(3 Ga 5-8; Lc 18:1-8)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Gioan mời gọi Gaiô phải luôn đưa đức tin của mình vào trong những hành động hằng ngày, dù hành động đó được thực hiện cho những người cùng niềm tin, quen thuộc hay những người không cùng niềm tin và xa lạ. Đời sống thấm nhiễm đức tin là đời sống làm chứng về đức ái. Hay nói cách khác, những người sống theo đức tin Kitô giáo là những người có một đức ái tuyệt hảo vì trung tâm điểm của Kitô giáo là đức ái. Theo Thánh Gioan, người Kitô hữu là người đồng hành với những người khác trên con đường về thiên quốc. Họ không chỉ sống xứng đáng trước mặt Thiên Chúa mà còn giúp cho những người đồng hành với họ sống xứng đáng với Thiên Chúa qua chính đời sống gương mẫu của mình: “Anh sẽ làm một việc nghĩa, nếu anh giúp đỡ cho chuyến đi của họ cách xứng đáng trước mặt Thiên Chúa. Quả thật, chính vì danh Chúa, họ đã ra đi mà không nhận gì của người ngoại” (3 Ga 6-7). Tình yêu của người Kitô hữu là tình yêu vô điều kiện, không loại trừ bất kỳ ai. Người Kitô hữu luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người, nhất là những người muốn cộng tác vào việc truyền bá sự thật Nước Thiên Chúa qua đời sống bác ái. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại con tim mình: chúng ta có loại trừ ai ra khỏi tình yêu của mình không? Chúng ta có làm gương sáng về đời sống đức tin và đức ái cho người khác không?
Chúng ta đã nghe đoạn Tin Mừng này trong Chúa Nhật tuần XXIX vừa qua. Chúng ta thấy mục đích của dụ ngôn này được nêu ra ngay trong câu đầu tiên: “Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18:1). Những lời này cho chúng ta biết thính giả của dụ ngôn là các môn đệ Chúa Giêsu và mục đích của dụ ngôn là “để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Tại sao cầu nguyện là điều quan trọng đối với người môn đệ Chúa Giêsu? Chúng ta phân tích hai nhân vật trong dụ ngôn để rút ra những bài học cần thiết cho đời sống cầu nguyện của mình.
Trong phần dụ ngôn, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh của người quan toà để ám chỉ về ngày cánh chung. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là thái độ “cứng đầu” của người quan toà. Ông là người không sống theo giới răn mến Chúa, yêu người: “Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 18:2). Hay nói cách khác, ông là một người dân ngoại. Dù không sống theo giới răn yêu thương, nhưng sự quấy rầy của bà goá, người đến với ông để đòi sự “công bình.” Chúng ta có thể nói rằng, động lực thúc đẩy ông phân xử cho bà goá không đến từ tình bác ái, nhưng mang tính rất tự nhiên, đó là sợ bị làm phiền (x. Lc 18:4-5). Điều này cho thấy, tự trong bản chất con người có một “tia sáng” của tình yêu [tình yêu hướng về chính mình – sợ bị quấy rầy]. Chi tiết khác chúng ta đáng suy nghĩ là cả hai nhân vật đều sống trong cùng một thành (x. Lc 18:2-3). Chi tiết này cho thấy cả hai có sống trong sự hiệp thông: Hành động của người này ảnh hưởng đến người kia. Nói cách cụ thể, hành động của người quan toà mang lại công lý cho bà goá, và hành động của bà goá quấy rầy ông quan toà. Điều này mời gọi chúng ta phải luôn cẩn thận trong “cách ăn nết ở” của mình. Mỗi lời nói và hành động của chúng ta ảnh hưởng đến người khác.
Đi từ kinh nghiệm của con người, kinh nghiệm của ông quan toà và bà goá, Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến một kinh nghiệm cao hơn, đó là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Ông quan toà, dù là người bất chính (x. Lc 18:6), đã đáp lại lời cầu xin của bà goá. Làm sao các môn đệ lại không có niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng “chậm giận và giàu tình thương.” Điều này được Chúa Giêsu diễn tả cách đầy yêu thương như sau: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18:7-8). Quả thật, Thiên Chúa luôn lắng nghe và đáp lại những gì mà những người tuyển chọn của Ngài kêu xin. Ngài sẽ nhanh chóng minh xét cho họ. Điều kiện cần thiết của người môn đệ khi chờ đợi để được Thiên Chúa minh xét là niềm tin. “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8). Điều này khuyến cáo chúng ta rằng đừng vội đánh mất niềm tin của mình khi chưa nhận được những gì mình cầu xin. Đời sống cầu nguyện phải được nâng đỡ bởi đức tin sâu đậm. Nói cách hình tượng hơn, đức tin là dầu còn cầu nguyện là tim đèn. Như tim đèn sẽ không cháy lâu nếu không có dầu, thì cầu nguyện sẽ lụi tàn nếu không có đức tin.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB