Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Lễ Giáng Sinh – Thánh Têphanô, Tử Đạo Tiên Khởi –

(Cv 6:8-10; 7:54-60; Mt 10:17-22)

Theo truyền thống, chúng ta có lý do để tin rằng Thánh Têphanô là một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, thánh nhân được chọn làm một trong bảy phó tế của Giáo Hội tiên khởi. Sứ vụ của thánh nhân sinh nhiều hoa trái và vì vậy làm cho nhiều người ghen ghét và chống đối. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, khi sống hoàn toàn cho Chúa, chúng ta cũng sẽ đối diện với kinh nghiệm bị chống đối và loại trừ. Nhưng trong những giây phút đó, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Chúa và sống Tin Mừng yêu thương và tha thứ.

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về việc tử đạo của Thánh Têphanô. Tác giả sách Công Vụ Các Tông Đồ trình bày Thánh Têphanô là người “được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (Cv 6:8). Việc làm điềm thiêng dấu lạ của những người môn đệ Chúa Giêsu luôn có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, với quyền lực của Thiên Chúa mà người môn đệ thực hiện những kỳ công. Nhiều lần, khi làm được điều gì đó mang lại danh thơm tiếng tốt, chúng ta cho đó là do sức riêng của mình mà quên mất mọi sự đến từ Thiên Chúa. Thánh Têphanô làm điềm thiêng dấu lạ vì thánh nhân được đầy ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa. Vì thánh nhân đã luôn sống cho Thiên Chúa nên đã gây ra sự chống đối trong những người thuộc hội đường, là những người đi tìm danh vọng riêng cho chính mình. Vì được đầy ân sủng và quyền năng, nên không ai có thể “địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông” (Cv 6:10). Chi tiết này cho thấy, Thánh Têphanô chỉ tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa, chứ không tìm ở người đời. Còn chúng ta, sự khôn ngoan của chúng ta đến từ đâu: Thiên Chúa hay người đời?

Chi tiết thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm là những lời cuối cùng của Thánh Têphanô trước khi chết: “‘Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.’ Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.’ Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7:59-60). Chúng ta nhận ra những lời này là lời của Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên thập giá. Điều này dạy chúng ta rằng: Cuộc đời của người môn đệ phải lặp lại cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là trong hành động tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và trong đời sống yêu thương và tha thứ. Nói cách cụ thể hơn, mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mỗi lời nói của chúng ta phải phản chiếu những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ về thực tại họ sẽ bị trao nộp khi theo Ngài. Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta thấy các môn đệ sẽ bị trao nộp bởi hai loại người:

(1) Những người ở bên ngoài: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:17-20). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ thái độ họ cần phải có khi bị “người đời” trao nộp, đó là họ hoàn toàn tin tưởng và để Thần Khí của Thiên Chúa Cha hướng dẫn họ trong việc làm chứng. Nói cách cụ thể hơn, khi chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa, chúng ta phải hoàn toàn để cho mình dễ dạy với Chúa Thánh Thần chứ không đi tìm những luận chứng con người để trình bày. Thật vậy, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta tìm những lý do con người để làm chứng cho Chúa. Càng sử dụng những lối suy luận con người bao nhiêu, ngườc khác càng xa Chúa và không tin Chúa bấy nhiêu. Tuy nhiên, những khi bị bắt bớ, chúng ta chỉ nói với ngôn ngữ của tình yêu cho dù phải đau khổ để người khác sẽ nhận ra được Thiên Chúa là ai mà chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ và chết. Đó chính là cách làm chứng tốt nhất mà chúng ta có thể làm như Thánh Têphanô đã làm.

(2) Những người trong gia đình của mình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10:21-22). Cuộc sống dạy chúng ta rằng, chúng ta sẽ đau buồn hơn khi một người thân của chúng ta ‘phản bội’ hay ‘trao nộp’ [làm tổn thương] chúng ta. Điều này xảy ra cho hết mọi người, ngay cả những người theo Chúa Giêsu. Trong những trường hợp như thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cần có sự “bền chí” [kiên nhẫn chịu đựng]. Theo Chúa Giêsu, chỉ những người bền chí mới được cứu độ! Hay nói cụ thể hơn, chỉ những người bền chí mới có thể làm cho việc làm chứng của họ sinh hoa trái trong đời sống những người thân của họ.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB