(Phil 2:1-4; Lc 14:12-14)
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 trình bày cho các tín hữu Philipphê về “bài ca tự hạ” của Đức Kitô. Chỉ nơi Đức Kitô mà tất cả chúng ta được nên một lòng một ý: “Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2:1-2). Khi nên một trong Đức Kitô, chúng ta sẽ không đem lòng ganh tị hay tìm kiếm hư danh, nhưng lấy lòng khiêm nhường để đối đãi với người khác, để không tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng tim lợi ích cho anh chị em mình (x. Pl 2:3-4). Nói tóm lại, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Philipphê và mỗi người chúng ta “hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 3:5).
Bài Tin Mừng hôm nay là phần đầu của những lời giảng dạy đầy khôn ngoan của Chúa Giêsu như một thực khách. Thánh Luca xây dựng trình thuật những lời giảng dạy này trên đề tài chọn chỗ nhất. Chúng ta có thể phân bài Tin Mừng hôm nay thành hai phần: Phần 1 (Lc 14:12) nói về những người mà theo lẽ tự nhiên chúng ta sẽ mời khi đãi tiệc và trong phần 2 (Lc 14 13-14), Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta phải mời những ai khi đãi tiệc. Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh của bữa tiệc và xảy ra trong ngày sa bát (x. Lc 14:12). Chi tiết này đưa chúng ta về với tinh thần vui tươi, hạnh phúc khi có Chúa Giêsu hiện diện hay đúng hơn khi đến với Chúa vào ngày sa bát [Chúa Nhật hay mỗi ngày]. Nói cách khác, ở đâu có Chúa Giêsu hiện diện, ở đó có niềm vui và sự tụ họp của tất cả mọi người, nhất là những người không được may mắn.
Phần 1 trình bày cho chúng ta khuynh hướng tự nhiên của con người mà Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta phải vượt qua: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi” (Lc 14:12). Những lời này chỉ rõ cách đối xử tự nhiên của con người, đó là dựa trên sự “công bình,” đó là “trả lại cho người khác những gì thuộc về họ.” Nói cách cụ thể, người ta cho mình cái gì, thì mình sẽ trả lại như thế. Đây chính là cách đối xử theo lẽ tự nhiên của con người.
Những lời trong phần 2 đưa chúng ta về trọng tâm của Kitô Giáo: “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14:13-14). Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài phải vượt qua cách đối xử tự nhiên, đó là đối xử dựa trên sự công bình. Những người theo Chúa Giêsu phải đối xử với người khác dựa trên đức bác ái.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB