Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Vững Tin Trong Sóng Gió Cuộc Đời

(Gr 28:1-17; Mt 14:13-21)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta nghe câu chuyện về dân Israel trong thời lưu đày ở Babylon. Trong lúc lưu đày, ước muốn của mọi người là được trở về lại quê cha đất tổ của mình để xây dựng lại nhà Đức Chúa, xây dựng lại nhà cửa làng mạc. Vì niềm hy vọng này, nhiều ngôn sứ giả đã xuất hiện, mang cho dân niềm hy vọng không thật. Niềm hy vọng này có mục đích thoả mãn ước mơ tự nhiên của dân Israel hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta thấy điều này trong lời tuyên sấm của ngôn sứ Khanangia, con ông Átdua, người Ghípôn (Gr 28:1): “Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel, phán như sau: Ta sẽ bẻ gãy ách của vua Babylon. Còn hai năm nữa, Ta sẽ đem về nơi này mọi đồ dùng trong Nhà Đức Chúa, mà Nabucôđônôxo, vua Babylon, đã lấy ra khỏi nơi này đưa sang Babylon. Cả Giơkhongia, con của Giơhôgiakim, vua Giuđa và tất cả những người Giuđa bị lưu đày sang Babylon, chính Ta sẽ dẫn chúng về nơi đây – sấm ngôn của Đức Chúa vì Ta bẻ gãy ách của vua Babylon!” (Gr 28:2-4). Nhìn từ khía cạnh tự nhiên, không có những lời nào mang lại niềm vui và hy vọng cho một dân đang sống dưới ách nô lệ. Nhưng nhìn từ khía cạnh siêu nhiên, đây không phải là đường lối của Thiên Chúa. Chi tiết này cho chúng ta thấy trong cuộc sống có những thứ nhìn từ khía cạnh con người thì rất hợp lý. Nhưng khi nhìn từ một khía cạnh toàn diện hơn, nhất là từ khía cạnh thiêng liêng, những gì hợp lý của con người trở thành vô nghĩa trước mặt Thiên Chúa.

Đứng trước lời sấm của Khanangia, Giêrêmia chỉ ra đâu là tiêu chuẩn để biết lời sấm đến từ Đức Chúa, đó là sự ứng nghiện của lời tuyên sấm Ngôn sứ Giêrêmia nói: “Amen ! Ước gì Đức Chúa làm như thế! Ước gì Người thực hiện các điều ông vừa tuyên sấm, và đưa các đồ dùng trong Nhà Đức Chúa cũng như tất cả những người lưu đày từ Babylon trở lại nơi này. Nhưng xin ông lưu ý đến lời tôi sắp nói cho ông và cho toàn dân nghe đây: Các ngôn sứ có trước tôi và ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về nhiều xứ sở và vương quốc hùng mạnh, là sẽ có chiến tranh, tai ương và ôn dịch; còn ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an, thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm, ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ được Đức Chúa thật sự sai đến!’” (Gr 28:6-9). Trong cuộc sống, chúng ta cũng nghe nhiều người nói “lời sấm,” đó là những lời nói với nhau trong đời sống thường ngày. Sự thật của những lời này chỉ được chứng minh qua năm tháng khi chúng được tỏ lộ ra trong hành động của đời sống thường ngày. Chúng ta cần làm cho lời nói và việc làm của chúng ta đi đôi với nhau.

Điều cuối cùng chúng ta có thể suy gẫm trong bài đọc 1 là số phận của những người sử dụng sự dối trá để làm cho người khác tin vào mình và sống trong niềm hy vọng sai lạc: “Khi ấy, ngôn sứ Giêrêmia nói với ngôn sứ Khanangia: ‘Ông Khanangia, hãy nghe đây, Đức Chúa chẳng hề sai ông, thế mà ông lại làm cho dân này tin vào điều dối trá. Bởi thế, Đức Chúa phán như sau: Này, Ta sẽ bứng ngươi ra khỏi mặt đất: Ngay năm nay, ngươi sẽ phải chết vì ngươi đã hô hào nổi loạn chống Đức Chúa.’ Ngôn sứ Khanangia đã chết vào tháng bảy năm ấy” (Gr 28:15-17). Số phận của những người dùng danh nghĩa Thiên Chúa để mang lại cho người khác những niềm vui và hy vọng giả tạo sẽ rất khóc liệt. Nếu chúng ta thật lòng với chính mình, cũng nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng mang cho người khác niềm hy vọng ảo. Chúng ta sợ nói sự thật; chúng ta không dám nói cho người khác điều Thiên Chúa muốn, mà chỉ nói những gì người khác muốn nghe. Chúng ta sẽ cùng chung số phận với những ngôn sứ giả nếu chúng ta không can đảm nói lời Đức Chúa.

Như chúng ta đã chia sẻ hôm qua, bài Tin Mừng hôm nay được đặt ngay sau cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả, là dấu hiệu báo trước định mệnh của một tiên tri. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không như cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả. Cái chết của Gioan Tẩy Giả là để làm chứng cho sự thật, cho Chúa Giêsu. Còn cái chết của Chúa Giêsu là mang sự sống cho mọi người. Điều này được ám chỉ trong phép lạ hoá bánh ra nhiều được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng bắt đầu với thông tin về cái chết của Gioan Tẩy Giả. Đây chính là lý do “Đức Giêsu xuống thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt” (Mt 14:13). Tuy nhiên, dù đã lánh đi một nơi hoang vắng riêng biệt, nhưng “nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.” Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại vị trí của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình: Ngài có sức hấp dẫn tôi đến nỗi tôi phải đi tìm Ngài bất kỳ nơi đâu, dù là trong nơi hoang vắng riêng biệt không? Nhìn từ khía cạnh khác, chi tiết này giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ tìm được Chúa Giêsu khi chúng ta ra khỏi sự ồn ào của đời sống thường ngày, vào nơi thanh vắng riêng biệt [của cõi lòng] để tìm và gặp Ngài ở đó.

Điều thứ hai chúng ta suy gẫm là thái độ của Chúa Giêsu: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14:14). Trong những lời này, Thánh Mátthêu cho chúng ta hay rằng khi nhìn thấy đám đông Chúa Giêsu chạnh lòng thương và Ngài diễn tả lòng thương này qua việc chữa lành các bệnh nhân của họ, chứ không qua việc giảng dạy họ nhiều điều như trong Tin Mừng Thánh Máccô. Lòng thương của Chúa Giêsu không dừng lại ở việc chữa lành bệnh nhân, mà còn cung cấp cho họ thức ăn. Tuy nhiên, các môn đệ là người đầu tiên nhìn thấy nhu cầu cần thức ăn của đám đông và họ tìm ra cách giải quyết rất thực tế và dễ dàng: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14:15). Nhưng Chúa Giêsu muốn đặt thách đố này trước các môn đệ: anh em đã nhận ra nhu cầu của đám đông, vậy thì “họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14:16). Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn huấn luyện các môn đệ trở nên tự tin hơn và có thái độ đi bước trước trong việc đáp ứng nhu cầu của đám đông. Ngài muốn các môn đệ trở thành những người “lãnh đạo” chân chính như Ngài. Khi bị Chúa Giêsu đặt trước mặt một thách đố lớn, các môn đệ nhận ra tình trạng thiếu thốn của mình: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” (Mt 14:17). Nhưng Chúa Giêsu đón nhận sự thiếu thốn đó với trọn tình thương: “Đem lại đây cho Thầy!” (Mt 14:18). Chính sự “thiếu thốn” của các môn đệ và “lòng thương” của Chúa Giêsu đã làm cho phép lạ xảy ra: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn khoảng chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14:20-21). Ai trong chúng ta cũng biết được tình trạng “thiếu thốn” của mình. Nhưng liệu chúng ta có để tình thương của Thiên Chúa biến đổi sự thiếu thốn đó trở thánh “dư thừa” hầu làm cho mọi người được ăn no nê không? Phép lạ được thuật lại ở đây không chỉ là việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, nhưng còn làm cho sự “yếu đuối và thiếu thốn” của chúng ta thành “sức mạnh và dư thừa” trong niềm tin vào Chúa và phục vụ anh chị em.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB