Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XIV Thường Niên – Sống Kính Sợ Thiên Chúa

(Is 6:1-8; Mt 10:24-33)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta thị kiến của ngôn sứ Isaia sự kiện xảy ra vào năm vua Útdigiahu băng hà. Trong thị kiến, Isaia đã “thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Xêraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân, và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: ‘Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!’” (Is 6:1-3). Đứng trước sự thánh thiện của Thiên Chúa Isaia nhận ra sự bất xứng, tội lỗi của mình: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is 6:5). Dù bất xứng và tội lỗi, Isaia được Đức Chúa chọn. Khi được chọn Đức Chúa đã thanh luyện và sai Isaia đi đến với con cái nhà Israel: “Một trong các thần Xêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: ‘Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.’ Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: ‘Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?’ Tôi thưa: ‘Dạ, con đây, xin sai con đi’” (Is 6:6-8). Thái độ sẵn sàng để thuộc trọn về Thiên Chúa của Isaia đáng để chúng ta suy gẫm. Mỗi người chúng ta cũng là những con người yếu đuối tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa gọi, chọn, thanh luyện và sai chúng ta đến với anh chị em mình. Liệu chúng ta có đáp lại lời mời gọi của Chúa không? Chúng ta có sẵn sàng để Chúa thanh luyện và sai chúng ta đi đến với những người mà Ngài muốn không?

Niềm vui và nỗi buồn của kiếp nhân sinh được trình bày trong bài đọc 1 cũng là điều các môn đệ Chúa Giêsu phải đối diện trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba phần: Phần 1 (Mt 10:24-25) tiếp tục lời Chúa Giêsu dạy về việc làm thế nào để đối diện với sự bách hại trong tương lai; phần 2 (Mt 10:26-31) nói về điều đáng sợ và điều không đáng sợ; phần 3 (Mt 10:32-33) trình bày về tầm quan trọng của việc tuyên xưng Chúa Giêsu trước mặt người khác. Chúng ta cùng nhau rút ra ba sứ điệp từ ba phần để sống trong ngày hôm nay.

Trong phần 1, Chúa Giêsu nói với các môn đệ lý do tại sao các ông bị bách hại: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là đủ rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bêendêbun, huống chi là người nhà.” Câu này và những câu khác trong hai phần sau rất quan trọng để hiểu về ơn gọi của người môn đệ Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng. “Môn đệ” có nghĩa là “người học” hay “sinh viên.” Người theo Chúa Giêsu là người “sinh viên suốt đời” của Chúa Giêsu, bởi vì những gì Ngài dạy là sự khôn ngoan về cuộc sống. Tương quan thầy trò trong bối cảnh Do Thái là việc người học trò sau khi học xong những gì thầy phải dạy, tiếp tục đi đến học với thầy khác và sau đó chính mình trở thành thầy dạy. Để ngăn điều này xảy ra trong tương quan của người môn đệ với Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu thêm vào câu “tớ được như chủ” để nói lên rằng: đối với người tin hữu, Chúa Giêsu không chỉ là thầy, nhưng còn là chủ, là Chúa. Trong câu này, Chúa Giêsu nói đến khả thể người môn đệ được chia sẻ trong cùng vinh quang, cũng như trong cùng khổ nạn mà Ngài phải chịu. Chúng ta luôn muốn được chia sẻ trong vinh quang của Chúa Giêsu, nhưng lại không muốn chia sẻ trong đau khổ. Người môn đệ chân thật là người sẵn sàng đón nhận tất cả mọi sự đến từ Chúa. Chúng ta đã có thái độ sẵn sàng này chưa?

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có nỗi sợ riêng của mình. Chúa Giêsu, trong phần 2 của bài Tin Mừng, nói cho các môn đệ về một nỗi sợ mà họ cần phải có. Ngài nói họ phải sợ và không phải sợ ai; không phải sợ và phải sợ điều gì. Một cách cụ thể, người môn đệ không “sợ người ta” vì người ta “chỉ giết thân xác mà không giết được linh hồn,” nhưng người môn đệ sợ Thiên Chúa, “Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” Tuy nhiên, sứ điệp của phần này nằm trong lối viết “bánh mì kẹp”: câu 26 và câu 31 bắt đầu với những lời: “Vậy anh em đừng sợ.” Phần giữa nói về thực tế bị bách hại và giết chết mà người môn đệ phải đối diện khi rao giảng Tin Mừng. Trong phần giữa, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ phải can đảm trong việc rao giảng: “Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Nhưng khi rao giảng những điều bí mật và điều rỉ tai [mầu nhiệm Nước Trời], các môn đệ sẽ bị người ta giết thân xác. Đối diện với bắt bớ, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng quan tâm chăm sóc cho cả sự sống rẻ nhất: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.” Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn nói với người môn đệ rằng: Chỉ có những người có đức tin vững mạnh mới có thể đứng vững trước bách hại, trước những khó khăn và nguy hiểm về thân xác mà đời sống rao giảng mang lại cho người môn đệ.

Cuối cùng, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ về mối tương quan giữa việc tuyên xưng hoặc chối bỏ Ngài trong đời sống hiện tại với việc Ngài sẽ đón nhận hoặc chối bỏ họ trong đời sống mai sau. Khi liên kết tư tưởng này với phần thứ 2, chúng ta nhận ra rằng: khi không sợ những người chỉ giết thân xác, người môn đệ mới hiểu được tầm quan trọng trong việc tuyên xưng Chúa Giêsu trước mặt người khác. Nói cách khác, khi không sợ con người nhưng kính sợ Thiên Chúa, người môn đệ mới hiểu được ý nghĩa của câu: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Trong những lời này, Chúa Giêsu cho thấy chúng ta có tự do trong việc nhận hay chối Ngài. Việc nhận hay chối của chúng ta là yếu tố quyết định việc Ngài nhận hay chối chúng ta trước mặt Chúa Cha. Quyết định ở trong tầm tay mình! Chúng ta sẽ quyết định như thế nào: nhận hay chối Ngài!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB