Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật V Mùa Chay – Làm Chứng Cho Chúa Giêsu Qua Những Việc Lành

(Gr 20:10-13; Ga 10:31-42)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta lời tâm sự của Ngôn Sứ Giêrêmia với Đức Chúa khi ông đối diện với bắt bớ và chống đối: “Khi ấy, ông Giêrêmia thưa với Chúa rằng: Con nghe biết bao người vu cáo: ‘Kìa, lão ‘Tứ phía kinh hoàng!’ hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!’ Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!” (Gr 20:10). Thái độ này của ngôn sứ đáng để chúng ta học hỏi vì khi bị chống đối hay bắt bớ, chúng ta thường tìm sự giúp đỡ nơi người đời hoặc tìm cách chống lại, chứ ít khi chạy đến với Thiên Chúa. Giêrêmia chạy đến với Chúa vì ông biết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi mình và Ngài sẽ giúp ông chiến thắng những kẻ hại ông: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên” (Gr 20:11). Hình ảnh của Giêrêmia nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống dù chung quanh ta không còn ai nâng đỡ và mọi người lánh xa thì Thiên Chúa vẫn luôn ở gần bên. Ngài ở đó cho chúng ta luôn luôn. Điều quan trọng là chúng ta có để Ngài quan tâm và yêu thương chúng ta không.

Hôm qua, chúng ta thấy người Do Thái muốn bắt Chúa Giêsu vì họ cho là Ngài đã nói phạm thượng. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục đưa chúng ta vào sâu trong sự ‘đối kháng’ giữa Chúa Giêsu và người Do Thái để cuối cùng dẫn đến cái chết trên thập giá của Ngài. Chính việc Chúa Giêsu khẳng định Ngài và Chúa Cha là một đã làm cho những người Do Thái giận dữ, xem đó là một lời nói phạm thượng. Đứng trước sự giận dữ của người Do Thái, Chúa Giêsu đối chất với họ về thái độ muốn ném đá Ngài của họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10:32). Chúa Giêsu đã dùng hành động [dấu lạ Ngài đã thực hiện] để chứng minh rằng điều Ngài nói là chân thật. Nhưng những người Do Thái đã từ chối chấp nhận những công việc tốt đẹp như là chứng cớ cho biết Chúa Giêsu và Chúa Cha là một: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10:33). Chi tiết này một cách nào đó khuyến cáo chúng ta về sự chậm tin. Chúng ta thấy những phép lạ Thiên Chúa thực hiện trong đời sống thường ngày, nhưng ta không chịu tin. Chúng ta dần dần ‘ném đá giết chết’ Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình qua thái độ dửng dưng, vô cảm và không có lòng biết ơn. Hãy là những người tin chứ đừng là những người tin nửa vời.

Chúa Giêsu sử dụng lời Kinh Thánh để chỉ cho người Do Thái biết điều Ngài khẳng định không có gì sai: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10:34-38). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa những người chống đối về lại với ý nghĩa của Kinh Thánh và khẳng định với họ Ngài đến để hoàn thành những gì Kinh Thánh đã nói về Ngài. Bên cạnh đó, Ngài cũng khẳng định giá trị trường tồn của Kinh Thánh. Chính những lời Kinh Thánh làm chứng về nguồn gốc của Ngài vì Ngài và Chúa Cha là một. Chi tiết này mời gọi chúng ta có lòng yêu mến Kinh Thánh, vì trong đó chúng ta tìm thấy lời Chúa, là lời mang lại sự sống.

Sự ‘đối kháng’ được giảm bớt qua việc Chúa Giêsu lánh sang bên kia sông Giođan. Sự kiện này đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu: “Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: ‘Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.’ Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu (Ga 10:40-42). Việc lánh mặt của Chúa Giêsu về bên kia sông Giođan mang một ý nghĩa quan trọng, đó là đưa thính giả của Ngài về với những gì đã xảy ra ở đó. Trong bối cảnh đó, họ mới có được sự so sánh giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Chính qua điều này, họ nhận ra được sự cao trọng của Chúa Giêsu qua lời chứng của Gioan về Chúa Giêsu và họ tin vào Chúa Giêsu. Đức tin là một hành trình tìm kiếm. Chỉ những người giữ được sự kiên định trong việc đến với Chúa Giêsu dù Ngài đi đâu, ở đâu mới có thể hoàn thành hành trình đức tin của mình trong hy vọng và tình mến.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB