Thánh Phêrô trong bài đọc 1 hôm nay mời gọi chúng ta ý thức rằng chúng ta đang sống trong sự mong đợi ngày của Thiên Chúa. Theo thánh nhân, ngày của Thiên Chúa là một ngày “đáng sợ” vì “các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng” (2 Pr 3:12), nhưng cũng là ngày tràn đầy ánh sáng và niềm vui vì “theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3:13). Trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì? Thánh Phêrô mời gọi chúng ta thực hiện những điều sau: (1) “phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3:14); (2) “coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn, mà không còn đứng vững nữa chăng” (2 Pr 3:17); và (3) “lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta” (2 Pr 3:18).
Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe về sự “trả thù” của những người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê sau khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn vườn nho [bài Tin Mừng hôm qua] để chỉ trích lối sống của họ. Sự hiện diện của những người thuộc phe Hêrôđê trong câu chuyện xảy ra ở Giêrusalem một phần nào đó khá hi hữu, nhất là việc họ về cùng phe với những người Pharisêu. Việc này xảy ra bởi vì Hêrôđê Antipa nợ quyền lực chính trị của mình từ Đế Quốc Rôma. Trong khi đó, người Pharisêu là những người không có não trạng chống đối người Rôma như những người thuộc nhóm nhiệt thành. Họ muốn sự cùng hiện hữu giữa người Do Thái và những người thống trị Rôma. Trình thuật cho chúng ta thấy họ “đến cùng Đức Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mc 12:13). Những lời này cũng làm cho chúng ta dừng lại suy gẫm vì cũng không biết bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta cũng “giăng bẫy” để bắt lỗi anh chị em mình. Cuộc sống sẽ trở nên nặng nề và mất hạnh phúc khi chúng ta chỉ chú tâm bắt lỗi người khác mà quên việc tha thứ khi anh chị em mình mắc lỗi.
Những người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê giăng bẫy để bắt lỗi Chúa Giêsu về việc nộp thuế: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” (Mc 12:14). Chúa Giêsu được gọi là “người chân thật.” Đây chính là lời khen ngợi của đối phương dành cho Chúa Giêsu và ám chỉ đến việc khẳng định Ngài là sự thật, luôn nói sự thật. Nhưng lời “ngon ngọt” này không phải để khen ngợi thật lòng, mà dùng để làm cho Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời trực tiếp để có thể bắt lỗi Ngài (x. Mc 11:27-33 – Chúa Giêsu tránh trả lời trực tiếp để không rơi vào cạm bẫy được đặt ra). Có bao giờ chúng ta đặt bẫy để hại anh chị em mình không? Chỉ những người sống trong sự thật, sống chân thật với căn tính của mình mới có thể sống đời sống yêu thương thật lòng, chứ không yêu thương giả tạo hoặc nửa vời.
Trước khi trả lời, Chúa Giêsu chỉ ra cho họ biết “dã tâm” của họ: “Biết họ giả hình, Đức Giêsu nói: ‘Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!’ Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: ‘Hình và danh hiệu này là của ai đây?’ Họ đáp: ‘Của Xêda.’ Đức Giêsu bảo họ: ‘Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.’ Và họ hết sức ngạc nhiên về Người” (Mc 12:15-17). Thánh Máccô làm sáng tỏ động lực đối thủ của Chúa Giêsu dựa trên ba điểm: (1) để gài bẫy, (2) sự giả hình, và (3) để thử. Thuật ngữ thuế (Gk. kensos) là một lời nhắc nhở sự lệ thuộc của người Do Thái vào người Rôma và điều đó được thể hiện qua việc trả thuế trong đồng tiền của người Rôma. Nếu Chúa Giêsu trả lời phải đóng thuế, thì Ngài sẽ bị những người Do Thái ghét bỏ vì cộng tác với người Rôma. Nếu Ngài trả lời không nộp thuế, thì Ngài bị liệt vào số những kẻ phản động và nguy hiểm cho đế quốc Rôma. Đối thủ của Chúa Giêsu đặt Ngài vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp. Ngài đã thoát khỏi bẫy họ cài và dùng câu hỏi của họ như cơ hội để dạy họ về tương quan với Thiên Chúa. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta phải lưu ý hoàn cảnh của vấn đề, đó là những người Do Thái hỏi Chúa Giêsu, một người Do Thái về việc nộp thuế. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu cho phép họ nộp thuế, nhưng đồng thời Ngài đi xa hơn là thách đố thính giả phải tôn thờ Thiên Chúa theo cách thức họ đang phục vụ cho Xêda. Trong những lời này chúng ta nghe phảng phất sự liên kết giữa hai giới răn mến Chúa và yêu người. Ước gì trong đời sống thường ngày, khi dành thời gian để lo chạy theo cơm áo gạo tiền cũng như những lo lắng của thế gian, chúng ta cũng dành thời gian để đến với Chúa để tôn vinh và cảm tạ Ngài.
Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB