Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Được Sai Đi Với Sức Mạnh Của Chúa Giêsu

(G 42:1-3.5-6.12-16; Lc 10:17-24)

Người ta thường nói, một câu chuyện hay là câu chuyện kết thúc có hậu. Chúng ta chứng kiến điều này trong câu chuyện của Gióp mà chúng ta đã nghe trong những ngày qua. Hôm nay, chúng ta sẽ được nghe cái kết có hậu của câu chuyện. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là thái độ khiêm nhường, nhận ra sự khôn ngoan vô biên của Thiên Chúa và sự giới hạn trong sự hiểu biết của Gióp: “Phải, con đã nói dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con. Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 41:3.5-6). Những lời này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc biết Chúa cách trực tiếp. Nhiều lần, chúng ta thoả mãn trong việc biết Chúa cách “gián tiếp” [nghe người khác nói hoặc đọc trong sách vở], mà chính mình không có một kinh nghiệm trực tiếp nào với Thiên Chúa. Chính qua kinh nghiệm trực tiếp với Thiên Chúa mà Gióp nhận ra đường lối rất kỳ diệu của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi sống tương quan thân tình với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, hầu có được những cảm nghiệm trực tiếp với Ngài. Khi có kinh nghiệm trực tiếp với Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra ngày sống của mình tràn đầy những phúc lành như Thiên Chúa đã ban cho Gióp: “Đức Chúa giáng phúc cho những năm cuối đời của ông Gióp nhiều hơn trước kia……Sau đó, ông Gióp còn sống thêm một trăm bốn mươi năm nữa, ông được thấy con cái cháu chắt đến bốn đời” (G 42:12.16).

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh giáo huấn của Chúa Giêsu về sứ vụ truyền giáo. Sau khi được sai đi và hôm nay trở về, các môn đệ kể cho Chúa Giêsu những “chiến công” của mình. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng làm ba phần: phần 1 kể cho chúng ta nghe về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với các môn đệ ngay sau khi các ông trở về; phần 2 bao gồm lời “cầu nguyện” của Chúa Giêsu với Chúa Cha; và phần 3 là lời chúc phúc của Chúa Giêsu cho các môn đệ.

Trong phần 1 (Lc 10:17-20), chúng ta thấy kết quả của sứ vụ được sai đi nhân danh Chúa Giêsu: “Khi ấy, Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Những lời này ám chỉ đến việc nhóm 72 “khuất phục ma quỷ.” Đây chính là quyền lực mà từ đầu đến giờ chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu [khi Ngài ở Galilê, Lc 8:26-39] và nhóm 12 (x. Lc 9:1-2). Nói cách khác, nhóm 72 chỉ khuất phục được quỷ với quyền năng của Chúa Giêsu mà thôi. Điều này nhắc nhở chúng ta về cuộc sống của riêng mình. Chúng ta cũng thường bị quyền lực ma quỷ tấn công để phạm tội. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng với ơn Chúa. Nếu chúng ta dựa vào sức mình thì chúng ta chỉ thất bại một cách ê chề. Chúa Giêsu đã khẳng định cho chúng ta rằng sứ vụ của Ngài và của Giáo Hội là tấn công quyền lực ma quỷ và chiến thắng. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của những người được sai đi không phải là khuất phục được ma quỷ, cũng không phải đạp rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù. Niềm vui đích thực là “tên anh em được ghi trên trời.” Đây chính là món quà vĩnh cửu, là món quà làm chúng ta trở nên công dân Nước Trời. Chi tiết này mời gọi chúng ta tìm kiếm những giá trị trường tồn hơn là danh tiếng và những thứ chóng qua ở đời. Đời sống con người là hành trình đi về cõi vĩnh hằng, tại sao chúng ta lại tìm kiếm những gì là tạm thời!

Phần 2 (Lc 10:21-22) nói về việc Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha. Ngài quy chiếu mọi sự về Chúa Cha. Đứng trước sự thành công của các môn đệ trong sứ vụ, Chúa Giêsu mời gọi các ông trở về nguồn của sứ vụ, đó là Chúa Cha, Đấng sai Ngài đến. Chi tiết đáng để chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu “được Thánh Thần tác động.” Đây là một nét đặc trưng trong Tin Mừng Thánh Luca, đó là Chúa Giêsu luôn hoạt động dưới “tác động của Chúa Thánh Thần.” Chi tiết này và lời “cầu nguyện” của Ngài đã mạc khải Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” Chúng ta tự hỏi: “Những điều này” là gì? Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Luca, chúng ám chỉ đến bản chất của Nước Thiên Chúa, sự hiệp nhất giữa các môn đệ với Chúa Giêsu trong sứ mệnh, và tương quan của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Tư tưởng này cũng giống với tư tưởng được trình bày trong Lc 8:10 [người khôn ngoan – trẻ nhỏ], đó là có sự tương phản giữa những người không cần Thiên Chúa và những người bé nhỏ, các môn đệ Chúa Giêsu là những người đến với Chúa với con tim và tâm trí rộng mở. Chúng ta thuộc loại nào trong hai loại trên? Chỉ có người cần đến Thiên Chúa mới hiểu được những lời sau của Chúa Giêsu: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.” Qua những lời này, Chúa Giêsu ám chỉ đến [trong bối cảnh Tin Mừng Thánh Luca] sự hiểu biết mà Chúa Con có về Chúa Cha và sự hiểu biết rằng chỉ có mình Chúa Giêsu là Đấng truyền tải sự hiểu biết đó cho các môn đệ. Nói cách cụ thể, nếu chúng ta không đến với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không biết Thiên Chúa là ai!

Phần cuối (Lc 10:23-24) trình bày cho chúng ta về viễn cảnh của thế hệ mới được Chúa Giêsu khởi đầu: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10:23-24). Trong thế hệ mới này, các môn đệ chứng kiến hoạt động sứ vụ của Ngài và chia sẻ trong năng quyền làm điều tốt của Ngài. Viễn cảnh về sứ vụ mà các môn đệ kinh nghiệm, những người lãnh đạo tôn giáo hoặc những nhà lãnh đạo chính trị không thể mang lại. Điều này khuyến cáo chúng ta về việc dựa vào những người nổi tiếng hay quyền lực thế gian cho sứ vụ của mình. Điều họ đem lại cho chúng ta trong sứ vụ chỉ là sự trợ giúp [chủ yếu là về vật chất]. Chỉ có Thiên Chúa mới mang đến cho chúng ta ý nghĩa trọn vẹn của sứ vụ. Không có Thiên Chúa như “khởi đầu và kết thúc” của sứ vụ, những hoạt động tông đồ của chúng ta cũng chỉ là những hoạt động xã hội không hơn không kém, chứ không phải là chia sẻ trong sứ vụ của Chúa Giêsu hoặc được sai đi nhân danh Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB