Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật IV Thường Niên – Hãy Thuật Lại Những Điều Chúa Đã Làm Cho Chúng Ta

(Dt 11:32-40; Mc 5:1-20)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về những gì đức tin có thể làm cho chúng ta. Theo tác giả thư Do Thái đức tin: giúp chinh phục các nước, thực hành công lý, đạt được những gì Thiên Chúa đã hứa, khoá miệng sư tử, dập tắt lửa hồng mãnh liệt, thoát khỏi lưỡi gươm, lướt thắng bệnh tật, làm chúng ta dũng cảm, chịu đựng nhạo cười và roi vọt, và quan trọng nhất là làm cho chúng ta sống liên đới với người khác trong việc đạt đến hạnh phúc trọn vẹn. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi đức tin là gì mà có thể giúp chúng ta đạt được nhiều điều như thế? Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần [tin, cậy, mến]. Đây là những nhân đức giúp chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa. Theo nguyên từ Latin, đức tin có nghĩa là “trao cho Chúa con tim của mình.” Một trong những định nghĩa về đức tin trong thần học mà có thể giúp chúng ta hiểu hơn vấn đề chúng ta đang nói đến trong bài đọc 1, đó là: “Đức tin là sự gặp gỡ trò chuyện cách cá vị với Thiên Chúa.” Theo định nghĩa này, đức tin không phải là một mớ kiến thức chết được chứa đựng trong các tín điều, nhưng là một cuộc đối thoại đầy yêu thương và sống động với Thiên Chúa. Chỉ những người có đức tin như thế mới có thể làm được những điều mà tác giả thư Do Thái nêu ra, vì qua sự gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta được biến đổi và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của Ngài.

Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đặt nó trong tương quan với đoạn Tin Mừng đi liền trước. Đoạn Tin Mừng đi trước kể về việc Chúa Giêsu làm biển yên lặng. Khi Chúa Giêsu ra lệnh cho biển lặng, Ngài tỏ ra là Ngài có quyền năng trên quyền lực của Xa-tan kiểm soát thiên nhiên, và khi trừ quỷ Chúa Giêsu tỏ ra Ngài có quyền năng trên quyền lực kiểm soát con người của Xatan.

Bài Tin Mừng hôm nay kể về “một hành động” trừ quỷ của Chúa Giêsu nhưng có ảnh hưởng trên ba thành phần: (1) người bị quỷ ám (Mc 5:1-10); (2) đàn heo (Mc 5:11-13); (3) dân chúng trong vùng (Mc 5:14-17). Tuy nhiên, trước khi phân tích chi tiết bài Tin Mừng để rút ra những ý lực sống, chúng ta cần lưu ý chi tiết sau: Bài Tin Mừng hôm nay được mở đầu và kết thúc với người bị quỷ ám trước và sau khi được Chúa Giêsu chữa lành. Đây là lối viết “bánh mì kẹp” mà Thánh Máccô thích sử dụng trong Tin Mừng của mình để nói lên rằng: Điều cần lưu ý và làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn nằm ở trong phần “được kẹp.” Bây giờ, chúng ta tập trung vào ba thành phần bị ảnh hưởng bởi hành động của Chúa Giêsu.

(1) Người bị quỷ ám: Những gì chúng ta biết về anh ta là: Anh sống ở vùng Ghêrasa; sống trong mồ mả và không ai có thể trói anh ta; anh tự huỷ hoại chính mình (x. Mc 5:1-6). Trong những chi tiết này, chúng ta cần lưu ý đến chi tiết “không có ai có thể kiềm chế anh.” Điều này nói lên sự bất lực của con người trước mãnh lực của Xatan. Nhưng quyền năng của Chúa Giêsu trên Xatan được khẳng định qua chi tiết: “Khi thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: ‘Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!’” (Mc 5:6-7). Một chi tiết khác chúng ta cần lưu ý là việc Chúa Giêsu hỏi tên thần ô uế về tên của nó. Biết tên để gọi, để thiết lập quan hệ và cũng để “kiểm soát.” Tuy nhiên, thần ô uế không cho biết tên riêng của mình mà chỉ đơn giản nói, “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm” (Mc 5:9). Sau khi trừ quỷ, người bị quỷ ám “nài xin được ở với Người” (Mc 5:18), nhưng cuối cùng anh vâng lời Chúa Giêsu là “về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào. Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc” (Mc 5:19-20). Từ một người không ai có thể chế ngự trở thành một người làm cho nhiều người kinh ngạc về sự biến đổi của mình; từ một người luôn hành hạ mình thành người “ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo” (Mc 5:15). Đây là chân lý mà chúng ta cần phải sống: Gặp gỡ Chúa Giêsu mang lại sự biến đổi đầy kinh ngạc: Từ người sống trong sự kiềm chế của Xatan thành người rao truyền những kỳ công của Thiên Chúa cho người khác, tức là người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

(2) Đàn heo: Sự hiện diện của đàn heo chỉ ra rằng sự kiện trừ quỷ của Chúa Giêsu xảy ra ở khu vực không thuộc người Do Thái vì heo là động vật ô uế và không được sử dụng làm thực phẩm (x. Lv 11:7-8). Chúng ta đọc thấy trong bài Tin Mừng rằng: Chúa Giêsu cho phép thần ô uế nhập vào đàn heo và đàn heo lao xuống biển và chết ngộp dưới đó (x. Mc 5:13). Sự kiên này được các học giả Kinh Thánh giải thích theo nhiều chiều hướng khác nhau: (a) việc trừ quỷ của Chúa Giêsu là nguyên nhân của sự hoảng loạn nơi đàn heo; (b) câu chuyện này chứng minh về sự lừa dối của Xatan; (c) câu chuyện này là câu chuyện trừ quỷ của một người trừ quỷ Do Thái mà Thánh Máccô lấy và gán cho Chúa Giêsu. Dù được giải thích theo hướng nào đi nữa, thì vấn đề nghiêm trọng ở đây là gán việc huỷ hoại đàn heo cho Chúa Giêsu và đây là lý do tại sao dân chúng “lên tiếng nài xin Người đi khỏi vùng đất của họ” (Mc 5:17). Tuy nhiên, ý nghĩa đằng sau của việc phá huỷ đàn heo, là thứ ô uế, đồng nghĩa với việc phá huỷ quyền lực của Xatan. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể phá huỷ những gì không thanh sạch trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có cho phép Ngài làm điều này trên cuộc sống của chúng ta như Ngài đã làm cho người bị quỷ ám trong bài Tin Mừng hôm nay không?

(3) Dân chúng trong vùng: Chứng kiến việc Chúa Giêsu làm, những người chăn heo bỏ chạy, báo tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ phát sợ và lên tiếng nài xin Người đi khỏi vùng đất của họ (x. Mc 5:14-17). Chúng ta thấy phản ứng của họ rất tự nhiên: Từ tò mò đến sợ hãi, từ kinh ngạc đến loại trừ. Giống như dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay, thấy lợi ích vật chất từ đàn heo bị mất, họ sợ những lợi ích vật chất khác cũng sẽ bị mất như thế khi để Chúa Giêsu ở lại với họ, chúng ta cũng mời Chúa đi khỏi cuộc đời của chúng ta vì chúng ta sợ mất đi những lợi ích mà mình đã quá quen thuộc. Điều đáng buồn ở đây là dân chúng [chúng ta] không nhận ra giá trị của nhân vị con người trên giá trị của vật chất: Họ mất đàn heo! Nhưng họ quên mất là họ “tìm lại được người anh em của mình.” Nhiều khi trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng đặt giá trị và lợi ích vật chất trên giá trị và nhân phẩm của người khác. Chúng ta thà mất người anh chị em của mình hơn là lợi ích cá nhân hoặc tiện nghi vật chất mà chúng ta đang hưởng dùng. Hãy đặt đúng mọi sự trên bậc thang giá trị của chúng!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB