Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XX Thường Niên – Sự Hoàn Thiện: Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Chúa Giêsu

(Ed 24:15-24; Mt 19:16-22)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Đức Chúa truyền lệnh cho Êdêkien tiếp tục trở thành dấu chỉ cho con cái Israel về điều Đức Chúa muốn, qua lời nói và hành động của mình. Điều cần thiết là ngôn sứ phải thực hành tất cả những gì mà Đức Chúa phán với ông: “Hỡi con người, này Ta sẽ bất thần cất khỏi ngươi niềm vui của mắt ngươi. Nhưng ngươi không được thương tiếc người chết, không được khóc lóc, không được để nước mắt trào ra. Hãy rên rỉ âm thầm, đừng làm đám tang cho người chết; hãy đội khăn, đi dép; không được che râu ria; không được ăn bánh người ta đưa đến” (Ed 24:16-17). Những hành động của Êdêkien báo trước những điều sẽ xảy ra cho con cái Israel “đánh phạt” họ với lỗi lầm họ đã xúc phạm đến Ngài. Đứng trước tình cảnh đó, Êdêkien trở thành dấu chỉ qua đó dân Israel biết được huấn lệnh của Đức Chúa. Nói cách khác, cuộc sống của ngôn sứ với những gì ông trải qua trở thành phương thế mà qua đó con cái Israel nhận ra điều Chúa muốn nơi họ: “Êdêkien sẽ nên điềm báo cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm y như nó đã làm. Khi sự việc xảy ra, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, là Chúa Thượng” (Ed 24:24). Hình ảnh của ngôn sứ Êdêkien là dấu chỉ cho con cái Israel trở thành lời mời gọi cho chúng ta trở thành dấu chỉ cho con người thời đại, nhất là cho những anh chị em đang sống với hoặc sống chung quanh chúng ta. Những hành động, lời nói và cả cuộc sống của chúng ta trở thánh dấu chỉ mà qua đó người khác có thể bắt chước vì họ tin rằng đó là điều Thiên Chúa muốn. Để làm được điều này, chúng ta cần phải chăm chú lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành những gì Ngài nói với chúng ta, chứ không làm những gì chúng ta muốn.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện về người thanh niên giàu có với Chúa Giêsu. Câu chuyện này cũng được Thánh Máccô (10:17-31) và Thánh Luca (18:18-30) thuật lại. Cuộc đối thoại có thể được chia ra làm hai giai đoạn: Trong giai đoạn 1 (19:16-20), cuộc đối thoại xoay quanh câu hỏi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời; trong giai đoạn 2 (19:21-22), nội dung chính của cuộc đối thoại là làm thế nào để nên hoàn thiện. Chúng ta có thể viết lại toàn bộ câu chuyện dưới dạng đối thoại [kịch nghệ] như sau:

Người thanh niên:      “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”

Chúa Giêsu:                   “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.”

Người thanh niên:      “Điều răn nào?”

Chúa Giêsu:                   “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian.  Ngươi phải thờ cha kính mẹ,” và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.”

Người thanh niên:      “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?”

Chúa Giêsu:                   “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

Người thanh niên:      [buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.]

Trong tư tưởng của người thanh niên, sự sống đời đời chỉ đạt được khi chúng ta “phải làm điều gí đó tốt,” chứ không là “phải là con người như thế nào.” Chúng ta cần lưu ý rằng chỉ mình Thánh Mátthêu chỉ rõ trong câu chuyện người đến hỏi Chúa Giêsu là một người thanh niên. Vì cảm thấy một sự không hoàn mỹ trong cuộc sống dù đã làm điều tốt, nên người thanh niên đã đến với Chúa Giêsu. Điều này cho thấy, những vấn nạn về ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống chỉ tìm thấy nơi Chúa Giêsu. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài là Đấng tốt lành. Ngài nói người thanh niên nếu muốn vào cõi sống hay đúng hơn là Nước Trời, thì anh phải giữ các điều răn. Ở đây, Chúa Giêsu khẳng định giá trị bất biến của Mười Điều Răn như là một con đường đưa đến sự sống [đưa chúng ta vào Nước Trời]. Ngài không đến để phá huỷ, nhưng để kiện toàn nó. Những việc Chúa Giêsu đặt ra trước mặt người thanh niên là viên đá thứ hai của Mười Điều Răn (x. Xh 20:13-16; Đnl 5:17-20). Nói cách cụ thể, để được vào Nước Trời, anh phải tuân giữ những điều răn được ghi trên viên đá thứ hai. Chúa Giêsu thêm vào những giới răn đó giới luật yêu đồng loại như chính mình (x. Lv 19:18). Chi tiết này cho thấy, trong cấp độ “nhân bản,” tình yêu dành cho người khác là con đường đưa đến Nước Trời. Tuy nhiên, trong lời đối thoại của người thanh niên, chúng ta thấy điều này chưa đủ, dù anh ta đã tuân giữ các điều răn từ thuở nhỏ. Tự trong thâm tâm, người thanh niên biết tình yêu của mình hoàn toàn mang tính con người [nhân bản] và như thế chưa hoàn hảo [vì con người là hữu thể giới hạn].

Sự khao khát nên hoàn hảo, đi vượt ra khỏi chính mình để đạt đến Thiên Chúa, là khát vọng được viết trong con tim của con người. Con người không chỉ dừng lại với những giá trị nhân bản, nhưng khao khát để đạt được những giá trị siêu nhiên. Đây chính là điều mà người thanh niên cảm nhận trong cuộc sống của mình dù đã làm “những việc tốt” mà bản tính con người đòi hỏi vẫn cảm thấy mong ước đạt đến mức độ cao hơn. Vì vậy, anh ta mới hỏi Chúa Giêsu về điều mình thiếu để nên hoàn thiện. Chi tiết này được Thánh Mátthêu thêm vào để ám chỉ đến việc chúng ta phai thực thi lề luật (x. Mt 5:48) hầu đạt đến sự hoàn hảo. Theo các học giả Kinh Thánh, câu “nếu anh muốn nên hoàn thiện” dẫn đến sự phân biệt giữa các giới răn (nói cho tất cả những người tin) và những lời khuyên phúc âm (nói cho một số ít). Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu đưa ra cho người thanh niên những tiêu chuẩn mà Ngài đã nói với các môn đệ của Ngài, đó là từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ngài. Cụ thể là anh phải bán hết những gì anh có, cho người nghèo và đến theo Ngài. Sự hoàn hảo chính là trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, là “theo Ngài” hay đúng hơn là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Thật vậy, Chúa Giêsu là “con người hoàn hảo.” Khi chúng ta không sống cho chính mình [từ bỏ con người mình], nhưng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài mỗi ngày thì chúng ta đang trên con đường trở nên hoàn hảo. Điều đáng tiếc là người thanh niên đã bỏ đi cách “buồn bã” vì anh ta không dám bỏ đi của cải trần thế của mình để chiếm lấy Nước Trời, đó chính là Chúa Giêsu. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về thái độ sống của mình. Nhiều lần chúng ta cũng không dám bỏ “của cải trần thế” để chiếm lấy kho tàng ở trên trời, để chiếm lấy Chúa Giêsu. Cụ thể là nhiều khi chúng ta không dám bỏ đi sự thù ghét và tự ái, để chiếm được giá trị nước trời là cảm thông và tha thứ.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB