(Dt 9:15.24-28; Mc 3:22-30)
Sợi chỉ nối kết hai bài đọc hôm nay chính là mối tương quan giữa tội lỗi và quyền lực của Xa-tan. Trong bài đọc 1, tác giả thư gởi Do Thái trình bày Chúa Giêsu là Đấng lấy cái chết của mình để đánh bại quyền lực của tội lỗi và để mang lại cho chúng ta “quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9:15). Điều này chính là tiền đề để chúng ta hiểu lời đối đáp của Chúa Giêsu cho các kinh sư khi họ cho rằng Ngài dùng quỷ vương Bê-en-dê-bun để trừ quỷ, để đánh bại tội lỗi và sự chết. Điều làm chúng ta suy nghĩ ở đây là việc Chúa Giêsu đánh bại thần chết không phải bằng uy quyền của một Thiên Chúa hùng mạnh theo tư tưởng con người, nhưng Ngài dùng chính mình làm hiến tế để xoá bỏ tội lỗi. Chúng ta nghe những điều này trong thư gởi Do Thái như sau: “Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9:26-28). Qua điều này chúng ta nhận ra rằng: Sự dữ chỉ bị đánh bại khi chúng ta biết chết đi cho khuynh hướng tự khẳng định mình. Sự dữ chỉ bị đánh bại bằng sự thiện, chứ không phải bằng một sự dữ khác.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta thấy rằng: Một sự việc xảy ra, nhưng có nhiều phản ứng khác nhau từ người xem. Điều này giúp chúng ta đi vào bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay và cũng chuẩn bị cho lời dạy của Chúa Giêsu trong chương 4 (1-34), dụ ngôn người gieo giống: Hạt giống được gieo giống nhau, nhưng được đón nhận khác nhau.
Tuần trước chúng ta đã thấy phản ứng rất tích cực của dân chúng về việc Chúa Giêsu chữa lành người tay bị bại liệt (Mc 3:7-12). Tiếp theo sao đó là thái độ vui mừng của nhóm Mười Hai khi được Ngài gọi và chọn (Mc 3:13-19). Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một phản ứng hoàn toàn trái ngược của các thầy kinh sư từ Giêrusalem xuống. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng nằm trước đoạn được trích hôm nay, chính người thân của Ngài cũng phản ứng tiêu cực về Ngài vì họ cho là Ngài bị mất trí (x. Mc 3:20-21). Phản ứng tiêu cực của các kinh sư làm cho họ không công nhận việc tốt của Chúa Giêsu làm, và hơn nữa là “cắt nghĩa sai” việc làm của Ngài: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3:22). Trong câu này, họ kết án Chúa Giêsu với hai tội danh: (1) Ngài bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám; (2) và Ngài dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ, tức là Ngài trừ quỷ bằng sức mạnh của Xa-tan. Thật vậy, khi có thái độ tiêu cực về một người (hay khi có thành kiến về một người), chúng ta thường cắt nghĩa sai về những việc làm của người đó. Hãy loại bỏ thái độ tiêu cực và hãy tránh lối nhìn thành kiến vì chúng sẽ giết chết tình yêu trong con tim của chúng ta dành cho Chúa và cho người khác!
Đứng trước lời buộc tội của các kinh sư, Chúa Giêsu dùng một đạo lý rất bình thường để trả lời cho họ. Đạo lý bình thường trong cuộc sống mà Chúa Giêsu dùng cũng chính là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta [nhất là những người sống đời thánh hiến]: “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3:24-25). Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu sử dụng ba hình ảnh để nói về một điểm: Nước nào – nhà nào – Xatan tự chia rẽ thì không thể đứng vững. Cũng vậy, chúng ta không thể đứng vững nếu chúng ta sống chia rẽ. Trong lời này, Chúa Giêsu nói lên một thực tại hiển nhiên là: Ngay cả mãnh lực của sự dữ còn cộng tác và không chống lại nhau, vì khi làm như thế thì chúng “không thể tồn tại, nhưng đã tận số (Mc 3:26), thì chúng ta nếu muốn chống lại mãnh lực của sự dữ, chúng ta không được chia rẽ. Đạo lý này được hiểu rõ hơn khi chúng ta phân tích những lời tiếp theo của Chúa Giêsu.
(1) Trong câu: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?” Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: Làm sao Xa-tan trừ chính mình vì không ai chống lại chính mình cả. Ai cũng muốn bảo vệ chính mình. Đây là một đạo lý rất bình thường trong cuộc sống mà vì thành kiến và thái độ tiêu cực về Ngài mà các kinh sư không nhân ra. Còn nếu Xa-tan dùng một trong những thủ hạ của mình để trừ một thủ hạ khác, thì sẽ tạo nên sự chia rẽ ở giữa các thuộc hạ. Như thế sẽ tự làm cho vương quốc của nó suy tàn. Ở đây, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng trở nên nguyên nhân của sự chia rẽ bằng chính lối sống của mình hay bằng cách lôi kéo người khác về phía mình để chống đối lại anh chị em của mình.
(2) “Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:27). Câu này hàm chứa việc Chúa Giêsu nói về quyền năng của mình vượt trên Xa-tan, vì Ngài có thể vào nhà nó và đuổi nó ra ngoài. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là “Kẻ mạnh,” Ngài trói Xa-tan lại và cướp đi tất cả những gì thuộc về nó. Nếu không thì Ngài không thể thực hiện việc trừ quỷ. Như vậy, Chúa Giêsu chính là người đến để tiêu diệt Xa-tan chứ không đứng về phía của Xa-tan. Còn chúng ta, chúng ta đang đứng về phía nào: Chúa Giêsu hay Xa-tan?
(3) “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Đó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám” (Mc 3:28-30). Câu này được bắt đầu với từ “Amen” (“Ta bảo thật các ông”), nên là câu quan trọng nhất mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta thường hỏi tội phạm đến Chúa Thánh Thần là gì? Tội phạm đến Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh của Tin Mừng của Máccô mà chúng ta đọc hôm nay, tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội không thể được tha: Đây là tội gán việc chữa bệnh và trừ quỷ của Chúa Giêsu là công việc của Chúa Thánh Thần cho quyền lực của Xa-tan. Nói cách khác, đây là tội của những ai không tin nhận Chúa Giêsu có quyền trên sự dữ và sự chết. Nói cách cụ thể hơn là chối bỏ việc tin nhận Chúa Giêsu là Chúa, Đấng, mà bài đọc 1 hôm nay khẳng định, là “đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người.” Còn tội “phạm thượng” ở đây được hiểu như là hành vi sai lầm trong việc nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Tất cả những điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc biết Đấng chúng ta đi theo và quyền lực của Ngài. Hãy để Chúa là Chúa trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đừng gán cho Ngài một danh hiệu nào khác mà không phản chiếu được Ngài là một Thiên Chúa của tình yêu và tha thứ.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB