Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Chia Sẻ Trong Sứ Vụ Yêu Thương Của Chúa Giêsu

(Is 30:19-21.23-26; Mt 9:35 – 10:1.6-8)

Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói về viễn cảnh mà dân Israel sẽ cảm nghiệm sau những tháng năm lưu đày. Trong những ngày đó, (1) họ sẽ không còn phải khóc nữa vì Đức Chúa “sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi; nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại” (Is 30:19). (2) Họ sẽ không còn phải đói phải khát vì “Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo và nước uống trong cơn khốn quẫn” (Is 30:20). (3) Họ sẽ thấy được Đức Chúa, Đấng dạy dỗ họ để họ đi đúng đường Người chỉ vẽ (x. Is 30: 20-21). Chúng ta thấy viễn cảnh này một lần nữa lặp lại đề tài về niềm vui khi sống trong đường lối Thiên Chúa. Bên cạnh niềm vui được trao ban cho con người, mọi loài thụ tạo khác cũng sẽ được chúc lành: “Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng, cho lương thực, sản phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ. Ngày đó, súc vật ngươi chăn nuôi sẽ ăn trên những đồng cỏ xanh bát ngát. Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối, cỏ người ta đã lấy xẻng và chĩa mà rải ra. Trong ngày đại tàn sát, khi các ngọn tháp đổ nhào, trên mọi núi và mọi đồi cao, sẽ có những khe suối và dòng nước chảy” (Is 30:23-25). Những lời này cho thấy, ơn cứu độ không chỉ dành cho con người, nhưng dành cho hết mọi loài trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều làm cho con người hạnh phúc nhất là Đức Chúa sẽ băng bó vết thương và chữa lành những vết thương của họ. Hãy đến với Thiên Chúa để Ngài băng bó và chữa lành vết thương cho bạn.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày về lòng thương của Chúa Giêsu (x. Mt 9:35-38) và lời mời gọi các môn đệ chia sẻ với Ngài trong tình thương đó (Mt 10:1,6-8). Bốn câu đầu tiên của bài Mừng hôm nay (câu 35-38) đóng vai trò chuyển tiếp. Nó khép lại phần từ chương 4 câu 23 đến chương 9 câu 34. Trong phần này, Chúa Giêsu được trình bày như là Đấng Messia trong lời nói và hạnh động. Phần này cũng mở ra cánh cửa cho sứ mệnh của các môn đệ và lời dạy về sứ mệnh trong chương 10. Chúng ta chỉ biết và hiểu được sứ mệnh của các môn đệ khi chúng ta nhìn chúng trong tương quan với sứ mệnh của Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu trình bày sứ vụ của Chúa Giêsu cách ngắn gọn như sau: “Khi ấy, Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9:35). Trong những lời này, chúng ta thấy sứ vụ của Chúa Giêsu gồm có: (1) rao giảng Tin Mừng Nước Trời và (2) chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Hai sứ vụ này là hai mặt của một sứ vụ, đó là khi Tin Mừng Nước Trời được rao giảng và đón nhận, thì những bệnh hoạn tật nguyền [nhất là về phần thiêng liêng] sẽ được chữa lành.

Sứ vụ của Chúa Giêsu bắt đầu với việc chạnh lòng thương. Thánh Mátthêu thuật lại như sau: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: ‘Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (Mt 9:36-38). Chính lòng thương này là động lực để Ngài nói các môn đệ xin chủ mùa gặt sai thợ gặt đến trong cánh đồng của Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu mở rộng đến tất cả những người Ngài gặp gỡ. Điều này mang tính xã hội. Nguồn gốc sự dấn thân rao giảng và chữa lành của chúa Giêsu chính là cảm nghiệm đến từ nhu cầu cần có người lãnh đạo thiêng liêng của dân chúng. Điều này được trình bày qua hình ảnh người chăn chiên. Trong Kinh Thánh đây là hình ảnh của những người lãnh đạo chính trị và tôn giáo. Cũng chính trong những lời trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu biến “vấn đề thiếu thợ gặt” thành cơ hội để mời gọi các môn đệ. Đây chính là điều chúng ta thấy trong phần tiếp theo.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chia sẻ trong sứ vụ của mình: “Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10:1). Trong những lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu ban cho các môn đệ quyền năng của chính Ngài. Nói cách khác, quyền năng trong sứ vụ của các môn đệ đến từ Chúa Giêsu chứ không phải đến từ khả năng của họ. Chúa Giêsu cũng chỉ rõ cho các môn đệ (1) đối tượng họ sẽ đến là ai: “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10:6), (2) họ phải rao giảng gì: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:7), (3) họ phải làm gì khi rao giảng: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ” (Mt 10:9), và họ phải có thái độ như thế nào: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8). Những chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc mình phải lệ thuộc vào Chúa Giêsu trong mọi việc. Chỉ khi chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, hay đúng hơn để Ngài làm việc trong chúng ta, thì những việc chúng ta làm mới mang đúng nghĩa là tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB