Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Đức Kitô: Đấng Ban Sự Sống

(Xh 16:2-4.12-15; Ep 4:17.20-24; Ga 6:24-35)

Thông thường, con người thường phàn nàn kêu ca khi những nhu cầu thân xác của mình không được thoả mãn. Ít người phàn nàn khi nhu cầu thiêng liêng không được thoả mãn. Đây là điều dân Israel làm trong bài đọc 1 hôm nay. Họ đã phàn nàn kêu ca khi bị đói khát: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16:3). Khi rơi vào cảnh túng thiếu, chúng ta thường “hồi tưởng” lại những “kỷ niệm đẹp” của quá khứ, mà ít khi nhìn về một tương lai tươi sáng đang chờ đợi chúng ta. Thật vậy, khi bị túng thiếu, con cái Israel đã nhớ về những giây phút “huy hoàng” trong đất nô lệ Ai Cập mà quên mất một tương lai tươi sáng Thiên Chúa chuẩn bị cho họ trong đất hứa, vùng đất tự do.

Điều đáng để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là lời Đức Chúa phán với ông Môsê trước sự phàn nàn của dân Israel: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không.  Ngày thứ sáu, khi chúng dọn phần ăn đã đưa về, sẽ có gấp đôi phần chúng lượm mỗi ngày” (Xh 16:4-5). Trong những lời này, chúng ta thấy rằng trong cái nhìn Kitô giáo, những khó khăn trong cuộc sống có thể là thử thách để thử lòng chúng ta xem có trung thành với Thiên Chúa không? Người ta thường nói: Tình yêu thật phải được thử thách. Thật vậy, một người yêu người khác chỉ khi thịnh vượng thì không yêu thật. Yêu một người với một tình yêu chân thật là yêu người đó khi “thinh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ.” Tình yêu dành cho Chúa cũng vậy. Chúng ta cũng phải trung thành với tình yêu của mình dành cho Chúa ngay cả khi gặp thử thách và gian nan.

Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Êphêxô về lối sống của họ. Họ phải sống khác khi họ đã tin vào Chúa. Nói cách khác, đức tin họ đón nhận phải làm cho cuộc sống của họ hoàn toàn khác với những người không tin: “Đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ” (Eph 4:17). Việc biết Đức Kitô phải làm cho họ cởi bỏ con người cũ để hoàn toàn sống với con người mới trong Chúa Thánh Thần: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4:22-24). Những lời này làm chúng ta suy gẫm: Chúng ta đã biết Đức Kitô, đã theo Ngài từ lâu, nhưng chúng ta đã sống công chính và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa chưa? Nhiều lần chúng ta đã tự hào mình là người Kitô hữu, nhưng đã không sống xứng đáng với danh hiệu ấy. Lối sống của chúng ta không khác, nhiều khi còn tệ hơn những anh chị em thuộc tôn giáo khác. Được tạo dựng theo hình ảnh và hơn nữa còn được gọi là con Thiên Chúa, chúng ta cần phải sống với tâm trí được đổi mới chứ không chạy theo những ham muốn chống qua của đời này.

Bắt đầu Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đang nghe Tin Mừng từ chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan. Đây là chương nói về việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều và cuộc “tranh luận” về Bánh Hằng Sống. Nhiều tác giả Kinh Thánh cho rằng, chương này thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong tin Mừng Thánh Gioan [chúng ta không tìm thấy trình thuật về việc Chúa Giêsu thành lập Bí Tích Thánh Thể như trong Tin Mừng Nhất Lãm].

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, điều đầu tiên gợi lên cho chúng ta là câu hỏi: Tại sao chúng ta tìm đến Chúa Giêsu? Chúng ta tìm thấy câu trả lời đúng nhất từ những lời Chúa Giêsu nói với người Do Thái. Một cách cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với những người Do Thái sau khi được ăn bánh no nê và chứng kiến dấu lạ Ngài làm. Chúa Giêsu chỉ ra cho họ lý do họ tìm đến Ngài và điều Ngài mong ước khi họ đến với Ngài là gì. Đây cũng là điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy niệm hôm nay. Chúng ta chia bài Tin Mừng hôm nay thành 2 phần: Bối cảnh của đối thoại (Ga 6:22-24); nội dung cuộc đối thoại (Ga 6:25-27).

Bối cảnh (Ga 6:22-24): “Sau khi Đức Giêsu cho năm ngàn người ăn no nê, các môn đệ thấy Người đi trên mặt Biển Hồ. Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Người.” Sau dấu lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng trở về nhà, và ngày hôm sau họ trở lại để tìm Chúa Giêsu, tìm người đã cho họ ăn no nê. Thoáng nhìn, chúng ta thấy động lực của họ thật tốt: họ muốn “tìm Người.” Tuy nhiên, đây chỉ là động lực bên ngoài mà chúng ta có thể quan sát được, còn động lực bên trong chúng ta không thể thấy. Chúng ta phải nhờ đến cuộc đối thoại với Chúa Giêsu; và Ngài chỉ ra cho chúng ta động lực đích thật họ tìm Ngài không phải vì Ngài mà vì một điều khác, đó là “được ăn bánh miễn phí.” Điều này có ý nghĩa gì với cuộc sống chúng ta? Trong cuộc sống, thường chúng ta chỉ biết được động lực của một người qua việc quan sát những hành động bên ngoài. Chúng ta không thể biết được ý hướng bên trong của người đó. Vì vậy, chúng ta cần phải cẩn thận trong nhận định của mình. Chỉ với con tim và ánh mắt của Chúa Giêsu chúng ta mới có thể có những nhận định đúng đắn về anh chị em của mình. Đừng xét đoán khi chúng ta không biết những gì người anh chị em của mình đang trải qua.

Đối thoại (Ga 6:25-29): Cuộc đối thoại xảy ra như sau:

[Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ]

Người Do Thái: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Chúa Giêsu: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”

Người Do Thái: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”

Chúa Giêsu: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

Trong cuộc đối thoại này, chúng ta nhận ra hai điểm sau đây:

Thứ nhất, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của người Do Thái, “thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Thay vì trả lời Chúa Giêsu như “khiển trách” họ và đưa họ vào trong thế giới nội tâm, nhìn lại động lực của mình. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu cho thấy rằng việc hoá bánh ra nhiều cho họ ăn là “dấu chỉ,” tức là ám chỉ một thực tại khác, trong khi họ chỉ dừng lại ở thực tại bên ngoài, đó là “họ đã ăn no nê.” Chúa Giêsu tiếp tục phân tích cho họ rằng lương thực họ ăn chính là lương thực mau hư nát, nó chỉ là “dấu chỉ” một của ăn đem lại phúc trường sinh mà chính Ngài trao ban, đó chính là Máu Thịt Ngài. Qua chi tiết này, chúng ta được nhắc nhở rằng: Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng không thể vượt qua những gì xuất hiện bên ngoài để đọc được sứ điệp bên trong của sự kiện. Mỗi một sự kiện vui hoặc buồn xảy ra trong cuộc đời của chúng ta đều chứa đựng một sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Chỉ những người không dừng lại ở sự kiện mới có thể đọc được sứ điệp đó.

Thứ hai, có sự khác biệt giữa suy nghĩ của Chúa Giêsu và người Do Thái. Khi Chúa Giêsu nói họ phải “làm việc” cho lương thực trường tồn họ liền nghĩ ngay đến “những việc Thiên Chúa muốn.” Họ nghĩ đến việc theo số nhiều. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho họ biết rằng, chỉ có một việc quan trọng mà Thiên Chúa muốn họ làm, đó là tin vào Ngài. Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với thực tại của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thường tự hào mình làm được nhiều việc. Chúng ta bận rộn với “những công việc” của chúng ta đến nỗi chúng ta không còn giờ để dành cho Chúa và cho người thân của mình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt lại giá trị của cuộc sống. Chúng ta làm nhiều việc là tốt. Nhưng những việc chúng ta làm phải mang lại cho chúng ta cuộc sống trường sinh. Đừng chỉ dừng lại ở cuộc sống trần thế vì quê hương thật của chúng ta ở trên trời.

Trước khi Chúa Giêsu mời gọi người Do Thái hãy làm việc cho lương thực trường tồn, Ngài “trách khéo” họ về việc họ đến với Ngài không phải vì họ đã thấy dấu lạ, nhưng họ đến chỉ vì đã được ăn bánh “miễn phí” cách no nê. Nắm lấy cơ hội Chúa Giêsu nói đến dấu lạ, dân chúng liền tra vấn Ngài về dấu lạ Ngài làm mà họ không nhận ra. Người Do Thái nại đến Môsê để tra vấn Chúa Giêsu. Điều này làm cho cuộc đối thoại được xem là cuộc tranh luận về quyền của Chúa Giêsu và Môsê trong tương quan với người Do Thái: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (Ga 6:31). Trong những lời này, chúng ta thấy có một sự liên kết giữa việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh cho người Do Thái ăn với việc cha ông của họ ăn manna trong sa mạc. Đối với họ, việc ông Môsê “cho tổ tiên họ ăn manna” là dấu lạ. Còn việc Chúa Giêsu làm không phải là dấu lạ. Nên họ mới hỏi Ngài: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?” (Ga 6:30). Người Do Thái đã không nhận ra sự liên kết giữa dấu lạ Chúa Giêsu làm và dấu lạ của manna trong sa mạc. Nói cách cụ thể hơn, họ không thể liên kết việc Thiên Chúa nuôi cha ông họ trong sa mạc qua manna và việc Thiên Chúa ban cho họ bánh ăn qua “dấu lạ bánh hằng sống.”

Nhìn từ khía cạnh khác, chúng ta có thể nói rằng: Đối với Do Thái, việc ăn manna trong sa mạc là do ông Môsê ban cho tổ tiên của họ. Họ không thể vượt qua được cái nhìn về Môsê. Họ xem ông như “thực tại” và dừng lại đó, chứ không xem ông như là “dấu chỉ” hướng họ đến Đấng ban cho họ manna. Vì vậy, Chúa Giêsu đưa họ vượt qua cái nhìn về Môsê để nhận ra Thiên Chúa, Cha của Ngài là Đấng ban cho họ manna và sẽ ban cho họ bánh bởi trời: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6:32-33). Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường dừng lại ở “dấu chỉ” hơn là thực tại, vì dấu chỉ thì thường có sức thu hút và quyến rũ hơn vì nó nhắm đến giác quan của chúng ta. Còn thực tại phía sau thì thường vô hình, không xuất hiện cho giác quan, nên nhiều khi không có sứ hấp dẫn chúng ta. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ khi vượt qua những gì giác quan thấy, chúng ta mới có thể đọc được những giá trị thiêng liêng dấu ẩn đằng sau. Người khôn ngoan thoả mãn với những gì họ thấy và trải nghiệm, nhưng đọc được ý nghĩa trong tất cả những gì họ thấy và trải nghiệm.

Khi nghe nói đến thứ bánh đem lại sự sống, người Do Thái dù không hiểu thứ bánh đó là gì vẫn “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (Ga 6:34). Họ cứ nghĩ là thứ bánh được làm từ lúa miến mà họ đã được ăn trong mấy ngày vừa qua. Chúa Giêsu khẳng định cho họ rằng, thứ bánh đó chỉ là dấu chỉ, vì “chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35). Chúa Giêsu đưa họ đi từ tấm bánh nuôi dưỡng thân xác, nuôi dưỡng sự sống thể lý, đến tấm bánh mang lại sự sống vĩnh cửu. Nơi Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không còn phải đói và khát. Cái đói và khát ở đây không phải là cái đói và khát của thể lý, nhưng là cái đói và khát của đời sống thiêng liêng, của tình yêu, tha thứ và ý nghĩa của cuộc sống. Thật vậy, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm thấy những gì chúng ta cần để có được một đời sống ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB