Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật XXII Thường Niên – Đáp Lại Lời Mời Gọi Của Chúa Giêsu Cách Dứt Khoát

(1 Cr 3:18-23; Lc 5:1-11)

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô khuyến cáo các tín hữu Côrintô về việc “tự lừa dối mình.” Theo thánh nhân, những người tự lừa dối mình là những “ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời” (1 Cr 3:18). Đó là những người cho mình thông minh, khôn ngoan hơn người khác để rồi xem thường anh chị em mình. Thánh Phaolô khuyên nhủ những người đó sống “như điên rồ” [không biết gì, hay đúng hơn là sống đơn sơ chân thật] để được khôn ngoan trong Chúa. Thánh Phaolô cho biết, dù cố gắng tìm cách tỏ ra khôn ngoan trước mặt người khác và tìm cách che đậy những giới hạn hay yếu đuối của mình trước mặt người đời, thì Thiên Chúa vẫn biết những gì đang xảy ra trong tâm hồn chúng ta: “Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài” (1 Cr :319-20). Điều đáng để chúng ta tự hào không phải là thuộc về con người mà là việc chúng ta thuộc về Đức Kitô, thuộc về Thiên Chúa: “Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3:21-23). Chúng ta đang thuộc về ai: Thiên Chúa hay con người? Dấu hiệu cho chúng ta biết điều này là không có sự ghen tỵ, giận hờn và chia rẽ ở giữa chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên. Nếu liên kết phần này với chương 4, chúng ta nhận ra được mục đích của Thánh Luca trong phần này, đó là trình bày thái độ tích cực trước sứ điệp Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng gồm có bốn điểm chính liên quan đến nhau: (1) lời đáp trả thật tích cực của Phêrô với lời đề nghị của Chúa Giêsu cùng với Giacôbê và Gioan. Lời đáp trả này là điểm đầu tiên được trình bày trong câu chuyện và nó được đặt song song với phản ứng không mấy thân thiện của những người ở Nadarét và Caphácnaum. Như chúng ta đã thấy, những người cùng làng Nadarét đã phản ứng cách mạnh mẽ trước lời giảng dạy của Chúa Giêsu về lời hứa và sự hoàn thành (x. Lc 4:16-30). Và chúng ta cũng thấy Lc 10:15 chỉ ra rằng, phản ứng của những người Caphácnaum cũng không hoàn toàn tích cực (x. Lc 4:31-43); (2) Thánh Luca chứng minh qua những câu chuyện của mình trong Lc 4:16-44 những gì liên quan đến lời giảng dạy của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa, thánh nhân trình thuật câu chuyện kể về việc Chúa Giêsu ghi danh Phêrô như là người giúp việc trong hoạt động Nước Trời của Ngài và gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo lối sống Nước Trời này. Và họ đã đáp lại cách triệt để vì họ đã bỏ hết mọi sự vì Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta mỗi ngày để theo Ngài. Lời đáp trả của chúng ta thế nào: tích cực, triệt để hay nửa vời? (3) trong câu chuyện này, đặc biệt trong câu 10, Thánh Luca vẽ những nét đầu tiên mang tính “tâng bốc” và đầy quý mến về Thánh Phêrô; (4) sự thành công trong sứ vụ của Thánh Phêrô, đó là mẻ cá bắt được, không phải là công sức của thánh nhân, nhưng là của Chúa Giêsu. Chúng ta tiếp tục phân tích cách chi tiết hơn để hiểu được sứ điệp Chúa nói qua bài Tin Mừng hôm nay.

Trong phần đáp trả của Thánh Phêrô (Lc 5:1-3), chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc “dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.” Những lời này khẳng định cho chúng ta biết Chúa Giêsu nói lời Thiên Chúa. Câu này [lời Thiên Chúa] xảy ra 14 lần trong sách Công Vụ Các Tông Đồ và một cách chung nó ám chỉ đến sứ điệp Kitô giáo. Khi sử dụng từ này cho việc giảng dạy của Chúa Giêsu, Thánh Luca đặt nền tảng của việc rao giảng của cộng đoàn tín hữu của Ngài trên chính giáo huấn của Chúa Giêsu. Chi tiết này mời gọi chúng ta xem xét lại mục đích chúng ta đến với Chúa cũng như lời nói của chúng ta. Chúng ta đến với Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa và rồi lời nói [lối sống] của chúng ta cũng phải được đặt nền trên lời Ngài, lời mang lại sự sống.

Chi tiết thứ hai là vị trí quan trọng của Thánh Phêrô trong câu chuyện được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay nói riêng và toàn bộ Tin Mừng thánh Luca [và Công Vụ Các Tông Đồ] nói chung. Điều này chứng tỏ Thánh Luca có một sự kính trọng sâu đậm dành cho thánh Phêrô, người có vai trò quan trọng trong việc thiết lập Giáo Hội tiên khởi. Điều này được chứng minh qua hai sự kiện mà thánh Phêrô được Chúa Giêsu cầu nguyện riêng cho (Lc 22:31-32) và Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho mình thánh nhân (Lc 24:34). Bên cạnh đó, thánh Luca bỏ đi những nhận định tiêu cực về thánh Phêrô mà thánh Máccô trình thuật trong Tin Mừng của mình (x. Mc 8:32-33; 14:37). Vì sẽ được chọn cho một vai trò quan trọng như thế, Chúa Giêsu “xuống thuyền” của ông để ngồi trên đó giảng dạy đám đông. Chi tiết này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu giảng dạy “trên thuyền” của ông Simon, hay đúng hơn là qua cuộc đời của ông Simon. Nói cách khác, Simon Phêrô có được vị trí cao trọng vì có Chúa trên chiếc thuyền đời ông và giảng dạy dân chúng qua cuộc đời ông. Chúa Giêsu cũng muốn lên chiếc thuyền cuộc đời chúng ta và giảng từ đó. Liệu chúng ta có cho phép Ngài không?

Chi tiết thứ ba làm chúng ta quan tâm là câu chuyện mẻ cá. Theo J. A. Fitzmyer, câu chuyện này (Lc 5:4-9) giống với câu chuyện được trình thuật trong Tin Mừng thánh Gioan (Ga 21:1-11). Theo ông, có 11 điểm tương đồng và 7 điểm khác biệt. Điều này chứng tỏ hai thánh sử làm chứng cách độc lập về việc Chúa Giêsu hiện ra với thánh Phêrô sau khi Ngài phục sinh. Thánh Gioan phát triển truyền thống này theo truyền thống riêng của mình bằng cách thêm vào hình ảnh của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Về phần mình, thánh Luca đưa câu chuyện vào trong trình thuật về sứ vụ trên trần thế của Chúa Giêsu và việc Ngài gọi những môn đệ đầu tiên nhằm mục đích nói đến ba thời khắc chính trong cuộc đời Thánh Phêrô, đó là (1) việc thánh nhân nhận ra Chúa Giêsu qua mẻ cá lạ lùng, (2) việc thánh nhân hoà giải với Chúa Giêsu sau khi chối ngài và (3) việc thánh nhân được Chúa Giêsu phục sinh trao sứ mệnh.

Bài Tin Mừng kết thúc với lời mời gọi của Chúa Giêsu về công việc tương lai của Thánh Phêrô và sự đáp trả cách triệt để và sẵn sàng của thánh nhân và các bạn: “‘Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.’ Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5:10-11). Chúng ta cần lưu ý đến thuật ngữ “từ nay.” Thuật ngữ này ám chỉ khởi đầu của một giai đoạn mới của ơn cứu độ. Khi Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô nhiệm vụ của ngài là “thu phục người ta,” hay đúng hơn là “chài lưới người.” Điều này đồng nghĩa với việc đưa họ đến cuộc sống mới trong Nước Thiên Chúa. Biểu tượng “chài lưới” có một bối cảnh rất phong phú trong thời cổ. Khi viết cho những người rất quen thuộc với truyền thống Hy Lạp – Rôma, Thánh Luca nêu bật khía cạnh của biểu tượng được những thầy dạy thời đó sử dụng để lôi kéo sinh viên đến với mình và qua việc giáo dục của mình, họ biến đổi cuộc đời của người thụ huấn. Khía cạnh này là móc câu. Thánh Phêrô sẽ thu phục những người nam người nữ với chính chiếc móc câu của lời Chúa và từ đó đem họ đến sự sống mới. [Nếu chúng ta tập trung vào biểu tượng “nước,” chúng ta sẽ đối diện với một khó khăn, vì biểu tượng này trình bày Thánh Phêrô như một người làm điều rất nguy hại cho con người vì theo lối suy diễn loại suy về những gì xảy ra cho cá bị đem ra khỏi nước, là sẽ chết, thì những người bị đem ra khỏi nước cũng sẽ bị chịu chung một số phận.] Đứng trước sứ vụ mới, đem người khác vào trong sự sống mới, Thánh Phêrô và những người bạn đã làm hai điều: (1) bỏ hết mọi sự và (2) đi theo Chúa Giêsu. Đây là hai điều kiện cần cho người môn đệ Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể mang người khác đến với Nước Trời hầu hưởng sự sống mới khi chúng ta bỏ đi tất cả những gì “thuộc về đất” [những gì níu kéo chúng ta lại] để hoàn toàn tự do đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu và làm môn đệ Ngài.

Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB