Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy Tuần I Thường Niên – Từ Bỏ Lối Sống Cũ Để Theo Chúa Giêsu

(Hr 4:12-16; Mc 2:13-17)

Bài đọc 1 hôm nay có thể được chia ra làm hai phần: phần 1 (Hr 4:12-13) nói về tầm quan trọng của lời Chúa và phần 2 (Hr 4:14-16) trình vày Đức Giêsu là vị Thượng Tế của chúng ta. Trong phần 1, tác giả thư Hípri cho biết, lời Chúa không phải là những lời chết trong sách vở, mà là lời “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ.” Những lời này cho thấy, lời Chúa có vai trò phân rẽ thật và giả qua việc “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” Không những thế, Lời Chúa con làm cho bản chất của mỗi loại thọ tạo được phơi bày trước Thiên Chúa: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Những lời này mời gọi chúng ta xem xét lại đời sống của mình trước ánh sáng Lời Chúa – chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên Lời Chúa. Nhưng trong phần 2 của trình thuật hôm nay, tác giả thư Hípri cho biết, Lời Chúa đó chính là Đức Giêsu, vị “Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời.” Khác với những vị thượng tế khác, vị Thượng Tế Giêsu “không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.” Vì biết Ngài đã trải qua những thử thách của kiếp sống con người như chúng ta nên chúng “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” Những lời này mang lại cho chúng ta sự ủi an và nâng đỡ mỗi khi ngã lòng. Hãy đến với Đức Giêsu mỗi khi bị hiểu lầm hay bị người khác làm tổn thương. Hãy để cho Ngài ôm chúng ta trong vòng tay để chúng ta cảm nhận được tình yêu, sự cảm thông của một Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện thứ hai trong năm câu chuyện chống đối. Nó có cùng cấu trúc với câu chuyện chữa lành người bị bại liệt, nhưng khác nội dung. Nó gồm câu chuyện về lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu cho Lêvi (Mc 2:13-14) và cuộc tranh luận mà trong đó Chúa Giêsu giải thích làm thế nào mà Chúa Giêsu có thể cho phép những người tội lỗi như thế theo Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, hai phần đã có lần bị tách rời nhau ra trong “truyền thống trước Máccô.” Các Kitô hữu tiên khởi đã sử dụng trích đoạn này để giải thích sự hiện diện của những người mà đời sống đạo đức và luân lý ‘đáng bị nghi ngờ’ trong cộng đoàn.

Trong câu chuyện về ơn gọi của Lêvi, chúng ta lưu ý rằng hành động gọi của Chúa Giêsu xảy ra khi Ngài “đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người” (Mc 2:14). Trong những lời này, chúng ta nhận ra hai chìa khoá chính diễn tả ơn gọi của người môn đệ được trình bày trong Mc 1:16-20 khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Hai chìa khoá đó là: “Chúa Giêsu đi ngang qua” và “Ngài gọi họ theo Ngài và họ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài.” Điều ngạc nhiên là chúng thấy tên Lêvi được đặt cho ông và ông là một người trong Nhóm Mười Hai, nhưng chúng ta lại không tìm thấy tên Lêvi trong danh sách Mười Hai môn đệ trong Mc 3:16-19. Có nhiều giả thiết đặt ra, nhưng không có câu trả lời thích đáng. Điểm quan trọng của câu chuyện chính là sứ điệp Chúa Giêsu muốn dạy trong câu chuyện này, đó là mỗi người chúng ta dù có bị người khác xem là tội lỗi hoặc chính mình đang sống trong tội cũng được Chúa mời gọi để làm môn đệ Ngài. Điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ Chúa Giêsu là từ bỏ lối sống cũ và bắt đầu theo Ngài trên con đường Ngài đi. Điều này giúp chúng ta hiểu phần tranh luận của Chúa Giêsu với những kinh sự thuộc nhóm Pharisêu.

Khi thấy Chúa Giêsu dùng bữa với những người ‘thu thuế và tội lỗi,’ các kinh sư thuộc nhóm Pharisêu không thể chịu nỗi hành động đầy yêu thương và tha thứ này: “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” (Mc 2:16). Thái độ của các kinh sư ám chỉ việc từ chối khả năng chữa lành những tâm hồn tan vỡ của Chúa Giêsu. Đồng thời họ cũng từ chối khả năng thay đổi của một con người tội lỗi khi gặp Chúa Giêsu. Đây cũng chính là thái độ của chúng ta. Nhiều lần chúng ta để cho thành kiến chiếm lấy mình và làm cho mình mù quáng đến nỗi chúng ta từ chối việc Thiên Chúa có thể cứu lấy một người tội lỗi hoặc từ chối việc thay đổi nơi anh chị em mình. Nhiều khi chúng ta còn ‘nói sai hoặc nghi ngờ’ về những thay đổi thật xảy ra nơi anh chị em chúng ta. Chúng ta nói họ giả hình giả bộ thay đổi vẻ bề ngoài, từ đó làm chúng ta càng xa cách họ hơn. Khi chúng ta bị thái độ này làm cho mù quáng, chúng ta cần suy gẫm trên lời của Chúa Giêsu: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2:17). Những lời này làm cho chúng ta xét lại chính mình. Chúng ta cũng là những người đau ốm, là những người tội lỗi. Chúng ta cũng cần được Chúa Giêsu chữa lành. Ngài cũng kêu gọi chúng ta theo Ngài mỗi giây phút. Liệu chúng ta có đáp lại lời mời gọi của Ngài như Lêvi đã làm?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB