2 Tm 2:8-15; Mc 12:28b-34
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói cho Timôthê biết việc ngài phải chịu đau khổ nhiều trên con đường loan báo Tin Mừng: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2 Tm 2:9-10). Trong những lời trên, Thánh Phaolô cho thấy, trong mọi hoàn cảnh, lời Thiên Chúa phải được công bố vì lời Thiên Chúa không bao giờ bị xiềng xích dù người sai đi bị xiềng xích. Điều này ám chỉ việc chúng ta phải công bố lời Thiên Chúa dù có phải bị tù đày, loại trừ hay ghen ghét. Đây chính là việc sẵn sàng chết đi vì Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm. Cuộc đời người môn đệ là nỗ lực để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.
Bên cạnh đó, Thánh Phaolô cũng chỉ cho Timôthê thấy một điều mà người môn đệ Chúa Giêsu luôn tin cậy, đó là: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2:11-13). Những lời này chỉ ra bốn cặp tương đồng mà người môn đệ thực hiện và hệ quả kèm theo: chết-sống, chịu đựng-hiển trị, chối bỏ-bị chối bỏ, không trung tín-trung tín. Điều an ủi chúng ta ở đây là Thiên Chúa luôn trung tín dù chúng ta nhiều lần không trung tín với Ngài. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại tương quan của mình với Chúa. Chúng ta có hoàn toàn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa không? Chỉ khi chúng ta có tương quan mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể chết với Ngài, kiên tâm chịu đựng, không chối bỏ và luôn một lòng trung tín với Ngài. Nói tóm lại, khi chúng ta luôn sống kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta sẽ “ra trước mặt Thiên Chúa như một người đã được thử luyện, một người thợ không có gì phải xấu hổ, một người thẳng thắn dạy lời chân lý” (2 Tm 2:15).
Sau khi thấy Chúa Giêsu phá cạm bẫy người Pharisêu và những người theo nhóm Hêrôđê về việc nộp thuế, đồng thời thấy mọi người kinh ngạc về sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thì một người kinh sư liền đến hỏi Ngài về giới răn hàng đầu trong mọi điều răn: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” (Mc 12:28b). Đây là cuộc tranh luận thứ tư. Cuộc tranh luận này liên quan đến điều răn hàng đầu trong 613 điều răn trong Cựu Ước. Đây là đề tài luôn được đưa ra tranh luận giữa những thầy dạy Do Thái. Câu trả lời của Chúa Giêsu liên kết hai câu trích trong Cựu Ước, đó là Đnl 6:4-5 và Lv 19:18: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó” (Mc 12: 29-31). Khi sử dụng hai bản văn Cựu Ước, Chúa Giêsu chỉ cho thấy Ngài là một thầy dạy người Do Thái chính thống và chứng minh rằng Ngài luôn thích đi đến ngọn nguồn của vấn đề. Chúa Giêsu trích bản văn của sách Đệ Nhị Luật. Đây là bản văn đầu tiên trong ba bản văn mà những người Do Thái đạo đức phải đọc hai lần mỗi ngày (x. Đnl 6:4-9; 11:13-21; Ds 15:37-41). Giới răn yêu Chúa tuôn chảy từ bản chất của Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Bốn danh từ [lòng, linh hồn, trí khôn, sức lực] không ám chỉ những bộ phận khác nhau của con người nhưng là cách thức để nhấn mạnh rằng toàn bộ con người phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả những gì mình có. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình khi đến với Chúa. Chúng ta có đến với Ngài với trọn con người của mình không? Mặc dù chỉ hỏi một giới răn, Chúa Giêsu thêm một giới răn khác. Khi thêm giới răn này vào giới răn mến Chúa, Chúa Giêsu không có ý đánh đồng hoặc nối kết hai giới răn này với nhau. Nói cách khác, Chúa Giêsu không có ý nói hai giới răn này ngang bằng nhau (x. Lc 10:27). Hai giới răn được nối kết với nhau bởi từ “yêu.” Việc Chúa Giêsu đưa hai giới răn lại với nhau là một hành động mang tính thần học, ám chỉ đến việc tình yêu chúng ta dành cho anh chị em mình tuôn chảy từ tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Trước câu trả lời khôn ngoan của Chúa Giêsu, người kinh sư “kinh ngạc” thốt lên: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12:32-33). Trong những lời này, chúng ta thấy người kinh sư đồng ý với câu trả lời của Chúa Giêsu. Sự đồng ý này được diễn tả qua việc lặp lại câu trả lời của Chúa Giêsu với cung giọng tôn trọng chứ không chống đối hoặc thách đố. Bên cạnh đồng ý với Chúa Giêsu, người kinh sư còn làm một sự so sánh giữa tình yêu dành cho Chúa và người thân cận với mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. Lời so sánh này vọng lại lời của ngôn sứ Hôsê (6:6) và trong sách Samuen (1 Sm 15:22). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này không mang nghĩa chống lại toàn bộ hệ thống hy lễ. Trong bối cảnh này, việc yêu Chúa và người thân cận phải là nguyên lý quan trọng nhất chi phối toàn bộ hệ thống hy lễ. Nói cách cụ thể, việc dâng hy lễ là cách thức diễn tả tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ cần có khi đến dâng hy lễ, nhất là trong thánh lễ. Sự tham dự của chúng ta trong những buổi cử hành hy lễ này phải là sự diễn tả tình yêu của mình cho Thiên Chúa và anh chị em. Cụ thể hơn, sau mỗi buỗi cử hành hy lễ, tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình phải sâu đậm và thắm thiết hơn.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB