Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật XXV Thường Niên – Gặp Chúa Vì Tình Yêu Hơn Là Vì Tò Mò

(Gv 1:2-11; Lc 9:7-9)

Hôm nay, chúng ta bắt đầu nghe bài đọc 1 từ sách Giảng Viên [hay còn gọi là sách Côhelét] trong. Lời đầu tiên làm chúng ta đáng suy gẫm: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2). Nhìn lại lịch sử thế giới và cuộc đời mỗi người, chúng ta nhận ra mọi sự đều qua đi. Tìm kiếm vinh quang lợi lộc rồi con người cũng trở về cát bụi: “Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới” (Gv 1:3-8). Những chi tiết này không có ý đưa ra một lối suy nghĩ bi quan yếm thế, nhưng dạy cho chúng ta biết sống thế nào khi biết mọi sự chỉ là phù vân trong đời. Trong những lời trên chúng ta thấy mọi vật trong đời luôn sống đúng với bản chất của chúng và tuân theo định luật được đặt ra cho chúng. Điều này nhắc nhở chúng ta sống đúng với bản chất “người” [con Thiên Chúa] của mình đồng thời tuân theo đường lối Thiên Chúa vạch ra để chúng ta đạt đến cùng đích sống của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về định mệnh vị tiền hô của Chúa Giêsu. Khi trình thuật về sự kiện này, Thánh Luca muốn nhắc nhở thính giả của mình rằng: định mệnh của vị tiền hô tiên báo về định mệnh của Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài. Đoạn trích này cũng được Thánh Máccô (Mc 6:14-16) thuật lại. Nếu đặt trong cấu trúc, chúng ta sẽ thấy trích đoạn này là phần “thịt” được kẹp bên trong hai miếng “bánh mì,” đó là sai các môn đệ đi rao giảng (Lc 9:1-6) và các môn đệ trở về (Lc 9:10-17). Giống như sứ vụ của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối, thì Giáo Hội [các môn đệ của Chúa Giêsu] cũng sẽ gặp chống đối.

Chi tiết đầu tiên là thái độ của Hêrôđê khi nghe biết tất cả những gì Chúa Giêsu [và các môn đệ được sai đi] thực hiện, thì ông “phân vân”: “Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm” (Lc 9:7). Từ những gì xảy ra, ông phân vân về “con người.” Nói cách khác, từ những gì xảy ra đã làm cho ông băn khoăn tự hỏi: Chúa Giêsu là ai? Trong phần này, chúng ta thấy hình bóng của câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ: Người ta gọi thầy là ai? Còn anh em, anh em gọi thầy là ai? Bất kỳ ai trong chúng ta cũng phải đối diện với những câu hỏi này. Ngay cả Hêrôđê, ông cũng đối diện với câu hỏi như thế. Ông cũng nghe người ta nói về Chúa Giêsu là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy hay ông Êlia xuất hiện hay một ngôn sứ thời xưa sống lại (x. Lc 9:8). Những “ý kiến” của người khác không giải toả được sự phân vân của Hêrôđê. Ông muốn đi tìm câu trả lời về căn tính Chúa Giêsu cho riêng mình: “Còn vua Hêrôđê thì nói: ‘Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?’ Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu” (Lc 9:9). Trong những lời này, chúng ta thấy chứa đựng một chân lý mà chúng ta cần lưu ý, đó là nếu muốn có câu trả lời cho riêng mình về Chúa Giêsu, chúng ta phải “tìm cách gặp Đức Giêsu.” Thái độ “tìm gặp của Hêrôđê” được đặt đối nghịch với thái độ của những người mở rộng với mạc khải của Thiên Chúa trong cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Lc 23:35-49). Nói cách khác, Hêrôđê muốn gặp Chúa Giêsu để thoả mãn tình “tò mò” của mình chứ không phải để “trở nên môn đệ của Ngài.” Còn những người mở rộng cõi lòng đón nhận mạc khải của Thiên Chúa qua Đấng bị treo trên thập giá không phải để thoả mãn sự tò mò, nhưng để trở nên môn đệ của Ngài hầu được sai đi loan báo điều họ vừa chứng kiến. Tóm lại, điều Thánh Luca muốn thính giả mình nhận ra trong trình thuật hôm nay là nếu họ không tìm cách gặp gỡ Chúa Giêsu, họ sẽ không bao giờ biết được Ngài là ai. Bên cạnh đó, họ phải xét lại động lực tìm gặp Chúa Giêsu: họ tìm gặp không phải để thoả mãn tính tò mò, nhưng là để trở thành môn đệ của Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB