 5:14-17; Mc 4:35-41)
Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta thường chất vấn Thiên Chúa, nhất là những khi gặp thử thách, sóng gió. Trong bài đọc 1, sau khi Gióp gặp những thử thách trong cuộc sống, được những người bạn đến tâm sự, Thiên Chúa đã chất vấn ông về tư tưởng cho rằng mình vô tội sao Chúa để cho mình bị những điều không may mắn ập đến. Thiên Chúa đã cho ông biết rằng Ngài là Đấng quan phòng mọi sự. Ngài sắp xếp mọi sự trong thiên nhiên để mang lại lợi ích cho con người: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán: ‘Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!’” (G 38:8-11). Những lời này cho thấy Thiên Chúa là Đấng thống trị muôn loài. Ngài làm chủ thiên nhiên. Mọi loài được dựng nên có mục đích cũng như giới hạn riêng. Như thế, không có loại thụ tạo nào là vĩnh cửu và vô hạn. Nếu mọi loài Thiên Chúa tạo dựng nên là hữu hạn, thì chúng không thể mang lại cho con người hạnh phúc tròn đầy. Hạnh phúc tròn đầy chỉ tìm thấy ở nơi Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng vô hạn. Mọi sự xảy ra đều dưới quyền điều khiển của Ngài. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về quyền năng của Thiên Chúa: Không có gì mà Ngài không làm được. Cuộc đời chúng ta sẽ gặp sóng gió, nhưng có Chúa ở cùng, ta không còn lo sợ. Đó là điều mà Thánh Sử Máccô muốn nói cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Điều gì thôi thúc chúng ta sống và làm việc? Ai trong chúng ta cũng có động lực sống và làm việc của riêng mình. Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô nói động lực duy nhất của cuộc sống ngài là “tình yêu Đức Kitô” (2 Cr 5:14). Thánh Phaolô nhận ra rằng vì yêu mà Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Nên chúng ta cũng được mời gọi chết cho nhau: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5:15). Khi không còn sống cho chính mình, chúng ta không còn sở hữu chính mình, nhưng chính Đức Kitô sở hữu chúng ta. Hành trình này là hành trình đi từ con người cũ đến con người mới. Theo Thánh Phaolô, khi nói đến con người cũ và con người mới, ngài nói đến con người chết với tội lỗi và sống cho Đức Kitô và con người sống theo xác thịt. Con người cũ [sống theo xác thịt] là con người sống theo “quan điểm loài người” (2 Cr 5:16), sống theo khuynh hướng tự nhiên. Còn con người mới [đã chết và sống cho Đức Kitô] không sống theo khuynh hướng con người, nhưng trở nên thụ tạo mới. Chúng ta đang sống theo con người nào trong hai loại con người này?
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu ba hành động mang tính phép lạ của Chúa Giêsu. Thánh Máccô sắp xếp cấu trúc trong phần này thật tuyệt nhằm cho các môn đệ thấy Chúa Giêsu có uy quyền không chỉ trong việc giảng dạy bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động của mình. Vì vậy, sau khi giảng dạy dân chúng và các môn đệ bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu thực hiện các hành động mang tính phép lạ để qua đó Ngài cho thấy Ngài có quyền trên Xatan hiện diện trong thiên nhiên (4:35-41), trong những người bị ám (5:1-20), trong những người bệnh tật (5:25-34), và trong sự chết (5:21-24; 35-43).
Câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt biển ám chỉ đến việc Ngài có uy quyền trên Xatan hiện diện trong thiên nhiên. Đây là câu chuyện đầu tiên trong chuỗi những câu chuyện có cùng một cấu trúc hay kiểu mẫu: Một rào cản được vượt qua (biển động), hành động đầy uy quyền của Chúa Giêsu (ra lệnh cho biển im lặng), và một sự khẳng định (biển lặng và các môn đệ kính sợ). Bối cảnh phía sau của câu chuyện này có thể là tư tưởng của vùng Phía Cận Đông cổ (Ancient Near East) về biển như là biểu tượng quyền lực của sự hỗn mang và sự dữ đang cố gắng chống lại Thiên Chúa. Bằng việc làm chủ cơn bão trên biển, Chúa Giêsu làm những gì Thiên Chúa làm và đánh bại các mãnh lực của sự dữ. Các đọc giả của Máccô hiểu hình ảnh này được bao nhiêu thì chúng ta không biết. Vì vậy, câu hỏi của các môn đệ ở cuối trình thuật Chúa Giêsu là ai chỉ ra cho chúng ta rằng Thánh Máccô nhấn mạnh đến chân tính của Chúa Giêsu và thiết lập một lời công bố về Kitô học mang tính mặc nhiên về thần tính của Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu làm những gì Thiên Chúa làm.
Hình ảnh đáng để chúng ta suy gẫm là hình ảnh Chúa Giêsu vẫn an tâm ngủ trong khi các môn đệ vất vả chèo chống với trận cuồng phong. Khả năng ngủ của Chúa Giêsu ở đàng lái giữa sóng biển xô dập dồn chỉ cho chúng ta thấy thái độ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa giữa biển đời nhiều khó khăn và thử thách. Giống như các môn đệ, chúng ta cũng hoảng sợ và kêu lên: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (4:39) khi đối diện với những sóng gió trong cuộc sống. Chúng ta nghĩ Chúa không lo lắng gì cho chúng ta. Nhưng chúng ta cần biết rằng nhiều khi Chúa ‘chưa’ làm gì, chứ không phải ‘không’ làm gì. Ngài muốn chúng ta hoàn toàn tín thác vào Ngài giữa sóng gió cuộc đời vì chính Ngài là Người đang nắm giữ vận mệnh của hành trình. Chúng ta có sẵn sàng tín thác để Ngài hướng dẫn hành trình của chúng ta không?
Đứng trước những lo âu và kém lòng tin của các môn đệ, Chúa Giêsu thực hiện hai điều: Thứ nhất, Chúa Giêsu làm cho nguyên nhân sợ hãi của các môn đệ biến mất: “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (Mc 4:39). Thứ hai, Ngài quở trách các môn đệ về sự yếu lòng tin: “Rồi Người bảo các ông: ‘Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?’” (Mc 4:40). Trong hai hành động này, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ biết rằng Ngài có quyền năng trên mãnh lực của thiên nhiên. Ngài có quyền năng làm tan biến những nỗi sợ hãi của người môn đệ với điều kiện là người môn đệ đặt trọn niềm tin vào Ngài. Ngài luôn ở đó với người môn đệ trong từng giây phút. Ngài “thức dậy” khi người môn đệ cần Ngài nhất. Điều này cho thấy Ngài tôn trọng tự do của người môn đệ. Ngài chỉ “trợ giúp” khi người môn đệ không thể chiến thắng sự dữ với sức của mình. Nói cách khác, Ngài không “làm thay” cho người môn đệ. Lời quở trách của Chúa Giêsu cũng hướng đến mỗi người chúng ta. Nhìn lại cuộc sống của mình, đã nhiều lần Chúa luôn ở đó nâng đỡ chúng ta trong mọi cơn thử thách và khó khăn.
Phản ứng của các môn đệ sau khi thấy phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là kinh hoàng và chất vấn: “Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: ‘Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?’” (Mc 4:41). Chi tiết này là một trong những đặc tính của Tin Mừng Thánh Máccô khi nói đến chân tính của Đức Kitô. Điều này được các học giả Kinh Thánh gọi là “bí mật Đấng Messia.” Các môn đệ cảm thấy kinh hoàng và sợ hãi trước quyền năng của Chúa Giêsu để chế ngự thiên nhiên. Nói cách cụ thể hơn, trong hành động này, Chúa Giêsu mặc khải chân tính của mình. Qua chi tiết này, Thánh Máccô mời gọi mỗi người chúng ta nhìn vào ngày sống của mình với những sóng gió và khó khăn. Những khi đêm về, chúng ta thấy mình đã có đủ sức để vượt qua những khó khăn và sóng gió đó: Sức mạnh đến từ đầu? Sức mạnh đến từ Đấng đang “nằm nghỉ” trong chúng ta. Điều cần thiết là chúng ta hãy đánh thức Ngài dậy bằng lời cầu nguyện [đối thoại] đầy chân thật yêu thương của mình.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB