(Am 7:10-17; Mt 9:1-8)
Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta việc những kẻ thù của Amốt âm mưu hại ông. Họ đã dựng chuyện tố cáo Amốt rằng: “Amốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ Israel, và đất nước này không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. Vì Amốt nói như thế này: “Giarópam sẽ chết vì gươm, và Israel sẽ bị đày biệt xứ” (Am 7:10-11). Thêm vào lời tố cáo này là lời răn đe: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều” (Am 7:12-13). Nhưng Amốt đã không chùn bước, không sợ hãi trước thế lực của những người chống lại mình. Amốt ý thức được căn tính và ơn gọi của mình. Là một vị ngôn sứ được Chúa chọn, Amốt phải trung thành với ơn gọi và sứ mệnh được giao: “Ông Amốt trả lời ông Amágia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta.’ Vậy giờ đây, hãy nghe lời Đức Chúa phán” (Am 7:14-16). Hình ảnh của Amốt đáng để chúng ta học đòi bắt chước. Là những Kitô hữu [những người được thánh hiến cho Thiên Chúa], nhiều khi chúng ta không can đảm sống đúng và sống trung thành với căn tính và ơn gọi của mình. Chúng ta sợ hãi trước sự chống đối hoặc nản lòng trước những thất bại hay lời gièm pha của người khác. Chúng ta cần đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời mình. Chỉ có như thế chúng ta mới khám phá ra giá trị đích thật của ơn gọi và căn tính của mình.
Hôm qua, chúng ta nghe đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu làm cho biển yên gió lặng. Trong trình thuật đó, Chúa Giêsu quở trách các môn đệ “kém lòng tin.” Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành người bại liệt vì thấy “lòng tin” của những người khiêng anh ta. Phép lạ chữa lành người bị bại liệt xảy ra ở thành của Chúa Giêsu, đó là Nazarét (x. Mt 9:1). Điểm đầu tiên đáng để chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt dựa trên lòng tin của người khác. Thông thường, sau khi chữa một ai đó, Chúa Giêsu nói, “lòng tin của anh [ngươi] đã cứu chữa anh [ngươi].”
Câu chuyện chữa lành kẻ bại liệt được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:1-12). Sự khác biệt là trong trình thuật của Thánh Máccô, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hai phần gần như tách biệt, đó là phép lạ chữa bệnh (x. câu 1-5a và 11-12) và hành động tha thứ (x. câu 5b-10). Còn Thánh Mátthêu làm cho hai phần này tan chảy vào nhau, đồng thời bỏ đi những “chi tiết màu mè” như dỡ mái nhà và đưa người bệnh xuống từ lỗ hổng. Điều chúng ta đáng lưu ý trong câu chuyện và hai câu chuyện kế tiếp [gọi Mátthêu (Mt 9:9-13 và ăn chay (Mt 9:14-17)], có ba nhóm chống đối lại Chúa Giêsu: nhóm kinh sư (x. Mt 9:3), nhóm Pharisêu (Mt 9:11), và nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Mt 9:14). Qua chi tiết này, Thánh Mátthêu muốn cung cấp cho người nghe một cách hệ thống toàn bộ tình hình đang xảy ra cho Chúa Giêsu.
Câu chuyện hôm nay trình bày cho chúng ta về việc chống đối của nhóm kinh sư. Họ chống đối Chúa Giêsu về điều gì? “Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng” (Mt 9:3). Các kinh sư không sai khi khẳng định rằng tha thứ tội là hành động của chỉ mình Thiên Chúa, vì tội là hành vi chống lại Thiên Chúa. Theo lối suy nghĩ thời đó, người nào kiểm soát máng chuyển thông ơn tha thứ trong xã hội là kiểm soát xã hội đó. Vì vậy, sự trả giá phải rất cao. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Ngài phải trả giá bằng cái chết với tội danh “nói phạm thượng.”
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho các kinh sư bao gồm những yếu tố sau: (1) Ngài đưa họ vào trong thế giới nội tâm [“Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?” (Mt 9:4); (2) Ngài bắt họ chọn lựa: “Trong hai điều: một là bảo: ‘Tội con được tha rồi,’ hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi,’ điều nào dễ hơn?” (Mt 9:5); (3) Ngài khẳng định Ngài [Con Người] là Thiên Chúa qua quyền tha tội: “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mt 9:6); (4) Ngài chữa lành người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!” (Mt 9:6). Những chi tiết này liên quan chặt chẽ với nhau. Vấn đề đang bàn cãi ở đây là việc tha tội. Như chúng ta biết, tội lỗi thường là vấn đề của đời sống thiêng liêng [nội tâm]. Vì vậy, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là đưa các kinh sư vào trong thế giới nội tâm để khám phá ra ở đó những ý nghĩ xấu. Sau đó, Ngài đặt trước mặt họ hai chọn lựa: cách nào dễ hơn – “tội con được tha rồi” hay “đứng dậy mà đi.” Theo bối cảnh, Chúa Giêsu muốn nói với các kinh sư rằng: thật dễ để nói “tội con được tha rồi,” vì điều này không có sự kiểm chứng mang tính thể lý. Nhưng thật khó để làm, bởi vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm; thật khó để nói “đứng dậy mà đi,” bởi vì lời của chúng ta sẽ được kiểm chứng có ứng nghiệm hay không bởi kết quả. Chúa Giêsu đã làm hai phần khó, đó là tha tội và nói “đứng dậy mà đi” và lời Ngài được kiểm chứng là ứng nghiệm qua kết quả “Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà” (Mt 9:7).
Phản ứng của dân chúng: “Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế” (Mt 9:8). Đây là chi tiết Thánh Mátthêu hoàn toàn thay đổi so với Thánh Máccô. Thánh sử di chuyển sự chú ý khỏi sự sửng sốt [trong Tin Mừng Thánh Máccô 2:12) khi chứng kiến phép lạ sang đề tài mang tính thần học, đó là Chúa Giêsu là “Con Người” (câu 6) có quyền tha tội và mở rộng quyền đó cho các thành viên trong Giáo Hội. Đây là lối nói ám chỉ điều Thánh Mátthêu ưa thích về Giáo Hội (x. Mt 16:18; 18:17). Điều này phản ánh điều thánh sử quan tâm đến đó là quyền của Chúa Giêsu sẽ có hiệu lực trong và qua Giáo Hội. Đây là vấn đề mà thế hệ thứ 2 và 3 của các tín hữu phải đối diện. Vần đề này chỉ được giải quyết nếu họ có niềm tin vào Chúa Giêsu [“thấy niềm tin của họ”].
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB