Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Hãy Yêu Với Một Tình Yêu Không Giới Hạn

(1 Cr 11:17-26.33; Lc 7:1-10)

Bài đọc 1 được các học giả Kinh Thánh xem là bản văn “cổ nhất” trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Những lời được ghi lại bởi Thánh Phaolô trở thành lời truyền phép mà chúng ta thường nghe trong mỗi thánh lễ. Điểm quan trọng nhất trong bài đọc 1 mà chúng ta thường không để ý đến là câu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “‘mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cor 11: 25-26). Khi đọc những lời này, chúng ta thường nghĩ rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta lập lại nghi thức bẻ bánh, tức là nghi thức trong phụng vụ Thánh Thể. Điều này không sai. Nhưng khi Chúa Giêsu nói những lời này, Ngài muốn chúng ta “làm việc này,” tức là phải đổ máu mình ra cho anh chị em mình: chồng hy sinh cho vợ, vợ hy sinh cho chồng, cha mẹ hy sinh cho con cái, con cái hy sinh cho cha mẹ và cho nhau, v.v. Chính qua những hy sinh nhỏ bé hằng ngày mà chúng ta “loan truyền Chúa đã chịu chết” cho chúng ta để rồi đến phiên mình, chúng ta cũng chết cho anh chị em của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu trình bày cho chúng ta về sứ điệp của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa là cho mọi người [cả nam lẫn nữ] và đánh sập mọi bức tường ngăn cách của vấn đề sạch và ô uế (x. Lc 7:1-9:6). Nói cách cụ thể hơn, phần này nêu bật việc Chúa Giêsu vượt qua những hàng rào chia cách sự thanh sạch với ô uế để khôi phục lại sự sống và sự hiệp thông trong cộng đoàn cho những thành viên bị loại trừ. Điều này được bắt đầu trong câu chuyện chữa lành người đầy tớ của viên đội trưởng. Trong câu chuyện này, Thánh Luca trình bày cho chúng ta về việc người “dân ngoại ô uế” mở rộng cõi lòng cho sứ điệp của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa. Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện này là dấu hiệu báo trước về sứ mạng của Kitô giáo hướng đến với thế giới của dân ngoại. Trong câu chuyện này, Thánh Luca tập trung vào đề tài “ai là người xứng đáng để đón nhận những lợi ích” từ Chúa Giêsu, Đấng được xem là “ngôn sứ” trong Israel (x. Lc 7:16).

Ngoài Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng có hai “nhân vật” chúng ta cần lưu ý đó là viên đại đội trưởng và các kỳ mục. Chúng ta cùng nhau phân tích thái độ của họ hầu học nơi họ những điều cần thiết cho việc đáp trả lại sứ điệp Nước Thiên Chúa. Trước tiên là viên đại đội trưởng. Ông ta là một người dân ngoại, có thể là người được vua Hêrôđê Antipas thuê làm việc. Chúng ta sẽ hiểu câu chuyện này khi đọc nó song song với câu chuyện được Thánh Luca trình thuật trong sách Công Vụ Các Tông Đồ về người dân ngoại đầu tiên tin vào Chúa cũng là viên đại đội trưởng tên là Cornelius (x. Cv 10). Tin Mừng trình bày cho chúng rằng, dù là một người dân ngoại, không có quan hệ gì với người Do Thái [đôi khi có lẽ là kẻ thù], “ông quý mến dân ta [dân Israel]” và “ông đã xây cất hội đường cho chúng ta” (Lc 7:5). Ông đã vượt qua khuynh hướng tự nhiên, đó là nghĩ đến chính mình và dân riêng của mình. Tình yêu ông mở rộng cho những người không có liên quan máu thịt với ông. Ông quý mến người đầy tớ đang bị bệnh nặng và mong muốn người đầy tớ được chữa lành. Chính tình yêu “cho những người không thuộc về máu mủ” của mình đã đưa ông đến với Chúa Giêsu. Hay nói cách khác, chính trong tình yêu của viên đại đội trưởng, chúng ta nhìn thấy tình yêu không phân biệt và vô điều kiện của Thiên Chúa được diễn tả qua Đức Giêsu. Tình yêu của viên đội trưởng thách đố chúng ta, những người tự xưng là những người “có đạo” hay “ngoan đạo.” Chúng ta vẫn thường giới hạn tình yêu của mình vào một nhóm người chúng ta cảm thấy “thoải mái” với. Đối diện với viên đại đội trưởng, chúng ta được mời gọi ra khỏi giới hạn của tình yêu, để yêu với một tình yêu vô hạn và vô điều kiện của Chúa Giêsu.

“Nhân vật” thứ hai chúng ta suy gẫm là “mấy kỳ mục của người Do Thái.” Đây là nhóm đầu tiên trong hai nhóm mà viên đại đội trưởng sai đến với Chúa Giêsu. Công việc những người này làm là “đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: ‘Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta’” (Lc 7:4-5). Hành động của họ dàn cảnh cho đề tài về việc ai sẽ là người xứng đáng để đón nhận ơn cứu độ từ Chúa Giêsu. Hệ quả chúng ta thấy là, các kỳ mục nói: Bởi vì tất cả những gì viên đại đội trưởng làm cho dân, chúng ta không nên xem ông như một người dân ngoại, như vậy, ông không ở ngoài phạm vi của phép lành mà Chúa Giêsu ban cho dân Israel. Nói cách khác, các kỳ mục cho rằng ông xứng đáng để nhận được ơn phúc từ Chúa Giêsu. Hình ảnh các kỳ mục mời gọi chúng ta có một cái nhìn rộng mở để đón nhận tất cả những người mà chúng ta nghĩ là không thánh thiện, không xứng đáng để đón nhận tình yêu của Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện cho họ để họ cũng được hưởng những gì mà Chúa ban cho chúng ta, đó là ơn cứu độ.

Đến đây, chúng ta trở lại với viên đại đội trưởng. Trước việc các kỳ mục cho rằng ông xứng đáng để nhận được ơn phúc từ Chúa Giêsu, viên đại đội trưởng không nghĩ mình xứng đáng nhận được ơn phúc đó, nên “khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: ‘Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.” (Lc 7:6-8). Trong những lời này, viên đại đội trưởng chân nhận rằng ông không phải là một người thánh thiện hoặc tốt lành như người khác nghĩ mà xứng đáng để Chúa Giêsu đến nhà và như thế lỗi phạm luật thanh sạch. Sử dụng lối loại suy từ kinh nghiệm của mình, ông chân nhận rằng Chúa Giêsu có quyền lực trên sự chết. Chỉ lời của Chúa Giêsu cũng đủ để phục hồi sức khỏe cho người đầy tớ. Thái độ này của viên đại đội trưởng chỉ cho chúng ta một sự thật rằng: ơn cứu độ là một món quà nhưng không của Thiên Chúa. Nó không lệ thuộc vào sự “xứng đáng” của một người, nhưng nó hệ tại tình yêu của Thiên Chúa.

Đứng trước sự khiêm nhường của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu đã dùng ông làm gương sáng cho tất cả những người Do Thái [và cho chúng ta]: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7:9). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định rằng, viên đại đội trưởng xứng đáng với sự quan tâm của Ngài không phải vì ông đã làm nhiều việc tốt cho dân Israel, nhưng ông tin rằng Thiên Chúa, qua Đức Kitô đã chiến thắng sự chết. Đức tin không mong chờ của ông đối nghịch với đức tin của những người được mong chờ phải tin, nhưng lại không tin. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng làm nhiều việc tốt và chúng ta nghĩ mình tốt hơn người khác, xứng đáng hơn người khác để được ơn cứu độ. Khi làm như vậy, chúng ta làm việc tốt chỉ để so sánh mình với người khác, chứ chúng ta không làm việc tốt như là lối diễn tả đức tin và tình yêu của mình cho Thiên Chúa. Hãy dừng thái độ làm việc tốt để so sánh, để cho mình tốt hơn, thánh thiện hơn người khác. Nhưng hãy làm mọi việc tốt như là sự diễn tả cách chân thật đức tin, tình yêu, và niềm hy vọng của mình vào Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB